Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đồng chí Ngô Gia Tự - tấm gương cao đẹp của người cộng sản
Thứ năm, 25 Tháng 4 2019 15:45
3245 Lượt xem

Đồng chí Ngô Gia Tự - tấm gương cao đẹp của người cộng sản

(LLCT) - Đồng chí Ngô Gia Tự là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng. Đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng và từng giữ nhiều cương vị quan trọng như:  Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ (1928), Ủy viên Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929), Bí thư Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Nam Kỳ (1930). Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Ngô Gia Tự luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức và phẩm chất của người cách mạng, là tấm gương cao đẹp của người cộng sản đối với mọi thế hệ người Việt Nam nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ.

1. Tấm gương học giỏi và học tập không ngừng

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3-12-1908 trong một gia đình nhà Nho tại làng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Xứ Kinh Bắc (nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Kế thừa truyền thống gia đình, quê hương, ngay từ nhỏ Ngô Gia Tự đã nổi tiếng ham học và học giỏi.

Năm 1914, khi lên 6 tuổi, Ngô Gia Tự được gia đình cho đi học chữ Nho tại trường làng; năm 1916, Ngô Gia Tự được cha cho đi học chữ quốc ngữ tại trường phủ Từ Sơn. Trong ba năm học tại trường (1916-1919), Ngô Gia Tự luôn đạt điểm cao trong học tập, là học sinh giỏi, ngoan được thầy yêu, bạn mến.

Năm 1919, tốt nghiệp trường phủ Từ Sơn, Ngô Gia Tự được gia đình cho đi học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt tại tỉnh lỵ Bắc Ninh. Năm 1922, tốt nghiệp Trường tiểu học Pháp - Việt với điểm giỏi, Ngô Gia Tự tiếp tục được cha cho ra Hà Nội thi vào Trường Bưởi và trúng tuyển với điểm số cao. Thời gian học tại trường Bưởi, Ngô Gia Tự luôn là học sinh giỏi và giỏi đều các môn, được bạn bè, thầy cô quý mến. Trong thời gian học tập tại trường, Ngô Gia Tự được tiếp xúc với nhiều nhà giáo yêu nước. Đồng thời, là người ham hiểu biết, ngoài giờ học, Ngô Gia Tự thường đến thư viện tìm đọc các loại sách báo, các tác phẩm văn học tiêu biểu của các nhà văn Pháp như Raxin, Môlie, Huygô, Ban dắc...; bí mật tìm đọc các sách báo cách mạng, đặc biệt là báo Người cùng khổ, tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc...Qua đó, nhận thức về cách mạng và tinh thần đấu tranh chống áp bức dân tộc được bồi đắp thêm.

Ngô Gia Tự đã sớm hòa mình vào các hoạt động của học sinh, sinh viên, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925); đấu tranh đòi truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1926), bị Giám đốc trường Bưởi đuổi học vì “tội” chống lại chính phủ “bảo hộ”. Mặc dù chỉ còn nửa năm nữa là tốt nghiệp, song Ngô Gia Tự không hề băn khoăn, luyến tiếc, anh trở về quê mở lớp dạy học cho con em trong làng với mục đích tập hợp thanh, thiếu niên để tuyên truyền, giác ngộ tinh thần đấu tranh, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Cuối năm 1926, Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đầu năm 1927, Ngô Gia Tự được Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ cử đi dự lớp huấn luyện chính trị tại Bản Đáy (Trung Quốc). Trong thời gian tham gia lớp huấn luyện, Ngô Gia Tự đã không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận, đạo đức cách mạng nhằm trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho hoạt động cách mạng.

Trở về từ lớp huấn luyện, Ngô Gia Tự đã tích cực hoạt động và trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1928 - 1930 với cương vị Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh, Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ (1928), Ủy viên Trung ương của Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929), Bí thư Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Nam Kỳ (1930).

Cuối năm 1930, Ngô Gia Tự bị địch bắt tại Sài Gòn. Thực dân Pháp giải đồng chí từ Nam Kỳ ra Bắc Kỳ để xét xử. Ban đầu đồng chí bị giam tại Hỏa Lò, Hà Nội, sau đó bị đày ra Côn Đảo.

Tại địa ngục trần gian Côn Đảo, tinh thần ham học hỏi của đồng chí Ngô Gia Tự vẫn không hề bị đòn roi, tra tấn của kẻ thù vùi dập. Đồng chí đã cùng các bạn tù - những chiến sỹ cộng sản “biến ngục tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Ngô Gia Tự thường nói với anh em: “Phải biến nhà tù đế quốc thành trường học, không nên bỏ phí thì giờ. Bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được”(1).

Ngô Gia Tự đã tham gia tổ chức cho anh em học tập, nghiên cứu những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, phương pháp cách mạng; nghiên cứu những đặc điểm của giai cấp trong xã hội Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm về đường lối lãnh đạo của Đảng. Chính từ kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập tại lớp huấn luyện chính trị ở Bản Đáy (Trung Quốc) và hoạt động thực tiễn đã giúp Ngô Gia Tự viết cuốn Những vấn đề cơ bản của cách mạng Đông Dương. Tài liệu này còn được đưa ra ngoài phổ biến cho các đảng bộ ở đất liền. Mỗi khi có đồng chí hết hạn tù hoặc chuẩn bị vượt ngục ra ngoài, chi ủy giao mang những tài liệu mật đó ra ngoài để tổ chức học tập(2). Đồng thời, đồng chí còn thường xuyên viết bài cho tờ Ý kiến chung - tạp chí lý luận của Đảng bộ nhà tù và báo Tiến lên, cơ quan tuyên truyền của Hội Cứu tế tù nhân Côn Đảo.

Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là sự đàn áp dã man của chế độ lao tù thực dân, Ngô Gia Tự đã cùng các bạn tù của mình luôn nêu tấm gương sáng về tinh thần học tập. Học tập văn hóa qua chính trị. Càng tiến bộ về chính trị thì càng tiến bộ về văn hóa. Học cách xử thế, học để đoàn kết, học để đấu tranh(3).

2. Mẫu mực trong lựa chọn lý tưởng cách mạng

Dòng họ Ngô Gia Tự ở Tam Sơn có truyền thống khoa bảng và yêu nước. Trải qua hơn 30 đời, họ Ngô có 3 tước vương, 9 tước công, 25 tước hầu, rất nhiều quận công và gần 100 trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa(4). Đồng thời, đây cũng là dòng họ có tinh thần yêu nước và hiếu học. Đặc biệt, cha Ngô Gia Tự là ông Ngô Gia Du cũng là một ông đồ yêu nước, đã tham gia dạy học trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, tham gia phong trào kháng Pháp của Đề Thám. Khi khởi nghĩa Yên Thế thất bại, ông trở về quê dạy học. Nhà nghèo, phải nuôi tới 10 người con, lại phải đi trình quan, báo phủ, ông Đồ Du đành nhận chức Lý trưởng để có điều kiện nuôi sống gia đình và các con học hành(5).

Ngô Gia Tự  được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, dòng họ có bề dày truyền thống cùng bối cảnh đất nước đang bị đày ải dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Cuộc sống đói khổ, cùng cực, lầm than ám ảnh mỗi người dân nói chung, trong đó có tầng lớp thanh niên, vì vậy, học tập để vinh thân, phì gia là mong ước của nhiều thanh niên và gia đình có con đi học.

Trong gia đình của Ngô Gia Tự, người anh cả Ngô Gia Lễ cũng đã đi theo con đường quan trường. Tuy nhiên, Ngô Gia Lễ là một vị Quan tri huyện(6) chính trực, không sách nhiễu, ức hiếp dân, không nịnh bợ Tây, chăm  lo cho gia đình, chu cấp cho các em và các con học hành(7). Muốn em có cuộc sống an nhàn, Ngô Gia Lễ thường khuyên nhủ Ngô Gia Tự học hành để kiếm nghề nghiệp cho chắc chắn, ấm thân. Mặc dù rất tôn trọng anh, nhưng Ngô Gia Tự không đi theo lời khuyên đó, thậm chí còn cự cãi lại anh mỗi lần anh em bàn đạo về hướng đi, lựa chọn nghề trong tương lai. Khi Ngô Gia Lễ nói: “Gia đình cho chú ăn học để kiếm lấy nghề nghiệp chắc chắn, ấm thân, chứ không phải để vào tù ra tội”.  Ngô Gia Tự đã khẳng khái trả lời: “Em biết. Nhưng ấm thân lấy một mình, để thằng Tây đè đầu cưỡi cổ dân mình, em không chịu được.... đánh đuổi Tây tất nhiên phải chịu nhiều hy sinh, em đâu có ngại”(8).

Sự khẳng khái, dứt khoát về hướng đi của Ngô Gia Tự đã thể hiện rõ một ý chí, nghị lực phi thường. Ngô Gia Tự không lựa chọn con đường học để làm quan, để vinh thân, phì gia mà lựa chọn con đường học tập để nâng cao trình độ phục vụ sự nghiệp cách mạng. Điều này đã minh chứng rõ Ngô Gia Tự luôn hết lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Đặc biệt, ngay khi chuẩn bị tốt nghiệp trường Bưởi, sắp có trong tay tấm bằng tú tài nhưng Ngô Gia Tự vẫn sẵn sàng bỏ học, không luyến tiếc để dấn thân theo con đường cách mạng dù biết rằng có rất nhiều những khó khăn, thách thức, những gian nan thậm chí cả tù đày, hy sinh đang chờ phía trước.

Năm 1926, ở tuổi 18 căng tràn sức sống, Ngô Gia Tự đã quyết chí tự tìm kiếm lấy con đường đến với tổ chức cách mạng, đến với Nguyễn Ái Quốc, người mà anh luôn khâm phục, ngưỡng mộ khi đọc các tác phẩm của Người. Và chính từ quyết tâm, ý chí, nghị lực, sự lựa chọn sáng suốt đó đã đưa Ngô Gia Tự đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh đã tìm ra cho dân tộc. Thông qua lớp Huấn luyện chính trị tại bản Đáy, thông qua hoạt động cách mạng, Ngô Gia Tự đã ngày càng trưởng thành và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

3. Tấm gương về sống, chiến đấu hết mình vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc

Không chỉ lựa chọn đúng đắn con đường, hướng đi, lý tưởng cách mạng, Ngô Gia Tự còn là tấm gương về sự phấn đấu hết mình cho lý tưởng cách mạng đó. Ngô Gia Tự đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng mà mình đã lựa chọn.

Là một trong những chiến sỹ cách mạng thời kỳ tiền thành lập Đảng, vượt qua tất cả mọi sự theo dõi của mật thám, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, Ngô Gia Tự đã luôn sống, chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng chí là người chiến sỹ cách mạng đã hoạt động không biết mệt mỏi, đóng góp lớn cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngay từ những ngày đầu khi Hội thành lập tại Hà Nội, Ngô Gia Tự là một trong những thành viên góp phần rất lớn vào việc phát triển tổ chức Hội, đặc biệt ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Tiếp đó, nhờ nắm bắt được xu thế phát triển chung của thời đại và yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Ngô Gia Tự đã cùng một số đồng chí hăng hái tham gia cuộc vận động thành lập chính Đảng Cộng sản Việt Nam; cùng các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Văn Cung, Trịnh Định Cửu... tổ chức ra Chi bộ Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở trong nước tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội.

Tinh thần, ý chí đấu tranh kiên quyết cho sự nghiệp cách mạng của Ngô Gia Tự được thể hiện rõ nét tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hương Cảng (5-1929). Khi nêu vấn đề và yêu cầu đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội việc thành lập Đảng Cộng sản nhằm đáp ứng đòi hỏi và yêu cầu của thực tiễn nhưng không được Đại hội chấp nhận, Ngô Gia Tự đã cùng đoàn Đại biểu Bắc Kỳ đã thoát ly Đại hội ra về, và sau đó thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 17-6-1929. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã góp phần động viên cách mạng Việt Nam tiến lên một bước mới và lôi cuốn sự ra đời của các tổ chức khác ở trong nước, trước khi hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Ngô Gia Tự là một trong những thành viên có đóng góp tích cực vào việc thống nhất Đảng về tổ chức. Đồng chí luôn khẳng định: “Điều tối kỵ ở trong Đảng là chia rẽ bè phái”(9). Được cử là Bí thư Chấp ủy lâm thời Nam Kỳ, dưới sự chỉ đạo của Đảng, đồng chí đã tổ chức cuộc họp ngày 24-2-1930 và thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam ký nghị quyết chấp thuận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi được phân công vào Nam Kỳ phát triển Đảng và phong trào cách mạng, trên cương vị Bí thư Chấp ủy lâm thời Nam Kỳ, đồng chí Ngô Gia Tự đã ngày đêm lăn lộn với phong trào cách mạng của quần chúng, trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân biểu tình đấu tranh ngay tại trung tâm thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và các tỉnh Cần Thơ, Tây Ninh.... Điển hình là cuộc bãi công của 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, tháng 2-1930.

Ngô Gia Tự cũng đã góp phần rất lớn vào việc phát triển các tổ chức Đảng tại Nam Kỳ. Tiêu biểu là đồng chí đã thay mặt Xứ ủy đến công nhận chi bộ đầu tiên được thành lập tại xã Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang, tại buổi lễ đồng chí đã căn dặn các đảng viên: “Người đảng viên phải bảo vệ Đảng. Ta vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta mà cách mạng bị hy sinh”(10). Lời căn dặn của đồng chí thể hiện rõ quan điểm người cộng sản luôn hết lòng vì Đảng, vì cách mạng.

Bị bắt khi đang hoạt động tại Sài Gòn, Ngô Gia Tự đã phải trải qua mọi đòn roi, tra tấn dã man của kẻ thù. Dù bị giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), hay địa ngục trần gian Côn Đảo, tấm gương, ý chí đấu tranh không khoan nhượng trước quân thù và tinh thần cách mạng tiến công, niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng của cách mạng vẫn luôn được thể hiện rõ trong con người Ngô Gia Tự.

Trước quân thù, đồng chí Ngô Gia Tự luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, luôn ở thế tiến công, nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, khí phách anh hùng. Dù bị tra tấn hết sức dã man nhưng trong các lần hỏi cung, Ngô Gia Tự vẫn một mực không khai, không làm tổn hại tới tổ chức Đảng. Đứng trước các phiên tòa xét xử của thực dân Pháp, Ngô Gia Tự vẫn kiên cường dùng những lời lẽ đanh thép để đấu tranh với quân thù, biến phiên tòa đế quốc thành nơi luận tội chúng. Đồng chí nói: “Chính đế quốc Pháp cướp nước Việt Nam, nô dịch nhân dân nước chúng tôi. Đế quốc Pháp đã câu kết với phong kiến, lập nên một chế độ hà khắc, áp bức, bóc lột nhân dân nước chúng tôi hết sức tàn bạo. Chính điều đó đã đẩy chúng tôi đứng lên làm cách mạng để giành độc lập cho Tổ quốc chúng tôi, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân chúng tôi”(11).

Trong hoàn cảnh ngục tù lao khổ, Ngô Gia Tự vẫn không hề nản ý chí và quyết tâm, đồng chí vẫn hoạt động không mệt mỏi, luôn đứng đầu các cuộc đấu tranh tuyệt thực, chống đánh đập tù nhân, đòi cải thiện chế độ nhà tù. Ngô Gia Tự cũng là người đã tích cực tuyên truyền cách mạng, tin vào ngày mai tươi sáng của cách mạng. Đồng chí vẫn viết báo, viết sách, giảng dạy lý luận trong tù... Ý chí cách mạng tiến công và chủ nghĩa anh hùng cách mạng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp của Ngô Gia Tự.

Hy sinh trong cuộc vượt biển để trở về với cách mạng ở tuổi 27, tuổi thanh xuân rực rỡ nhất của đời người, Ngô Gia Tự đã để lại tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay học tập và noi theo, đặc biệt là thế hệ trẻ.

____________________

(1) Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Hà Bắc: Đồng chí Ngô Gia Tự - người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc của Đảng ta, 1978, tr. 114; Chương trình sưu tầm tài liệu viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Ngô Gia Tự tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.190

(2), (3), (7) Chương trình sưu tầm tài liệu viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Ngô Gia Tự tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.191, 192, 52.

(4), (5) Theo gia phả họ Ngô Gia ở Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh.

(6) Ngô Gia Lễ là quan tri huyện Yên Mỹ (Hưng Yên),  Gia Viễn (Ninh Bình), Tam Nông (Phú Thọ), Tứ Kỳ (Hải Dương) và Kim Sơn (Ninh Bình).

(8), (9), (10) Ngô Gia Tự người cộng sản lỗi lạc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.16, 149, 150.

(11) Hồi ký của Hà Huy Giáp, Bùi Lâm, Nguyễn Trác, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.

 

TS Trần Thị Huyền

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền