Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đồng chí Tô Hiệu với phong trào cách mạng các tỉnh duyên hải Bắc Bộ
Thứ ba, 08 Tháng 3 2022 19:29
1350 Lượt xem

Đồng chí Tô Hiệu với phong trào cách mạng các tỉnh duyên hải Bắc Bộ

(LLCT) - Đồng chí Tô Hiệu (1912 -1944) là người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Bài viết làm rõ những đóng góp của đồng chí Tô Hiệu với phong trào cách mạng ở các tỉnh duyên hải Bắc Bộ những năm 1936-1939, góp phần quan trọng vào khôi phục tổ chức Đảng, đưa phong trào cách mạng ở địa bàn này phát triển mạnh mẽ.

 

Đồng chí Tô Hiệu và cây đào đồng chí đã trồng tại nhà tù Sơn La - Ảnh tư liệu: vnanet.vn

1. Góp phần khôi phục lại Xứ ủy Bắc Kỳ, khôi phục tổ chức Đảng ở các địa phương vùng duyên hải

Sau cao trào cách mạng 1930-1931, địch đàn áp khốc liệt, hệ thống tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ bị phá vỡ. Đầu năm 1932, Xứ ủy Bắc Kỳ bị mật thám Pháp phát hiện, đánh phá và tan vỡ. Từ thời điểm này, Đảng bộ Bắc Kỳ bước vào thời kỳ khôi phục tổ chức mà không có cơ quan lãnh đạo cấp xứ tập trung và thống nhất. Tổ chức Đảng ở các địa phương, nhất là các cơ quan lãnh đạo, phải lập đi lập lại nhiều lần và không ổn định. Cũng từ năm 1932, một số đảng viên đang hoạt động ở nước ngoài và nhiều đồng chí ra khỏi nhà tù đế quốc đã trở về các địa phương ở Bắc Kỳ hoạt động. Các đồng chí tiến hành nắm tình hình, chắp nối lại các mối liên hệ ở các địa phương và cùng với các đảng viên ở địa phương xây dựng lại cơ sở, khôi phục các tổ chức Đảng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh. 

Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương (3-1935) đánh dấu sự khôi phục của Đảng sau một thời gian dài bị đánh phá. Những chủ trương do Đại hội I đề ra đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn công cuộc khôi phục cơ sở Đảng trên phạm vi cả nước. 

Từ năm 1936, tình hình thế giới và Đông Dương có nhiều thay đổi theo chiều hướng có lợi cho phong trào cách mạng, tạo ra những thuận lợi nhất định cho việc khôi phục và xây dựng hệ thống tổ chức Đảng các cấp. Mặt trận bình dân lên cầm quyền ở Pháp đã dẫn đến những chuyển biến trong chính sách cai trị của chính quyền thuộc địa Đông Dương. Một số quyền tự do, dân chủ được ban hành; một số lượng lớn tù chính trị, trong đó có nhiều đảng viên cộng sản được ân xá. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kịp thời đề ra những chủ trương mới, lợi dụng triệt để những khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp tập hợp mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ vào một mặt trận chung đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, chống phát xít, bảo vệ hòa bình thế giới.

Cuối năm 1935 đầu năm 1936, một số đồng chí thoát khỏi nhà tù đế quốc và ở nước ngoài(1) trở về Bắc Kỳ hoạt động, trong đó có đồng chí Tô Hiệu.

Tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã bắt liên lạc với các đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Trần Quý Kiên, Nguyễn Văn Minh, Trần Đình Long... trên cơ sở đó thành lập cơ quan lãnh đạo của toàn xứ Bắc Kỳ.  Tháng 8 - 1936 tại Gia Lâm, "Ủy ban sáng kiến" được thành lập gồm các cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm, lý luận và uy tín. "Ủy ban sáng kiến” làm việc như một Ban Cán sự Đảng của Xứ ủy(2). Ngay sau khi thành lập, “Ủy ban sáng kiến” đã phân công các đồng chí đảng viên về các địa phương để xây dựng cơ sở. Đồng chí Tô Hiệu được phân công về Hải Phòng, Quảng Ninh, địa bàn tập trung công nhân mỏ than. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban sáng kiến, các cơ sở Đảng được khôi phục và phát triển ở nhiều địa phương, nhất là những địa phương trọng yếu như Hà Nội, Hải Phòng, ở các trung tâm công nghiệp, tập trung nhiều công nhân như Quảng Ninh, Nam Định. Một số địa phương tiến tới thành lập các cơ quan lãnh đạo như huyện uỷ, tỉnh ủy, thành ủy. Cùng với sự khôi phục của tổ chức Đảng, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ cũng từng bước lên cao. 

Đồng chí Tô Hiệu cùng các đồng chí trong Ủy ban sáng kiến tích cực chuẩn bị cho việc thành lập cơ quan lãnh đạo cấp xứ. Từ cuối năm 1936, các cơ sở đảng dần được chắp nối lại. Tháng 3-1937, Xứ ủy Bắc Kỳ được tái lập do đồng chí Hoàng Tú Hưu làm Bí thư(3). Đồng chí Tô Hiệu cùng các đồng chí Nguyễn Văn Minh, Hoàng Tú Hưu phụ trách công tác nội bộ của Xứ ủy(4). Xứ ủy Bắc Kỳ được thành lập đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lãnh đạo nhân dân ở Bắc Kỳ đấu tranh cách mạng giành quyền tự do, dân chủ.

Trên cương vị lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ (và Bí thư Thành ủy Hải Phòng từ đầu năm 1939), đồng chí Tô Hiệu quan tâm công tác đào tạo cán bộ. Nhiều đồng chí được đào tạo, trở thành cán bộ cốt cán của phong trào cách mạng như Hoàng Ngân (Hoàng Ngân thực hiện nhiệm vụ vận động công nhân và nhân dân lao động thành phố Hải Phòng đấu tranh chống thực dân Pháp; đảm nhiệm việc liên lạc giữa Xứ ủy Bắc Kỳ với Trung ương Đảng, là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Hải Phòng), Thành Ngọc Quản (Bí thư Liên tỉnh B)…

Khu vực Duyên hải Bắc Bộ gồm các tỉnh thành: Móng Cái, Hòn Gai, Uông Bí, Quảng Yên, Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Nam Định... Đây là những địa phương có phong trào cách mạng từ sớm và phát triển mạnh mẽ; có các trung tâm công nghiệp ở Bắc Kỳ, có vùng than, vùng cảng, nhà máy xí nghiệp với hàng nghìn công nhân. Sau khi Xứ ủy Bắc Kỳ và hai thành ủy Hà Nội, Hải Phòng được tái lập, phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ được đẩy mạnh, các cơ sở đảng nhanh chóng phục hồi.

Ở khu mỏ Quảng Yên, cuối năm 1936, một số đảng viên của Đảng thoát khỏi nhà tù đế quốc, bí mật về Uông Bí - Vàng Danh hoạt động. Đầu năm 1937, chi bộ Đảng ở khu vực Uông Bí - Vàng Danh được xây dựng lại. Chi bộ hoạt động mạnh do có sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Lê Thanh Nghị.... Đây là chi bộ được lập lại đầu tiên ở vùng mỏ để lãnh đạo và cùng với công nhân đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.

Cùng với khôi phục, xây dựng tổ chức Đảng, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã chú trọng lãnh đạo thành lập các đoàn thể quần chúng yêu nước, tiến bộ, như “Công Đoàn”, “Hội nông dân”, “Hội Phụ nữ Dân chủ”, “Đoàn Thanh niên dân chủ”, “Nghiệp đoàn báo giới Bắc Kỳ”, “Hội truyền bá chữ quốc ngữ”… qua đó tập hợp và lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, mà tiêu biểu là phong trào mít tinh, biểu tình, đưa “dân nguyện” nhân dịp phái viên Chính phủ Pháp Gô đa sang điều tra tình hình Đông Dương (năm 1937); cuộc đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 (năm 1938)…; đồng thời chọn lựa các quần chúng tích cực, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.

Chính nhờ thành công của công tác xây dựng cơ quan lãnh đạo, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng gắn với xây dựng tổ chức quần chúng, chuẩn bị tốt công tác đề phòng tình hình phức tạp diễn ra, nên khi Chiến tranh thế giới bùng nổ, chính quyền thuộc địa thi hành chính sách đàn áp, Đảng bộ Bắc Kỳ đã hạn chế được tổn thất, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy Bắc Kỳ đóng vai trò chủ yếu trong tái lập cơ quan Trung ương ở giai đoạn sau này.

2. Coi trọng nhiệm vụ tuyên truyền, đấu tranh trên báo chí,góp phần phát triển phong trào cách mạng ở khu vực duyên hải Bắc Bộ 

Đầu năm 1939, đồng chí Tô Hiệu được Xứ ủy phân công phụ trách Khu Liên khu B (sau Hội nghị Trung ương tháng 11-1939, đổi thành Liên tỉnh B, gồm các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Kiến An, Móng Cái) và đặc trách Hải Phòng(5). Trên trọng trách Bí thư Thành ủy Hải Phòng(6), đồng chí Tô Hiệu tích cực chỉ đạo khôi phục, phát triển phong trào cách mạng tại địa bàn.

Trong thời gian là phụ trách Khu Liên khu B (sau là Liên tỉnh B), đồng chí Tô Hiệu coi trọng nhiệm vụ tuyên truyền, đấu tranh trên báo chí. Tháng 5-1939, đồng chí Tô Hiệu, Bí thư Ban cán sự Liên tỉnh B chủ trương lập chi nhánh báo Đời nay(7) ở Uông Bí để tuyên truyền vận động quần chúng(8).Trụ sở của chi nhánh báo Đời nay đặt tại một ngôi nhà hai tầng ngay tại thị xã Uông Bí. Báo Đời nay được phát hành rộng rãi ở Uông Bí, Điền Công, Vàng Danh. Mỗi lần chi nhánh phát hành khoảng 200 tờ báo. Ngoài báo Đời nay, chi nhánh còn phát hành báo Tin tức, Dân Chúng, Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta)… Chi nhánh cử người đưa sách báo đến tận các xóm thợ, nói chuyện thời sự cho anh em công nhân.

Việc phát hành báo công khai của Đảng ở vùng mỏ theo sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban cán sự Liên tỉnh B đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền đường lối cách mạng, giác ngộ công nhân. Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp ở Đông Dương thực hiện khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng. Chi nhánh của báo Đời nay ở Uông Bí ngừng hoạt động.

Ở Đông Dương, thực dân Pháp thi hành một chính sách cực kỳ phản động. Chúng thực hiện chính sách kinh tế thời chiến, ra sức bóc lột sức người, sức của để phục vụ cho chiến tranh đế quốc. Chúng phát xít hóa bộ máy thống trị, đàn áp phong trào cách mạng, chĩa mũi nhọn vào Đảng Cộng sản.

Trước tình hình đó, cùng với việc thực hiện công cuộc vận động giải phóng dân tộc, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang do Đảng hoạch định, Đảng bộ Bắc Kỳ đặc biệt coi trọng công tác khôi phục, củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng các cấp. Quán triệt những chủ trương, quan điểm về xây dựng và bảo vệ hệ thống tổ chức của Đảng được thông qua tại Hội nghị Trung ương tháng 11-1939, Xứ ủy Bắc Kỳ và các cấp bộ trực thuộc nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, các cán bộ, đảng viên ở các địa phương kiên trì bám dân, bám cơ sở hoạt động, duy trì bảo vệ hệ thống tổ chức Đảng, nhất là cơ quan lãnh đạo các cấp.

Trong tình thế địch đánh phá ác liệt, sự chỉ đạo từ Xứ ủy xuống các địa phương khó khăn, Xứ uỷ đã quyết định phân chia khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Đông Bắc và các tỉnh dọc đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai thành các liên tỉnh, mỗi liên tỉnh có một liên tỉnh ủy lãnh đạo. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, các liên tỉnh (cũng gọi là khu) được hình thành(9)

Phụ trách Liên tỉnh B, đồng chí Tô Hiệu đã chỉ đạo thành lập tờ báo Chiến Đấu, đồng chí vừa là chủ bút, vừa là phóng viên. Báo Chiến đấu ra số đầu ngày 7-11-1939, số đặc biệt kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Phần cuối báo ra lời hiệu triệu “Các bạn hãy đoàn kết nhau lại. Các bạn hãy liên hiệp lại. Các bạn hãy tự tổ chức nhau lại một cách thật khôn khéo, không được chậm trễ. Cần phải lập ngay những Ủy ban tranh đấu và phải khép chặt hàng ngũ các bạn lại để: (1) Ngày làm 8 giờ và thi hành đầy đủ các luật lệ đối với thợ. (2) Bắt buộc chỉ được tăng thêm giờ làm việc là một giờ trong mỗi ngày với tiền lương gấp đôi và chỉ được duy trì sự tăng thêm công việc làm ấy trong những điều kiện cần thiết. (3) Cấm hẳn những vụ đuổi, giãn thợ không chính đáng. (4) Hoàn lại các khoản tiền phụ cấp cho công nhân. Những khoản tiền phụ cấp không thể giảm khi những đại biểu của công nhân không ưng thuận”(10)

Tờ Chiến Đấu có nhiều bài tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ sự nghiêm trọng của tình hình thế giới, vạch mặt Chính phủ Pháp nhượng bộ trước sự đe dọa của phát xít Nhật, gia tăng quyền hạn cho Chính phủ Nam Triều hà hiếp nhân dân Việt Nam, đồng thời kêu gọi dân chúng chống chiến tranh đế quốc, chống bọn phản động thuộc địa, kêu gọi Ủy ban phòng thủ Đông Dương, đòi hỏi tự do cơm áo, hòa bình(11). Tờ báo đã cổ vũ tinh thần đấu tranh chống áp bức bất công của công nhân. Chánh mật thám Pháp đã nói tại phiên tòa xử đồng chí Tô Hiệu ngày 24-01-1940: “Còn đây, tờ báo Chiến Đấu xúi giục thợ đình công”(12).

3. Trực tiếp chỉ đạo phong trào ở vùng mỏ và thành phố Hải Phòng

Hải Phòng là đầu mối giao thông quốc tế lớn, là trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính lớn của Bắc Kỳ, nơi tập trung nhiều công nhân thợ máy, thợ cảng. Cuối năm 1938 đầu năm 1939, thực dân Pháp khủng bố gắt gao phong trào dân chủ ở Hải Phòng, tiến công vào bộ phận hoạt động bán công khai của Đảng. Phong trào cách mạng gặp khó khăn mới. Tô Hiệu được phân công về phụ trách Hải Phòng khi phong trào dân chủ đang bị kẻ thù tấn công(13)

Trên cơ sở tìm hiểu, nắm bắt tình hình, Tô Hiệu cùng các đồng chí trong Liên Khu ủy và Thành ủy Hải Phòng tiến hành ngay công tác tổ chức với việc điều động các đồng chí đã bị lộ khi hoạt động công khai đến phụ trách các khu vực khác để hoạt động đồng thời đề ra chủ trương kiên trì xây dựng cơ sở cách mạng, củng cố phong trào cách mạng ở địa phương, đặc biệt chú trọng tới công tác công vận và lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân trước sự biến chuyển của tình hình trong nước và thế giới tác động tới Hải Phòng.

Giữ trọng trách Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu đặc biệt quan tâm công tác vận động công nhân, tổ chức phong trào đấu tranh, lấy đây làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng. Trong 5 tháng (từ tháng 1-1939 đến tháng 6-1939), Thành ủy Hải Phòng, đứng đầu là đồng chí Tô Hiệu đã tổ chức 20 cuộc đình công, bãi công(14), bằng số cuộc đấu tranh của cả hai năm 1937, 1938.

Cuối tháng 4-1939, Thành ủy Hải Phòng chủ trương tổ chức quần chúng biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5. Các hội quần chúng nhận được chủ trương và kế hoạch hành động của Thành ủy thông qua bộ phận hoạt động bán công khai. Thành ủy nhắc nhở các đồng chí hoạt động công khai có những biện pháp tránh sự khám xét, bắt bớ của địch đang tăng cường.

Ngày 01-5-1939, hơn 1000 quần chúng biểu tình diễu qua các phố chính, sau đó tập hợp ở vườn hoa và sân bóng đá thành phố để mít tinh. Sau ngày 1-5, Thành ủy phát động phong trào đấu tranh chống thuế. Các cuộc đấu tranh chống thuế lần lượt nổ ra trong các giới lao động. Chỉ trong đầu tháng 5-1939, Hải Phòng nổ ra 4 cuộc biểu tình khoảng từ 500-1000 người tham gia, phản đối tăng thuế, đòi giảm thuế cho người nghèo, đòi tự do lập hội, đoàn kết với công nhân bãi công. Tiêu biểu cho các phong trào là cuộc bãi công của công nhân Nhà máy Tơ, kéo dài từ ngày 16 đến ngày 24-5-1939, do Tô Hiệu trực tiếp chỉ đạo. 

Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo Chi bộ Đảng Nhà máy phát động công nhân đấu tranh. Ngày 9-5-1939, đại diện công nhân lên gặp chủ nhà máy đòi tăng lương. Nhưng ngày 16-5-1939, chủ nhà máy tuyên bố không thể giải quyết yêu sách, chi bộ nhà máy lãnh đạo 1000 công nhân kíp C tắt máy đình công. Chủ nhà máy dán yết thị tuyển công nhân mới nhằm uy hiếp tinh thần những người đấu tranh. Toàn thể 3000 công nhân nhà máy đã đình công và cử 4 đại biểu đến gặp chủ nhà máy đưa yêu sách. Thành ủy Hải Phòng theo sát, chỉ đạo kịp thời cuộc đấu tranh và phát động công nhân các nhà máy ở Hải Phòng bãi công hưởng ứng. Tiếng vang của cuộc đấu tranh lan khắp các tỉnh Bắc Kỳ. Công nhân Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí, Nam Định và Hà Nội đã tổ chức những cuộc bãi công tỏ tình đoàn kết với công nhân nhà máy Tơ Hải Phòng. Trước tinh thần quyết liệt của công nhân, chủ nhà máy phải nhượng bộ và ký giao ước với công nhân. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi(15)

Cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy tơ diễn ra được sự chỉ đạo chặt chẽ và trực tiếp của Tô Hiệu và Thành ủy Hải Phòng, chi bộ Đảng nhà máy và sự ủng hộ to lớn của phong trào công nhân miền Bắc đã gây tiếng vang lớn. Trong báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản cuối tháng 7-1939, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá cao trình độ tổ chức và giác ngộ giai cấp của cuộc đấu tranh này. Người viết: “Những người bãi công đã thực hiện kỷ luật dân chủ. Ví dụ: Sau cuộc bãi công của công nhân nhà máy sợi Hải Phòng, đến trưa thì ban giám đốc và bọn thanh tra lao động của nhà máy ký giao kèo, nhưng đại biểu của những người bãi công từ chối không chịu ký khi họ chưa có ý kiến đồng ý của toàn thể công nhân...”(16). Theo thống kê của Nguyễn Ái Quốc, chỉ trong 2 tháng (tháng 5 và tháng 6-1939), tại Hải Phòng đã bùng nổ 12 cuộc bãi công của thợ thuyền trong nhiều ngành nghề(17). Báo Bạn Dân ra ngày 21-6-1939 khẳng định đây là “cuộc đấu tranh kiên quyết nhất, có kỷ luật, có tổ chức, có giác ngộ giai cấp… là một tấm gương tranh đấu cho toàn thể anh em lao động toàn Xứ”. Báo cáo của mật thám thực dân ngày 5-6-1939 thừa nhận: “Cuộc đình công xảy ra ở nhà máy tơ là kết quả một cuộc vận động bền bỉ, dẻo dai do một chi bộ hoạt động trong nhà máy này chủ trương”(18). Tác động của cuộc bãi công ở nhà máy Tơ rất lớn. Sau cuộc đấu tranh này, Xứ ủy đã có chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa phong trào công nhân bãi công kết hợp với biểu tình, mít tinh đòi quyền lợi(19).

Trong suốt thời gian hoạt động tại Hải Phòng, mặc dù bị lao phổi nặng, Trung ương cho nghỉ công tác nhưng với tinh thần, khí tiết của người cộng sản đồng chí Tô Hiệu vẫn tiếp tục hoạt động, không ngại hy sinh, gian khổ. Đồng chí luôn được đảng viên, quần chúng coi như người anh cả, là linh hồn của phong trào và hết lòng tin yêu, bảo vệ(20)

Phong trào đấu tranh dân chủ ở Hải Phòng, đặc biệt là giai đoạn từ khi đồng chí Tô Hiệu về trực tiếp chỉ đạo có ý nghĩa vô cùng to lớn. Qua phong trào, quần chúng được tập hợp thành đội quân chính trị đông đảo, được tập dượt qua các hình thức đấu tranh, được tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng về ý thức dân tộc và dân chủ, về đường lối cách mạng của Đảng và chủ nghĩa Mác - Lênin, ảnh hưởng và uy tín của Đảng được nâng cao.

Quán triệt chủ trương chuyển hướng chiến lược của Trung ương, cuối tháng 11-1939, Ban Cán sự Liên tỉnh B họp hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị trung ương. Dưới sự chủ trì của đồng chí Tô Hiệu - Bí thư Ban Cán sự, hội nghị đánh giá tình hình thực tiễn của địa phương, thảo luận và đề ra những nhiệm vụ mới cho phong trào cách mạng vùng mỏ(21).

Tại cuộc họp, mặc dù tình hình rất khẩn trương, nhưng Tô Hiệu vẫn bình tĩnh, tự tin quán triệt tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 cho những cán bộ dự họp. Đồng chí nhấn mạnh những tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, Xứ ủy và Liên tỉnh B cũng như kim chỉ nam hành động cách mạng cụ thể trong điều kiện lịch sử mới. Sau khi phân tích tình hình cụ thể của từng địa phương, đồng chí nói rõ những chủ trương mới để chỉ đạo.

Hội nghị quyết định chuyển sang hoạt động bí mật, nắm chắc các đầu mối liên lạc để củng cố, phục hồi và phát triển cơ sở cách mạng vùng Hòn Gai - Cẩm Phả, đây là khu vực tập trung công nhân, có truyền thống cách mạng. Quảng Yên và Uông Bí phải phát triển cơ sở, làm bàn đạp tiến vào vùng mỏ. Hội nghị nhấn mạnh, phải duy trì tiếng nói của Đảng, đặc biệt trong những ngày kỷ niệm cách mạng, chống lại sự xuyên tạc của địch phá hoại uy tín Đảng, làm cho quần chúng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy tiếp tục duy trì phong trào đấu tranh ở Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai… giữ những quyền lợi đã giành được trong giai đoạn trước đó, rèn luyện quần chúng trong tranh đấu. Nghị quyết Hội nghị Ban Cán sự Liên tỉnh B đã kịp thời đáp ứng sự phát triển phong trào vùng mỏ trong tình hình mới. 

Trước sự lùng sục, khủng bố của địch, Tô Hiệu chỉ đạo: cùng với việc rút toàn bộ những đồng chí bị lộ do hoạt động công khai vào hoạt động bí mật, phải chuyển những đảng viên trẻ, hăng hái đi địa bàn khác hoạt động để vừa bảo an toàn lực lượng và vừa ra sức phát triển cách mạng ở vùng Kiến Thụy, An Lão, Thủy Nguyên.

Thực hiện chủ trương của Tô Hiệu và Khu ủy, những cán bộ, đảng viên Hải Phòng hoạt động công khai nhanh chóng rút vào bí mật. Những người khác đã bị lộ phải chuyển công tác ra vùng mỏ hoặc về nông thôn. Cuộc đấu tranh cách mạng của Hải Phòng chuyển vào bí mật. Tuy vậy, Tô Hiệu cho rằng công tác tuyên truyền vận động nhân dân vẫn phải không ngừng và chủ trương chuyển phương thức đấu tranh sang tập trung vào tuyên truyền, sử dụng truyền đơn, áp phích, báo chí bí mật, đi sâu vào các xóm thợ, bến cảng để vận động quần chúng. Truyền đơn, áp phích, báo Chiến đấu phải kêu gọi nhân dân thấy rõ sự nghiêm trọng của tình hình thế giới, vạch mặt Chính phủ Pháp đã nhân nhượng trước sự đe dọa của phát xít Nhật nhưng lại gia tăng quyền hạn cho chính phủ Nam triều đàn áp nhân dân Việt Nam, đồng thời kêu gọi nhân dân đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, đòi tự do, cơm áo, hòa bình.Tô Hiệu đã trực tiếp viết và chỉ đạo in truyền đơn, in báo và phân phát.

Tham gia Xứ ủy Bắc kỳ, Phụ trách Liên tỉnh B và trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, tổ chức, phát động được cao trào đấu tranh cách mạng sôi nổi, rộng khắp ở các tỉnh duyên hải Bắc Bộ. Ngay khi thời cuộc chuyển biến, quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương, đồng chí Tô Hiệu đã nhanh chóng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Trung ương Đảng về chuyển hướng hoạt động của tổ chức Đảng trong tình hình mới. Trên cơ sở củng cố xây dựng tổ chức Đảng, cơ sở Đảng các cấp và các tổ chức quần chúng, đồng chí Tô Hiệu cùng với Thành ủy Hải Phòng lãnh đạo, tổ chức phát động được một cao trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ ở thành phố Cảng, đưa lại nhiều lợi ích thiết thực cho công nhân và nhân dân các tầng lớp, duy trì và phát triển phong trào cách mạng ở các tỉnh duyên hải Bắc Bộ. Những hoạt động của đồng chí còn gắn kết, phối hợp giữa tổ chức Đảng và phong trào cách mạng các địa phương trong Liên tỉnh B, gồm Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và vùng mỏ, cũng như với những bộ phận hoạt động bí mật, nửa công khai và công khai của Trung ương Đảng, của Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hải Phòng. Bằng các hoạt động tích cực, chủ động và sáng tạo, đồng chí đã góp phần xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Hải Phòng ngày càng trưởng thành về kinh nghiệm vận động quần chúng, bố trí lực lượng và tổ chức, lãnh đạo các cuộc đấu tranh.

Trong nhà tù Sơn La - địa ngục trần gian của chốn lao tù đế quốc, chịu những giày vò của bệnh tật, nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng, tương lai của đất nước. Trước khi đi xa, đồng chí vẫn dặn lại các đồng chí của mình: “ánh sáng ngày mai đã ló ở phía chân trời, hãy chuẩn bị đương đầu với những thử thách lớn nhất”(22). Viết về đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười đã viết: “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn”(23). Tô Hiệu là một tấm gương sáng về bản lĩnh kiên trung cách mạng, trọn đời hy sinh cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. 

__________________

(1) Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang, Nguyễn Văn Minh, Trần Đình Long.

(2), (4), (8), (21)  Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1930-1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.457, 502, 644, 670.

(3) Tham gia Xứ ủy có các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang, Nguyễn Văn Minh, Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Đinh Xuân Nhạ, Đặng Xuân Khu.

(5) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam: Tô Hiệu Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2020, tr.125.

(6), (15) Thành ủy - Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng: Ban chỉ đạo biên soạn Lịch sử Hải Phòng: Lịch sử Hải Phòng, tập III (từ năm 1988-1955), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.225, 225-227.

(7) Xứ ủy Bắc Kỳ xuất bản các báo “Tin Tức”, “Đời Nay” phát hành công khai làm phương tiện lãnh đạo phong trào.

(9) Liên tỉnh A (cũng gọi là Khu A) gồm Hà Nội, Hà Đông, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Sơn Tây; Liên tỉnh B (Khu B) gồm các tỉnh, thành phố Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai (vùng mỏ) và Kiến An; Liên tỉnh C (Khu C) gồm các tỉnh Thái Bình, Nam Đinh, Hà Nam và Ninh Bình; Liên tỉnh D (Khu D) bao gồm các tỉnh có đường xe lửa Hà Nội - Vân Nam chạy qua là Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Lao Cai; Liên tỉnh E (Khu E) gồm các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang và Đạo quan binh Cao Bằng.

(10), (13), (14) Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, t.1 (1925-1955), Nxb Hải Phòng, 1991, tr.168, 154, 154.

(11) Lê Trung Toản, Nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng năm 1946 và 1950-1951: “Về Thành Tô, nhớ anh Tô Hiệu”. in trong Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ban liên lạc Nhà tù Sơn La, Tỉnh ủy Hưng Yên - Thành ủy Hải Phòng - Tỉnh ủy Sơn La: Tinh thần Tô Hiệu, NXB Văn hóa - văn nghệ, H. 2019. Tr.131.

(12)Tô Hiệu đối mặt với kẻ thù (trích lược hồi ký “Đốm lửa phía trước” của đồng chí Ngô Minh Loan, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực thực phẩm”, in trong Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ban liên lạc Nhà tù Sơn La, Tỉnh ủy Hưng Yên - Thành ủy Hải Phòng - Tỉnh ủy Sơn La: Tinh thần Tô Hiệu, Nxb Văn hóa - văn nghệ, Hà Nội, 2019. tr.187.

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.177.

(17) Nguyễn Ái Quốc: “Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản”, in trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.173-176.

(18) Công văn của mật thám Pháp, số 9155-S, ngày 5-6-1939. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng

(19) Công văn mật thám Pháp ghi: “...để giúp cho những người lãnh đạo địa phương, cơ quan chỉ đạo Đảng cộng sản Bắc Kỳ vừa mới truyền đạt đi một tờ thông cáo đặc biệt nhan đề là Đặc biệt thông cáo đề ngày 27-5 (1939). Thông cáo này đã để lộ rõ sự lớn mạnh của phong trào đình công trong tất cả các trung tâm kĩ nghệ”. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng.

(20) Trần Văn Thức, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng: “Đồng chí Tô Hiệu với Đảng bộ và Nhân dân Hải Phòng”, in trong Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ban liên lạc Nhà tù Sơn La, Tỉnh ủy Hưng Yên - Thành ủy Hải Phòng - Tỉnh ủy Sơn La: Tinh thần Tô Hiệu, Nxb Văn hóa - văn nghệ, Hà Nội, 2019, tr. 122-123.

(22) Hà Trang: “Tô Hiệu - Người cộng sản kiên trung, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc), bài viết trên Tạp chí Cộng sản điện tử đăng ngày 08/3/2012.

(23) Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ban liên lạc Nhà tù Sơn La, Tỉnh ủy Hưng Yên - Thành ủy Hải Phòng - Tỉnh ủy Sơn La: Tinh thần Tô Hiệu, Nxb Văn hóa - văn nghệ, Hà Nội, 2019, tr.7.

PGS, TS TRỊNH THỊ HỒNG HẠNH

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

THS DƯƠNG THỊ BÍCH

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Bảo, Hải Phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền