Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Phê phán một số quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Thứ sáu, 09 Tháng 9 2022 10:38
2484 Lượt xem

Phê phán một số quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

(LLCT) - Bài viết cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, cố tình đem đối lập C.Mác với V.I.Lênin, từ đó đi đến phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch cố tình phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Phố phường Hà Nội - Ảnh: hanoimoi.com.vn

1. Nhận diện một số quan điểm sai trái, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Trong những năm qua, các thế lực thù địch đã điên cuồng xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản, về con đường đi lên CNXH... Các luận điệu của chúng tập trung trên một số vấn đề sau:

Thứ nhất, chúng cho rằng: trong lý luận của mình, C.Mác chỉ đưa ra dự báo về cách mạng vô sản sẽ nổ ra đồng thời ở các nước tư bản phát triển, trong khi V.I.Lênin lại cho rằng: cách mạng vô sản có thể nổ ra và thành công ở một số nước, thậm chí, ở một nước riêng lẻ, còn lạc hậu như nước Nga.

Nhận định nêu trên là hoàn toàn sai lầm, bởi như chúng ta đã biết, dự báo cách mạng vô sản có thể nổ ra đồng thời ở các nước tư bản phát triển đã được “phôi thai” hình thành ở tác phẩm Hệ tư tưởng Đức (tập I) của C.Mác và Ph.Ăngghen viết vào những năm 1845-1846, trong đó có đoạn: “Chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể có được một cách kinh nghiệm như là hành động “tức khắc” và đồng thời của những dân tộc chiếm địa vị thống trị, điều này lại giả định là phải có sự phát triển phổ biến của lực lượng sản xuất và của sự giao tiếp có tính chất thế giới gắn liền với chủ nghĩa cộng sản”(1).

Đến năm 1847, khi viết tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Ph.Ăngghen nêu một cách rõ ràng và hoàn bị nhất dự báo này: “cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa không những sẽ có tính chất dân tộc mà sẽ đồng thời xảy ra ở trong tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất, ở Anh, Mỹ, Pháp và Đức”(2).

Tuy vậy, vào năm 1850, sau khi phân tích nguyên nhân thất bại của cách mạng Pháp 1848-1850, cũng như sự bổ sung những điều chỉnh nhằm vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế để tiếp tục phát triển của các nước tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã nhận ra những dự báo đó thực chất là chưa chín muồi. C.Mác viết: trong điều kiện “các lực lượng sản xuất của xã hội tư sản phát triển hết sức dồi dào trong chừng mực các mối quan hệ tư sản cho phép, thì không thể nói đến một cuộc cách mạng thực sự được”(3).

Đặc biệt, sau thất bại của Công xã Paris (năm 1871) - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, khi tổng kết sự kiện này, trong Lời nói đầu viết cho tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp từ 1848 đến 1850” của C.Mác (tháng 6-1895), Ph.Ăngghen đã thừa nhận: “Lịch sử đã chứng minh rằng chúng tôi và tất cả những ai nghĩ giống như chúng tôi đều sai lầm. Lịch sử đã chỉ rõ rằng, trạng thái phát triển kinh tế trên lục địa lúc bấy giờ còn rất lâu mới chín muồi để xóa bỏ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”(4).

Để hiểu cho đúng luận điểm này phải thấy rằng, sự điều chỉnh những nhận định của C.Mác bởi Ph.Ăngghen chỉ là điều chỉnh những điểm cụ thể trong dự báo về khả năng, thời điểm và địa điểm nổ ra cách mạng vô sản nhằm xóa bỏ chế độ TBCN. Sự điều chỉnh đó không hề có nghĩa là các ông từ bỏ những quan điểm nguyên tắc cũng như lập trường cách mạng kiên định của mình.

Mặt khác, những người phê phán, phủ định học thuyết Mác hoặc cố tình, hoặc do hạn chế về nhận thức (đặc biệt là không nghiên cứu kỹ và đầy đủ các luận điểm của chủ nghĩa Mác về vấn đề này) họ đã không chịu thừa nhận rằng: chính C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã từng đưa ra dự báo về khả năng cách mạng vô sản có thể nổ ra và giành thắng lợi ở các nước lạc hậu trên cơ sở phân tích bối cảnh lịch sử châu Âu, đặc biệt là nước Nga ở nửa sau thế kỷ XIX.

Có thể dẫn ra những bằng chứng cụ thể sau:

Ngay từ năm 1882, trong Lời tựa viết cho lần xuất bản thứ hai bằng tiếng Nga cuốn Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dự báo cách mạng vô sản vẫn có thể nổ ra và giành thắng lợi ở các nước lạc hậu, cụ thể là nước Nga. Các ông viết: “nếu cách mạng Nga là tín hiệu của một cuộc cách mạng vô sản ở phương Tây và nếu cả hai cuộc cách mạng ấy bổ sung cho nhau thì chế độ sở hữu công xã về ruộng đất ở Nga hiện nay có thể là điểm xuất phát của một sự tiến triển cộng sản chủ nghĩa”(5).

Đến năm 1894, tiếp tục phát triển tư tưởng này của C.Mác, Ph.Ăngghen đã dự báo: “những nước lạc hậu” vẫn có thể  “rút ngắn một cách đáng kể quá trình phát triển của mình lên xã hội xã hội chủ nghĩa”. “Và điều đó không chỉ đúng với nước Nga, mà với tất cả các nước đang ở trong giai đoạn phát triển tiền tư bản chủ nghĩa”(6).

Những bằng chứng nêu trên khẳng định: chính lý luận về kiểu “phát triển rút ngắn” của chủ nghĩa Mác đã gợi ý cho V.I.Lênin tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào trường hợp của nước Nga và kiểm chứng nó bằng sự thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười năm 1917. Như vậy, quan điểm của V.I.Lênin chính là sự kế thừa và thống nhất với quan điểm của chủ nghĩa Mác, chứ hoàn toàn không có sự đối lập, hoặc cố tình hạ thấp giá trị của chủ nghĩa Mác như những kẻ thiếu hiểu biết, hoặc phản động đã rêu rao.   Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác theo định hướng XHCN. Do vậy, toàn bộ cán bộ, đảng viên phải nắm vững và vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để từ đó quán triệt, triển khai thực hiện trong hoạt động thực tiễn.

Tiếp đó, năm 1919, V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển lý luận này của chủ nghĩa Mác một cách rõ ràng hơn khi chỉ ra con đường và cách thức tiến hành cuộc cách mạng vô sản ở những nước lạc hậu, tiền tư bản chủ nghĩa để giành thắng lợi. V.I.Lênin viết: “với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ xô-viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(7). Luận điểm này không chỉ là căn cứ lý luận để tiếp tục phản bác sự xuyên tạc của những kẻ cố tình chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, mà nó còn trở thành lý luận khoa học cách mạng soi đường dẫn lối cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi của các nước lạc hậu, bao gồm cả các nước thuộc địa và phụ thuộc, bằng con đường tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân giành độc lập dân tộc, rồi tiếp tục cách mạng không ngừng để quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN.

Thứ hai, đối với cách mạng Việt Nam, các luận điệu phản động rêu rao rằng: “Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một sai lầm” và từ sau Đại hội XIII, không nên nói đến chủ nghĩa xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa nữa, mà chỉ theo trào lưu chung của thế giới là nước đang phát triển và phát triển; con đường nào, nhà nước nào, chế độ nào cũng được miễn là dân giàu, nước mạnh.

Chúng còn cho rằng: ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng thì việc đề cao giá trị độc lập dân tộc là quan điểm lỗi thời; càng lỗi thời hơn khi đem độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Đó chỉ là sự lựa chọn của những người cộng sản, không phải là sự lựa chọn của dân tộc, của lịch sử?

Thực chất của luận điệu này là chúng muốn Việt Nam từ bỏ mục tiêu đã lựa chọn là độc lập dân tộc và CNXH để phát triển theo con đường TBCN.

Một sự thật lịch sử không thể phủ nhận, đó là: nhờ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng sáng tạo vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển lý luận để tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam - đó là con đường: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã giải quyết được bài toán bế tắc về đường lối cứu nước vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và độc lập dân tộc gắn với CNXH trở thành mục tiêu, lý tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đồng sức, đồng lòng, nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân đế quốc xâm lược giành độc lập dân tộc và đưa đất nước phát triển theo con đường XHCN cho đến ngày nay. Thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước đã chứng minh rằng, đường lối cách mạng độc lập dân tộc và CNXH đã được Đảng ta kiên định thực hiện sáng tạo trong từng giai đoạn phát triển và đạt được nhiều thắng lợi vĩ đại, cho thấy đó là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Nhờ kiên định lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng và kiên định mục tiêu, con đường đã chọn, sau hơn 35 năm đổi mới với muôn vàn khó khăn thách thức, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cách mạng Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua, đồng thời, đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Mặt khác, cần khẳng định rằng, chủ nghĩa tư bản hiện nay đã có những điều chỉnh và đạt được nhiều thành tựu lớn, nhất là trong phát triển khoa học và công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất, song không vì thế mà cho rằng: chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất bóc lột.

Sự thật là, dù đã gặt hái nhiều thành tựu (chính những thành tựu này có sự đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và người lao động), chủ nghĩa tư bản hiện nay vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Tình trạng bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu nghèo, bất ổn xã hội, phát động chiến tranh can thiệp vào các nước có chủ quyền... vẫn tiếp diễn. Nhiều cuộc xuống đường biểu tình đòi công bằng xã hội, dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững vẫn diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm cả trong lòng các nước tư bản phát triển hàng đầu.

Hiện nay, chủ nghĩa dân tộc cực đoan mới, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, sự tranh giành ảnh hưởng, quyền lực của các nước lớn trỗi dậy... đe dọa sự ổn định, hòa bình ở nhiều khu vực, vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ năm năm 2020 đến nay, các cuộc biểu tình ở nhiều nơi phản đối nạn phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng xã hội, phản đối chiến tranh... vẫn gia tăng ở nhiều nước tư bản phát triển.

Hơn nữa, những bất ổn xã hội từ các cuộc xung đột, nội chiến, chiến tranh diễn ra ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới, thí dụ ở khu vực Bắc Phi, nội chiến ở Syria (từ năm 2011), cách mạng màu ở Ucraina (năm 2014), hay xung đột, nội chiến ở Ápganixtăng (từ tháng 8-2021); cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina hiện nay... đang lôi cuốn Mỹ, khối NATO và các nước tư bản ở châu Âu vào cuộc chiến tranh tàn khốc...

Những xung đột, chiến tranh tàn khốc gây ra những thiệt hại to lớn về người và của, đồng thời, đe dọa nền hòa bình thế giới càng cho thấy giá trị của công cuộc đổi mới, của sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển mà toàn thể nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đồng sức, đồng lòng nỗ lực đạt được nhờ vào việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Từ những phân tích trên đây cho thấy, không có lý do gì để đặt lại vấn đề mục tiêu, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(8).

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Một là, nâng cao nhận thức, tiếp tục kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác theo định hướng XHCN. Do vậy, toàn bộ cán bộ, đảng viên phải nắm vững và vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để từ đó quán triệt, triển khai thực hiện trong hoạt động thực tiễn.

Độc lập dân tộc và CNXH là đường lối nhất quán của cách mạng Việt Nam. Đây là “vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(9). Do vậy, phải đặc biệt coi trọng công tác giáo dục tư tưởng, lý luận chính trị trong toàn Đảng và toàn xã hội bằng những hình thức đa dạng, phong phú, bởi nếu công tác này bị xem nhẹ, hoặc thực hiện không hiệu quả thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Khẳng định điều này, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường”, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”(10).

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, trực tiếp là con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, trong Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, tại Điều 3, Đảng ta đã bổ sung thêm quy định mới, đó là đảng viên không được “phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(11). Đây là sự bổ sung kịp thời nhằm nâng cao nhận thức, đồng thời, khắc phục triệt để những biểu hiện suy thoái, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước những tác động của bối cảnh mới. Do vậy, tiếp tục đổi mới, “nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị”(12), nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, cũng như trong phạm vi toàn xã hội phải được đặc biệt coi trọng và triển khai thường xuyên, liên tục, hiệu quả.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH phù hợp thực tiễn Việt Nam

Đấu tranh tư tưởng, lý luận để chống quan điểm sai trái nhằm bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin là vấn đề mang tính quy luật, là nhu cầu nội tại trong sự tồn tại và phát triển của chính học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đương thời, đây là một nội dung mà các nhà tư tưởng đặc biệt coi trọng.

Ngày nay, vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển lý luận, làm phong phú thêm lý luận bằng những khía cạnh lý luận mới, rút ra từ thực tiễn sinh động vẫn là vấn đề mang tính quy luật và là vấn đề nguyên tắc.

Thực tế cho thấy, con đường độc lập dân tộc và CNXH ở nước ta đang được triển khai thực hiện trong bối cảnh quốc tế và đất nước đã có nhiều thay đổi, nhiều vấn đề mới từ thực tiễn đổi mới đang đặt ra đòi hỏi phải tiếp tục có những nghiên cứu tổng kết, từ đó có những khái quát, phát triển lý luận, nhất là lý luận về đường lối đổi mới của Việt Nam để bổ sung vào nền tảng tư tưởng của Đảng (cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh). Bởi vì, đây là thành quả của hơn 35 năm đổi mới, có tác dụng soi đường dẫn lối cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hơn nữa, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường... đang tác động mạnh mẽ đến nước ta. Do vậy, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phải được coi trọng, nhất là những vấn đề thực tiễn và lý luận lớn đang đặt ra hiện nay. Khẳng định tầm quan trọng của vấn đề này, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(13).

Công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta hiện nay cần tập trung làm sáng tỏ một số nội dung cơ bản sau: mô hình CNXH Việt Nam, thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam; lý luận về đường lối đổi mới; cơ sở lý luận và thực tiễn để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng và tính ưu việt của hệ thống chính trị Việt Nam; thể chế chính trị và thể chế kinh tế trong điều kiện một Đảng cầm quyền và trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN; lý luận về nền dân chủ XHCN Việt Nam, về những mối quan hệ lớn cần xử lý đúng đắn trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta... Đây là những vấn đề lý luận quan trọng đang đặt ra đòi hỏi phải triển khai những chương trình nghiên cứu khoa học lớn nhằm vừa tổng kết thực tiễn 40 năm đổi mới, vừa bổ sung, phát triển lý luận để tiếp tục soi đường, dẫn lối cho sự nghiệp đổi mới với tầm cao chất lượng mới và sự nghiệp xây dựng đất nước XHCN phồn vinh, hạnh phúc.

Những nhiệm vụ trọng yếu này phải được sự lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở và phải được đầu tư thỏa đáng các nguồn lực nhằm triển khai thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học lý luận lớn, thu hút đông đảo trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học trong và ngoài nước; đồng thời, học hỏi, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của nhân loại để xây dựng mô hình CNXH phù hợp với Việt Nam, từ đó, hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Ba là, chủ động, kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay

Để có thể đấu tranh một cách trực diện với các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần phải nhận diện đúng và phân loại được từng đối tượng để có hình thức đấu tranh thích hợp. Đặc biệt, cần tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức, thế lực có âm mưu và hành động xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng và con đường đi lên CNXH của nước ta, làm ảnh hưởng, phương hại đến an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh chính trị, đe dọa sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Với những đối tượng là những kẻ chủ mưu, ngoan cố, cần kiên quyết và nghiêm trị bằng pháp luật. Với những đối tượng ngộ nhận, thiếu hiểu biết, không phải là thù địch thì cần phải mềm dẻo tuyên truyền, giáo dục thuyết phục có tình, có lý, tạo điều kiện và cơ hội cho họ nhận ra lỗi lầm và từ bỏ những luận điệu xuyên tạc.

Hình thức đấu tranh cũng phải hết sức đa dạng. Đấu tranh trực diện thông qua gặp gỡ, trao đổi trực tiếp hoặc xử lý bằng pháp luật, bằng các biện pháp hành chính, cưỡng chế, bằng con đường ngoại giao. Đấu tranh gián tiếp thông qua tổ chức, cơ quan quản lý đối tượng, qua vận động của các tổ chức đoàn thể, qua sự tham gia đấu tranh, phê phán từ quần chúng, họ hàng, gia đình... Đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ của ngành an ninh, hợp tác quốc tế trong việc truy lùng, bắt giữ, hoặc xử lý các đối tượng ngoan cố, đặc biệt nguy hiểm, chống đối...

Chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể sát với tình hình. Xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác một cách hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ chính trị và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam... Thông qua các diễn đàn khoa học, các kênh thông tin đại chúng, đặc biệt là qua mạng internet để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các lực lượng chuyên trách trong công tác này. Hiện đại hóa các biện pháp kỹ thuật để phục vụ hiệu quả cho công tác đấu tranh.

_________________

Ngày nhận bài: 12-5-2022; Ngày bình duyệt: 16-5-2022; Ngày duyệt đăng: 15-7-2022.

 

(1) C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.50.

(2) C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.472.

(3) C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.137.

(4), (6) C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Sđd, tr.761, 632.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Sđd, tr.434.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.295.

(8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.180, 33.

(10), (12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.135-136, 93, 94.

(11) ĐCSVN: Quy định về những điều đảng viên không được làm, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.6.

PGS, TS BÙI THỊ NGỌC LAN

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền