Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Nguyễn Chí Diểu - một đảng viên cộng sản tiền bối kiên cường
Thứ hai, 25 Tháng 3 2019 11:35
2000 Lượt xem

Nguyễn Chí Diểu - một đảng viên cộng sản tiền bối kiên cường

(LLCT)- Đồng chí Nguyễn Chí Diểu là người cộng sản kiên trung, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã có những đóng góp quan trọng đối với việc khôi phục tổ chức đảng và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Đồng chí đã được Đảng tin tưởng giao giữ những chức vụ quan trọng, như: Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ (3-1937), Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (3-1938)... Đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho dân, cho nước; là tấm gương mẫu mực của đạo đức cách mạng.

Sinh năm 1908, trong một gia đình nhà nho truyền thống, nhiều đời làm quan, ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, Nguyễn Chí Diểu được gia đình quan tâm cho đi học tại trường Pháp -Việt Đông Ba và sau đó là trường Quốc học Huế. Năm 1925, khi đang học tại trường Quốc học Huế, Nguyễn Chí Diểu đã từ bỏ con đường “vinh thân, phì gia” do nền giáo dục của chế độ thực dân, phong kiến định hướng để tham gia hoạt động yêu nước nhằm lật đổ chế độ ấy. Là một trong những người khởi xướng và là ngòi nổ của sự kiện trong phong trào đòi để tang Phan Châu Trinh và đòi thả Phan Bội Châu, Nguyễn Chí Diểu trở thành một trong những nhân vật lịch sử  không chỉ góp phần duy trì ngọn lửa yêu nước bằng một cao trào chống lại cường quyền của chế độ thực dân, phong kiến của học sinh các trường học ở Huế mà qua đó còn tạo ra cơ sở xã hội, với việc một loạt thanh niên yêu nước lên đường làm cách mạng(1), để tiếp tục thúc đẩy phong trào cách mạng ở nước ta đi theo một hướng mới, với những hình thức mới, đẩy nhanh sự phát triển của cách mạng nước ta mà trước hết là cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XX. Bị kẻ thù bắt, nhưng vượt qua sự tàn bạo của ngục tù đế quốc ở Côn Đảo để giữ vững khí tiết người cộng sản, Nguyễn Chí Diểu trở về lập tức tham gia lãnh đạo góp phần khôi phục tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ bất chấp sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù.

Trước hết, cần phải nói rằng, sự trung thành với lý tưởng và hy sinh cho Đảng và cách mạng ở Nguyễn Chí Diểu có nguồn cội vững chắc từ tinh thần yêu nước. Đó cũng là lý do tất yếu để đồng chí tham gia ngay vào tổ chức Phục Việt, trở thành một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, bắt đầu hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. 

Là đảng viên của Việt Nam cách mạng Đảng(2), nhưng có liên hệ với Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng nên từng bước Nguyễn Chí Diểu chịu ảnh hưởng về tư tưởng, chính trị của tổ chức do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Bởi vậy, cùng với việc trực tiếp tham gia vào phong trào “vô sản hóa” ở Sài Gòn, song song với sự phân hóa của Tân Việt(3), Nguyễn Chí Diểu đã nhanh chóng trở thành một trong những đảng viên nòng cốt của Đông Dương Cộng sản liên đoàn (1-1-1930). Sau khi trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Chí Diểu đã thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của Đảng giao cho trên nhiều cương vị khác nhau. Có thế thấy điều này cụ thể trên những nét cơ bản sau đây.

Theo chủ trương của Đảng, Nguyễn Chí Diểu đi sâu vào hoạt động để xây dựng các tổ chức công hội đỏ ở Sài Gòn, vận động công nhân đấu tranh đòi quyền lợi, nổi bật là hai cuộc bãi công của công nhân nhà máy đèn Chợ Quán, nhà máy xe lửa Dĩ An. Khi trở thành Bí thư Tỉnh ủy Gia định, đồng chí là người chỉ đạo xây dựng địa bàn vùng Bà Điểm - Hóc Môn thành mảnh đất trung kiên của cách mạng, không chỉ trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc mà trong cả hai cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược sau này.

Kẻ thù đã ra sức truy lùng và bắt giam đồng chí vào Khám lớn Sài Gòn (10-1930). Trước sự vu cáo thâm độc của kẻ thù(4) nhằm tạo ra một vụ án lớn(5) đối với Đảng ta để trấn áp cao trào cách mạng, Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Bùi Lâm...đã biến phiên tòa thành nơi luận tội chế độ thực dân, bảo vệ hành động chính nghĩa của những người cộng sản. Bị kết án khổ sai chung thân, đày đi Côn Đảo và phải chịu đựng chế độ man rợ tột cùng ở banh 1, Nguyễn Chí Diểu cùng những đồng chí khác đã xây dựng Chi bộ Đảng đầu tiên ở đây và tổ chức các cuộc đấu tranh chống lại chế độ khắc nghiệt của nhà tù đế quốc, hơn nữa còn biến nơi đây thành trường học văn hóa, lý luận, góp phần đào tạo cán bộ cho Đảng và chuẩn bị cho các cuộc vượt ngục để trở về hoạt động(6). Trước những hoạt động đó, kẻ thù lại giam Nguyễn Chí Diểu vào hầm xay lúa hòng giết dần đồng chí bằng lao động cực nhọc, bệnh tật(7) hoặc chết dưới tay của bọn “cặp rằng” hung dữ.

Ngay sau khi thoát khỏi nhà tù Côn Đảo trở về Huế(8), Nguyễn Chí Diểu đã lập tức lao vào hoạt động để nắm lại tình hình của Đảng bộ Trung Kỳ sau khi bị tổn thất nặng nề bởi khủng bố trắng của địch. Vượt qua sự theo dõi, săn lùng của mật thám Pháp, đồng chí bắt liên lạc với các đồng chí Phan Đăng Lưu(9), Bùi San, Lâm Mộng Quang, Nguyễn Cửu Thạnh, Trịnh Xuân An,  Tú Cầu...và quần chúng cách mạng để nắm tình hình, vào Sài Gòn báo cáo và nhận chỉ thị mới của Đảng. Tháng 3-1937, Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn đã triệu tập Hội nghị cán bộ các tỉnh ở Trung Kỳ và quyết định thành lập Xứ ủy Lâm thời Trung Kỳ. Đồng chí  Nguyễn Chí Diểu được cử làm Bí thư(10). Nhờ đó, tổ chức Đảng ở Thừa Thiên - Huế được khôi phục, kiện toàn và tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ phát triển.

Vào thời gian này, Đảng ta chủ trương tiến tới Đông Dương Đại hội nhằm thu thập nguyện vọng nhân dân đòi thực hiện những cải cách dân sinh, dân chủ. Trở lại Huế, Nguyễn Chí Diểu đã quyết định dùng áp lực quần chúng biến diễn đàn của địch thành diễn đàn của ta và biến cuộc họp của Viện Dân biểu thành Đại hội Nhân dân toàn Xứ ủng hộ Đông Dương Đại hội. Lợi dụng diễn đàn công khai, các đồng chí tham gia đã phác họa nội dung bản nguyện vọng theo 12 điều dự thảo do Đảng đề ra, tố cáo các thủ đoạn bóc lột, vơ vét, xâm phạm quyền tự do dân chủ của bọn cầm quyền và làm thất bại các thủ đoạn mỵ dân của chúng.

Thắng lợi của hoạt động nghị trường đã thúc đẩy phong trào quần chúng ở Trung Kỳ tiến lên bước mới với việc Đảng ta chủ trương vận động quần chúng đón Gô đa (Godart)(11) nhằm đưa quần chúng xuống đường đòi dân sinh, dân chủ. Nguyễn Chí Diểu đã triệu tập cuộc họp đại biểu các giới ở Thừa Thiên để bàn việc đón Gô đa(12) và đề xuất việc xuất bản tuần báo Nhành lúa để chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng(13). Nguyễn Chí Diểu đã trực tiếp đi các nơi vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia(14). Bằng công tác tổ chức chặt chẽ và kiên trì vận động, đồng chí đã góp phần tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng làm nên thành công của phong trào đấu tranh dân chủ ở Trung Kỳ. Thông qua phong trào, đồng chí đã tiến hành một loạt các hoạt động xây dựng Đảng, trực tiếp kết nạp thêm đảng viên mới và xây dựng các chi bộ mới của Đảng ở miền Trung(15).

Trước tình hình phong trào cách mạng ở Huế có bước phát triển  nhưng lại thiếu những cán bộ nghiệp đoàn có kinh nghiệm, Nguyễn Chí Diểu đã ra Hà Nội để xin chủ trương và đề nghị Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội hỗ trợ cán bộ để phát triển phong trào Ái hữu ở Huế(16). Đồng thời, đồng chí rất chú ý giúp đỡ cán bộ trong đoàn Thanh niên Dân chủ(17) về  phương pháp hoạt động cách mạng và phong cách làm việc để thu hút giới trẻ nên đã giúp cho nhiều cán bộ trẻ trưởng thành.

Khi báo “Nhành lúa” bị rút giấy phép(18) xuất bản sau hơn hai tháng hoạt động, Nguyễn Chí Diểu cùng Phan Đăng Lưu vận động một số nhà báo kêu gọi triệu tập Hội nghị báo giới Trung Kỳ để phản đối đàn áp tự do ngôn luận(19) và bàn bạc để biến tờ “Sông Hương” của Phan Khôi thành tờ Sông Hương tục bản phục vụ cho công tác của Đảng(20).

Biết rõ những hạn chế của Viện Dân biểu(21) nhưng trước chủ trương của Đảng là phải “lợi dụng các thời kỳ tranh cử mà tuyên truyền khẩu hiệu của ta, phải lợi dụng các cơ quan lập hiến mà bênh vực quyền lợi cho quần chúng lao động và các tầng lớp dân chúng bị áp bức”(22), và đưa những nhân tố tích cực mà ta có thể nắm được vào làm thành viên của Viện Dân biểu, Nguyễn Chí Diểu và Phan Đăng Lưu đã lãnh đạo tổ chức, vận động cơ cấu lại thành phần dân biểu theo hướng có lợi nhất cho cách mạng, góp phần vào thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng(23) ở giai đoạn này.

Những hoạt động đa dạng của Nguyễn Chí Diểu đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Vì vậy, tại Hội nghị Trung ương mở rộng họp ở Bà Điểm, Hóc Môn, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương của Đảng.

Những hoạt động cách mạng không kể ngày đêm đã khiến bệnh lao ngày càng diễn biến nặng hơn nhưng Nguyễn Chí Diểu vẫn giữ vẻ bình thản để mọi người yên tâm. Sau cuộc họp Trung ương mở rộng trở về, Nguyễn Chí Diểu phải vào bệnh viện nhưng vẫn cố gượng dậy trao đổi nhiệm vụ với các đồng chí. Khi sức khỏe có chuyển biến khá hơn trước, cuối tháng 3-1938, đồng chí lại bí mật đi dự họp Ban Chấp hành Trung ương tại làng Tân Thới nhất gần Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) và đóng góp vào việc quyết định chính sách mới của Đảng, trong đó có chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Đông Dương, mở ra bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Chí Diểu trở thành Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng.

Đặt vào hoàn cảnh lịch sử là sự đàn áp tàn bạo của kẻ thù trước và sau khi Đảng ta ra đời, sự bùng nổ của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930) và phong trào dân chủ (1936-1939) mới thấy hết những nỗ lực cống hiến của Nguyễn Chí Diểu cho Đảng và cách mạng nước ta. Những đóng góp đó của đồng chí không chỉ góp phần vào xây dựng và khôi phục hoạt động của Đảng, củng cố và phát triển phong trào cách mạng mà còn đóng góp cho Đảng những sáng tạo về phương pháp hoạt động cách mạng trong những điều kiện khác nhau. 

Trong điều kiện hết sức khó khăn, từ thời dựng Đảng tới những năm tháng khốc liệt nơi ngục tù đế quốc hoặc trước những cuộc đại khủng bố trắng tàn bạo của kẻ thù, nhưng Nguyễn Chí Diểu vẫn luôn luôn tìm cách không ngừng học tập để thấu hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin. Học từ sách vở, học từ đồng chí nơi bị tù đày và học trong thực tiễn, Nguyễn Chí Diểu đã khẳng định niềm tin khoa học vào con đường và mục tiêu mà Đảng đã chỉ ra và kiên cường phấn đấu, không bao giờ chùn bước trước mọi gian nan, thử thách. Chính từ ý chí dựa trên sự hiểu biết khoa học đó mà đồng chí không ngừng sáng tạo ra các phương thức hoạt động để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng trước mọi hoàn cảnh dù là khó khăn nhất.

Tất cả những người cùng làm việc hoặc quen biết đồng chí đều thấy ở Nguyễn Chí Diểu một con người bình dị trong cuộc sống, hết sức gắn bó với đồng chí, với nhân dân. Từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (3-1938) trở về, bị chánh mật thám Sônhi ra chỉ thị mật buộc Bệnh viện Huế phải đưa vào khu cách ly để tách đồng chí ra khỏi phong trào, nhưng trong những ngày cuối đời, lúc cơn ho dịu lại, Nguyễn Chí Diểu lại động viên các đồng chí. Hình ảnh Nguyễn Chí Diểu trên giường bệnh cố gắng cầm lấy cây đàn violon kéo một vài giai điệu để khích lệ mọi người đã trở thành hồn cốt cho bài thơ “Những người không chết” của Tố Hữu ra đời(24).

Do sự hủy hoại của bệnh tật gây ra bởi sự khủng bố và chế độ khổ sai khủng khiếp trong hầm xay lúa tại ngục tù Côn Đảo, ngày 15-9-1939, đồng chí Nguyễn Chí Diểu trút hơi thở cuối cùng khi mới 31 tuổi. Nguyễn Chí Diểu đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho dân, cho nước. Cuộc đời tuy ngắn ngủi, nhưng đồng chí đã có những cống hiến to lớn cho cách mạng và làm sáng lên phẩm chất cao đẹp của người cộng sản mà ngày nay các thế hệ đảng viên của Đảng cần phải noi theo.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị só 11-2019

(1) Nhiều học sinh tham gia bãi khóa, như: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Hoàng, Trịnh Xuân An... cùng học với Nguyễn Chí Diểu bị đuổi học, sau đó cũng lần lượt lên đường làm cách mạng.

(2) Năm 1928, Phục Việt đổi tên thành Việt Nam cách mạng đảng.

(3) Thời gian này, nội bộ Đảng Tân Việt có sự phân hóa tư tưởng và biến động về tổ chức mạnh, Kỳ bộ Nam Kỳ quyết định ly khai Tổng bộ và xây dựng các nhóm cộng sản. Tháng 7-1929, cơ quan Tổng bộ Tân Việt ở Huế bị địch vây bắt. Bí thư Tổng bộ Đào Duy Anh bị  giam ở nhà lao Thừa Phủ.

(4) Chúng vu khống cho đồng chí chủ mưu vận động nông dân giết tên hương quản để khép án.

(5) Ngày 2-5-1933, thực dân Pháp mở phiên tòa “đại hình đặc biệt” tại Sài Gòn để xử 120 chiến sĩ cộng sản, trong đó có Nguyễn Chí Diểu.

(6) Biết Nguyễn Chí Diểu là người có học, có lúc bọn cai ngục còn giao cho anh sổ sách chấm công và thu phát dụng cụ lao động như cuốc xẻng, rìu rựa, nhân đó Nguyễn Chí Diểu thường phát thừa một số rìu rựa để anh em chặt gỗ đóng bè vượt biển.

(7) Trong điều kiện đó, Nguyễn Chí Diểu đã bị mắc bệnh lao phổi.

(8) Sau thắng lợi của Mặt trận bình dân ở Pháp, tháng 6-1936.

(9) Phan Đăng Lưu bị đày ở Ban Mê Thuột. Trở về ở nhà Lê Bồi gần chợ Cống, hợp thức hóa bằng việc dạy học tư.

(10) Đồng chí Lê Duẩn và Phan Đăng Lưu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy.

(11) Bộ trưởng Lao động đại diện cho Chính phủ Pháp đi điều tra tình hình Đông Dương.

(12) Cuối tháng 12-1936, vào đầu buổi họp, Nguyễn Chí Diễu đã đứng lên hát bài “Quốc tế ca” và kéo violon bản nhạc này. Mọi người trong cuộc họp nhất trí tổ chức thật tốt cuộc đón tiếp Gô đa và cử ra một ban đón tiếp do Nguyễn Chí Diểu đứng đầu.

(13) Tuần báo “Nhành lúa” ra ngày thứ sáu, 8 trang. Số 1 của “Nhành lúa” ra ngày 9-1-1937.

(14) Nguyễn Chí Diểu cùng Phan Đăng Lưu, Bùi San, Trần Công Xứng, Lê Tự Nhiên... phân công nhau đi sâu các cơ sở để móc nối tổ chức, bố trí các hoạt động. Nguyễn Chí Diểu trực tiếp gặp nhóm thanh niên yêu nước ở Niêm Phò do Nguyễn Vịnh (tức Nguyễn Chí Thanh) phụ trách và nhóm Phù Ninh do Hoàng Anh đứng đầu.

(15) Như kết nạp đồng chí Hoàng Anh vào Đảng và giao trách nhiệm xây dựng chi bộ Phù Ninh (Phong Điền) và liên lạc chặt chẽ với nhóm Nguyễn Vịnh (Quảng Điền). Nguyễn Chí Diểu còn về các huyện phía Nam làm việc với Lê Bá Dị, Trần Thanh Chữ, Phan Sung.

(16) Sau chuyến đi đó ít lâu, hai đồng chí Đoàn Quang Thìn và Bùi Đăng Chất (vào làm tại tại hiệu may Phan Huy Đậu ở đường Paul Bert ) và nữ đồng chí Soái (làm nghề buôn bán lẻ ở chợ Đông Ba) là những cán bộ được Hà Nội điều vào Huế để hoạt động Ái hữu. Với những hoạt động tích cực đó, tại Huế đã tổ chức Đại hội thành lập Ái Hữu ở rạp hát Bà Tuần phố Gia Long (nay là đường Phan Đăng Lưu) làm cho phong trào Ái Hữu phát triển nhanh chóng và trở thành một cuộc vận động cách mạng rộng lớn trong mọi giới  ở Huế.

(17) Như Đào Duy Dếnh, Hoàng Anh, Lâm Hồng Phấn...

(18) Ngày 10-3-1937.

(19) Vượt qua sự phá rối hội nghị của bọn tay sai đế quốc (đưa ra ý kiến đối lập, khiêu khích, tranh cãi kịch liệt), nhờ sự lãnh đạo khéo léo và áp lực của quần chúng, Hội nghị đã lên tiếng tố cáo mạnh mẽ chính sách phát xít của bọn phản động thuộc địa đối với báo chí và đã thông qua hai nghị quyết về quyền tự do báo chí và nghị quyết về tình hình chính trị chung.

(20) Nguyễn Chí Diểu và Phan Đăng Lưu chủ trương lợi dụng tờ “Sông Hương” của Phan Khôi (đã đình bản vì ế) để xin nhượng lại giấy phép nhằm xây dựng cơ quan ngôn luận của ta. Kết quả là đã xây dựng được “Sông Hương tục bản” của Đảng, ra số đầu ngày 19-6-1937. Không lâu sau đó, “Sông Hương” trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng chỉ đạo cuộc tranh cử Viện Dân biểu Trung Kỳ khóa 3.

(21) Viện Dân biểu là cơ quan dân cử do thực dân đề ra nhằm tạo ra một khung cửa hẹp chỉ để một số người gắn với lợi ích của chế độ thực dân là có thể lọt qua. Xung đột gay gắt giữa cụ Huỳnh Thúc Kháng, Viện trưởng khóa 1 (1926 -1929) với hai viên Khâm sứ Trung kỳ D’Elloy và Jabouille làm chúng thận trọng khi lựa chọn nhân sự mới.

(22) Thông báo ngày 20-7-1937 của Đảng.

(23) Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử các cơ quan nhà nước của thực dân, phong kiến, tại Viện Dân biểu Trung Kỳ, những người do ta đưa ra đã giành được các ghế quan trọng như Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Ủy viên Thường trực... Đó là thắng lợi rất có ý nghĩa to lớn biểu hiện sự trưởng thành về trình độ lãnh đạo đấu tranh công khai hợp pháp của Đảng và sức mạnh phong trào quần chúng... mà đồng chí Nguyễn Chí Diểu có đóng góp quan trọng.

(24) “Không! không! không! anh không chết trong tôi; Ý đời anh đã nẩy lộc đâm chồi”.

 

PGS, TS Phạm Hồng Chương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền