Trang chủ    Quốc tế    Chính sách của chính quyền Donald Trump đối với Ấn Độ trong bối cảnh Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Thứ hai, 27 Tháng 7 2020 13:03
1728 Lượt xem

Chính sách của chính quyền Donald Trump đối với Ấn Độ trong bối cảnh Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở

(LLCT) - Trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ được Chính quyền Donald Trump coi là quốc gia chủ chốt giúp Mỹ bảo vệ lợi ích tại khu vực và duy trì vị thế thống trị thế giới. Bằng những hành động cụ thể trên cả ba mặt trận ngoại giao, kinh tế, quân sự, Mỹ khai thác tối đa mâu thuẫn Ấn - Trung, lôi kéo Ấn Độ về phía mình để kiềm chế Trung Quốc. Đồng thời, với chính sách đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, Ấn Độ đang trở thành một thị trường béo bở cho các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ. Sự tương đồng về lợi ích, ý chí của lãnh đạo hai nước đang góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ - Ấn ngày càng trở nên khăng khít hơn. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Chính quyền Donald Trump đang coi Ấn Độ là nhân tố cân bằng quyền lực tại châu Á và là quốc gia quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Từ khóa: chính sách của Chính quyền Donald Trump, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ.

1. Vị trí của Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Donald Trump

Ấn Độ là quốc gia có diện tích và quy mô dân số lớn nhất Nam Á. Hiện nay, Ấn Độ là nước có tốc độ phát triển kinh tế, quân sự nhanh nhất và là nhân tố chủ chốt duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực này. Vì thế, Mỹ coi Ấn Độ là đối tác quan trọng, “đồng minh tự nhiên” trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đóng vai trò cốt tử trong chiến lược toàn cầu của Mỹ tại khu vực Nam Á. Trên thực tế, đây là khu vực đang có những bất ổn định về chính trị đặc biệt là vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia láng giềng với nhau, nên cũng gây ra những thách thức lớn đối với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hòa bình khu vực. Do đó, vai trò của Ấn Độ ngày càng được nâng lên với vị thế chủ chốt trong việc giữ gìn ổn định hòa bình và phát triển khu vực. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump ưu tiên đạt được 3 mục tiêu tại châu Á đó là duy trì sự ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bảo vệ lợi ích thương mại của Mỹ và kiểm soát chế độ Bắc Triều Tiên. Ấn Độ hội tụ khả năng có thể giúp Mỹ đạt được 3 mục tiêu trên. Đây là yếu tố quyết định khiến chính quyền Trump ưu tiên chính sách đối ngoại với Ấn Độ.

Từ một góc nhìn khác, Mỹ đánh giá Ấn Độ là một “đối trọng” của Trung Quốc tại khu vực do hai nước có tương xứng về diện tích, dân số và sự vươn lên ấn tượng trong thập nhiên vừa qua về cả sức mạnh cứng, sức mạnh mềm và sức mạnh sắc bén. Ấn Độ là một trong những nước trên thế giới không tham gia vào Sáng kiến “Vành đai, Con đường của Trung Quốc” đồng thời ủng hộ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Do đó, hơn bao giờ hết, Mỹ cần ưu tiên thắt chặt quan hệ Mỹ - Ấn vì những mục tiêu quốc gia trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Có thể thấy, chính quyền Tổng thống Trump đã bước đầu đạt được những thành công trong quan hệ với Ấn Độ. Hai nước đã nâng cấp mối quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu với những đột phá quan trọng trên nhiều lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế và an ninh - quân sự. Mối quan hệ tốt đẹp này cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Philippines, Thái Lan...  góp phần củng cố mạng lưới đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á. Thông qua đó, duy trì và củng cố vị thế, tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực, thay đổi cán cân lực lượng ở khu vực theo hướng có lợi cho Mỹ, nhất là trong toan tính kiềm chế “đối thủ” Trung Quốc. Tuy Ấn Độ xác định không trở thành “quân bài” của Mỹ trong chiến lược bao vây, kiềm chế Trung Quốc nhưng quan hệ Mỹ - Ấn Độ phát triển mạnh mẽ đã phần nào ngăn chặn và hạn chế được việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt là tại khu vực Nam Á, nơi được coi là sân sau của Ấn Độ.

Như vậy, với vị trí địa chiến lược quan trọng cùng với quy mô về diện tích, dân số, kinh tế, quân sự to lớn, Ấn Độ trở thành quốc gia có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Chính quyền Trump nhận diện được những lợi ích to lớn trong quan hệ với Ấn Độ vì nước này có đủ năng lực đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh khu vực. Điều đó góp phần không nhỏ giúp giảm bớt gánh nặng an ninh cho Mỹ, nhất là hải quân nước này. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ tập trung đối phó với các điểm nóng an ninh khác ở khu vực và trên thế giới. Hợp tác quân sự trở thành mặt trận chiến lược trong quan hệ hai nước. Mỹ coi Ấn Độ là thành viên chủ chốt trong nhóm “Bộ tứ kim cương - Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản - Australia”. Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ năm 2017 “hoan nghênh việc Ấn Độ trỗi dậy như một cường quốc hàng đầu thế giới, một đối tác về quốc phòng và chiến lược có trọng lượng của cường quốc này”.

2. Chính sách hợp tác của chính quyền Donald Trump với Ấn Độ

Về phía Mỹ, mục tiêu quan trọng trong mối quan hệ với Ấn Độ là bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ, cụ thể là giữ vị thế và tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á, làm suy yếu và dần loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc; củng cố vững chắc trật tự chính trị kinh tế rộng mở do Mỹ dẫn dắt tại châu Á. Chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực sau:

 Về quốc phòng - an ninh:

Mối quan hệ trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh được xem là căn cốt trong quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu Mỹ - Ấn nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của mỗi nước và chia sẻ những giá trị chung vì mục tiêu là đảm bảo an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia tháng 12-2017, Mỹ cam kết: “làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược với Ấn Độ và hỗ trợ vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong an ninh Ấn Độ Dương và trong toàn khu vực rộng lớn hơn”.

Luật Sáng  kiến tái bảo đảm châu Á của Mỹ năm 2018 khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ - Ấn trong việc thúc đẩy hòa bình an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; kêu gọi tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, kinh tế và an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ. Hai quốc gia thống nhất cam kết duy trì Khuôn khổ mới về quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn ký tại Arlington, Virginia ngày 28-6-2005, Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng Mỹ - Ấn khởi xướng năm 2012, Tầm nhìn Chiến lược chung  đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương công bố vào ngày 25-1-2015, Tuyên bố chung về sự thịnh vượng thông qua quan hệ đối tác công bố ngày 26-6-2017. Mỹ cấp cho Ấn Độ quy chế đối tác quốc phòng quan trọng. Trên nền tảng là những cam kết đã đạt được, nhằm nâng tầm thương mại quốc phòng và hợp tác công nghệ giữa Mỹ và Ấn Độ ngang tầm với đồng minh và đối tác thân cận nhất của Mỹ, chính quyền Nhà trắng tiến hành thể chế hóa các cam kết mở đường cho việc tiếp cận tự do bằng sáng  chế với mức độ rộng đối với công nghệ lưỡng dụng, tạo thuận lợi cho việc điều phối tập trận chung về chính sách và chiến lược quốc phòng, trao đổi quân sự và viếng thăm hải cảng hỗ trợ cho hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ.

Chính quyền Donald Trump chủ trương lôi kéo Ấn Độ vào liên minh quân sự bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Ngày 26-6-2017, nhân dịp chuyến thăm của Thủ tướng Modi, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã phê chuẩn thương vụ bán máy bay vận tải quân sự C-17 trị giá 365 triệu USD cho New Dehli, chấp thuận bán các máy bay không người lái Guardian MQ-9B trị giá 2 tỷ USD nhằm giúp Ấn Độ tăng cường hoạt động giám sát trên Ấn Độ Dương. Đầu năm 2018, Lầu Năm Góc đã đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - động thái được coi là “bật đèn xanh” sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Ấn Độ(1). Mỹ quyết định ngưng khoản viện trợ 300 triệu USD của Quỹ hỗ trợ liên minh (CSF) cho Pakistan(2), và động thái này được Ấn Độ hoan nghênh.

Tại cuộc Đối thoại Chiến lược Ấn - Mỹ 2+2 tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ ngày 6-9-2018, hai bên đã ký Thỏa thuận An ninh và Tương thích Liên lạc (COMCASA), mở đường cho việc bán các thiết bị quân sự nhạy cảm của Mỹ sang quốc gia Nam Á này, trong đó có máy bay không người lái Guardian; cho phép Ấn Độ tiếp cận thiết bị liên lạc quân sự từ Mỹ và cho phép trao đổi các thông tin đã được mã hóa trên nền tảng sử dụng chung giữa lực lượng vũ trang Ấn Độ và Mỹ.

Trong báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 1-6-2019, Mỹ khẳng định tiếp tục tạo thuận lợi cho việc hợp tác thương mại quốc phòng, chia sẻ công nghệ quốc phòng, hợp tác về công nghiệp quốc phòng và đổi mới quốc phòng, trong đó tập trung vào đồng phát triển và sản xuất trang thiết bị vũ khí phục vụ cho hiện đại hóa quân đội. Phía Mỹ khẳng định hai nước tổ chức tập trận chung với sự tham gia của 3 quân chủng hai nước lần đầu tiên sẽ được tổ chức, tiếp tục hợp tác về an ninh biển, giám sát biển, cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển, chống khủng bố, và các vấn đề xuyên quốc gia khác.

Từ ngày 13 đến 21-11-2019, Ấn Độ và Mỹ tổ chức tập trận chung mang tên “Tiger Triumph” với sự tham gia của 3 quân chủng hải, lục, không quân 2 nước dọc theo bờ biển phía đông Vịnh Bengal. Trọng tâm của cuộc tập trận này là hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, các khoa mục khác cũng được thực hiện như bảo đảm an ninh hàng hải, tác chiến đổ bộ. Ngoài ra, trong cuộc tập trận này, hai bên tiến hành thử nghiệm các giải pháp công nghệ không gian mạng và chia sẻ thông tin liên lạc đã ký kết với Mỹ(3).

Hiện có nhiều động thái cho thấy Chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy thỏa thuận quân sự thứ ba với Mỹ nhằm nâng cao khả năng đối phó với Trung Quốc và Pakistan sau một loạt đụng độ giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc dọc theo đường kiểm soát thực tế hai bên. Ấn Độ đã ký với Mỹ hai văn kiện gồm LEMOA, COMCASA. Tuy nhiên, hai nước vẫn chưa ký thỏa thuận thứ ba có tên là Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản về không gian địa lý (BECA)(4). Theo luật pháp của Mỹ, một quốc gia cần phải ký 3 thỏa thuận trên để có thể sở hữu các hệ thống vũ khí, và liên lạc tối tân từ Mỹ, trong đó có khí tài quân sự công nghệ cao. Nếu có được thỏa thuận này, quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn sẽ được đẩy lên một cấp độ mới cho phép hai nước triển khai công tác đánh giá chung về mối đe dọa, lên kế hoạch khẩn cấp cho các hoạt động chung, chia sẻ thông tin tình báo, diễn tập chỉ huy và huấn luyện thực địa, kiểm soát và liên lạc, lên kế hoạch cho triển khai tác chiến và hỗ trợ hậu cần. Sự hợp tác quốc phòng song phương Mỹ - Ấn trở nên mạnh mẽ hơn nhờ việc ký kết các thỏa thuận như  LEMOA và COMCASA song vẫn cần BECA như một thành tố căn bản cuối cùng để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn.

Về chính trị - ngoại giao

Dưới thời Chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ coi Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Trong chuyến thăm Mỹ ngày 26-6-2017 của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, Tổng thống Donald Trump ca ngợi quan hệ giữa Washington và New Dehli “vững mạnh hơn bao giờ hết”, đánh giá Ấn Độ là một đối tác an ninh quan trọng, đáng tin cậy và bày tỏ tin tưởng những rào cản trong quan hệ thương mại song phương sẽ sớm được dỡ bỏ(5). Trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 25-10-2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilerson khẳng định “Mỹ ủng hộ Ấn Độ nổi lên trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, coi Ấn Độ là quốc gia chủ chốt trong Chiến lược của Mỹ vì một Afghanistan hòa bình và ổn định, giúp tăng cường tiềm lực và thể chế của Afghanistan”. Đồng thời Mỹ cũng mong muốn Ấn Độ hợp tác với Nhật Bản và Australia tạo nên một “tứ giác kim cương” bền vững chống lại các hành động hiếu chiến của Trung Quốc, trong đó có vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ muốn hợp tác với Ấn Độ xây dựng mạng lưới đường sá, hải cảng thay thế cho Sáng kiến đầy tham vọng “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Mỹ nhân dịp tham dự khóa họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22-9-2019, Tổng thống Donal Trump tiếp đón Thủ tướng Modi với một nghi thức long trọng chưa từng có và được vị khách đến từ New Delhi đáp lại bằng một phần quà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó là kêu gọi cử tri Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu ủng hộ ông Trump. Trong sự kiện “Xin chào Modi” tổ chức tại Texas, Tổng thống Trump gọi Thủ tướng Modi là “người bạn thực sự” của Nhà Trắng. Còn Thủ tướng Modi ca ngợi ông Trump về những nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế Mỹ và đưa mối quan hệ Mỹ - Ấn lên tầm cao mới. Trong bài nói chuyện, Thủ tướng Ấn Độ hưởng ứng khẩu hiệu tranh cử của Tổng thống Mỹ trước đây, nói rằng ông Trump “đã làm cho nền kinh tế Mỹ mạnh trở lại”. Chuyến thăm này đã làm dịu đi quan hệ căng thẳng hai nước khi Ấn Độ áp dụng mức thuế quan bổ sung với 28 mặt hàng của Mỹ sau khi Mỹ chấm dứt chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) đối với Ấn Độ vào tháng 6-2019.

Về kinh tế và thương mại

Mối quan hệ kinh tế - thương mại Ấn - Mỹ trước đây tương đối trầm thì nay đã tăng lên hơn 80 tỷ đô la một năm, chỉ tính riêng hàng hóa. Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ đã trở thành đối tác lớn thứ 9 của Mỹ với mức kim ngạch 2017 là 74,3 tỷ USD và nếu tính cả dịch vụ là 126.2 tỷ USD, hai bên cam kết nâng thương mại hai chiều lên 500 tỷ USD(6). Tháng 7-2018, Mỹ đồng ý xếp Ấn Độ ngang hàng với các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước đồng minh thân cận khác về lĩnh vực xuất khẩu công nghệ như phần cứng, phần mềm điện tử và thiết bị thông tin liên lạc.

Gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại hai nước đang vấp phải một số bất đồng. Tổng thống Trump vẫn coi Ấn Độ là quốc gia mà Mỹ có thâm thụt thương mại lớn. Căng thẳng giữa New Delhi và Washington gia tăng khi chiến lược “mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” của Tổng thống Donald Trump mâu thuẫn với chiến dịch “sản xuất tại Ấn Độ” của Thủ tướng Narendra Modi. Mỹ bày tỏ sự thiếu hài lòng với những hành động “mua hàng nội địa”, hạn chế đầu tư ra nước ngoài, phân biệt đối xử với doanh nghiệp nước ngoài và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ kém hiệu quả… của Ấn Độ. Các quan chức Mỹ đang cân nhắc việc loại Ấn Độ ra khỏi Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), một chương trình cho phép New Delhi xuất khẩu các hàng hóa như trang sức, phụ tùng xe và động cơ điện trị giá 5,6 tỷ đô la miễn thuế sang Mỹ (theo Reuters). Cũng cần phải nói thêm rẳng, GSP là chương trình nhằm giúp 121 quốc gia đang phát triển tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng Mỹ và theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ thì Ấn Độ là người hưởng lợi lớn nhất trong năm 2017.

Mặc dù vẫn còn một số những bất hòa nhưng các nhà ngoại giao và kinh tế nhận định rằng quan hệ thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ vẫn đang tiếp tục phát triển. Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi, hai bên đã cố gắng hạ nhiệt quan hệ, nhất trí sớm hoàn tất hiệp định thương mại song phương để loại bỏ những khác biệt trong quan hệ thương mại hai nước. Sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ngày 4-11-2019, Chính phủ Ấn Độ cho biết đang nghiên cứu một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ- động thái được cho là một sự thay đổi về chiến lược(7). Báo Times of India dẫn lời Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Piyush Goyal nói: “Hiện tại, Ấn Độ đang thăm dò các thỏa thuận thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu, nơi ngành công nghiệp và dịch vụ Ấn Độ có tính cạnh tranh và hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường phát triển lớn”. Ấn Độ đang vận động cho việc khôi phục toàn bộ lợi ích từ GPS, mặc dù Chính quyền Donald Trump cho đến nay ngụ ý sẽ khôi phục một phần hệ thống này.

Chính quyền Trump coi Ấn Độ là nhân tố cân bằng quyền lực tại châu Á và là quốc gia quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Do đó, Mỹ đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Ấn Độ, lôi kéo Ấn Độ tham gia bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Modi thực hiện chính sách ngoại giao khôn khéo, một mặt hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực mà hai bên có sự hội tụ về lợi ích, mặt khác tránh bị lôi kéo vào cuộc tranh giành quyền lực, đối đầu với Trung Quốc tại khu vực. Ấn Độ chỉ chấp nhận là nhân tố “cân bằng quyền lực” tại khu vực, giữ vững vị thế nước lớn trong trật tự thế giới đa cực hiện nay. Họ chấp nhận đi với Mỹ để tăng thế mặc cả với Trung Quốc. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần khéo léo, tận dụng sự gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn để phát triển đất nước, cân bằng quan hệ với các nước lớn, tránh bị lôi kéo tham gia vào cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020

(1) White House: US-India Joint Statement US and India: Prosperity through Partnership June 27, 2017.

(2)Theo Reuters: https://www.nhandan.org.vn s, ngày 22-12-2019.

(3) Dẫn theo; cis.org,vn: Ấn Độ và Mỹ tăng cường quan hệ quân sự trong tập trận chung “Tiger Triumph”, ngày 19-11-2019.

(4) cis.org.vn: Ấn Độ sắp ký Hiệp ước Quốc phòng thứ ba với Mỹ 11-4-2019.

(5) Remark by President Trump and PM Modi of India in Joint Press Statement, June 26, 2017, Whitehouse.gov.

(6) Bộ thương mại Hoa Kỳ: https://ustr.gov/countries-regions/south-central-asia/india.

(7) B.news.vn: Ấn Độ xem xét thỏa thuận thương mại với Mỹ sau khi rút khỏi RCEP, ngày 6-11-2019.

ThS Quách Thị Huệ

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền