Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Công tác vận động quần chúng ở miền Nam, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)
Thứ năm, 05 Tháng 5 2022 15:46
2615 Lượt xem

Công tác vận động quần chúng ở miền Nam, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

(LLCT) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng là thiên anh hùng ca vĩ đại của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là chiến thắng của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, chiến thắng của sức mạnh tổng hợp của dân tộc được phát huy cao độ kết hợp với sức mạnh thời đại. Góp phần vào phát huy sức mạnh tổng hợp đó là thành công của công tác vận động quần chúng. Bài viết làm rõ một số điểm cơ bản của công tác vận động quần chúng trên chiến trường miền Nam (1954-1975) và những kinh nghiệm đối với công tác vận động quần chúng, phát huy sức mạnh toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Ngày 7-4-1961, hơn 5.000 đồng bào xã X, tỉnh Bến Tre đã míttinh tẩy chay trò hề bầu cử tổng thống lần thứ hai của Mỹ - Diệm. Ảnh tư liệu TTXVN

Sau Hiệp định Giơnevơ (tháng 7-1954), đế quốc Mỹ và tay sai trắng trợn phá hoại Hiệp định, thực hiện cuồng vọng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Ngay từ đầu và xuyên suốt các chiến lược chiến tranh, Mỹ và tay sai đều xác định mục tiêu phải bình định miền Nam Việt Nam bằng mọi giá, sử dụng tối đa sức mạnh bạo lực đàn áp dã man những người yêu nước, hòng đè bẹp ý chí đấu tranh, dập tắt khát vọng hòa bình, độc lập, tự do; thực hiện dồn dân lập ấp tân sinh, ấp chiến lược, bình định nông thôn. Đồng thời, chúng dùng lực lượng quân sự để chia cắt, tìm diệt lực lượng kháng chiến, tách dân khỏi lực lượng kháng chiến, “tát nước bắt cá”. Cùng với các hoạt động quân sự, bạo lực, chúng biến miền Nam thành thị trường tiêu thụ hàng hóa, với bức tranh kinh tế phồn vinh giả tạo. Chúng du nhập lối sống lai căng, đồi trụy, làm biến dạng nền văn hóa dân tộc. Đồng thời, sử dụng bộ máy tuyên truyền khổng lồ để thực hiện cuộc chiến tranh tâm lý, “tranh thủ con tim và khối óc” người dân. Chúng triệt để khai thác vấn đề dân tộc, tôn giáo để phục vụ cho các mục đích chính trị và quân sự. Chúng khuếch trương sức mạnh Mỹ, đánh mạnh vào tâm lý sợ Mỹ, ngán, sợ chiến tranh, sợ bom đạn, chết chóc, làm nhụt ý chí đấu tranh của nhân dân. Chúng rêu rao cuộc chiến tranh Việt Nam là nhằm “đánh bại sự nổi dậy của cộng sản”(1); chúng sử dụng các thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ những người cộng sản, hạ uy tín các nhà yêu nước, lực lượng kháng chiến, làm lung lạc lòng tin của người dân, nhất là lớp trẻ và những người nhẹ dạ, cầu an. 

Mỹ và tay sai lập ra các tổ chức đảng phái, nêu cao khẩu hiệu quốc gia, độc lập, dân chủ giả hiệu, ra sức lợi dụng tôn giáo, nắm các lãnh tụ phản động trong các giáo phái, phân quyền tự trị cho từng vùng, tạo hậu thuẫn chính trị, thống nhất các lực lượng chính trị phản động, tập hợp các đảng phái, đặc biệt sử dụng Đại Việt, Quốc dân đảng; vừa lôi kéo, mua chuộc các giáo phái Cao đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa giáo. Ở Tây Nguyên, địch ra sức tuyên truyền, lôi kéo đồng bào các dân tộc, chia rẽ người Kinh với đồng bào dân tộc tại chỗ. Ở Tây Nam Bộ, địch tập trung tuyên truyền chia rẽ người Kinh với người Khmer, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, phá vỡ tình đoàn kết dân tộc, cổ súy tinh thần “tự trị”, gây mâu thuẫn giữa đồng bào Khmer và cách mạng(2).

Trong các giai đoạn của cuộc chiến tranh, thực hiện các nấc thang của chiến lược chiến tranh, Mỹ và tay sai đã không ngừng gia tăng các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý, giành đất, giành dân, tiến hành cuộc chiến truyền thông, đánh phá khủng bố ác liệt lực lượng kháng chiến. Tình hình đó càng đòi hỏi công tác vận động quần chúng được đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả để giành thắng lợi trên “một mặt trận khác” đầy cam go này. 

Lãnh đạo cuộc kháng chiến vô cùng khó khăn, gian khổ chống kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự với bộ máy chiến tranh khổng lồ, bộ máy tuyên truyền chính trị chuyên nghiệp, Đảng ta luôn xác định công tác vận động quần chúng, giữ vững mối quan hệ Đảng - dân, phát huy sức mạnh của nhân dân là một nhân tố quyết định thắng lợi, “Đại đoàn kết, một nhân tố rất quan trọng quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam”(3)

Xuyên suốt cuộc kháng chiến, trong mọi điều kiện tình hình, các cấp ủy đảng trên địa bàn miền Nam luôn chú trọng công tác vận động quần chúng, giành thắng lợi trong cuộc chiến giành đất giành dân, xây dựng lực lượng cách mạng, động viên các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, đấu tranh. Công tác vận động quần chúng đã góp phần thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, thực hiện thành công “ba mũi giáp công”, trên “ba vùng chiến lược”, phát huy vai trò hậu phương tại chỗ, cung cấp sức người, sức của cho chiến trường; củng cố mối quan hệ máu thịt Đảng - dân, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc; ngăn chặn địch vơ vét nhân lực, tài lực, vật lực phục vụ chiến tranh, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ. 

Ngay khi bước vào cuộc đấu tranh, trong bối cảnh tình hình khó khăn thách thức, Trung ương Đảng và các cấp ủy đảng trên toàn miền Nam xác định nhiệm vụ bảo vệ quần chúng cách mạng, xây dựng lực lượng, tăng cường thực lực đấu tranh là vấn đề rất cơ bản, đấu tranh chính trị là một mũi giáp công. 

Tháng 9-1954, Bộ Chính trị đã chủ trương đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng dân chủ và hòa bình, đấu tranh đánh đổ chính phủ tay sai, tán thành đình chiến và hòa bình, thừa nhận quyền tự do, dân chủ của nhân dân, tổng tuyển cử, cải thiện dân sinh. Để tổ chức vận động quần chúng cần thành lập tổ chức thống nhất, tại Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ, tháng 10-1954 đã thảo luận về việc thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất. 

Hội nghị Trung ương 15 (năm 1959) quyết định chuyển cuộc đấu tranh sang giai đoạn mới, trong đó xác định nhiệm vụ đoàn kết toàn dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện độc lập dân tộc và thực hiện các quyền tự do dân chủ. Tháng 12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập, sau đó Liên minh dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam thành lập (tháng 4-1968), các đoàn thể quần chúng cách mạng không ngừng phát triển. Cương lĩnh và các chính sách của Mặt trận đã phản ánh và đáp ứng các nguyện vọng cơ bản của quần chúng đang khát khao độc lập, tự do. Khẩu hiệu độc lập, hòa bình và trung lập đã đánh thẳng vào chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, là đòn tấn công làm thất bại các mưu đồ của Mỹ và tay sai hòng chia rẽ dân tộc và lôi kéo dân chúng. 

Ở các địa phương, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng các cấp được mở rộng, củng cố. Hệ thống tổ chức Ban Thanh vận các cấp, các bộ phận Tư trí vận, các ban công tác vận động người Hoa, bộ phận tôn giáo vận được thành lập. Thông qua các tổ chức công khai như Tổ Đọc báo, Hội Cô nhi quả phụ và Thanh niên chống bắt lính để gây dựng cơ sở và phát triển lực lượng chính trị.

Công tác vận động các giai cấp cách mạng, các tầng lớp, giới như tiểu tư sản, công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức đấu tranh được đẩy mạnh gắn với các khẩu hiệu thiết thực: chống càn quét, bắn giết bừa bãi, chống bắt lính, chống văn hóa phẩm đồi truỵ, xây dựng văn hóa dân tộc. 

Để xây dựng lực lượng binh vận, các cấp ủy chỉ đạo các đoàn thể nhận thức rõ gia đình binh lính địch là quần chúng của mình, cần phải làm cho họ thấy rõ bạn thù, động viên họ tham gia tích cực công tác cách mạng trong xóm ấp, tổ chức họ vào các đoàn thể và giao nhiệm vụ cho họ tích cực kiên trì đi vận động thân nhân họ lập công về với cách mạng(4).

Trong suốt các chặng đường kháng chiến, cán bộ, đảng viên, cơ sở đảng được nhân dân nuôi dưỡng che giấu để bám đất, bám dân. Cán bộ phụ trách xây dựng cơ sở đã làm tốt công tác phát triển lực lượng chính trị ngay trong hệ thống bộ máy của địch, lực lượng ta “bám thắt lưng địch mà đánh”, hình thành nên các “vành đai diệt Mỹ” làm cho kẻ địch bất an ngay cả trong căn cứ. 

Làm tốt công tác vận động quần chúng, ta đã liên tục giành thắng lợi trong cuộc chiến giữ đất, giành dân: nhân dân giữ vững tinh thần đấu tranh, đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận kết hợp thành 3 mũi giáp công tấn công kẻ thù trên cả 3 vùng chiến lược. Các cuộc đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân liên tục diễn ra; các vùng căn cứ kháng chiến không ngừng được mở rộng và giữ vững. Được sự giúp đỡ của nhân dân, các tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn không ngừng vươn sâu vào các địa phương phía Nam, các bến bãi đón nhận vũ khí, kỹ thuật được vận tải qua đường Hồ Chí Minh trên biển được tổ chức an toàn. Khả năng huy động hậu cần tại chỗ không ngừng được tăng cường. Được sự đóng góp của nhân dân, tổng số hàng hóa được khai thác, thu mua tại chỗ từ năm 1964 đến năm 1975 là: lương thực 613.182 tấn; thực phẩm 86.197 tấn; xăng dầu 23.663 tấn; các loại khác 31.812 tấn(5). Quân và dân miền Nam từ năm 1961 đến năm 1975 đã tiêu diệt 58.191 quân Mỹ, tiêu diệt, bắt và làm bị thương 4.251.300 quân ngụy(6). Công tác vận động quần chúng đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp đưa cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện đến thắng lợi cuối cùng. 

Tổng kết cuộc kháng chiến, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ rõ: “Bí quyết ở đây là ta đã xây dựng sức mạnh tổng hợp; sức mạnh ấy được động viên và phát huy cao độ dưới sự chỉ đạo chiến lược tổng hợp. Phải chăng có thể xem đây là cái tinh hoa nhất trong nghệ thuật chỉ đạo cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của Đảng ta.

Sức mạnh tổng hợp ấy bắt nguồn từ một cơ sở vững chắc vô tận là nhân dân, nói cụ thể hơn, là lòng dân và sức dân”(7). Chính vì vậy, “Quân Mỹ đã được chuẩn bị tốt để đánh một cuộc chiến tranh quy ước có trận tuyến hẳn hoi, trong đó ưu thế về vũ khí và phương tiện kỹ thuật hiện đại của họ sẽ có thể được phát huy hết mức. Nhưng, vào Việt Nam, họ đã bị hãm vào một thế trận chiến tranh nhân dân cài răng lược “rất khó chịu”, không có chiến tuyến rõ rệt, bởi đâu cũng là trận địa, mỗi người dân là một chiến sĩ, cỏ cây, sông núi, côn trùng cùng đánh giặc theo sự điều khiển tài trí của nhân dân ta”(8)

Từ thực tiễn công tác vận động quần chúng ở miền Nam (1954 - 1975), rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, trong mọi giai đoạn cách mạng, luôn coi trọng công tác vận động quần chúng

Luôn coi trọng công tác vận động quần chúng, trên cơ sở đường lối cách mạng mỗi thời kỳ, cụ thể hóa thành chủ trương cụ thể để vận động quần chúng thực hiện. Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, với vai trò to lớn của lực lượng chính trị, đấu tranh chính trị, các cấp ủy luôn luôn bám sát nhân dân, dựa vào nhân dân, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng lực lượng quần chúng vững mạnh. Tập hợp đông đảo về số lượng, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giới tính, lứa tuổi. Đồng thời, giáo dục, giác ngộ chính trị cho quần chúng, giữ vững tinh thần, kiên trì đấu tranh, tin vào sức mạnh của dân tộc, chỉ rõ điểm yếu của kẻ thù, giữ vững quyết tâm đấu tranh vì mục tiêu lý tưởng cách mạng, quyết chiến quyết thắng, không nhụt chí trước thách thức khó khăn.

Phải có hình thức, phương pháp vận động phù hợp với hoàn cảnh, địa bàn, nội dung, đối tượng. Cùng với vận động nhân dân tham gia đấu tranh vì mục tiêu chiến lược là chống Mỹ và tay sai, thống nhất đất nước, các cấp ủy quan tâm vận động, tổ chức nhân dân đấu tranh bảo vệ những lợi ích thiết thực, tổ chức các lực lượng phối hợp đấu tranh và hỗ trợ nhau trong cuộc sống, tăng cường khối đoàn kết thống nhất.  

Từ thực tiễn công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cho thấy, việc thực hiện các phương thức vận động quần chúng phải thực hiện đúng nguyên tắc: huy động sức mạnh toàn dân đấu tranh vì nguyện vọng thiết tha, lợi ích sống còn của nhân dân; luôn giải quyết mối quan hệ giữa đấu tranh vì lợi ích quốc gia dân tộc với bảo vệ quyền tự do dân chủ, dân sinh; giữa mục tiêu trước mắt và chiến lược lâu dài.

Công tác vận động quần chúng trên chiến trường miền Nam 1954 -1975 được triển khai trên cơ sở đường lối cách mạng, mục tiêu, nhiệm vụ từng giai đoạn, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm dân tộc, tôn giáo, văn hóa, phục vụ lợi ích của quần chúng nhân dân. Đường lối đúng đắn là ngọn cờ tập hợp mọi lực lượng cách mạng. Chủ trương, đường lối cách mạng thấm sâu vào quần chúng là nguồn gốc của các phong trào cách mạng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia các hoạt động đấu tranh.

Hai là, chủ động, linh hoạt tổ chức các cách thức vận động quần chúng

Công tác vận động quần chúng, trước hết là tập hợp quần chúng vào tổ chức để phát huy được sức mạnh của quần chúng. Các cấp ủy lãnh đạo xây dựng và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất ở các địa phương và phát triển hệ thống các đoàn thể giới, ngành bảo đảm tính hệ thống, sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời. 

Hệ thống các cơ quan thông tin, tuyên truyền được thành lập. Trung ương Cục xuất bản tạp chí Tiền phong; Mặt trận giải phóng miền Nam xuất bản báo Giải phóng; Hội văn nghệ giải phóng miền Nam xuất bản báo Văn nghệ giải phóng. Các Khu ủy và nhiều tỉnh ủy xuất bản báo, như Khu ủy Tây Nam Bộ có báo Nhân dân miền Tây, Nội san Rèn luyện. Mặt trận dân tộc giải phóng Tây Nam Bộ có báo Giải phóng miền Tây; Quảng Trị có các tờ Phấn đấu, Cứu nước; Thừa Thiên - Huế có các tờ: Giải phóng, Cờ giải phóng... Báo chí làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động, phản ánh tình hình hoạt động ở địa phương, kịp thời nêu gương điển hình trong chiến đấu. 

Lãnh đạo công tác vận động quần chúng, các cấp ủy luôn chú trọng cử các cán bộ bám sát cơ sở, bám nhân dân, nắm chắc các tổ chức quần chúng, chủ động phát động phong trào đấu tranh. Cán bộ, đảng viên đồng cam cộng khổ với quần chúng, xông ra phía trước, nêu gương tốt và động viên quần chúng, nhất là ở những chiến trường gay go, ác liệt.

Thông qua các phong trào thi đua, nêu gương điển hình từ thực tiễn kháng chiến, các đoàn thể quần chúng tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền nhằm làm cho các giới, các lứa tuổi, các thành phần giai cấp, tầng lớp nhân dân trên các địa bàn nhận thức được mục tiêu, nhiệm vụ kháng chiến. Qua quá trình vận động quần chúng, tổ chức đảng, Mặt trận, các đoàn thể giải phóng cũng ngày càng trưởng thành, vững mạnh.

Ba là, trong mọi hoàn cảnh luôn quan tâm công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, đảng viên luôn đồng cam, cộng khổ, chia sẻ khó khăn với quần chúng

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, các cấp ủy luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, các bộ làm công tác dân vận nói riêng vững vàng về tư tưởng, chính trị, có năng lực, có phong cách gần dân, hiểu dân, trọng dân là yếu tố quyết định công tác vận động quần chúng. Trong điều kiện khó khăn, các cấp ủy luôn quan tâm tổ chức học tập, quán triệt chủ trương, đường lối kịp thời. Riêng Khu ủy Tây Nam Bộ trong năm 1964 đã mở 2 khóa đào tạo được 289 lượt học viên. Các trường đào tạo cán bộ ở các tỉnh trên địa bàn đã mở 17 khóa đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho 1.183 cán bộ đoàn thể từ cấp huyện đến cấp cơ sở. Đầu năm 1965, Trường Đảng của Khu đã đào tạo, bồi dưỡng các hệ sơ cấp và trung cấp cho 774 cán bộ các ban, ngành từ cấp Khu đến cơ sở. Các ban đảng, ngành dân vận cũng mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên(9)

Các cấp ủy chú trọng tuyên truyền, vận động quần chúng thông qua hoạt động của cán bộ, đảng viên, sự dấn thân, nêu gương mẫu mực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đây là cách thức lãnh đạo hiệu quả nhất.

Trải qua đấu tranh, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận được rèn luyện, thử thách, không ngại gian khổ, hy sinh, bám trụ địa bàn, cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân vững tin vào sự thắng lợi của cách mạng. Cán bộ, đảng viên hoạt động ở cơ sở nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo. Mỗi cán bộ mặt trận, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội đã vượt qua mọi sự khủng bố của kẻ địch, đi sâu vào quần chúng tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng; học hỏi kinh nghiệm của nhân dân, tổ chức nhân dân, cùng nhân dân tham gia đấu tranh; hỗ trợ, động viên nhân dân kịp thời.

Ngày nay, công cuộc đổi mới đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước đang trong tiến trình hội nhập mạnh mẽ, bên cạnh những thời cơ to lớn là nhiều khó khăn, thách thức đan xen, tiềm ẩn những nguy cơ, các thế lực thù địch lợi dụng vác vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, tuyên truyền xuyên tạc, kích động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Những kinh nghiệm thành công từ công tác vận động quần chúng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc để các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể vận dụng, phát huy trong bối cảnh mới.

__________________

(1) Dẫn theo: Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.577.

(2) Huyện ủy Châu Thành: Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Thành (1930-1975), Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành, Trà Vinh, 1999, tr.220.

(3) Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.576.

(4) Khu ủy Tây Nam Bộ: Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Khu ủy, Tài liệu lưu tại Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, ký hiệu: 118a/1970-QK9, Cần Thơ, 1970, tr.31.

(5), (6) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.564, 565.

(7), (8) Văn Tiến Dũng: Về Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996, tr.510, 513.

(9) Khu ủy Tây Nam Bộ: Nghị quyết Hội nghị xây dựng Đảng miền Tây lần thứ nhất (tháng 1 năm 1965), Tài liệu lưu tại Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, ký hiệu: 04/1965-QK9, Cần Thơ, 1965, tr.3.

ThS NGUYỄN THỊ BÍCH THÚY

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền