Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Tấm gương người trí thức yêu nước
Thứ sáu, 25 Tháng 2 2022 19:03
1246 Lượt xem

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Tấm gương người trí thức yêu nước

(LLCT) - Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương cao đẹp của một người trí thức yêu nước, người cộng sản hết lòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân. Tấm gương kiên trung, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của đồng chí sống mãi với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Ảnh tư liệu, nguồn: TTXVN

1Tấm gương về lựa chọn lý tưởng cách mạng vì nước, vì dân

Nguyễn Phong Sắc tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc (Nguyễn Văn Sắc) sinh ngày 01-02-1902 trong một gia đình giàu tinh thần yêu nước tại làng Bạch Mai, nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. 

Thân sinh Nguyễn Đình Sắc là ông bà Nguyễn Đình Phúc và Thành Thị Tửu. Nguyễn Đình Sắc ảnh hưởng rất lớn từ cha, một trí thức yêu nước, giỏi chữ Hán, thông thạo chữ quốc ngữ, chữ Pháp, nổi tiếng là người nhân nghĩa, yêu thương người nghèo và giàu lòng yêu nước. Ông tham gia hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và bị thực dân Pháp bắt, đày ra Côn Đảo 5 năm. Ông Nguyễn Đình Phúc sớm nhận ra tố chất thông minh, ham học của người con trai và định hướng cho anh theo con đường học vấn, đồng thời, hoạt động cách mạng của ông đã ảnh hưởng rất lớn tới việc lựa chọn con đường và lý tưởng cách mạng vì nước, vì dân của Nguyễn Đình Sắc.

Với sự định hướng của người cha, năm 10 tuổi, Nguyễn Đình Sắc được mẹ cho đi học tại trường Dân Tiến, ngôi trường do người cậu ruột có tư tưởng yêu nước lập ra. Sau 3 năm học ở trường Dân Tiến, Nguyễn Đình Sắc học ở trường Công Ích học đường, nơi dạy chữ Pháp, chữ quốc ngữ, địa lý, lịch sử, văn hóa, toán. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Đình Sắc đã tận mắt chứng kiến nhiều cảnh áp bức, bóc lột do thực dân Pháp gây ra đối với người Việt Nam, cảnh chia ly có thể không hẹn ngày gặp lại của nhiều gia đình khi con trai bị thực dân Pháp bắt đi lính, cảnh xử án của chính quyền thực dân với những chiến sỹ Việt Nam Quang phục Hội… Thực tế này đã hun đúc ý chí phải đánh đuổi thực dân tàn bạo, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động.

Hoàn thành chương trình tiểu học, Nguyễn Đình Sắc thi đỗ Trường Bưởi, ngôi trường do chính quyền thực dân Pháp lập ra với mục đích đào tạo công chức người Việt phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của chúng. Trường dạy toàn bằng tiếng Pháp với nội dung học tập do người Pháp quy định. Tuy nhiên, nằm ngoài mong muốn của thực dân Pháp, trường Bưởi cũng là nơi hình thành và tập trung nhiều trí thức uyên thâm, có tinh thần dân tộc sâu sắc.

Trong thời gian học ở Trường Bưởi, Nguyễn Đình Sắc có dịp tiếp thu  nhiều kiến thức mới, nhiều sách báo tiến bộ bằng tiếng Pháp hơn trước. Anh cũng có dịp tham dự nhiều buổi diễn thuyết về các vấn đề liên quan đến tình hình thế giới, trong nước, đến lịch sử dân tộc.Nguyễn Đình Sắc còn tham dự các buổi thuyết trình của các cụ đồ nho về vấn đề thực tại của dân tộc và câu hỏi đặt ra: làm thế nào để nước ta được độc lập, dân ta được tự do, thoát khỏi thân phận nô lệ, khỏi kiếp ngựa trâu?...(1).  Thông qua các buổi diễn thuyết, qua sách báo tiến bộ, Nguyễn Đình Sắc càng nhận thức rõ hơn những trái ngược trong bài giảng, trong lý tưởng mà các thầy giáo Pháp truyền dạy với thực tế dân tộc đang diễn ra. Từ đó, thôi thúc trong Anh ý chí quyết tâm học tập, nâng cao kiến thức, rèn luyện tư duy, góp phần tìm ra hướng đi đúng giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Với thành tích xuất sắc trong học tập, năm 1924, Nguyễn Đình Sắc đỗ đầu kỳ thi Thành Chung. Anh được Chính phủ bảo hộ quyết định cho sang Pháp học tập ở bậc cao hơn để đào tạo thành quan chức trong bộ máy cai trị thuộc địa. Đối với nhiều người đây là mơ ước rất lớn, tuy nhiên, ngay khi nhận được tin báo, Nguyễn Đình Sắc đã khẳng khái từ chối. Quyết định này tiếp tục thể hiện rõ hơn bản lĩnh của một trí thức yêu nước trẻ tuổi, sẵn sàng từ bỏ con đường "vinh thân phì gia" để lựa chọn sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, hiểm nguy, vì độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.  

Sau khi tốt nghiệp trường Bưởi, Nguyễn Đình Sắc xin vào làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương. Với trí thông minh và năng lực chuyên môn vượt trội, chỉ một thời gian ngắn từ một công chức người Việt bình thường, giữa biết bao công chức người Pháp, Nguyễn Đình Sắc đã trở thành “tham biện tài chính” - một viên chức cao cấp trong Sở, với mức lương cao 100 đồng Đông Dương/tháng, mức lương bảo đảm cuộc sống sung túc cho cá nhân và cả gia đình Nguyễn Đình Sắc thời điểm đó. 

Trong thời gian làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương, Nguyễn Đình Sắc càng có dịp thấu hiểu rõ hơn sự bóc lột, vơ vét tàn bạo của chế độ thực dân Pháp và nỗi thống khổ của nhân dân dưới sự thống trị của chúng, sự bất bình đẳng giữa người Pháp và người Việt Nam nói riêng, người dân thuộc địa nói chung … Từ đó, Anh càng nung nấu ý chí và quyết tâm tìm kiếm con đường đúng đắn để cứu nước, cứu đồng bào thoát khỏi chế độ thực dân phản động và tàn bạo. 

Thời kỳ này Nguyễn Đình Sắc cũng đọc nhiều sách báo yêu nước cách mạng, Anh nhanh chóng tiếp cận, tiếp thu lý luận về con đường cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc. Đồng thời, Anh cũng có dịp tiếp xúc với một số hội viên ưu tú của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. 

Cuối năm 1926, Nguyễn Đình Sắc đã quyết định gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đổi tên thành Nguyễn Phong Sắc với ý nghĩa là ngọn gió mới, mang khát vọng của người trí thức yêu nước được giác ngộ cách mạng. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Nguyễn Phong Sắc, thể hiện bản lĩnh của người trí thức trong việc lựa chọn hướng đi của cuộc đời mình.

Trở thành thành viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nguyễn Phong Sắc dành nhiều tâm sức và một phần tiền lương hàng tháng nhận từ Sở Tài Chính Đông Dương phục vụ cho hoạt động và phát triển của tổ chức Hội. 

Năm 1927, bất bình trước việc một người Việt trong Sở Tài chính Đông Dương bị người Pháp đối xử thô bỉ, Nguyễn Đình Sắc đã quyết định bỏ việc. Đây là quyết định tiếp theo thể hiện bản lĩnh của người trí thức Nguyễn Phong Sắc, bản lĩnh dám từ bỏ con đường “vinh thân phì gia” để bảo vệ cái đúng, bảo vệ lý tưởng vì nhân dân, vì người lao động. Anh lựa chọn đi theo con đường cách mạng, con đường đầy trông gai, thử thách và toàn tâm cho hoạt động cách mạng. Nguyễn Phong Sắc đã không ngừng nỗ lực, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 

Toàn tâm cho hoạt động cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, Nguyễn Phong Sắc tích cực tham gia tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin để giác ngộ và kết nạp thêm nhiều hội viên mới, góp phần phát triển mạnh mẽ tổ chức Hội trên địa bàn Hà Nội. Tháng 6-1927, trên cơ sở sự phát triển của Hội viên Thanh niên, Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong 3 đồng chí trong Ban Chấp hành Tỉnh bộ(2). Cùng các đồng chí trong Tỉnh bộ, đồng chí đã tham gia lãnh đạo Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội hoạt động tích cực, tuyên truyền cách mạng và huấn luyện cán bộ góp phần phát triển nhanh chóng số hội viên của Hội từ 11 hội viên ban đầu lên khoảng 200 hội viên năm 1928(3).

Tháng 9-1928, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tham dự Đại hội đại biểu lần thứ nhất Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ. Tại Đại hội, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ. Đại hội đã đề ra chủ trương “vô sản hóa”, đưa các hội viên Thanh niên lúc đó chủ yếu là các thanh niên trí thức vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền... để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho công nhân, nông dân, đồng thời giáo dục, rèn luyện hội viên thực sự trở thành những người đại biểu của công nhân và nông dân. Nguyễn Phong Sắc ủng hộ chủ trương của Đại hội, đồng chí còn hăng hái đi “vô sản hóa” hòa vào đời sống của nhân dân lao động. Ban đầu đồng chí kéo xe bò với công nhân và nhân dân lao động, sau đó lại đi vào lao động trong nhà máy xe lửa Trường Thi.   

Đầu năm 1929, Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội tiến hành Đại hội để kiểm tra hoạt động của Tỉnh bộ, luận phương hướng hoạt động mới theo chủ trương vô sản hoá và kiện toàn lại tổ chức. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ được cử là Bí thư Tỉnh bộ Hà Nội. 

Ngày 7-3-1929, tại số nhà 5D Hàm Long - Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc và 7 hội viên tiên tiến của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã họp bàn và lập ra Chi bộ Cộng sản gồm 8 đảng viên(4). Sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên đánh dấu bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là dấu ấn đặc biệt quan trọng trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Từ một trí thức yêu nước chân chính, với việc lựa chọn con đường cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động, Nguyễn Phong Sắc đã trở thành một trong những người cộng sản Việt Nam đầu tiên ở trong nước, đồng thời là một thành viên sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở trong nước. 

2. Tấm gương người trí thức hết lòng vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân

Lựa chọn hướng đi vì nước, vì dân, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã dành hết tâm sức cho hoạt động và đấu tranh cách mạng vì sự nghiệp độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân lao động. 

Trên cương vị Ủy viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội, thành viên tham gia sáng lập Chi bộ Cộng sản 5D Hàm Long, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã nỗ lực hoạt động, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của các phong trào cách mạng.

Ngày 28, 29-3-1929, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Cộng sản đầu tiên, diễn ra Đại hội đại biểu kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ(5). Đồng chí Nguyễn Phong Sắc dẫn đầu đoàn đại biểu Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội đi dự Đại hội. Đại hội thảo luận và tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu 4 đồng chí(6) trong Chi bộ Cộng sản đầu tiên làm đại biểu đi dự Đại hội đại biểu thanh niên cả nước do Tổng bộ triệu tập họp ở nước ngoài. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được giao nhiệm vụ đẩy mạnh việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tuyên truyền thành lập Đảng.

Ngày 1-5-1929, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên khai mạc tại Hương Cảng. Đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ra đề nghị giải tán Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để thành lập Đảng Cộng sản nhưng không được chấp nhận. Đoàn đại biểu đã bỏ Hội nghị ra về. Lúc này ở trong nước, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu vừa tích cực lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân ở các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Hòn Gai, Cẩm Phả… vừa khẩn trương chuẩn bị các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản. 

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng, ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Nguyễn Phong Sắc cùng 19 đại biểu các tổ chức cộng sản ở Bắc Kỳ quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và điều lệ của Đảng. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm 7 đồng chí(7), trong đó đồng chí Nguyễn Phong Sắc là Ủy viên Thường vụ, phụ trách Phân cục Trung bộ.

Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời đã thúc đẩy phong trào cộng sản ở trong nước phát triển và đẩy nhanh quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng - tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam là kết quả tất yếu của những hoạt động tích cực, sáng tạo của các hội viên tiên tiến trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trong đó có vai trò và đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. 

Tháng 7-1929, trên cương vị mới, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng Trần Văn Cung vào Trung Kỳ để mở rộng cơ sở và hoạt động cách mạng. Trên cơ sở Tỉnh bộ Thanh niên Nghệ An, các đồng chí đã lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư Kỳ bộ. Đầu tháng 8-1929, đồng chí Trần Văn Cung bị địch bắt, công việc xây dựng tổ chức đảng ở Trung Kỳ vừa mới bắt đầu dồn lên vai Nguyễn Phong Sắc.

Với nhiệt huyết, tài năng tổ chức, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã cùng với các đồng chí trong Xứ ủy phân công nhau xuống các cơ sở nghiên cứu tình hình, củng cố và mở rộng tổ chức của Đông Dương cộng sản Đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cơ sở Hội Thanh niên đã chuyển thành các chi bộ cộng sản đầu tiên như các chi bộ Dương Long, Dương Xuân (nay là xã Lĩnh Sơn), chi bộ Tri Lễ (nay là xã Khai Sơn), huyện Anh Sơn, chi bộ Vạn Phần (nay là xã Diễn Vạn), huyện Diễn Châu (Nghệ An), chi bộ thị xã Hà Tĩnh... Đồng thời, đồng chí Nguyễn Phong Sắc còn trực tiếp đi vào các tỉnh Quảng Trị, Huế… để tuyên truyền, vận động, phát triển tổ chức, nhờ đó, các cơ sở Đông Dương Cộng sản Đảng ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,... được thành lập, trở thành bộ phận của Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ.

Cùng với việc phát triển hệ thống tổ chức đảng, công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng các đoàn thể quần chúng cũng được đồng chí Nguyễn Phong Sắc đặc biệt quan tâm. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo cho ra đời các tờ báo Bôn Sê VíchCông hội, Công Nông Binh, Xích Sinh… làm công cụ tuyên truyền, cổ động tập thể, “người tổ chức tập thể”. Mặt khác, các tổ chức của quần chúng công nhân, nông dân, học sinh cũng được quan tâm xây dựng, phát triển mạnh mẽ ở Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều nơi khác ở Trung Kỳ tiêu biểu là tổ chức Công hội đỏ, Nông hội, Sinh hội đỏ. 

Tháng 2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với những đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, tiếp tục phụ trách công tác Đảng ở Trung Kỳ. 

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là kết quả của sự phát triển nhảy vọt về chất trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trên cơ sở sự chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; đồng thời đấy cũng là thành quả những hoạt động tích cực không ngừng của biết bao người cộng sản yêu nước chân chính trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc.

Trên cương vị mới, đồng chí Nguyễn Phong Sắc lại nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng và phát triển tổ chức Đảng ở Trung Kỳ. Khắp các tỉnh Trung Kỳ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng...) đều in dấu chân đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Đồng chí tới các địa phương để truyền đạt về sự kiện thành lập Đảng, phổ biến những nội dung cơ bản các văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của Đảng. 

Tháng 3-1930, thay mặt Trung ương Đảng, Nguyễn Phong Sắc triệu tập Hội nghị liên tịch giữa Kỳ bộ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam và Đông Dương Cộng sản liên đoàn, tại Vinh. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ gồm các đồng chí: Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Lê Viết Thuật... do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Phân cục trung ương có nhiệm vụ chỉ đạo hợp nhất các tổ chức Đảng ở Trung Kỳ từ tỉnh cho đến tận cơ sở, giải tán các ban chỉ đạo cũ của các tổ chức cộng sản, lãnh đạo phong trào cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản ở Trung ương đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tính đến tháng 5-1930, hệ thống tổ chức Đảng đã được thành lập từ tỉnh tới huyện, thị và xã ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Đồng thời, các tổ chức quần chúng được xây dựng và phát triển rộng khắp, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh, binh lính, người buôn bán nhỏ...

Hệ thống tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng phát triển mạnh mẽ là cơ sở vững chắc đưa tới sự bùng nổ của cao trào cách mạng trong quần chúng nhân dân Trung Kỳ những năm 1930 - 1931. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, hòa cùng phong trào cách mạng trong cả nước, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng  Ban Chấp hành lâm thời Phân cục Trung ương Đảng Trung Kỳ đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, tuần hành, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn, diễn thuyết,... ở nhiều tỉnh Trung Kỳ, đặc biệt mạnh mẽ là ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Tiêu tiểu là cuộc biểu tình quy mô lớn và quyết liệt của hơn 20.000 nông dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) ngày 1-9-1930. Cuộc biểu tình đãkhiếnchính quyền thực dân, phong kiến ở các làng, xã trong huyện bị tan rã, chính quyền Xôviết lần lượt được thành lập và phát triển lan rộng trong nhiều tổng, huyện của Nghệ An và Hà Tĩnh.

Hoảng sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng, chính quyền thực dân ra sức thẳng tay đàn áp. Khâm sứ Trung Kỳ Lơ Phôn (Le Fol) cùng Thượng thư Bộ lại Nguyễn Hữu Bài từ Huế ra xem xét tình hình Nghệ -Tĩnh. Sau đó, chính quyền Pháp và Nam Triều cử Bonmom (Bonnhome) Chánh Thanh tra chính trị của Tòa Khâm sứ Trung Kỳ và Tôn Thất Đàn, Thượng thư Bộ hình ra Nghệ-Tĩnh chỉ huy “cuộc dẹp loạn cộng sản”, chúng quyết triệt cho hết phong trào cộng sản. 

Tháng 10-1930, diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách hệ thống tổ chức Đảng ở Trung Kỳ.  Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành lâm thời Phân cục Trung ương của Đảng đã kịp thời vạch kế hoạch chỉ đạo các chi bộ Đảng tuyệt đối bảo đảm bí mật, chỉ đạo các địa phương tăng cường tổ chức đoàn thể để đủ sức đối phó với địch. Sau khi địch tiến hành khủng bố trắng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tiến hành củng cố hệ thống tổ chức của Đảng ở Trung Kỳ. Đồng chí đã triệu tập Hội nghị Phân cục Trung ương Trung Kỳ (tháng 12-1930). Hội nghị phân tích bối cảnh thực tế, đề ra nhiệm vụ và phương hướng khắc phục những khó khăn. Hội nghị cũng tiến hành thành lập Xứ bộ Trung Kỳ, đứng đầu Xứ bộ là Xứ ủy. Tham gia Xứ ủy Trung Kỳ có các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Đức Cảnh, do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư.

Tháng 3-1931, sau khi dự Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II ở Sài Gòn, Nguyễn Phong Sắc ra Hà Nội, Hải Phòng để phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương. Ngày 3-5-1931, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại khu ga Hàng Cỏ,Hà Nội. 

Bắt được Nguyễn Phong Sắc, thực dân Pháp đưa đồng chí vào Vinh, chúng dùng mọi biện pháp từ tra tấn, dụ dỗ, đánh đập dã man hòng lung lạc tinh thần và ý chí cách mạng của đồng chí nhưng không lay chuyển được ý chí sắt đá của người thanh niên trí thức cộng sản Nguyễn Phong Sắc. 

Bất lực trước tinh thần và ý chí kiên định của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, lo sợ tầm ảnh hưởng của đồng chí đến cao trào Xôviết Nghệ - Tĩnh, ngày 25-5-1931, thực dân Pháp bí mật xử bắn đồng chí tại đồn Song Lộc, Nghi Lộc, Nghệ An. 

_________________

(1), (3) Chương trình Sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nguyễn Phong Sắc - tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.45, 102.

(2) Nguyễn Danh Đới, Mai Lập Đông, Nguyễn Phong Sắc.

(4) Chi bộ 5D Hàm Long gồm các đồng chí: Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Kim Tôn (sau phản bội), Dương Hạc Đính (sau phản bội).

(5) Đại hội họp tại đồn điền Kim Đái, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

(6) Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Kim Tôn và Dương Hạc Đính. 

(7) Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung và Trần Tư Chính.

TS TRẦN THỊ HUYỀN

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

ThS MAI THỊ XUÂN

Trường Đại học Thủy Lợi

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền