Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Thứ hai, 23 Tháng 11 2020 08:16
16288 Lượt xem

Mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

(LLCT) - Ở Việt Nam, sau gần 35 năm đổi mới, mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân từng bước được điều chỉnh phù hợp với trình độ của nền kinh tế và cam kết hội nhập quốc tế, song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đang cản trở sự phát triển của đất nước. Bài viết phân tích những kết quả đạt được cũng như những hạn chế và nguyên nhân trong mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân ở Việt Nam, từ đó đưa ra những khuyến nghị giải quyết hài hòa mối quan hệ này trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: mối quan hệ Nhà nước, doanh nghiệp, người dân; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

1. Những thành tựu trong mối quan hệ Nhà nước, doanh nghiệp, người dân ở Việt Nam thời gian qua

Mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân ở Việt Nam là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, Nhà nước là “bà đỡ”, chủ thể chính xây dựng và duy trì “luật chơi”, kiểm tra, giám sát và trọng tài khi xảy ra các xung đột về lợi ích. Còn DN là chủ thể chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội, thực hiện sản xuất kinh doanh trên cơ sở thị trường và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người dân là lực lượng lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp, là chủ thể sáng tạo, là lực lượng tiêu dùng chủ yếu của xã hội.

Quan hệ giữa ba chủ thể này được biểu hiện tập trung ở quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể đối với bản thân mình và hai chủ thể còn lại. Cụ thể, Nhà nước quản lý và tác động đến DN, người dân thông qua hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế; tổ chức duy trì hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế; giám sát, làm trọng tài và sử dụng chế tài buộc DN, người dân ứng xử đúng pháp luật. Doanh nghiệp tác động trở lại Nhà nước, người dân thông qua hai hành vi tích cực và tiêu cực như: đóng thuế cho Nhà nước, xác định giá cả, quy mô thị trường (đầu ra - đầu vào); tạo công ăn việc làm (hoặc sa thải) người lao động, đóng (hoặc trốn đóng) bảo hiểm, trốn thuế, đầu cơ, thao túng thị trường, làm hàng giả, cung ứng hàng không đảm bảo sức khỏe người dân, xả thải ô nhiễm môi trường, tàn phá tài nguyên... Người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước, DN theo Hiến pháp và pháp luật, đó là quyền sở hữu tài sản hợp pháp, sở hữu tư liệu sản xuất, quyền được lao động và trở thành người lao động trong các DN và quyền được thụ hưởng xứng đáng với đóng góp của mình. Như vậy, trong mối quan hệ này, Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông thoáng; đưa ra các chế tài, kiểm tra, giám sát, định hướng, dẫn dắt DN hoạt động; DN trên cơ sở định hướng của Nhà nước xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm hàng hóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; người dân chấp hành pháp luật thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi công dân. Do đó, khi mối quan hệ giữa Nhà nước, DN và người dân hợp lý, hài hòa sẽ tạo động lực để các DN huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; về phía người dân sẽ phấn khởi tham gia sản xuất, học tập nâng cao trình độ, tay nghề, sáng tạo đáp ứng yêu cầu DN... thúc đẩy đất nước phát triển theo hướng tiến bộ, hiện đại. Ngược lại, khi mối quan hệ giữa Nhà nước, DN và người dân không phù hợp sẽ không tạo động lực để thu hút các DN khởi nghiệp, thậm chí dẫn đến phá sản hàng loạt, còn người dân không phát huy được năng lực, sở trường để cống hiến..., điều này dẫn đến nền kinh tế đình trệ, không tăng trưởng, bất ổn xã hội gia tăng.

Trong những năm qua, nhất là từ năm 2005 khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, mối quan hệ giữa Nhà nước, DN và người dân đã đạt được những kết quả quan trọng là:

- Nhà nước kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch để DN, người dân yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Việt Nam là quốc gia có thể chế chính trị ổn định so với các quốc gia trên thế giới cũng như khu vực. Kết quả khảo sát của United Overseas Bank Limited năm 2016 đối với 2.500 DN châu Á cho biết, ổn định chính trị ở Việt Nam là “miền đất hứa” để các DN đang hoạt động ở các nước châu Á chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam và chiếm trọng số 41%(1) - cao nhất trong các lý do để DN đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng hoàn thiện, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và hội nhập quốc tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được cải thiện, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ đã giúp DN tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Tính đến tháng 5-2020, đã có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, tiết kiệm cho DN hàng nghìn tỷ đồng. Cắt giảm 30/120 thủ tục và 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm cho DN và người dân khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm(2).

- Doanh nghiệp, người dân thuận lợi tiếp cận các nguồn lực gia nhập thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời là bộ phận chủ yếu tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của xã hội, qua đó, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Với những nỗ lực của Nhà nước trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã tạo động lực thu hút số DN khởi nghiệp tăng nhanh qua các năm: từ 39.958 năm 2005 lên 138.139 DN năm 2019(3), tăng gấp 3,48 lần so năm 2005. Số DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh: từ 112.950 DN (năm 2005) lên 758.610 DN (năm 2019)(4), tăng gấp 6,72 lần so năm 2005. Cùng với đó, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp cũng tăng nhanh qua các năm: 3.053.011 cơ sở (năm 2005) lên 5.151.948 cơ sở (năm 2018)(5), tăng 2.098.937 cơ sở so với 2005, bình quân tăng trên 161.456 cơ sở/năm. Đặc biệt, với cơ chế, chính sách hợp lý trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đã tạo động lực thu hút hơn 50 nghìn DN đầu tư vào nông nghiệp, trong đó, có gần 12 nghìn DN đầu tư trực tiếp(6). Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân nông thôn được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Thu nhập bình quân/người trong cả nước đã tăng qua các năm, từ 110 USD/người (năm 1991) lên 2789 USD (năm 2019), gấp 25,35 lần.

Doanh nghiệp, người dân gia nhập thị trường đã huy động được nguồn vốn của xã hội vào phát triển kinh tế. Đến nay, tỷ trọng nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước/tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh qua các năm: từ 48,2% (giai đoạn 2001-2005) lên 65,7% (giai đoạn 2016-2019), thực hiện thành công mục tiêu Quốc hội đề ra “giảm tỷ lệ vốn đầu tư nhà nước/tổng vốn đầu tư toàn xã hội xuống 31-34% giai đoạn 2016-2020”(7). Các loại hình DN và các cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp đã tạo ra đại đa số việc làm trong nền kinh tế. Trong đó, số việc làm do các loại hình DN tạo ra: từ 6.237.396 việc làm (năm 2005) lên 14.820.000 việc làm (năm 2019)(8), chiếm 26,56% tổng số việc làm toàn xã hội; số việc làm do các cơ sở kinh tế cá thể từ: 5.583.617 (năm 2005) lên 8.781.085 (năm 2018), chiếm 15,74% tổng số việc làm toàn xã hội. Đặc biệt, việc làm do các DN, các cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp tạo ra đã giúp hàng triệu lao động chuyển dịch từ các công việc có mức lương thấp trong ngành nông nghiệp sang làm việc ở những ngành có mức lương cao hơn, thúc đẩy chuyển dịch lao động từ nông nghiệp, sang công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, các DN còn góp phần thực hiện an sinh xã hội như xây dựng nhà tình nghĩa, trường học, xây cầu dân sinh... ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc ít người. Sự phát triển của các cơ sở kinh doanh cá thể giúp người nghèo, các tầng lớp yếu thế trong xã hội được tiếp cập các hàng hóa, dịch vụ nhanh hơn với giá cả bình dân. Hơn nữa, các cơ sở kinh doanh cá thể phi nông nghiệp còn là nơi tiếp nhận lao động không đủ kỹ năng làm việc trong các DN, các cơ quan hành chính sự nghiệp chuyển sang, góp phần tạo công ăn, việc làm, ổn định và bảo đảm cuộc sống người dân. Đặc biệt, DN và người dân còn là lực lượng tiêu dùng chủ yếu của xã hội - động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam xét ở góc độ tổng cầu những năm qua. Đến nay, tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng luôn đóng góp trên 70% quy mô tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó, chủ yếu là tiêu dùng của dân cư và DN.

2. Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân ở Việt Nam

a) Hạn chế trong mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

- Nhà nước chưa tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, an toàn, bình đẳng giữa các loại hình DN. Cụ thể là:

Rào cản về điều kiện kinh doanh còn nhiều, cắt giảm chưa thực chất. Mặc dù Chính phủ đặt ra mục tiêu giảm từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, song đến nay mới có Bộ Công Thương bỏ được hơn 50% điều kiện kinh doanh. Các Bộ, ngành khác phần lớn mới rà soát, chưa đề xuất được số điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ. Thực tế cho thấy, còn nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, chi phí gia nhập thị trường cao. Kết quả khảo sát của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 cho biết: có 59% DN tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 53% DN vướng mắc trong thủ tục liên quan đến xây dựng và quy hoạch; trên 50% DN phải trả các chi phí không chính thức.

Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ, tình trạng phân biệt đối xử trên thực tế trong việc tiếp cận các nguồn lực, ưu đãi đầu tư giữa các loại hình DN vẫn còn, đặc biệt là trong việc thực thi các quy định, chính sách. Mức độ bình đẳng giữa các khu vực kinh tế vẫn còn khoảng cách khá xa giữa văn bản chỉ đạo và thực hiện. Kết quả khảo sát PCI 2018 cho biết: 70% DN cho rằng “nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai, v.v.) chủ yếu rơi vào DN thân quen cán bộ công quyền”; 69% DN được khảo sát cho biết cần có “mối quan hệ” để có được tài liệu của tỉnh; 45% DN cho rằng DN FDI được ưu tiên giải quyết khó khăn hơn DN dân doanh; 37% DN cho rằng tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân; 32% DN cho rằng tỉnh ưu ái các tổng công ty, tập đoàn nhà nước gây khó khăn cho DN. Sự phân biệt đối xử giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế đã gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN cũng như cuộc sống người dân.

 Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực còn nhiều, thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho DN trong việc tiếp cận thị trường, làm gia tăng chi phí. Kết quả khảo sát PCI năm 2018 cho biết, có 12% DN được khảo sát cho rằng đây là khó khăn mà DN đang gặp phải; 30,7% DN phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước; 15,8% DN phải chờ đợi mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết (ngoài giấy chứng nhận kinh doanh) để chính thức đi vào hoạt động; 34% DN gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; 30% DN mất thời gian chờ đợi để nhận giấy chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy; 3% DN phải chờ đợi trên ba tháng mới có đủ giấy phép cần thiết đi vào hoạt động. Những bất cập trên không chỉ gây khó khăn mà còn làm tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của DN.

Các yếu tố thị trường chưa thực sự đồng bộ, thị trường yếu tố sản xuất chậm phát triển. Tình trạng này cho thấy, Nhà nước chưa làm tốt vai trò kiến tạo, tạo lập điều kiện thuận lợi để DN, người dân huy động các nguồn lực vào kinh doanh, sản xuất. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) năm 2017/2018 của Việt Nam thì: thị trường hàng hóa, dịch vụ xếp thứ 97/137 quốc gia (đứng vị trí thứ 8 trong các nước ASEAN); thị trường tài chính xếp thứ 71/137 (thứ 7 trong ASEAN); thị trường lao động 57/137 (thứ 6 trong ASEAN); thị trường công nghệ xếp thứ 79/137 quốc gia (thứ 5 trong ASEAN). Các thị trường kém phát triển dẫn đến chưa phản ánh đúng quan hệ cung - cầu trên thị trường, gây khó khăn cho các DN trong việc tiếp cận nguồn lực, gia tăng chi phí, giảm lợi nhuận.

- Một số chính sách do Nhà nước chưa có lợi cho tầng lớp yếu thế trong xã hội. Thực tế cho thấy, Chính phủ ban hành một số chính sách mang lại lợi ích cho DN nhưng lại “quên lợi ích” của người dân. Chẳng hạn, chính sách thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, chợ đầu mối, khu đô thị... dẫn đến tình trạng một số nơi người nông dân có biểu hiện bị bần cùng hóa (mất đất, mất việc làm), trong khi việc giải quyết chính sách đền bù, giải tỏa cũng như đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất chưa thỏa đáng; tình trạng quy hoạch treo, tình trạng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, chợ đầu mối thấp làm lãng phí nguồn lực, trong khi nông dân không có đất sản xuất. Nhiều người dân phải bỏ quê lên thành phố tham gia vào đội ngũ lao động phi chính thức, phi nông nghiệp, thu nhập, việc làm bấp bênh, đời sống không được bảo đảm.

- Một số DN chưa tuân thủ quy định, vi phạm pháp luật, đạo đức trong kinh doanh, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng và xã hội.

 Theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), tình trạng DN khuyến mại, cạnh tranh không lành mạnh, bán hàng đa cấp bất chính, cung cấp thông tin sai, ngăn cản hoặc kìm hãm không cho DN khác gia nhập thị trường... ngày càng tăng. Đến nay, số tiền các DN nộp phạt do vi phạm Luật Cạnh tranh đã tăng từ 85 triệu đồng năm 2007, lên 805 triệu năm 2008 và năm 2018 gần 5.500 tỷ đồng(9), gấp gần 65 lần so với năm 2007. Số liệu của Cục Cảnh sát Môi trường cho thấy, số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gia tăng qua các năm. Các năm 2007-2010, cả nước có 11.440 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bình quân 2.860 vụ/năm, thì đến các năm 2011-2014 đã tăng lên 44.991 vụ, bình quân 11.247 vụ/năm, gấp gần 4 lần so với các năm trước. Riêng năm 2018, có 13.929 vụ(10). Trong đó, vi phạm trong các khu công nghiệp chiếm gần 15%, còn lại là trong các làng nghề, cơ sở kinh doanh hộ gia đình. Ô nhiễm môi trường đã làm thiệt hại khoảng 5% GDP, tương đương 10 tỷ USD, chủ yếu là làm giảm giá trị tăng trưởng của các ngành sản xuất, chi phí cải tạo môi trường và sức khỏe cộng đồng(11) và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người dân. Bên cạnh đó, tình trạng DN trốn, né thuế còn nhiều, nhất là DN có hoạt động giao dịch, liên kết với DN nước ngoài. Giai đoạn 2011-2018, có 642.423 DN vi phạm thuế thu nhập DN, với tổng số thuế là 35.922,09 tỷ đồng. Riêng năm 2019, có trên 816 DN có hoạt động giao dịch, liên kết có hành vi trốn, né thuế đã bị Tổng cục Thuế truy thu, truy hoàn phạt trên 1.719 tỷ đồng(12). Ngoài ra, vẫn còn nhiều DN tư nhân còn trây ỳ trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh tính đến cuối tháng 4-2019, số tiền DN nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lên đến 1.847 tỷ đồng; còn Hà Nội đến tháng 8-2019 có tới 32.642 DN nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của 454.029 lao động với số tiền trên 1.811 tỷ động(13). Hay một số DN, cơ sở sản xuất vì lợi nhuận bất chấp lợi ích người tiêu dùng và lợi ích xã hội làm hàng giả, hàng nhái, gây hệ lụy không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân và làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng. Tình trạng trên đã làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm méo mó mối quan hệ giữa Nhà nước, DN và người dân.

b) Nguyên nhân của hạn chế

Nhận thức về mối quan hệ giữa Nhà nước, DN và người dân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa rõ. Chưa phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước, DN và người dân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Nhà nước, DN và người dân chưa được giải quyết triệt để cả về lý luận và thực tiễn. Nhà nước vẫn thiên về kiểm soát và sở hữu, chưa phải là Nhà nước điều tiết và kiến tạo phát triển. Còn khoảng cách giữa chính sách của Nhà nước với thực tiễn... Nhà nước nhiều khi còn lấn sân làm thay nhiệm vụ của DN, chưa xử lý hài hòa quan hệ giữa doanh nghiệp và người dân, có khi bảo vệ được lợi ích người dân thì doanh nghiệp chịu thiệt, có khi chú trọng lợi ích DN mà xem nhẹ vai trò, lợi ích của người dân. Ngược lại, DN và người dân thường tìm kẽ hở của luật pháp từ phía Nhà nước để tìm kiếm lợi ích cho mình, quên đi nghĩa vụ đối với nhà nước, xã hội... Thực tế này đã làm cho mối quan hệ giữa Nhà nước, người dân và DN chưa được giải quyết hài hòa, chưa tạo động lực để người dân huy động các nguồn lực khởi nghiệp, thành lập DN, làm giàu chính đáng.

Năng lực xây dựng và thực thi thể chế, chính sách của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Vì vậy, hệ thống luật pháp về kinh tế chưa đầy đủ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu rõ ràng và nhiều điểm không thống nhất giữa các điều luật. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực thi thể chế, chính sách của một bộ phận cán bộ công chức không nghiêm, không khách quan, kéo dài thời gian giải quyết công việc gây bức xúc cho DN, người dân..., gây khó khăn, gia tăng chi phí, thậm chí làm biến dạng một số khía cạnh trong mối quan hệ Nhà nước, DN, người dân.

Ý thức chấp hành pháp luật của một số DN, người dân chưa cao, cố tình vi phạm luật pháp, làm trái đạo đức kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều DN, cá nhân vì lợi nhuận, lợi ích trước mắt tiếp tay cho hành vi sai trái của cán bộ, công chức để được việc cho mình cũng đã góp phần làm méo mó môi trường kinh doanh.

3. Một số khuyến nghị nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Thứ nhất, nhận thức rõ hơn về mối quan hệ giữa Nhà nước, DN và người dân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cần phải phân định rõ vị trí, vai trò, chức năng của từng chủ thể trong mối quan hệ này bằng các luận cứ xác đáng cả về lý luận và thực tiễn. Khẳng định chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể trong các văn bản pháp luật, kết hợp với đẩy mạnh việc phổ biến và tuyên truyền pháp luật, cơ chế, chính sách cho DN, người dân. Khuyến khích người dân chấp hành pháp luật, khởi nghiệp, sáng tạo và làm giàu chính đáng. Đồng thời, phải có cơ chế bảo đảm quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể được thực thi đúng trong thực tế, như: kiểm tra, giám sát và xét xử nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật đối với cả ba chủ thể này trong lĩnh vực kinh tế, lao động. Có như  vậy, mối quan hệ giữa Nhà nước, DN và người dân mới hài hòa, tạo động lực huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào tăng trưởng và phát triển đất nước.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện, nâng cao năng lực thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, DN và người dân. Trước hết, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức xây dựng và thực thi thể chế kinh tế, trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết số 10, 11, 12 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Dự thảo Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, nhất là luật pháp về kinh tế, lao động theo hướng: không thể tiêu cực và không dám tiêu cực. Phát huy mạnh mẽ quy chế dân chủ trong DN và quy chế dân chủ trong dân cư nhằm xử lý các mâu thuẫn, điểm bất hợp lý ngay từ khi mới xuất hiện, không để tích tụ thành điểm nóng.

Thứ ba, xây dựng chính sách tạo động lực giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, DN và người dân trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Do đó, cần phải xây dựng cơ chế (kể cả luật hóa) kỷ luật và khen thưởng cơ quan, đơn vị nhà nước tham mưu. Nhà nước phải bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, trong đó, quyền và nghĩa vụ của Nhà nước, DN, người dân phải thật sự rõ ràng và bình đẳng; mọi yêu cầu và vướng mắc của DN, người dân phải được giải quyết kịp thời, đầy đủ và hợp lý; tạo điều kiện để các tập đoàn kinh tế vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Có cơ chế khen thưởng kịp thời các DN, người dân có những đóng góp tích cực trong khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lực vào tạo công ăn việc làm, đóng thuế đúng và đầy đủ, góp phần thực hiện an sinh xã hội; bên cạnh đó, có chế tài nhằm giảm mức thấp nhất vấn nạn ô nhiễm môi trường, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại... như nêu tên các DN, cá nhân vi phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hồi giấy phép kinh doanh...

Thứ tư, nâng cao ý thức chấp hành luật pháp kinh tế, lao động của DN, người dân. Việc nhận thức được quyền và nghĩa vụ của DN, người dân có vai trò to lớn trong giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, DN và người dân. Vì vậy, quán triệt, phổ biến sâu rộng nội dung chính sách trong các văn bản pháp luật, các hành vi bị cấm và chế tài xử lý. Kịp thời ban hành, hướng dẫn các quy định mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế, chú trọng các quy định liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, các thỏa thuận quốc tế liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội mà Việt Nam cam kết r

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2020

(1) Theo Trí Thức Trẻ: Chính trị ổn định, Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp châu Á, ngày 12-11-2016.

(2) Nguyễn Thanh Hòa: Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, https://dangkykinhdoanh.gov.vn.

(3), (9) Tổng cục Thống kê: Sách trắng Doanh nghiệp 2020, tr.25, 44.

(4), (5), (8) Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2011, tr.203, 298-464, 203.

(6) Duy Hưng: Thành tựu xây dựng nông thôn mới to lớn, toàn diện, có tính lịch sử, http://daidoanket.vn.

(7) Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12-4-2016 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

(10) Kinh tế 2018-2019 Việt Nam và Thế giới, tr.118.

(11) Nguyễn Tuyền: Mỗi năm Việt Nam có thể thiệt hại 5% GDP vì ô nhiễm môi trường, https://dantri.com.vn.

(12) Nguyễn Tuyền: Cocacola, Heineken và hàng loạt ông lớn bị truy thu thuế hàng trăm đến gần 1.000 tỷ đồng, https://dantri.com.vn.

 

(13) Nợ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp, http://tapchitaichinh.vn.

TS Nguyễn Thị Miền

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền