Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất từ thực tiễn Việt Nam
Thứ hai, 26 Tháng 10 2020 12:25
37103 Lượt xem

Nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất từ thực tiễn Việt Nam

(LLCT) - Thời kỳ trước đổi mới, do nhận thức và hành động giản đơn, chủ quan, duy ý chí, không xuất phát từ thực tiễn khách quan nên nhiều quy luật của thời kỳ quá độ, trong đó có quy luật về quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lực lượng sản xuất chưa được Đảng ta nhận thức và vận dụng đúng đắn trong thực tiễn dẫn đến khủng hoảng kinh tế- xã hội. Từ 1986 đến nay, Đảng ta đã có nhận thức mới về các quy luật khách quan của thời kỳ quá độ; từng bước làm rõ các đặc trưng, đặc điểm các mối quan hệ của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có quan hệ “giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN”.

Từ khóa: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất.

1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

Trong lịch sử loài người, tất yếu diễn ra hoạt động lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất để duy trì cuộc sống con người và thúc đẩy xã hội phát triển. Đó là hoạt động căn bản bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa định hình các hình thái kinh tế-xã hội. Xét về phương diện sản xuất, lịch sử đã trải qua các phương thức sản xuất xã hội khác nhau như những nấc thang phát triển văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp. Thế giới cũng chứng kiến các cuộc cách mạng công nghiệp: Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (chế tạo máy cơ khí); Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (điện khí hóa); Cách mạng công nghệ thông tin và hiện nay là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển trí tuệ nhân tạo (4.0). Trong quá trình lao động sản xuất đòi hỏi không ngừng phát triển lực lượng sản xuất (trước hết là công cụ lao động), phát triển khoa học, kỹ thuật, trình độ người lao động. Cũng trong quá trình ấy hình thành quan hệ con người với nhau trong lao động sản xuất trên các vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất, cách thức quản lý và trao đổi, phân phối sản phẩm, đó là quan hệ sản xuất.

Thực tiễn cũng đã làm rõ mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất từ đó khẳng định sự tồn tại của quy luật: quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất tạo động lực cho kinh tế phát triển. Lực lượng sản xuất phát triển đòi hỏi có quan hệ sản xuất phù hợp. Chủ nghĩa tư bản ra đời trên cơ sở phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất và chính sản xuất hàng hóa với quy mô lớn và quan hệ thị trường đã phá vỡ quan hệ sản xuất phong kiến hình thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (2-1948), C.Mác và Ph.Ăngghen nêu rõ:

“Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”(1).

Chính sự phát triển của đại công nghiệp tức lực lượng sản xuất hiện đại và mở rộng thị trường “đã đem lại một sự phát triển mau chóng cho yếu tố cách mạng trong xã hội phong kiến đang tan rã” tức là thay thế quan hệ sản xuất phong kiến bằng quan hệ sản xuất tư bản. C.Mác và Ph.Ăngghen nhấn mạnh:

“Tổ chức công nghiệp theo lối phong kiến hay phường hội trước kia không còn có thể thỏa mãn những nhu cầu luôn luôn tăng theo sự mở mang những thị trường mới. Công trường thủ công thay cho tổ chức cũ ấy. Tầng lớp kinh doanh công nghiệp trung đẳng thay cho thợ cả phường hội; sự phân công lao động giữa các phường hội khác nhau đã nhường chỗ cho sự phân công lao động bên trong từng xưởng thợ”(2).

Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa từng bước định hình cả về sở hữu, quản lý, phân công lao động và phân phối lợi ích và phát triển theo sự lớn mạnh của lực lượng sản xuất của đại công nghiệp. Rõ ràng có sự hiện hữu của quy luật về quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Quy luật đó vẫn đúng khi giai cấp vô sản lớn mạnh tiến hành cuộc cách mạng vô sản đánh đổ chủ nghĩa tư bản để xây dựng chế độ xã hội mới là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Cách mạng tư sản xóa bỏ chế độ phong kiến khởi đầu bằng luồn sâu quan hệ sản xuất vào trong lòng xã hội phong kiến làm tan rã quan hệ kinh tế phong kiến và cuối cùng bằng cuộc cách mạng chính trị đánh đổ sự thống trị của giai cấp phong kiến. Cách mạng vô sản, do đặc điểm riêng là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa không hình thành trong lòng xã hội tư bản, nên phải trước hết làm cuộc cách mạng về chính trị “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền”. Tiếp đó, sử dụng bộ máy chính quyền nhà nước để tổ chức xây dựng nền kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp. C.Mác và Ph.Ăngghen nêu rõ:

“Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”(3).

Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi (7-11-1917) mở ra thời đại của cách mạng XHCN và xây dựng CNXH. Nước Nga khi đó còn ở tình trạng lạc hậu so với các nước tư bản châu Âu. Muốn bảo đảm cho thắng lợi của CNXH, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích nhận thức rõ vai trò của Nhà nước Xô viết trong việc thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển để tạo ra năng suất lao động cao. Trong tác phẩm Sáng kiến vĩ đại (6-1919), V.I.Lênin nêu rõ:

“Xét đến cùng, thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một năng suất lao động chưa từng thấy dưới chế độ nông nô. Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại hẳn, và sẽ bị đánh bại hẳn, vì chủ nghĩa xã hội tạo ra một năng suất lao động mới, cao hơn nhiều. Đó là sự nghiệp rất khó khăn và rất lâu dài, nhưng sự nghiệp đó đã bắt đầu và đây là điều chủ yếu”(4).

Lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga và từ 30-12-1922 ở Liên Xô, V.I.Lênin đặc biệt chú trọng vai trò của lực lượng sản xuất, phát triển đại công nghiệp. Đó là thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai với vai trò của điện năng. V.I.Lênin từng nêu khẩu hiệu: Chủ nghĩa cộng sản bằng chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc. Trong lực lượng sản xuất phải đặc biệt chú ý vai trò của con người. Vì vậy, phải không ngừng học tập, đào tạo con người mà ngày nay ta gọi là xây dựng nguồn nhân lực. Xây dựng CNXH, theo V.I.Lênin phải dựa trên học vấn cao. Những người đang tạo dựng xã hội mới “Họ phải hiểu rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở một nền học vấn hiện đại và nếu họ không có nền học vấn đó, thì chủ nghĩa cộng sản vẫn chỉ là một nguyện vọng mà thôi”(5).

Lực lượng xây dựng CNXH là những người lao động, công nhân, nông dân, trí thức phải được giáo dục, đào tạo trở thành những người có học vấn tạo ra năng suất lao động và hiệu quả công việc. Đảng tiền phong lãnh đạo tức những người cộng sản, theo V.I.Lênin, phải biết làm giàu trí tuệ của mình bằng tổng số những tri thức mà nhân loại đã tạo ra. Quá trình xây dựng CNXH ở Liên Xô hơn 70 năm (1917-1991) với đường lối công nghiệp hóa và phát triển khoa học, kỹ thuật của Đảng Cộng sản đã tạo ra được lực lượng sản xuất rất phát triển không thua kém nhiều so với các nước tư bản đã trải qua mấy thế kỷ xây dựng. Liên Xô cùng với Mỹ là hai siêu cường của thế giới, không chỉ ở sức mạnh quân sự mà còn ở trình độ phát triển của khoa học, công nghệ. Ở các nước XHCN khác cũng đã coi trọng phát triển lực lượng sản xuất bao gồm cả khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

2. Quá trình nhận thức và vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tại Việt Nam

Ở Việt Nam, sau khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH (1954), Đại hội III của Đảng (9-1960) đã đề ra đường lối cách mạng XHCN mà nội dung chủ yếu là tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất; cách mạng khoa học, kỹ thuật; cách mạng tư tưởng, văn hóa; trong đó cách mạng khoa học, kỹ thuật là then chốt; coi công nghiệp hóa XHCN là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ. Xây dựng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học tiên tiến. Ra đời các khu công nghiệp Thái Nguyên, Việt Trì, Thượng Đình, Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Khi đất nước thống nhất (30-4-1975), Đại hội IV của Đảng (12-1976), trong đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước đã tiếp tục phát triển quan điểm đó, nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hóa XHCN và cách mạng khoa học, kỹ thuật để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất. Chú trọng phát triển nguồn năng lượng, điện lực phải đi trước một bước (xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Trị An và các nhà máy nhiệt điện). Phát triển công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp hóa chất, vật liệu xây dựng. Rất coi trọng các ngành công nghiệp nặng.

Việt Nam và các nước XHCN trước đây khi bắt đầu nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên CNXH đều tập trung vào xây dựng quan hệ sản xuất XHCN mà vấn đề hàng đầu là xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, thiết lập chế độ công hữu dưới hai hình thức quốc doanh (nhà nước) và tập thể. Tiếp đó là xác lập cơ chế kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân, quản lý tập trung trong tay Nhà nước, hạn chế yếu tố thị trường tự do; thực hiện chế độ phân phối theo lao động mà thực chất là phân phối bình quân, bao cấp. Các yếu tố (nội dung) đó của quan hệ sản xuất dần dần bộc lộ sự hạn chế, nhất là không tạo ra động lực cho sự phát triển, không có sự sáng tạo. Có thể thấy rõ điểm nghẽn của sự phát triển ở chính quan hệ sản xuất với nhiều yếu tố không hợp lý.

Vấn đề xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất đã không được nhận thức đúng. Các nước XHCN đều xóa bỏ ngay lập tức chế độ sở hữu tư nhân và coi công hữu về tư liệu sản xuất là thước đo trình độ và là bản chất của CNXH. Trong tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản (10-1847), Ph.Ăngghen trả lời câu hỏi thứ 17: Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không?, đã nêu rõ:

“Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng nền kinh tế công hữu. Cho nên, cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đang có tất cả những triệu chứng là sắp nổ ra, sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần, và chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”(6).

Chỉ dẫn trên đây của Ph.Ăngghen là dựa trên cơ sở khoa học và hiện thực và có giá trị sâu sắc. Sau này, V.I.Lênin nêu ra những đặc trưng của thời kỳ quá độ trong đó có đặc trưng về sự tồn tại lâu dài của nhiều thành phần kinh tế và sở hữu tư nhân. Rất tiếc, nguyên lý và những đặc trưng đó đã không được nhận thức và vận dụng đúng đắn ở các nước XHCN trước đây. Cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Các nước XHCN lâm vào khủng hoảng, trì trệ về phát triển kinh tế dẫn tới sự bất ổn chính trị ở một số nước.

Việt Nam cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội từ năm 1979. Yêu cầu khách quan là phải tìm con đường đổi mới. Trải qua khảo nghiệm thực tiễn kết hợp với nhận thức lại các quy luật khách quan của thời kỳ quá độ, Đại hội VI Đảng (12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới các chính sách kinh tế. Đường lối đổi mới dựa trên cơ sở đổi mới tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn mấy chục năm xây dựng CNXH ở Việt Nam, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, tự phê bình nghiêm túc về căn bệnh chủ quan, duy ý chí, nóng vội, nhận thức và hành động một cách giản đơn và cả căn bệnh bảo thủ, trì trệ, giáo điều. Đại hội VI đã nêu ra những bài học cần thiết, trong đó có bài học: “Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng”(7).

Có nhiều quy luật của thời kỳ quá độ chưa được nhận thức và vận dụng đúng đắn, không thúc đẩy mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển, trong đó có quy luật về quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Trong khi lực lượng sản xuất còn rất kém phát triển do điểm xuất phát của Việt Nam ở trình độ rất thấp, lại tập trung xây dựng hoàn thiện quan hệ sản xuất ở trình độ cao, muốn dùng quan hệ sản xuất tiên tiến để mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Đó là nhận thức và hành động không đúng, nếu không nói là làm trái quy luật. Đại hội VI của Đảng đã nêu rõ:

“Theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa phải có bước đi và hình thức thích hợp. Kinh nghiệm thực tế chỉ rõ: lực lượng sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất phát triển không đồng bộ, có những yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”(8).

Đại hội VI chủ trương thực hiện nhất quán, lâu dài, chính sách phát triển nhiều thành phần kinh tế, trong đó có cả kinh tế tư bản tư nhân, cá thể, tiểu chủ, thừa nhận sự tồn tại của sở hữu tư nhân. Đó là sự điều chỉnh rất quan trọng về quan hệ sản xuất. Yếu tố đi quá xa chính là tuyệt đối hóa và chỉ thừa nhận chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, không thừa nhận sở hữu tư nhân trước đó.

Trong sự nghiệp đổi mới từ năm 1986 đến nay, Đảng lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế làm trung tâm. Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Có rất nhiều quy luật, đặc trưng, đặc điểm các mối quan hệ của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được nhận thức và xử lý trong thực tế dựa trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Quy luật và cũng là quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất vẫn là vấn đề cơ bản chỉ đạo trong khi đề ra các chính sách kinh tế.

Đảng và Nhà nước tập trung phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất theo đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đề ra từ Nghị quyết Trung ương 7 khóa VII (1994), và từ 1996, Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu tiên chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, chiến lược giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu tại Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (1996). Lực lượng sản xuất đã phát triển đáng kể và đang phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Việc phát triển công nghệ thông tin và nhất là ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, cho phép phát triển lực lượng sản xuất với quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Khi phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, điều tất yếu đặt ra là xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất như thế nào cho phù hợp cả về sở hữu, quản lý và phân phối. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII (6-1991) đã nêu ra mô hình CNXH ở Việt Nam với 6 đặc trưng. Đặc trưng thứ hai là: “Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”(9). Ở đây chế độ công hữu về tư liệu sản xuất vẫn được đặc biệt chú trọng.

Từ thực tiễn của công cuộc đổi mới với vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng phát triển gắn với sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, Cương lĩnh của Đảng (bổ sung và phát triển năm 2011) đã nêu ra mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với 8 đặc trưng. Đặc trưng thứ ba là: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”(10). Cương lĩnh 2011 nhấn mạnh việc nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có quan hệ “giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa”. Đại hội XII của Đảng (1-2016) tiếp tục nhấn mạnh các mối quan hệ lớn, làm rõ quan hệ “giữa nhà nước và thị trường”, tiếp tục giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất. Khẳng định các thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong các thành phần kinh tế đó, kinh tế nhà nước là chủ đạo.

Khi đề cập đến vai trò của kinh tế nhà nước là gắn liền với chế độ sở hữu nhà nước là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất mà các doanh nghiệp nhà nước là đại diện, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (5-2017) nêu rõ: “Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, và đến thời điểm tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng “đắp chiếu”, làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân”(11). Thực trạng đó đặt ra nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN như thế nào cả về chế độ sở hữu, chế độ và cách thức quản lý sao cho có kết quả, hiệu quả cao nhất và phân phối trong khu vực kinh tế nhà nước.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế tư nhân gắn liền với sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Năm 2019, kinh tế tư nhân đóng góp trên 42% tổng GDP của cả nước và sẽ ngày càng tăng lên (kinh tế nhà nước khoảng 28 GDP). Vai trò quản lý của Nhà nước với kinh tế tư nhân như thế nào để bảo đảm đúng định hướng XHCN. Về lý luận và thực tiễn cần thiết phải làm rõ quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Trong quan hệ sản xuất, vấn đề chế độ quản lý trong từng doanh nghiệp và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước là vấn đề lớn cả về lý luận và thực tiễn. Mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường cũng là một nội dung cần làm sáng tỏ trong quan hệ sản xuất.

Đảng và Nhà nước đã sớm xác định các đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại. Các đột phá chiến lược đó như những điểm nhấn trong phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất. Chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể bảo đảm làm chủ khoa học, công nghệ trong thời đại cách mạng 4.0, bảo đảm tăng năng suất lao động. Quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là quy luật và cũng là vấn đề cơ bản trong nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2020

(1), (2), (3), (6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.603, 598, 626, 469.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.25.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.365.

(7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.363, 390.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 134.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr.11.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

ThS Nguyễn Thị Thanh Hà

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền