Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ Mỹ - Iran: Mâu thuẫn khó bề hóa giải?
Thứ tư, 22 Tháng 8 2018 16:59
1898 Lượt xem

Quan hệ Mỹ - Iran: Mâu thuẫn khó bề hóa giải?

(LLCT) Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 30-7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông sẽ gặp bất cứ lãnh đạo nào của Iran vào bất kỳ lúc nào họ muốn mà không cần điều kiện tiên quyết. Nội dung cuộc gặp sẽ tập trung thảo luận về việc cải thiện mối quan hệ song phương giữa hai nước, nhất là sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Nếu cuộc gặp diễn ra thì ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp nhà lãnh đạo Iran sau gần 40 năm. Tuy nhiên, Chính phủ Iran vẫn tỏ lập trường không nhượng bộ, bất chấp kinh tế gặp sức ép trước mối đe dọa trừng phạt mới của Mỹ.

1. Ý tưởng “NATO Arab” của Mỹ

Theo giới quan sát, Mỹ hiện đang âm thầm thúc đẩy việc thành lập một liên minh an ninh và chính trị mới gồm 6 nước Arab Vùng Vịnh cùng với Ai Cập và Jordan, nhằm ngăn chặn Iran mở rộng ảnh hưởng trong vùng.

Mới đây, Nhà Trắng xác nhận Mỹ và các đồng minh Arab đã thảo luận về ý tưởng thành lập liên minh, trong chuyến thăm của ông Donald Trump tới Riyadh hồi năm ngoái. Theo dự kiến, Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA), có thể sẽ được thảo luận kỹ hơn tại một hội nghị đã được lên kế hoạch vào 2 ngày (12 và 13-10) tới tại Washington(1).

Nòng cốt của liên minh có thể coi là  “NATO Arab”(2) bao gồm các cường quốc Vùng Vịnh là Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cùng hợp tác chặt chẽ với chính quyền Donald Trump để cùng nhau đối phó với Iran.

“NATO Arab” trong tương lai sẽ bao gồm các nước đồng minh Hồi giáo dòng Sunni thân Mỹ, trái ngược với các nước Hồi giáo dòng Shiite được cho là đồng minh của Iran khiến quan hệ Mỹ - Iran càng thêm căng thẳng, nhất là từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.

Việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực mà Mỹ và một số nước Vùng Vịnh thảo luận trong những năm qua nhưng vẫn chưa có kết quả, nay có thể mở rộng sang mục tiêu khác bao gồm huấn luyện và nâng cấp quân đội của các nước trong vùng. Đó là những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận trong các cuộc họp được dự kiến vào tháng 10 tới giữa Mỹ và các nước đồng minh khu vực.

Một quan chức cấp cao Iran nói rằng: “Lấy cớ đảm bảo sự ổn định ở Trung Đông, Mỹ và các đồng minh khu vực của họ đang kích động căng thẳng tại khu vực”. Quan chức này cho rằng, cách tiếp cận trên sẽ không mang lại “kết quả” nào ngoài việc “làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa Iran, các đồng minh của nước này tại khu vực với các quốc gia Arab được Mỹ hậu thuẫn”(3).

Tuy nhiên, một rào cản lớn đối với liên minh mới do Mỹ hậu thuẫn là cuộc khủng hoảng ngoại giao đã kéo dài hơn một năm giữa Saudi Arabia và UAE với Qatar, nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ trong khu vực. Một số quốc gia Arab vẫn cáo buộc Qatar ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, mặc dù Qatar luôn phủ nhận điều này.

Theo giới phân tích, chủ trương chiến lược là như vậy, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bất ngờ kêu gọi đàm phán là bởi các lý do sau: Với tính “khác lạ” của mình, ông Donald Trump đã từng thực hiện qua các sự kiện như quan hệ thương mại Mỹ - EU, quan hệ Mỹ - NATO, quan hệ Mỹ - Triều... theo cách “thúc đẩy mâu thuẫn lên cao sau đó bất ngờ hạ nhiệt”. Đối với Iran cũng vậy, sau khi rút khỏi thỏa thuận JCPOA, Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran với hậu quả được cho là sẽ nặng nề chưa từng có và lệnh trừng phạt có hiệu lực từ ngày 6-8. Tuy nhiên, ngày 31-7, ông Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Iran. Nếu cuộc đàm phán này diễn ra thì đây sẽ là “bắn một mũi tên trúng hai đích”, vừa hạ nhiệt quan hệ Mỹ - Iran, vừa là điểm cộng cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11 tới.   

2. Phản ứng quyết liệt của Iran

Đáp lại “thiện chí” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Hamid Aboutalebi cố vấn Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 31-7 cho rằng, để mở đường cho đàm phán, Mỹ phải quay lại thỏa thuận hạt nhân được Iran và nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức) ký kết năm 2015. “Tôn trọng các quyền lợi của Iran, giảm bớt những hành động thù địch và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân là các bước cần thiết để mở đường cho hội đàm Iran - Mỹ”(4).

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi hôm 30-7 cũng đã bác bỏ thông tin nước này có thể đàm phán với Mỹ trong bối cảnh kinh tế chịu nhiều áp lực, châm ngòi một số cuộc biểu tình phản đối trong nước. “Mỹ hoặc một phần nước Mỹ có thể bày tỏ mong muốn đàm phán nhưng sau khi Washington rút khỏi JCPOA bất hợp pháp, thực hiện các chính sách thù địch và tăng sức ép lên nền kinh tế Iran, tôi nghĩ sẽ không có chuyện đó”(5).  

Ông Mohammad Ali Jafari, Chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng Iran, cũng  khẳng định, Iran không phải là Triều Tiên để dễ dàng chấp nhận đề xuất đàm phán của nhà lãnh đạo Mỹ. “Thậm chí ngay cả các Tổng thống sau ông Donald Trump cũng sẽ không nhìn thấy ngày này”(6).

Trên trang cá nhân Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif  khẳng định: “Mỹ chỉ có thể đổ lỗi cho chính quốc gia này vì đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và rời bàn đàm phán. Những lời đe dọa, trừng phạt sẽ không có tác dụng”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, việc ông Donald Trump chối bỏ thỏa thuận hạt nhân đạt được vào năm 2015 là “bất hợp pháp” và Iran sẽ không dễ dàng đầu hàng trước chiến dịch của Washington nhằm bóp nghẹt lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ quan trọng của quốc gia này(7).

Ông Kamal Kharrazi, người đứng đầu Hội đồng Quan hệ đối ngoại chiến lược Iran cho biết, Tehran không nhìn thấy giá trị trong đề xuất của ông Donald Trump. “Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi trong các cuộc đàm phán với Mỹ và việc các quan chức Mỹ vi phạm những cam kết của họ, chúng tôi không thấy giá trị nào trong đề xuất đàm phán của Tổng thống Donald Trump”(8).

Tuyên bố mạnh mẽ trên được đưa ra giữa lúc giá trị đồng rial giảm xuống mức thấp kỷ lục trước khi các lệnh trừng phạt kinh tế mới của Mỹ có hiệu lực ngày 6-8. Ngân hàng Trung ương Iran hôm 30-7 cho rằng, đồng nội tệ rớt giá là do âm mưu của nước ngoài và không phản ánh chính xác thực tế của kinh tế Iran.

Đầu tháng 7, Tehran đã đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), trong đó cáo buộc các lệnh trừng phạt mới của Mỹ vi phạm các hiệp ước quốc tế được thông qua sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử. ICJ đã gửi thư đến Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, thúc giục ông và chính quyền Tổng thống Donald Trump hoãn các biện pháp trừng phạt mới. Đáp lại, theo trang The Washington Free Beacon (Mỹ), các quan chức Mỹ hôm 30-7 cho rằng, cáo buộc của Iran là vô căn cứ và đang tìm cách ngăn cản vụ kiện.

Theo giới phân tích, sở dĩ Iran phản ứng quyết liệt “sáng kiến” của Tổng thống  Donald Trump lần này bởi Iran đã không có niềm tin vào giới cầm quyền ở Mỹ. Mặt khác, sức mạnh toàn diện của Iran hiện nay đã được cải thiện so với trước, ngoài ưu thế của nước này về tiềm lực quân sự, kinh tế, Iran còn có vũ khí cực mạnh là dầu mỏ, bởi Iran đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng khí tự nhiên, đứng thứ 4 về trữ lượng dầu thô. Iran sản xuất 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó có 2,7 triệu thùng xuất khẩu ra thị trường thế giới. Ngoài ra còn phải kể đến vị trí chiến lược của nước này trong quản lý eo biển Hormuz với 30% lượng dầu trên thế giới phải đi qua eo biển này(9).

Trong thời gian vừa qua, giá dầu đã tăng khoảng 50% lên 80USD/thùng và sẽ biến động mạnh khi lệnh tái cấm vận Iran có hiệu lực, Saudi Arabia cũng không có khả năng lấp đầy sự thiếu hụt này làm giá dầu thế giới có thể tăng lên tới 100 USD/thùng, thậm chí tăng lên mức siêu kỷ lục (150 USD/thùng) khiến kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ tái khủng khoảng(10).

Mặt khác, khi các lệnh trừng phạt Iran có hiệu lực, khoảng 50 công ty lớn của châu Âu và quốc tế đang làm ăn với Iran trong ngành thác khí đốt tự nhiên, xuất xưởng máy bay, ô tô… sẽ bị ảnh hưởng. Mười đối tác thương mại hàng đầu làm ăn với Iran cũng sẽ bị ảnh hưởng như: Trung Quốc, UAE, EU, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Nga và Singapore. Các hợp đồng đầu tư, phát triển các mỏ dầu và khí đốt của Iran, nhập khẩu máy móc và giao thông vận tải, máy bay dân dụng… sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Căng thẳng còn khiến cho tình hình an ninh ở khu vực thêm bất ổn khi mà Iran có vai trò và ảnh hưởng lớn trong khu vực, nhất là đối với Syria, Lebanon, Yemen… Điều đáng lo ngại nữa là, nếu Iran nối lại việc làm giàu uranium thì căng thẳng Iran - Israel, Iran - Saudi Arabia có thể sẽ bùng phát trở lại, Trung Đông sẽ trở thành “điểm nóng” nhất của thế giới nếu căng thẳng Mỹ - Iran không được kiềm chế.

Trên chính trường quốc tế, Liên Hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), các cường quốc và cộng đồng quốc tế phần lớn đều không đồng tình với việc Mỹ rút khỏi JCPOA, áp đặt cấm vận trở lại đối với Iran, nhất là việc đẩy mâu thuẫn hai nước lên cao tới mức có thể lôi kéo khu vực và thế giới vào cuộc chiến tranh mới với hệ lụy khó lường. Mới đây, ngày 6-8, EU tuyên bố kích hoạt “Đạo luật ngăn chặn” nhằm bảo vệ các doanh nghiệp của châu Âu đang hoạt động ở  Iran khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ(11).

3. Sự kiên định vị thế khu vực

Với hơn 72 triệu dân, GDP hàng năm đạt 400 tỷ USD, Iran là nền kinh tế lớn nhất khu vực và nằm trong hệ thống thương mại toàn cầu. Những ưu thế đó đã giúp Iran trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực Trung Đông, bất chấp việc Mỹ và phương Tây từng bao vây, cấm vận.

Trong nhiều năm, mặc dù bị cô lập về ngoại giao và phong tỏa kinh tế bởi Mỹ và phương Tây, nhưng Iran vẫn có tiềm lực quân sự khá mạnh và có ảnh hưởng chính trị khá rộng lớn trong khu vực. Được Mỹ xem là “nhà bảo trợ” của phong trào Hezbollah ở Li-băng, đồng minh thân thiết với Tổng thống Bashar Al-Assad tại Syria, có mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền Iraq và là “hậu phương” của lực lượng Houthi đang nuôi tham vọng cầm quyền ở Yemen, Iran ngày càng chứng tỏ là một đối thủ mạnh trong khu vực. Trong cuộc chiến chống IS vừa qua, Iran đã thể hiện được những dấu ấn đậm nét.

Nhận thức rõ vai trò của Iran tại Trung Đông, Mỹ đã có lúc tính đến khả năng có thể hợp tác với Iran để tiêu diệt khủng bố IS và duy trì ổn định an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Mỹ và Iran không thể diễn ra bởi vấp phải sự phản đổi quyết liệt từ phía các đồng minh của Mỹ là Israel và các nước Arab. Đồng thời, Mỹ cũng e ngai sự gia tăng ảnh hưởng của Iran trong khu vực có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và khống chế các nước còn lại.

Về tiềm lực quân sự, ngay từ năm 2012, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã được trang bị sức mạnh tên lửa vượt trội. Theo đó, các hệ thống tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa của Iran đã được phóng đi trong các bài diễn tập. Trong số đó có tên lửa tầm xa Shahab-3 có thể phá hủy mục tiêu ở Israel hoặc các căn cứ của Mỹ trong khu vực với tầm bắn lên tới 800 - 1.300km. Đáng chú ý nhất trong các màn phô diễn sức mạnh tên lửa là sự xuất hiện của một loại tên lửa đạn đạo siêu hiện đại. Tên lửa này có thể được sử dụng để tấn công vào các loại lá chắn tên lửa khác nhau, trong đó có hệ thống Vòm Sắt của Israel. IRGC cũng đã cho tiến hành thử nghiệm máy bay ném bom không người lái có sức phá hủy các căn cứ của đối phương.

Irancũng tuyên bố, nước này có thể “xóa sổ tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực chỉ trong vòng vài phút sau khi Iran bị tấn công”(12). Những chiếc tàu chiến tối tân và đầy uy lực của Mỹ cũng không làm Tehran khiếp sợ. Thậm chí, Iran còn tự tin cho rằng, các tàu chiến của Lực lượng Hải quân Mỹ ở vùng Vịnh Persian là “miếng mồi ngon” của tên lửa Iran nếu Mỹ có ý định tấn công nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Iran còn tuyên bố nước này đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đóng cửa Eo biển Hormuz. Đây là điều khiến các cường quốc lo ngại nhất bởi Eo biển này là một trong những tuyến đường biển quan trọng hàng đầu của thế giới. Phần lớn nguồn cung cấp dầu mỏ cho thế giới đi qua đây.

Như vậy, với những động thái bất ngờ từ phía Mỹ của Tổng thống Donald Trump và sự phản ứng quyết liệt của Iran cho thấy cả hai nước đều kiên định lợi ích địa - chiến lược với việc xây dựng NATO Arab của Mỹ và khẳng định vị thế cường quốc khu vực của Iran, khiến cho lời đề nghị đàm phán của Tổng thống Donald Trump trở thành ngòi nổ cho sự phản ứng của Iran. Vì thế, giới phân tích và dư luận cho rằng, mâu thuẫn Mỹ - Iran khó bề hóa giải là nhận định có cơ sở.

__________________

(1), (3) http://toquoc.vn: Đối phó Iran: Đại kế hoạch Mỹ hồi sinh “NATO Ả Rập”, 29-7-2018

(2) http://thoibao.today: “NATO Ả-rập” đối đầu Iran hay cách Mỹ móc túi đồng minh?, 29-7-2018.

(4), (5) https://nld.com.vn: Ông Trump dịu giọng, Iran cứng rắn, 31-7-2018.

(6), (7), (8) https://vov.vn: Các quan chức Iran dội gáo nước lạnh vào đề xuất đàm phán của ông Trump, 1-8-2018.

(9) https://vov.vn: Liệu kinh tế của Iran có đến vực thẳm? 6-8-2018

(10) http://saigondautu.com.vn: Giá dầu thế giới có thể chạm mức 100 USD/thùng trong thời gian tới, thậm chí 150 USD/thùng, 12-5-2018.

(11)  https://baomoi.com: EU kích hoạt đạo luật ngăn chặn lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, 6-8-2018.

(12) http://vnmedia.vn: Iran khoe sức mạnh thách thức các cường quốc, 8-7-2012

Đại tá Nguyễn Nhâm

Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền