Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đồng chí Lê Quang Đạo trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam
Thứ năm, 25 Tháng 11 2021 16:22
1096 Lượt xem

Đồng chí Lê Quang Đạo trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam

(LLCT) - Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, trên vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo sớm được giác ngộ cách mạng và đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách được giao. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đồng chí (8/8/1921- 8/8/2021), bài viết góp phần tri ân những đóng góp to lớn của một trong những lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII (27-7-1991). Ảnh: quochoi.vn.

Đồng chí Lê Quang Đạo “là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của Quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy” và là “một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc của Quân đội và của Đảng” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét.

1. Từ thanh niên yêu nước, sớm trở thành đảng viên và đảm đương trọng trách đứng đầu cấp bộ Đảng ở các địa bàn “đầu sóng, ngọn gió” trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc

Nguyễn Đức Nguyện (tên khai sinh của đồng chí Lê Quang Đạo) sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng, tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh - vùng đất “địa linh, nhân kiệt”.

Ngay từ những ngày đang ngồi trên ghế nhà trường (Trường Trung học tư thục Thăng Long, Hà Nội), Nguyễn Đức Nguyện đã tìm hiểu chính trị; tham gia Đoàn Thanh niên dân chủ Hà Nội, rồi Thanh niên phản đế...  Sớm được giác ngộ và tích cực hoạt động cách mạng, 19 tuổi Anh đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương (8-1940); được làm việc với các nhà hoạt động cách mạng như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt..., được dự lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.  Chỉ mấy tháng sau - cuối năm 1940, Đồng chí được phân công là Bí thư Chi bộ Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh(1).

Đây là những năm tháng vô cùng cam go của cách mạng Việt Nam. Thực dân Pháp đã phát xít hóa bộ máy chiến tranh, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Lê Duẩn và một số Ủy viên Trung ương Đảng bị địch bắt. Trước tình hình đó, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh - quê hương của Đồng chí là địa bàn được chọn để tổ chức Hội nghị Trung ương tháng 11-1940, do đồng chí Trường Chinh chủ trì. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940), thực dân Pháp lùng ráp gắt gao đảng viên cộng sản, các đồng chí lãnh đạo của Đảng: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Ðăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... đã ngã xuống trước mũi súng của quân thù.

Trong hoàn cảnh lịch sử đó, người đảng viên trẻ Lê Quang Đạo can đảm xông pha, đảm nhận trọng trách Đảng giao phó: Bí thư Ban cán sự Đảng các tỉnh ở vị trí trọng yếu của phong trào cách mạng Bắc Kỳ, như Bắc Ninh, Phúc Yên, Hà Nội; đảm đương nhiệm vụ là Xứ ủy viên, rồi Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ với nhiệm vụ chủ yếu lúc này là xây dựng các cơ sở đảng, tuyên truyền, phát triển các tổ chức quần chúng vùng căn cứ an toàn trên địa bàn Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội.

Đó là những năm tháng không chỉ đã trui rèn bản lĩnh của người cộng sản trẻ tuổi Lê Quang Đạo mà còn là quá trình vừa hoạt động cách mạng, vừa học hỏi những tri thức từ thực tiễn, từ cơ sở để nắm bắt được yêu cầu của cách mạng, quán triệt đúng đắn và vận dụng sáng tạo chủ trương của Trung ương, hoàn thành trọng trách là người lãnh đạo đứng đầu tổ chức Đảng ở các địa bàn quan trọng. Đặc biệt, đối với Đảng bộ Hà Nội - trung tâm cách mạng của Bắc Kỳ trong những năm đầu thập niên 1940, tổ chức đảng nhiều lần bị địch phá vỡ, Đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc khôi phục, xây dựng lại để tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng.

Với năng lực tổ chức, sự nhạy bén, uy tín và tinh thần sẵn sàng xả thân vì độc lập của dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đồng chí đã góp phần tạo nên cơ sở quan trọng trong toàn xứ Bắc Kỳ tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Đồng chí được Xứ ủy phân công trực tiếp tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Bắc Giang - một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất cả nước.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, từ tháng 10-1945 đến tháng 6-1946, là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lê Quang Đạo được giao trọng trách tái lập Thành ủy Hải Phòng và trở thành Bí thư Thành ủy Hải Phòng - thành phố lớn thứ hai miền Bắc và cũng là địa bàn đầy khó khăn, phức tạp vào thời điểm đó. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hồi tưởng “Gặp anh Lê Quang Đạo giữa một Hải Phòng còn khét mùi thuốc súng và dự cuộc mít tinh đầy khí thế của đồng bào và công nhân thành phố cảng do Thành bộ Việt Minh Hải Phòng tổ chức. Tôi có cảm nghĩ là người học sinh Thăng Long năm xưa, nay đã trưởng thành vững chắc qua phong trào chuẩn bị khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau này, mỗi lần Lê Quang Đạo được Quân ủy Trung ương cử ra mặt trận, tôi nghĩ rằng: từ Hải Phòng năm 1946, anh đã được chuẩn bị và rèn luyện để trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió”(2).

Sau đó, từ tháng 5-1946 đến cuối năm 1948, Đồng chí lần lượt được giao đảm trách các cương vị công tác: Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, rồi Bí thư Liên tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông. Cuối năm 1948, đồng chí là Khu ủy viên, rồi Ủy viên Thường vụ Liên khu khu III, phụ trách công tác tuyên huấn. Từ năm 1949 đến tháng 8-1950, Đồng chí giữ chức Phó Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng.

Là Bí thư Thành ủy Hà Nội trong thời điểm tình hình vô cùng căng thẳng, thực dân Pháp chuẩn bị gây hấn, quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, với sự sắc bén và linh hoạt trong tổ chức chỉ đạo, Đồng chí đã cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Trung ương rút khỏi Hà Nội an toàn, cùng Trung đoàn Thủ đô chiến đấu, cầm chân địch trong nội thành suốt hai tháng và cũng là một trong những người cuối cùng rút khỏi Hà Nội.

Từ cuối năm 1947 đến đầu năm 1948, sau chiến thắng Việt Bắc, khi cơ quan của Thành ủy Hà Nội đóng ở Chương Mỹ, Đồng chí đã trực tiếp đi đến nhiều địa bàn để nắm tình hình, chỉ đạo xây dựng và khôi phục cơ sở, tổ chức lực lượng du kích, đào hầm bí mật, kiên cường chiến đấu, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất. Trong giai đoạn toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là những thời điểm địch đánh phá ác liệt, Đồng chí đã sâu sát cơ sở, bám sát những chuyển biến của phong trào kháng chiến, đưa chủ trương của Đảng vào phong trào quần chúng, góp phần tạo nên thế và lực, đưa cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới. 

2. Vị chỉ huy đầy bản lĩnh, luôn có mặt trong các chiến dịch quan trọng, nhà chính trị, “Anh cả của ngành Tuyên huấn Quân đội”, góp phần quan trọng duy trì “linh hồn, mạch sống” của Quân đội

Tháng 9-1950, Đồng chí được điều động vào Quân đội. Với 28 năm quân ngũ, Đồng chí đã thể hiện phẩm chất và nhiệt huyết của “Bộ đội Cụ Hồ”. Trung tướng, TS Nguyễn Tiến Quốc, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng đã viết “Gần 30 năm trong quân ngũ, đồng chí Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng và năng lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng quân đội về chính trị nói chung, xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn quân đội nói riêng”, Đồng chí là người đã “duy trì “linh hồn, mạch sống” của quân đội”(3).

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với các trọng trách: Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới; Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Chiến dịch, quyền Chính ủy Sư đoàn 308 tham gia suốt Chiến dịch. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Đồng chí được trao trọng trách là Phó Trưởng đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến (7-1954).

Với sự nỗ lực phấn đấu trên mọi cương vị trong 8 năm quân ngũ, năm 1958, đồng chí Lê Quang Đạo được phong quân hàm Thiếu tướng. Hai năm sau, tại Đại hội III của Đảng (9-1960), Đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1961, Đồng chí kiêm chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương. Tháng 3-1972, tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Đồng chí được bầu vào Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đồng chí đảm đương các trọng trách: Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời, trực tiếp làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy nhiều chiến dịch có ý nghĩa chiến lược dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh. Đồng chí đã từng có mặt ở những chiến trường nóng bỏng, đã từng là Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Chiến dịch Khe Sanh (1968), Bộ Tư lệnh 500 (1968-1969)(4), Chiến dịch phản công quy mô lớn Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị Thiên, giải phóng Quảng Trị. Năm 1974-1975, đồng chí tiếp tục là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Quân đội. Năm 1974, Đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đồng chí luôn có mặt ở Tổng hành dinh, tham gia chỉ đạo từ Chiến dịch mở màn Buôn Ma Thuột đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên cương vị Cục trưởng Cục Tuyên huấn (10-1950), đến Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, Đồng chí luôn nắm bắt được những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với công tác lãnh đạo chính trị, chủ động đề xuất những nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị trong bộ đội. Đồng chí đã tham gia biên soạn, viết nhiều tài liệu về công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng Đảng, đặc biệt là các tài liệu chỉnh huấn, chỉnh quân.

Từ những ngày trên các chiến trường ác liệt đối mặt với quân thù, trên cương vị chỉ huy cấp tướng đầy bản lĩnh, đến khi đảm trách là Giám đốc Học viện Chính trị, Đồng chí đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên huấn các cấp, các đơn vị, góp phần xây dựng ngành Tuyên huấn quân đội ngày càng hoàn thiện về tổ chức và giỏi về nghiệp vụ.

Qua 6 năm là Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng (1973-1978), Đồng chí đã “đề ra được nhiều chủ trương, có nhiều quyết định quan trọng trong định hướng giáo dục, nghiên cứu khoa học và xây dựng Nhà trường chính quy, hiện đại, tiên tiến, mẫu mực, định hướng cho sự phát triển vững chắc của Học viện những giai đoạn sau này”(5).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Suốt 28 năm trong quân ngũ, Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng và sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn quân đội. Anh là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc của quân đội và của Đảng... Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy...”(6).

3. Trên mọi lĩnh vực, đồng chí Lê Quang Đạo đều thể hiện sự nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, toàn tâm, toàn ý vì sự phát triển đất nước 

Tại Đại hội IV của Đảng (12-1976), Đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, và được bầu vào Ban Bí thư. Tháng 12-1978, Đồng chí rời Quân đội và được phân công là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Tại Đại hội V của Đảng (3-1982), Đồng chí tiếp tục được bầu vào Ủy viên Trung ương Đảng và Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp làm Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Năm 1983, phụ trách công tác Dân vận của Trung ương và tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đây là thời điểm đất nước đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức cả trong nước và tình hình quốc tế. Hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh, cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền ngày càng phức tạp. Các thế lực thù địch bao vây cấm vận, tìm mọi thủ đoạn để phá hoại công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta. Tư duy lãnh đạo kinh tế của Đảng, Nhà nước chưa chuyển biến kịp với tình hình đã thay đổi sau chiến tranh. Do vậy, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, từ năm 1979 đất nước từng bước lâm vào khủng khoảng kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đầy thách thức đó, đồng chí Lê Quang Đạo đảm đương nhiệm vụ Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Là người được trưởng thành từ thực tiễn, trước khó khăn của đất nước, Đồng chí không chỉ nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu lý luận mà còn đi khảo sát, chăm chú lắng nghe những ý kiến từ cơ sở, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt là tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo với không khí dân chủ, cởi mở, lắng nghe các nhà khoa học, các nhân sĩ để tìm ra giải pháp tháo gỡ, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Những ý kiến đó đã được tổng hợp và báo cáo trực tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường - Chinh(7). Sau này, những nội dung đó đã được phản ánh trong Dự thảo Báo cáo Chính trị mà Ban Chấp hành Trung ương khóa V chuẩn bị để trình Đại hội VI của Đảng. Tại Đại hội VI của Đảng (12-1986), Đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ tháng 6-1987, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, Đồng chí được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII là nhiệm kỳ đầu tiên đưa Nghị quyết Đại hội VI của Đảng vào cuộc sống. Với tư cách là người đứng đầu cơ quan lập pháp, Đồng chí đã nâng cao trình độ về lý luận, nhất là tìm hiểu về luật pháp. Sự nỗ lực của Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ này phải kể đến sự thông qua Luật Đất đai và Luật Đầu tư nước ngoài tại kỳ họp thứ hai (29-12-1987).

Luật Đất đai năm 1987 là văn bản luật đầu tiên điều chỉnh quan hệ đất đai, bảo vệ quyền sở hữu của Nhà nước, giao đất ổn định lâu dài, tuy một số mặt còn hạn chế do được soạn thảo trong bối cảnh bắt đầu đổi mới, vừa xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp. Với sự ra đời của Luật Đất đai năm 1987, công tác quản lý đất đai đã bắt đầu đi vào nền nếp và đặc biệt chú ý tới việc xác định, lập, quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp địa phương và quan trọng là “Người sử dụng đất ... sử dụng lâu dài” lần đầu xuất hiện trong Luật Đất đai, đã tạo sự yên tâm và động lực cho người sử dụng đất phát triển sản xuất, kinh doanh. Đó cũng là cơ sở quan trọng để năm 1993, Luật Đất đai được sửa đổi hoàn chỉnh hơn.

Sự thông qua Luật đầu tư nước ngoài được coi là bước ngoặt lịch sử, là văn bản pháp lý quan trọng chính thức hóa việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tạo đà cho sự phát triển của kinh tế trong các giai đoạn tiếp theo(8). Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được thông qua, nhiều nước trên thế giới bình luận đó là một trong những đạo luật về đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực vào thời điểm đó.

Với cương vị là Chủ tịch Quốc hội, Đồng chí đã có nhiều đóng góp vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992 phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII của Đảng - phù hợp với tình hình trong nước và xu thế phát triển của thế giới. Quốc hội khóa VIII dưới sự điều hành của đồng chí Lê Quang Đạo và Hội đồng Nhà nước đã thông qua nhiều luật và pháp lệnh quan trọng, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn đổi mới đất nước.

Đầu năm 1993, Đồng chí thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội để chuyên trách về công tác mặt trận, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc. Tháng 8-1994, Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ IV đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đồng chí hoạt động trên cương vị này cho đến khi từ trần năm 1999.

Trong bối cảnh thế giới có những biến chuyển bất lợi cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đối với cách mạng Việt Nam, sau “cơn chấn động chính trị” các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Do vậy, Đồng chí đã dành nhiều tâm huyết, nghiên cứu sự biến đổi của các giai tầng trong xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cơ bản chính đáng của đại đa số nhân dân. Với Đảng đoàn Mặt trận, Đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và ban hành Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị khóa VII về “Đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới” (17-11-1993). Đây là Nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, thể hiện tư duy đổi mới sâu sắc của Đảng về công tác mặt trận trong thời kỳ mới, mang tính định hướng cho Quốc hội trong việc xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này. Đồng chí đã cùng Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Luật Quốc tịch và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những văn bản mang tính định hướng để tiếp tục nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là một căn cứ pháp lý quan trọng cho việc thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Là người khởi xướng và hoàn thành xây dựng Luật Mặt trận, Đồng chí muốn “thực hiện quyền làm chủ của người dân thông qua luật”.  

Từ thực tiễn quá trình hoạt động, Đồng chí đã thấy rõ mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân: “Sức mạnh vĩ đại của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Tách rời khỏi nhân dân, Đảng không còn sức mạnh nào hết”(9).

Những vấn đề về phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, về xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, về xây dựng và hoàn thiện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước... là những điều Đồng chí luôn luôn suy ngẫm, trăn trở, thể hiện trong Thư gửi Bộ Chính trị (1997)... Đồng chí Lê Quang Đạo đã làm việc và cống hiến đến hơi thở cuối cùng. Những ngày cuối ở bệnh viện, nhiều lúc phải thở bằng ôxy, Đồng chí vẫn không ngừng hỏi về công việc, vẫn nghe và góp ý vào báo cáo chính trị của Đại hội V của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đầu giường bệnh của Đồng chí, cuốn sách: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên, vẫn đang mở...

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, từ một đảng viên trẻ, đến khi giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đồng chí Lê Quang Đạo đã trọn đời phấn đấu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã vinh dự được nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. “Đồng chí Lê Quang Đạo là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí đã đi trọn cuộc đời một cách vẻ vang và để lại cho chúng ta tấm gương về cuộc đời cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đầy lòng vị tha, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng và chu đáo, chân thành và thủy chung, gần gũi và đoàn kết với mọi người”(10).

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Quang Đạo là tấm gương sáng về truyền thống yêu nước và cách mạng. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đồng chí, qua đó giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc”(11) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước đến phồn vinh, hạnh phúc.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021

(1) Từ giữa năm 1941, đồng chí lấy tên là Lê Quang Đạo.

(2), (3), (5) Dẫn theo: Đồng chí Lê Quang Đạo với cách mạng Việt Nam - Kỷ yếu hội thảo khoa học Kỷ niệm 90 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2011, tr.39, 83-87, 86.

(4) Tháng 3-1968, địch tập trung đánh phá ác liệt tuyến giao thông vùng “cán xoong” phía Nam Quân khu 4, đặc biệt tại Ngã ba Đồng Lộc, Ngã ba Khe Ve... sự tiếp tế bị gián đoạn, xăng dầu, lương thực thiếu nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh 500 được thành lập để giải quyết vấn đề ách tắc trong giao thông ở phía Nam Quân khu 4. Đồng chí đảm đương trọng trách là Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh 500.

(6), (10) Lê Quang Đạo (1921-1999), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.184-187, 564.

(7) Ngày 14-7-1986, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam.

(8) Chỉ trong hơn 2 năm luật đi vào cuộc sống, từ 1988 đến tháng 5-1990, đã có 213 giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Dẫn theo: 30 năm luật đầu tư nước ngoài đồng hành cùng đất nước, https://quochoi.vn.

(9) Lê Quang Đạo Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.715.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.47.

PGS, TS TRẦN THỊ THU HƯƠNG

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền