Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đồng chí Chu Huy Mân - Người chiến sĩ quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 16:57
2513 Lượt xem

Đồng chí Chu Huy Mân - Người chiến sĩ quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Đồng chí Chu huy Mân (1912-2006), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà chính trị quân sự xuất sắc, suốt đời chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, một chiến sĩ cộng sản theo tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh thần quốc tế trong sáng. Bài viết này góp phần làm rõ cống hiến của đồng chí Chu Huy Mân trong nhiệm vụ của một chiến sĩ quốc tế có đóng góp cho công cuộc giải phóng Trung Quốc và thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Lào.

1. Với cách mạng Trung Quốc

Với những đóng góp trong Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương cử làm Chủ tịch quân chính Khu C (gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam), chính thức tham gia vào lĩnh vực quân sự trong vai trò đầu tiên là Chính trị viên Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Xa vẳn na khệt.

Cuối năm 1946, đồng chí được điều động ra Việt Bắc để tham gia chuẩn bị cho kháng chiến chống thực dân Pháp với nhiệm vụ tổ chức phương án đánh chặn quân địch tiến công lên Việt Bắc. Năm 1947, đồng chí được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72.

Tháng 3-1949, để đón đại quân Quân giải phóng Trung Quốc từ Nam Hạ xuống, Bộ tư lệnh Quân giải phóng Biên khu Việt Quế (Trung Quốc) cử đại diện sang đề nghị Việt Nam đưa bộ đội sang giúp lực lượng cách mạng Trung Quốc đánh quân Quốc dân đảng để mở rộng căn cứ ở vùng Ung Châu -Long Châu-Khiêm Châu (Trung Quốc). Mặc dù Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do mới trải qua cuộc chiến đấu chống lại cuộc tấn công của quân Pháp lên Việt Bắc vào Thu Đông năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta vẫn quyết định giúp nước bạn. Bộ Tổng tư lệnh đã ra mệnh lệnh giao cho Bộ Tư lệnh Liên khu 1 tổ chức triển khai nhiệm vụ “Phối hợp cùng các lực lượng vũ trang của Giải phóng quân Biên khu Việt Quế kịp thời hành động giúp Quân giải phóng xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung -Long -Khâm, liền với biên giới Đông Bắc của ta, thông ra bể, gây điều kiện khuyếch trương lực lượng đón  đại quân Nam Hạ”(1) và hoạt động đó của bộ đội ta “Phải đảm bảo nhiệm vụ đoàn kết phấn đấu giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam mới, giữa Giải phóng quân và quân ta, nêu vinh dự của người quân nhân Việt Nam và tinh thần quốc tế của người quân nhân Việt Nam”(2)

Thực hiện mệnh lệnh đó, Bộ Tư lệnh Liên khu 1 đã thành lập một lực lượng đặc biệt gồm hai cánh quân: cánh thứ nhất do đồng chí Thanh Phong (Phó Tư lệnh Quân khu Việt Bắc) làm Tư lệnh; đồng chí Chu Huy Mân làm  Chính ủy lãnh đạo tiến qua vùng Tả Giang - Long Châu; cánh thứ hai do Tư lệnh Lê Quảng Ba và Chính ủy lãnh đạo tiến qua vùng Khâm Châu - Phòng Thành.

Trên cương vị được giao, đồng chí Chu huy Mân tích cực triển khai cho bộ đội quán triệt nhiệm vụ quốc tế và chuẩn bị các điều kiện cho bộ đội thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu đấu và công tác dân vận. Tháng 5-1949, sau khi vượt biên giới, cánh quân thứ nhất đã tiêu diệt đồn Thủy Khẩu và tổ chức tiêu diệt quân tiếp viện của địch. Với thắng lợi đó, quân ta tiến hành bao vây, uy hiếp căn cứ địch ở Long Châu, đồng thời tiến công thị trấn Minh Ninh, cắt đứt đường tiếp vận cho Long Châu. Trước tình hình đó, quân địch ở Long Châu buộc phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện theo tối hậu thư của Chính ủy Chu Huy Mân. Hệ thống đồn bốt của địch ở Tả Giang-Long Châu bị phá vỡ, nhiệm vụ quân sự của cánh quân thứ nhất mà đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy đã hoàn thành.

Song song với nhiệm vụ quân sự, đồng chí Chu Huy Mân thấy rõ nhiệm vụ cách mạng của Trung Quốc phải do nội lực là lực lượng cách mạng tại chỗ thực hiện, nên đã lãnh đạo tiến hành việc giáo dục công tác  chính trị cho cán bộ cách mạng địa phương, giúp họ nhanh chóng xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, củng cố thắng lợi quân sự; đồng thời tiến hành công tác dân vận, giải thích cho nhân dân trong vùng được giải phóng hiểu rõ nhiệm vụ của bộ đội Việt Nam ở đây. Những hoạt động này đã giúp cách mạng Trung Quốc xây dựng cơ sở chính trị trong nhân dân địa phương, tiến tới xây dựng các căn cứ địa nhỏ lẻ để từ đó xây dựng thành  vùng căn cứ cách mạng liên hoàn rộng lớn trong khu vực.

Với thắng lợi của bộ đội quốc tế Việt Nam giúp cách mạng Trung Quốc, những hoạt động quân sự và chính trị nói trên, đã đóng góp vào thắng lợi chung trong sự nghiệp giải phóng Trung Quốc, góp phần xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thắng lợi đó biểu thị tinh thần quốc tế vô sản trong sáng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Chính ủy Chu Huy Mân.                 

2. Với cách mạng Lào

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 8-1954, khi quân đội ta chưa về tiếp quản Thủ đô, đồng chí Chu Huy Mân lại được nhận nhiệm vụ mới. Trên cương vị là Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam, đồng chí dẫn 100 chuyên gia quân sự nước ta sang giúp xây dựng Quân giải phóng Lào nhằm bảo vệ và xây dựng nơi tập kết của lực lượng cách mạng Lào ở hai tỉnh Hủa Phăn và Phongxalỳ.

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để chuẩn bị thực lực cho cách mạng Lào tiếp tục phát triển cuộc đấu tranh trong thời kỳ mới, hướng tới mục tiêu lâu dài là hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước Lào.

Với tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình”, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Chu Huy Mân, Đoàn 100 đã xây dựng đề án toàn diện để xây dựng lực lượng vũ trang của Lào, được thông qua và tổ chức thực hiện thành công giúp quân đội Pathét Lào xây dựng theo ba cấp: Một là, giúp cho các cơ quan Tham mưu, Chính trị, hậu cần của Bộ Quốc phòng; Hai là, giúp Trường Quân chính Cômmađăm đào tạo, huấn luyện cán bộ; Ba là, giúp xây dựng các tiểu đoàn chủ lực các đại đội, binh chủng phối thuộc.  

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Chu Huy Mân, một thành công đặc biệt trong việc giúp cách mạng Lào là xây dựng và phát triển Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đối với Quân đội Pathét Lào. Đảng ủy Quân sự Trung ương Lào được thành lập do Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản làm Bí thư và là Chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang Pathét Lào đã tạo cơ sở vững chắc để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội Pathét Lào đáp ứng tình hình mới. Từ đây, lực lượng vũ trang Pathét Lào từng bước khẳng định là lực lượng nòng cốt, công cụ sắc bén của Đảng Nhân dân Cách mạng và Chính phủ kháng chiến, của nhân dân các bộ tộc Lào.

Thành công đó đã tạo điều kiện thiết yếu cho lực lượng yêu nước Lào đàm phán hiệp thương để thành lập Chính phủ Liên hiệp lần thứ nhất ở Viên Chăn và đi tới thành công vào cuối năm 1956, tạo điều kiện lâu dài cho cuộc đấu tranh của cách mạng Lào đi tới thắng lợi. Thành công đó cũng có ý nghĩa đặc biệt là đánh dấu bước mở đầu quan trọng trong nhiệm vụ giúp đỡ toàn diện, hiệu quả của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đối với cách mạng Lào trong những năm tiếp theo.

Tháng 5-1957, sau ba năm thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ ở Lào, đồng chí Chu Huy Mân được điều về nước giữ cương vị là Chính ủy, Bí thư Quân ủy Quân khu IV, với nhiệm vụ bảo đảm tổ chức Quân Khu IV sẵn sàng đánh bại mọi cuộc tấn công của Mỹ - Diệm ra Khu IV (vì sau khi Ngô Đình Diệm đi Mỹ, Tổng  thống Mỹ đã tuyên bố biên giới Hoa Kỳ kéo dài tới vĩ tuyến 17).

Do sự vận động mới của cách mạng Lào, về nước nhận nhiệm vụ chưa đầy 3 tháng, đồng chí Chu Huy Mân lại được điều động trở lại giúp cách mạng Lào với nhiệm vụ củng cố Quân giải phóng Lào trước khi Neo Lào Hắcxạt đưa lực lượng của mình về Viên Chăn tham gia vào Chính phủ liên hiệp, thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc ở Lào.

Tháng 11-1957, Chính phủ Liên hiệp ở Lào được thành lập và tháng 12-1957, các đơn vị Quân giải phóng Lào cũng di chuyển về các địa điểm quy định theo sự thỏa thuận giữa Pathét Lào với Chính phủ Vương quốc Lào. Thực hiện thành công nhiệm vụ trên, tháng 5-1958, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương quyết định làm chính ủy Quân Khu Tây Bắc với nhiệm vụ xây dựng Tây Bắc thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng nước ta để  phối hợp với căn cứ địa của Lào giáp với Tây Bắc nước ta là hai tỉnh Hủa Phăn và Phongxalỳ.

Cuối tháng 12 -1960, sau hơn một năm thực hiện nhiệm vụ ở Quân khu Tây Bắc, trước diễn biến phức tạp và tình hình xấu đi của cách mạng Lào, đồng chí Chu Huy Mân lại được giao nhiệm vụ với vai trò là Tổng cố vấn quân sự cho Chính phủ Liên hiệp của Thủ tướng Xuvanna Phuma. Đó là nhiệm vụ mới vô cùng khó khăn và phức tạp đối với đồng chí vì đây là lần “ra trận một mình, rất gấp, lại thiếu hẳn một cơ quan tham mưu” để “làm cố vấn  quân sự cho cả hai phía là Chính phủ Vương quốc và Neo Lào Hắcxạt” nhằm chống lại lực lượng thân Mỹ ở Lào.

Ngay khi tới Viên Chăn, đồng chí Chu Huy Mân đã tham mưu giúp Bộ Chỉ huy tối cao Lào tổ chức bảo vệ, ngăn chặn và đẩy lùi các cuộc tiến quân của quân phái hữu ở Lào được sự hỗ trợ của quân Thái Lan vào Thủ đô Viên Chăn.

Trước tình khó khăn của Viên Chăn, đồng chí Cayxỏn Phômvihản và đồng chí Chu Huy Mân đã quyết định rút lực lượng vũ trang cách mạng khỏi Viên Chăn. Với cương vị là người lãnh đạo trực tiếp, đồng chí đã chỉ huy biến cuộc rút lui bảo toàn lực lượng của Quân đội Neo Lào Hắcxạt và lực lượng trung lập ở Lào ra khỏi Viên Chăn thành cuộc hành quân táo bạo thần tốc và phối hợp với một bộ phận quân tình nguyện Việt Nam tiến công Cánh đồng Chum và thị xã Xiêng Khoảng (với diện tích 2.000 km2) vào tháng 12-1960. Tháng 1-1961, cuộc rút lui bảo toàn lực lượng đó đã trở thành cuộc tiến công quân sự giải phóng toàn bộ Cánh đồng Chum và thị xã Xiêng Khoảng, đưa nơi đây thành thủ đô kháng chiến của nhân dân Lào.

Thắng lợi quân sự có ý nghĩa chính trị rất to lớn trên(3) đã tạo cơ sở mở ra cuộc thương lượng giữa Chính phủ hợp pháp và Neo Lào Hắcxạt với phái hữu ở Lào vào tháng 5-1961 để tiến tới thành lập Chính phủ liên hiệp lần thứ hai ở Lào, tạo điều kiện cho kháng chiến ở Lào phát triển.

Trên cương vị lãnh đạo công tác chính trị cho bộ đội Việt Nam góp phần vào cuộc cách mạng giải phóng Trung Quốc (1949) và với hai lần làm cố vấn quân sự giúp cho cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào (từ năm 1954-1957 và từ 1960-1963), cũng như làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng ở Tây Bắc Việt Nam trong hỗ trợ cách mạng Lào, đồng chí Chu Huy Mân đã vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy, thể hiện rõ sự tài năng, sáng tạo của nhà lãnh đạo quân sự-chính trị, thực hiện thành công nhiệm vụ quốc tế mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho.

Thành công đó biểu thị tinh thần quốc tế trong sáng của anh bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất cao quý của nhà chỉ huy quân sự - chính trị xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam - đồng chí Chu Huy Mân. Đó là tấm gương của người chiến sĩ, nhà lãnh đạo quân sự thời đại Hồ Chí Minh, cho mọi thế hệ những người cộng sản và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1), (2)  Bộ Tổng tham mưu: Những tài liệu chỉ đạo chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tư lệnh, t 1, tr 265-267, 269.

(3) Thắng lợi này đã tạo điều  kiện cho Chính phủ Xuvan na Phu ma đặt trụ sở ở Khang Khay, được nhiều nước trên thế giới công nhận, lần lượt các đại sứ, đại diện cho các nước, các tổ chức quốc tế đặt trụ sở tại đây, mở ra triển vọng mới cho cách mạng Lào.

 

PGS, TS Phạm Hồng Chương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền