Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Phát triển kinh tế số - Điểm mới trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng
Thứ hai, 26 Tháng 10 2020 12:19
1373 Lượt xem

Phát triển kinh tế số - Điểm mới trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Phát triển kinh tế số, một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, góp phần làm giảm bớt khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới. Đổi mới tư duy lý luận về kinh tế trong giai đoạn hiện nay chính là tập trung phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số, đưa nền kinh tế Việt Nam thay đổi về chất và có bước nhảy vọt trong tiến trình phát triển mới. Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến phát triển kinh tế số và có phương hướng phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số trong giai đoạn 2021-2030 là một lựa chọn sáng suốt và đúng đắn, là sự vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn phát triển Việt Nam.

Từ khóa: kinh tế số, nền kinh tế số, kỹ thuật số, công nghệ số, xã hội số.

Kinh tế số là một khái niệm mới được bàn đến trong những năm gần đây trên thế giới và ở Việt Nam. Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, kinh tế số đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, kinh tế số đã bùng nổ khá nhanh chóng trong thời kỳ bùng phát đại dịch COVID-19. Kinh tế số đã và sẽ mang lại rất nhiều điểm mới, làm thay đổi căn bản về chất đời sống kinh tế - xã hội của nhiều nước và toàn thế giới.

Kinh tế nông nghiệp là nền kinh tế chủ yếu dựa trên phát triển nông nghiệp là chính, thu nhập của xã hội căn bản dựa vào nông nghiệp với sự canh tác truyền thống, công nghệ lạc hậu. Nền kinh tế công nghiệp là nền kinh tế đã được công nghiệp hóa mạnh mẽ, công nghiệp chiếm vị trí quan trọng với tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, mô hình và phương thức sản xuất đã dựa trên nền tảng công nghiệp, công nghệ cao là chính. Nền kinh tế công nghiệp đã tạo ra các xã hội phát triển và giàu có. Tiếp theo đó là nền kinh tế tri thức, ở đó tri thức của con người trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu trong nền kinh tế. Tri thức là tâm điểm tạo ra của cải cho xã hội và nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức. Hơn nữa, kinh tế tri thức là một nền kinh tế công nghệ cao, sử dụng chất xám trong mọi lĩnh vực và lấy tri thức làm động lực, công cụ phục vụ cho mọi hoạt động kinh tế xã hội. Đối với Việt Nam, CNH, HĐH gắn với kinh tế tri thức đã và đang trong quá trình và để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vẫn đang là mục tiêu phấn đấu. Như vậy, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp có thể nói là một sự thay đổi căn bản về chất, không hề dễ dàng và nhanh chóng. Hơn nữa, để trở thành nền kinh tế công nghiệp hiện đại và từ đó trở thành nền kinh tế tri thức, là sự biến đổi cao hơn hẳn về chất trên mọi mặt so với trước đây lại càng không hề dễ dàng và nhanh chóng, mà cần sự nỗ lực của cả nền kinh tế và thời gian đủ dài. Tuy nhiên, quá trình phát triển của nền kinh tế không đi theo các bước trình tự, cái này xong mới đến cái tiếp theo, không phải cái cũ xong mới tiến hành cái mới, mà có thể bỏ qua một số khâu lạc hậu, tiếp cận thẳng đến công nghệ cao nếu có đủ nhân lực và công nghệ. Có thể tiến hành theo trình tự xen kẽ, đan xen, chưa thể đổi mới được tất cả thì có thể đổi mới một phần, phát triển ở những khâu có điều kiện, đột phá ở một số khâu có thể tiến hành ngay, trong một số ngành công nghiệp, công nghệ cao, trong nhiều hoạt động dịch vụ, cũng như có thể đi thẳng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không cần phải tuần tự công nghiệp hóa nông nghiệp mới đến nông nghiệp công nghệ cao... để dẫn dắt các khâu khác phát triển tiếp theo.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cơ hội phát triển mới cho các nền kinh tế trong đó có Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đang trong quá trình phấn đấu CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức để sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại và bên cạnh đó phấn đấu dần trở thành nền kinh tế tri thức. Trong thời điểm hiện nay, khi thời cơ xuất hiện và các điều kiện chín muồi, đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, cả thế giới đang thay đổi thì Việt Nam cũng phải thay đổi và thích ứng với tình hình mới. Kinh tế số đã và đang trở thành cứu cánh cho nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Thực tế đã chứng minh Việt Nam có thể tiến hành ngay, tiến hành mạnh mẽ phát triển nền kinh tế số. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam áp dụng kỹ thuật số vào trong quản lý và điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội. Kỹ thuật số hiện nay đã trở thành cứu cánh trong hoạt động của đại đa số các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cả nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế số đã và đang từng bước được hình thành một cách khách quan, do yêu cầu tất yếu của cuộc sống, không còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của một hay vài cá nhân. Kinh tế số là nền kinh tế được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số với các giao dịch điện tử được tiến hành thông qua internet. Các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế số đều dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ số đang được hình thành và hoạt động hiệu quả. Qua thực tế cho thấy, kinh tế số cho phép không hạn chế ở một lĩnh vực, một ngành, một địa phương riêng biệt nào mà có thể phát triển kinh tế số trên tất cả các lĩnh vực và toàn nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,...) mà công nghệ số được áp dụng.

Trong thời gian vừa qua, các cá nhân, các tổ chức kinh doanh, các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ, các đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường học... đã rất tích cực vận dụng kinh tế số vào trong hoạt động của mình. Giao dịch và hội nghị trực tuyến, kinh doanh từ xa, kinh doanh số, thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm tra sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa... đã được áp dụng và vận hành khá thành công. Nhiều

Robots, các máy móc, thiết bị tự động hoạt động từ xa trước áp lực phòng dịch COVID-19 đã được sản xuất để đưa vào thực tiễn phục vụ cho khám chữa bệnh, cách ly bệnh nhân, vận chuyển các hàng hóa thiết bị đến cho người bệnh, hỗ trợ y, bác sỹ không cần phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Hiệu quả của nền kinh tế số không còn là xa vời, bằng kết quả thực tế trong hơn 3 tháng chống đại dịch COVID-19 đã chứng minh sinh động và trả lời rất cụ thể sự cần thiết phải phát triển nhanh nền kinh tế số.

Nhiều ứng dụng công nghệ số được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi trong những tháng gần đây ở trên thế giới và cả ở Việt Nam đã và đang minh chứng một điều về tiện ích của công nghệ này và khả năng của Việt Nam khi phát triển nền kinh tế số trong thực tiễn. Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hoạt động của công nghệ số xuất hiện ở mọi nơi trong đời sống của xã hội, như ở các trang thương mại điện tử, các quảng cáo trực tuyến, các ứng dụng về ăn uống, vận chuyển, giao nhận, mua bán, hội nghị, giảng bài, khám chữa bệnh... tất cả đều được tích hợp công nghệ số và đang đáp ứng ngày một thuận tiện hơn nhu cầu của người dân. Kinh tế số đã có nhiều đóng góp thiết thực trong sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi công nghệ toàn cầu, cũng như giúp cho sự điều hành của Chính phủ được thuận lợi nhất. Những diễn đàn hội nghị quốc tế, trong nước đã và đang được tổ chức trực tuyến một cách hiệu quả trong thời gian vừa qua, góp phần quan trọng bảo đảm hoạt động trong nước và quốc tế được diễn ra một cách thuận lợi, thông suốt nhất, không bị dừng, gián đoạn và cũng tránh được sự lây nhiễm của COVID-19.

Sự áp dụng chính phủ điện tử, chính phủ số đã góp phần quan trọng thúc đẩy và hỗ trợ cho nền kinh tế số được phát triển mạnh. Qua đại dịch COVID-19, nhận thức của con người đã và đang thay đổi. Con người đang từng bước vận dụng kỹ thuật số vào trong mọi mặt hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của mình. Ngay đến việc truyền giáo cũng đã từng bước được đổi mới từ trực tiếp sang gián tiếp (trực tuyến) và đã cho thấy hiệu quả.

Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã có nhiều chỗ nêu đến phát triển nền kinh tế số, phát triển kinh tế số, kỹ thuật số... chứng tỏ tư duy và nhận thức của Đảng ta rất coi trọng kinh tế số. Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội XIII ghi: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hiện đại hóa đất nước gắn với từng bước phát triển kinh tế số, dựa chủ yếu vào nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”(1).

Đây là một định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới khá phù hợp và đúng đắn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nên thay từ “từng bước” phát triển kinh tế số thành “đẩy mạnh” phát triển kinh tế số, thể hiện chúng ta không còn dè dặt, lừng chừng phát triển kinh tế số, mà dứt khoát, tin tưởng và quyết tâm mạnh mẽ phát triển kinh tế số. Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế số là khó và cần có thời gian, nhưng cũng cho thấy một điều là phát triển kinh tế số là con đường duy nhất đúng để Việt Nam có thể bứt phá đi lên, rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước. Hơn nữa thời gian vừa qua cũng minh chứng một điều là, Việt Nam có thể áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật số vào trong nền kinh tế và hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh kinh tế số trong thời gian gần nhất.

Chúng tôi đánh giá cao định hướng phát triển đất nước “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới căn bản” có ghi: “... đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số...”.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 cũng ghi: “Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển kinh tế số, xã hội số...”(2). Đây là quan điểm khá rõ nét, cụ thể. Nhưng theo chúng tôi không nên ghi là “tận dụng hiệu quả các cơ hội” để phát triển kinh tế số, xã hội số mà nên thể hiện quan điểm rõ ràng, mạnh mẽ hơn là phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số trong mười năm tới.

Với chỉ tiêu đề ra trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, đây là con số khá chắc chắn, tuy nhiên theo chúng tôi có thể cao hơn, “kinh tế số đạt khoảng 45-50% GDP”, để thể hiện quyết tâm chúng ta chuyển hướng mạnh mẽ sang phát triển nền kinh tế số và cũng chỉ có như vậy đến năm 2030, Việt Nam “trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao”.

Đột phá thứ 3 trong ba đột phá chiến lược của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 có ghi: “tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số” là phù hợp. Tuy nhiên, ở đây mới nhấn mạnh đến yếu tố tạo nền tảng để phát triển kinh tế số và xã hội số mà chưa nêu rõ quyết tâm phát triển nền kinh tế số. Do đó, chúng tôi đề nghị nên ghi thêm vào đột phá chiến lược thứ nhất cụm từ “đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số”. Cụ thể là: “... trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường sử dụng đất, khoa học, công nghệ. Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường...”(3) nên viết thành: “... trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường sử dụng đất, khoa học, công nghệ. Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường. Đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số...”.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số ở Việt Nam cần có những điều kiện cần thiết về thể chế, bộ máy thực hiện và các nguồn lực để triển khai các đột phá chiến lược. Cần coi số hóa nền kinh tế là động lực đặc biệt quan trọng và chủ yếu cho mô hình tăng trưởng kinh tế mới, và đi liền với đó cần phải thiết lập sớm, đầy đủ và đồng bộ các điều kiện về thể chế, bộ máy thực hiện, môi trường kinh doanh, các nguồn lực và con người để nền kinh tế số có thể phát triển nhanh. Để số hóa nền kinh tế thành công, chất lượng bộ máy quản trị quốc gia là một trong những yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định trên bốn nội dung: (i) sự hỗ trợ lâu dài của Nhà nước về mặt chính sách; (ii) tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia; (iii) sự đảm bảo môi trường an ninh cho số hóa nền kinh tế; (iv) sự ổn định đối với phát triển nền kinh tế số trong dài hạn. Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, trong phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xã hội số”(4).

Theo đó, cần cải thiện mạnh mẽ những điểm tồn tại của bộ máy quản trị quốc gia của Việt Nam để có thể đáp ứng được những điều kiện mới của chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế số và số hóa của nền kinh tế. Thực tế, sự ổn định về mặt chính trị là một điều kiện tốt để số hóa nền kinh tế. Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cố gắng để cải thiện hiệu quả hoạt động của mình và đang được cải thiện rõ nét trong hơn 3 tháng đại dịch COVID-19 vừa qua. Lĩnh vực cần được chú trọng hiện nay trong các khía cạnh quản trị quốc gia là trách nhiệm giải trình và gia tăng tiếng nói của người dân trong quá trình hoạch định chính sách của nhà nước(5).

Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, có ghi: “Phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số...”(6). Điều này là đúng đắn và thực tế cho thấy mô hình kinh doanh mới đã và đang được hình thành ở Việt Nam. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới, năm 2018 Việt Nam xếp hạng thứ 69/193 nền kinh tế về sự thuận lợi của môi trường kinh doanh, đây là sự tụt bậc so với năm 2017. Năm 2017, Việt Nam đã tăng được 14 bậc so với năm 2016, từ hạng 82 lên hạng 68. Việc tụt hạng về môi trường kinh doanh thuận lợi có nguyên nhân do Việt Nam chưa giữ được đà đổi mới các thành phần cấu thành môi trường kinh doanh thuận lợi. Việt Nam mới tăng được điểm của bốn chỉ số: khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Trong khi đó, sáu thành tố còn lại bị giảm điểm: cấp phép xây dựng, tiếp cận tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết phá sản. Trong số các thành phần tăng điểm, có hai thành phần có ý nghĩa quan trọng đối với số hóa nền kinh tế là khởi sự kinh doanh và tiếp cận điện năng. Số hóa nền kinh tế và khởi nghiệp sáng tạo cần có kết nối internet ổn định và nguồn điện tốt để vận hành hệ thống máy chủ cũng như nền tảng chia sẻ dữ liệu trên internet. Sự cải thiện thể hiện những cố gắng của Chính phủ trong xây dựng một nền tảng ổn định cho tăng trưởng và phát triển kinh tế nói chung, cho số hóa nền kinh tế và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng.

Một điểm mới so với trước đây là trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã chỉ rõ: “Đổi mới mạnh mẽ... tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số”(7). Đây là một trong những khâu quan trọng để nền kinh tế số có thể hình thành và phát triển.

Để nền kinh tế số có thể hình thành và phát triển, một yếu tố vô cùng quan trọng là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Số liệu thống kê về chỉ số HDI cho thấy, Việt Nam hiện đang thuộc nhóm trung bình cao với điểm chỉ số là 0,694 trong năm 2017, xếp hạng 116/189 quốc gia. Thực tế, chỉ số HDI của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đặt ra của thực tiễn hiện nay. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã chỉ rõ: “... Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”(8). Điểm mới ở đây chính là đào tạo công nghệ số cho lực lượng lao động thế hệ mới, đây chính là tiền đề cho phát triển nền kinh tế số. Hơn nữa, điều đặc biệt chính là đưa giáo dục kỹ thuật số vào chương trình giáo dục phổ thông trong những năm tới đây: “... Đưa chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ thuật số và ngoại ngữ tối thiểu...”(9).

Trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thứ tư, trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã ghi rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô”(10).

Với nhiều lần được nêu, phát triển kinh tế số, nền kinh tế số, kỹ thuật số, công nghệ số, xã hội số trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIII đã thể hiện xuyên suốt một tinh thần phát triển kinh tế số trong giai đoạn 2021-2030, là một nội dung quan trọng và đáng lưu ý. Đây thực chất là một nội dung mới, một tư tưởng mới về phát triển kinh tế ở Việt Nam được thay đổi về chất và là tiền đề và là khả năng để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển cùng thời đại, tránh được nguy cơ tụt hậu so với các nền kinh tế trên thế giới. Chỉ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số mới có thể cứu cánh cho Việt Nam phát triển. Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần chớp thời cơ và quyết liệt đổi mới, tiến thẳng vào kỷ nguyên số, kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển và xây dựng Việt Nam ngày một giàu mạnh với các nội dung công việc cần tiến hành là: xây dựng chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng số hóa nền kinh tế; xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến số hóa nền kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng cho nền kinh tế số; đẩy nhanh xây dựng chính phủ điện tử - chính phủ số; xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán điện tử và số hóa tài chính; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số, sản xuất thiết bị số, đẩy mạnh công nghiệp phần mềm, phát triển nội dung số; có chiến lược đầu tư cho giáo dục đào tạo nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số; đổi mới khoa học công nghệ theo hướng gắn với các mục tiêu khoa học công nghệ cụ thể, trước hết là công nghệ số.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2020

(1) Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở), 2-2020.

(2), (3), (4), (6), (7), (8), (9), (10) Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 (Tài liệu sử dụng tại đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở), 2-2020.

(5) Nhiều vụ việc điển hình trong giai đoạn gần đây cho thấy rõ, trong quá trình hoạch định và thực hiện các chính sách của Nhà nước nếu người dân không được tham gia sẽ bị bóp méo và hiệu lực thực thi không cao hoặc việc thực thi chủ yếu nhằm phục vụ cho một hoặc một số nhóm thiểu số trong dân cư.

PGS, TS Lê Quốc Lý 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh   

ThS Lê Quốc 

Viện Lãnh đạo học và Chính sách công,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền