Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Một số kiến nghị về chính sách của Đảng đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Thứ hai, 23 Tháng 11 2020 08:08
3859 Lượt xem

Một số kiến nghị về chính sách của Đảng đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

(LLCT) - Theo chủ trương, chính sách của Đảng ta, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam hơn 30 năm. Bên cạnh những kết quả đạt được về mặt chính sách và những thành tựu mà kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mang lại; bài viết cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong chính sách đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta hiện nay. Từ đó, gợi mở một số hàm ý chính sách đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành một Nghị quyết riêng về kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, xác định kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những động lực của nền kinh tế.

Khu công nghiệp Samsung tại tỉnh Bắc Ninh

Từ khóa: chính sách, Đảng Cộng sản Việt Nam, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

1. Chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhận thức được vị trí, vai trò của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán chính sách phát triển kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần. Đó là:

- Ngay từ khi quá trình đổi mới đất nước được khởi xướng, tại Đại hội VI (năm 1986) để ổn định và phát triển sản xuất, song hành với việc thực hiện đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, lần đầu tiên Đảng chủ trương: “Có chính sách thu hút tư bản nước ngoài đầu tư vào nước ta, trước hết vào lĩnh vực sản xuất, dưới nhiều hình thức”(1), đồng thời “Cho phép ngân hàng nước ngoài vào hoạt động theo luật pháp của Việt Nam”(2). Cùng với đó, trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 1986 - 1990, trong chính sách đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Đảng nhấn mạnh: “Chúng ta hoan nghênh những tổ chức kinh tế của nước ngoài quan hệ trực tiếp với các tổ chức kinh tế Việt Nam để mở rộng quy mô hợp tác, thỏa mãn lợi ích của cả hai bên, theo chính sách và luật pháp của Nhà nước ta”(3).

Như vậy, ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Đảng đã nhanh chóng đưa ra các chính sách phù hợp để thu hút và tạo điều kiện cho kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động ở nước ta, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà cả trong các lĩnh vực dịch vụ quan trọng, thiết yếu phục vụ nền kinh tế nước nhà.

- Tiếp tục theo đuổi các chính sách đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 được thông qua tại Đại hội VII (năm 1991), Đảng đã đề ra các chính sách để mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài trong từng lĩnh vực cụ thể: Đối với công nghiệp chế biến, Đảng chủ trương: “... hợp tác, liên doanh với nước ngoài để hiện đại hóa công nghệ, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm”(4), đồng thời xác định: “Mở rộng các hình thức liên doanh, hợp tác với nước ngoài làm hàng xuất khẩu là một hướng ưu tiên để phát triển và hiện đại hóa các ngành công nghiệp hàng tiêu dùng”(5). Đối với công nghiệp khai thác, Đảng khẳng định: “Xúc tiến mạnh việc hợp tác và liên doanh với nước ngoài thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí”(6), kết hợp với việc “Hợp tác với nước ngoài về khai thác, vận tải, sàng tuyển, chế biến than có kỹ thuật cao để ổn định và phát triển sản xuất than đáp ứng nhu cầu nhiên liệu, chất đốt sinh hoạt và đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó là những chủ trương mở rộng hợp tác với nước ngoài trong việc phát triển các ngành xây dựng, cơ khí...”(7).

Đặc biệt, để tạo môi trường cạnh tranh hợp pháp giữa các thành phần kinh tế, nhất là giữa kinh tế trong nước với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Đảng chủ trương: “Tạo môi trường và điều kiện cho sự cạnh tranh hợp pháp và sự hợp tác, liên doanh tự nguyện, bình đẳng giữa các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế ở trong nước và với nước ngoài”(8). Đáng chú ý, để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Đảng đã ban hành chính sách “Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào nước ta đầu tư, hợp tác kinh doanh. Xây dựng thể chế đồng bộ, ổn định, thuận tiện và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh; thống nhất đầu mối giải quyết các thủ tục và yêu cầu đầu tư của nước ngoài... Tổ chức tốt thông tin kinh tế và chủ động chuẩn bị các dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài”(9).

- Trên cơ sở tổng kết 10 năm đầu thời kỳ Đổi mới, Đại hội VIII (năm 1996) trong phần khái quát về những thành tựu và kết quả đạt được của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Đảng nhận định: “Đến cuối năm 1995, tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt trên 19 tỷ USD..., đầu tư trực tiếp của nước ngoài chiếm 27% tổng nguồn vốn đầu tư trong toàn xã hội... Tốc độ thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong 5 năm qua tăng bình quân hằng năm 50%”(10). Tuy nhiên, tại Đại hội này lần đầu tiên Đảng đã nhận định về những bất cập, hạn chế sau 10 năm thực hiện các chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó đáng chú ý là nhận định: “Việc quản lý kinh tế hợp tác liên doanh với nước ngoài có nhiều sơ hở”(11). Từ đó, Đảng chủ trương: “Việc sử dụng vốn vay và thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài phải theo quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành và vùng lãnh thổ, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”(12). Đặc biệt, lần đầu tiên Đảng đưa ra quan điểm, cần phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong các xí nghiệp hợp tác, liên doanh.

- Đại hội IX (năm 2001) đã tổng kết, trong thời gian qua chúng ta đã có quan hệ thương mại với hơn 140 nước, quan hệ đầu tư với gần 70 nước và vùng lãnh thổ, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Từ đó, Đại hội nhấn mạnh cần phải tiếp tục: “Tạo điều kiện để kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển thuận lợi, hướng vào xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thu hút công nghệ hiện đại, tạo thêm nhiều việc làm”(13). Như vậy, quan điểm của Đảng không những tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển, qua đó giúp nhà đầu tư nước ngoài sử dụng đồng vốn hiệu quả tại Việt Nam, mà còn khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý trong chính sách của Đảng đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài lần này là lần đầu tiên Đảng khẳng định: “Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích phát triển, hướng mạnh vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, hàng hóa và dịch vụ có công nghệ cao, xây dựng kết cấu hạ tầng”(14). Bên cạnh đó, Đảng cũng tiếp tục chỉ ra những hạn chế, tồn tại của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi nhịp độ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm; công tác quản lý, điều hành còn nhiều vướng mắc và thiếu sót. Từ đó, Đảng xác định phải: “Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”(15).

 - Kế thừa quan điểm của các kỳ đại hội trước, Đại hội X (năm 2006) nhận định: “Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, chiếm 15,9% GDP, là cầu nối quan trọng với thế giới về chuyển giao công nghệ, giao thương quốc tế. Vốn FDI có bước chuyển tích cực, tổng mức vốn đăng ký đạt gần 20 tỷ USD, vượt trên 33% so với kế hoạch; tổng vốn thực hiện khoảng 14,3 tỷ USD, vượt 30% so với kế hoạch và tăng 13,6% so với 5 năm trước. Năm 2005, các doanh nghiệp FDI đóng góp 15,9% GDP, chiếm trên 33% tổng kim ngạch xuất khẩu (chiếm khoảng 50% nếu kể cả dầu khí), đóng góp trên 10% tổng thu ngân sách nhà nước (ước tính cả dầu khí thì gần 34%), tạo việc làm cho khoảng 90 vạn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp...”(16). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng tiếp tục chỉ ra những hạn chế, tồn tại, đó là kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, việc thu hút đầu tư nước ngoài còn kém so với một số nước trong khu vực. Từ đó, Đảng đề ra mục tiêu: “Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phấn đấu đạt trên 1/3 tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm. Mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút FDI, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, hiệu quả nguồn FDI...”(17).

- Văn kiện Đại hội XI (năm 2011) nhận định: “mặc dù khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta đạt cao”(18). Từ đó Đảng chủ trương: “Tiếp tục thu hút mạnh đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào những ngành, lĩnh vực kinh tế phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển của đất nước, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao. Thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước”(19).

- Gần đây nhất, Đại hội XII (2016) đã nhận định: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động chủ yếu trong các ngành sử dụng nhiều lao động, khai thác tài nguyên và còn hạn chế trong chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến”(20). Do vậy, cần phải: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài..., tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”(21).

Đáng chú ý, trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Đảng khẳng định cần phải: “Rà soát, sửa đổi pháp luật, chính sách để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa cao, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lao động... Khuyến khích thành lập các trung tâm nghiên cứu triển khai của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”(22).

Tóm lại, ngay từ khi quá trình đổi mới đất nước được khởi xướng, Đảng ta đã nhận thấy sự cần thiết và vai trò của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển của Việt Nam. Quan điểm đó được thể hiện nhất quán trong suốt hơn 30 năm đổi mới vừa qua, cùng với đó là những chủ trương, chính sách để thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển ở Việt Nam.

2. Một số kiến nghị về chính sách đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Thứ nhất, cần xác định kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những động lực của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Để thu hút nhiều hơn nữa kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần xác định rõ ràng và cụ thể vị trí, vai trò của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta hiện nay, làm cơ sở cho việc ban hành các chính sách cụ thể đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong các Văn kiện Đảng hiện nay, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mới chỉ được xác định là một bộ phận của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển. Do vậy, chúng tôi đề xuất có thể xác định: kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những động lực của nền kinh tế (chúng tôi nhấn mạnh). Từ đó, có thể bổ sung vào việc xác định vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế ở Việt Nam hiện nay như sau: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là những động lực của nền kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Thậm chí, có thể ban hành một Nghị quyết riêng đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc xác định như vậy không chỉ thể hiện sự nhất quán trong chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần của chúng ta, mà còn thể hiện sự xác định rõ ràng hơn và cụ thể hơn về vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ chỗ được thừa nhận là một bộ phận của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển, đến chỗ được xem là một trong những động lực của nền kinh tế sẽ là hành lang lý luận quan trọng trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời là xuất phát điểm để ban hành các chính sách đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Việc xác định như vậy, cũng sẽ tạo động lực mạnh mẽ thôi thúc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của Việt Nam.

Thứ hai, thiết lập và thực hiện các mối quan hệ liên kết, hợp tác giữa kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với các thành phần kinh tế trong nước.

Đại hội XII (2016) đã khẳng định cần phải: Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu... Muốn thực hiện được điều đó, thiết nghĩ việc đầu tiên và có ý nghĩa quyết định là cần phải có cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hoặc hợp tác, gia công đặt hàng từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, có thể nghiên cứu ban hành một số chế tài nhằm thúc đẩy (hoặc có thể mang tính bắt buộc) đối với việc thực hiện các mối quan hệ liên kết, hợp tác giữa kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân trong nước. Đồng thời, có chính sách hợp lý để kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Trong thực tế hiện nay, các chủ trương, chính sách đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài về cơ bản mới chỉ tập trung vào việc khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển ở Việt Nam, mà chưa chú ý đến cơ chế, chính sách để thực hiện sự liên kết, hợp tác giữa kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân trong nước. Việc liên kết, hợp tác đó cần được thực hiện thành một chuỗi từ khâu tiêu thụ lẫn nhau về các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất đến việc liên kết, hợp tác gia công và đến cả quá trình tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau giữa các khu vực kinh tế ở nước ta hiện nay. Chúng tôi cho rằng, có lẽ vì đang thiếu sự liên kết, hợp tác, dẫn đến thiếu sự giám sát lẫn nhau giữa các thành phần kinh tế đang là nguyên nhân góp phần dẫn đến những hạn chế, tồn tại trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta hiện nay, như việc sử dụng lao động là người nước ngoài, hiện tượng chuyển giá, hay hiện tượng biến Việt Nam thành công xưởng gia công cho các chủ đầu tư nước ngoài... Do vậy, việc thiết lập mối quan hệ liên kết, hợp tác giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta hiện nay là tất yếu và là điều kiện quan trọng để không chỉ thúc đẩy kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục phát triển, mà còn góp phần khắc phục những hạn chế nội tại của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta hiện nay, tạo ra sự “chung sức, đồng lòng” giữa các khu vực kinh tế/các chủ thể kinh tế ở Việt Nam trên con đường thực hiện các mục tiêu chung của đất nước.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2020

(1), (2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1986, tr.36, 40, 65.

(4), (5), (6), (7), (8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.45, 76, 83, 84, 106, 123.

(10), (11), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.28, 46, 65.

(13), (14), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.23, 26, 35.

(16), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.152-153, 204-205.

(18), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.24, 84.

(20), (21), (22) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.99, 108, 292-293.

TS Nguyễn Văn Thắng

Học viện Chính trị khu vực I

ThS Khuất Trọng Nam

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền