Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Xây dựng môi trường văn hoá để phát triển văn hoá và con người, phát triển bền vững đất nước
Thứ hai, 28 Tháng 3 2016 15:09
16394 Lượt xem

Xây dựng môi trường văn hoá để phát triển văn hoá và con người, phát triển bền vững đất nước

(LLCT) - Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã xác định xây dựng môi trường văn hoá (MTVH) vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Thực tế triển khai thực hiện chủ trương trên thời gian qua cho thấy rằng có một số rào cản nhất định liên quan đến nội dung, nhiệm vụ xây dựng MTVH và công tác tổ chức thực hiện. Bài viết này góp bàn làm rõ thêm vấn đề: Định hướng của Đảng về xây dựng MTVH, khái niệm và bản chất của MTVH, nội dung nhiệm vụ xây dựng MTVH trong giai đoạn hiện nay.

1. Những định hướng của Đảng về xây dựng MTVH

Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội VIII của Đảng (1996), MTVH mới được nhận thức như là nhiệm vụ, nội dung của phát triển văn hoá. Nội dung Nghị quyết ghi rõ: Mọi hoạt động văn hoá, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho sự phát triển xã hội. Tuy vậy phải đến Văn kiện Đại hội Đảng VIII và Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII (1998), thì khái niệm, mục đích, nội dung xây dựng "môi trường văn hoá" mới được làm rõ hơn.

Về khái niệm được xác định: "Môi trường văn hoá là môi trường chứa đựng những giá trị văn hoá và diễn ra các quan hệ văn hoá, các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hoá của con người". Mục đích xây dựng MTVH... là để đáp ứng nhu cầu văn hoá đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân. Nội dung xây dựng MTVH được xác định bao gồm:  Xây dựng đời sống văn hoá ở các cơ sở; Xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư văn hoá; Xây dựng nếp sống văn minh; Xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hoá; Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức phong trào văn hoá, văn nghệ(1).

Đến Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước), nhận thức của Đảng về xây dựng MTVH có bước tiến mới.Nghị quyết Trung ương 9đã có sự bổ sung mới cả về lý luận và thực tiễn.

Mục đích xây dựng MTVH, xây dựng MTVH lành mạnh phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập, MTVHphải là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa phát triển con người là chủ thể sáng tạo.

Về quan điểm, phải xây dựng đồng bộ môi trường văn hoá, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng, môi trường văn hoá chính trị.

Về nội dung, xây dựng MTVH phải gắn với không gian, điều kiện và chủ thể của mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị;thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; chú trọng giá trị văn hoá tín ngưỡng tôn giáo trong xây dựng MTVH; gắn kết xây dựng MTVH với bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng đời sống văn hoá, đặc biệt vấn đề quy chế dân chủ, lối sống, nếp sống, hệ thống thiết chế văn hóa và tính tự quản của người dân trong các hoạt động...(2).

Trên đây là những định hướng quan trọng của Đảng về xây dựng MTVH và đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên thực tế triển khai thực hiện và hiệu quả cho thấy cần phải tiếp tục làm rõ hơn nữa về cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề.

Trước hết, chúng tôi đồng tình với một số ý kiến cho rằng, trong nội dung xây dựng MTVH của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là chưa nhấn mạnh đến mối quan hệ, vai trò của môi trường văn hoá với phát triển nhân cách văn hoá và môi trường tự nhiên trong phát triển(3). Nhận định này hoàn toàn có sở, nhất là khi xem xét mối quan hệ với đời sống văn hoá và thực tiễn MTVH về phương diện quản lý.

Thứ hai,trong quan điểm của các nhà nghiên cứu và cả ngay trong các Văn kiện của Đảng, vẫn chưa có sự thống nhất, phân biệt rõ ràng về khái niệm và nội hàm của đời sống văn hoá và môi trường văn hoá. Điều đó đã dẫn đến có sự lẫn lộn trong nhận thức của xã hội và trong chỉ đạo thực tiễn về xây dựng MTVH.

Sự không nhất quán thể hiện: Trong nhận thức lý luận của Đảng về văn hoá, các lĩnh vực văn hoá là đối tượng lãnh đạo, quản lý, xây dựng nền văn hoá, thì đời sống văn hoá được xem là một trong bốn lĩnh vực quan trọng (Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII) cần phải quan tâm. Và khái niệm MTVH bao hàm khái niệm đời sống văn hoá. Thế nhưng chỉ đạo thực tiễn (phần nhiệm vụ, giải pháp) xây dựng nền văn hoá, có nhiệm vụ xây dựng MTVH, xây dựng đời sống văn hoá và MTVH, có khi được xem vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp. Trong nhiệm vụ xây dựng MTVH, lại có nội dung xây dựng đời sống văn hoá. Sự chưa thống nhất như vậy sẽ rất khó đối với những người làm công tác văn hoá, bởi họ vừa phải tổ chức, quản lý xây dựng đời sống văn hoá, vừa phải xây dựng MTVH(4).

Rõ ràng cần phải tiếp tục làm rõ hơn cơ sở lý luận trong nhận thức thực hiện nội dung, nhiệm vụ xây dựng MTVH hiện nay.

2. Về khái niệm và bản chất của MTVH

Về khái niệm, trước hết cần phải có sự khu biệt nhất định về khái niệm "văn hoá" trong quan niệm về MTVH. Bởi, nếu văn hoá được hiểu theo nghĩa rộng (bao hàm tất cả mọi hoạt động sáng tạo của con người) thì nội hàm khái niệm MTVH phải được mở rộng tối đa. Như thế sẽ rất khó phân biệt được tính đặc thù của MTVH. Còn nếu nhìn văn hoá trong tổng thể cấu trúc xã hội, thì môi trường văn hoá là bộ phận quan trọng, phản ánh chiều sâu của môi trường xã hội, thậm chí đồng nhất với môi trường xã hội, đời sống xã hội.

Cũng không thể theo ý kiến cho rằng nên co hẹp khái niệm MTVH. MTVH chính là tổng hoà các loại điều kiện văn hoá tinh thần (chủ yếu như giáo dục, đạo đức, tôn giáo, tập tục...) tồn tại xung quanh chủ thể và tác động tới hoạt động của chủ thể. Nếu quan niệm như thế thì tất yếu sẽ gặp rào cản trong thực tiễn MTVH. Bởi những yếu tố tác động tới con người của MTVH - con người với tư cách vừa là sản phẩm và chủ thể - thì không chỉ có thuần tuý là các điều kiện văn hoá tinh thần.

Chúng tôi đồng tình với cách tiếp cận: MTVH chỉ là một thành tố, một phương diện cấu thành của văn hóa và phát triển văn hóa. MTVH là tổng hoà của các phương diện: thực tiễn sáng tạo văn hóa (sự ứng xử, thích nghi của con người với môi trường sống); hệ giá trị văn hóa (kết quả của hoạt động sáng tạo) và tâm lý văn hóa (kế thừa, trao truyền, tiếp nhận). Quan niệm MTVH từ góc nhìn này phản ánh được những mối quan hệ nội tại của văn hóa. Trong mối quan hệ với văn hoá: MTVH phản ánh văn hoá vừa là thuộc tính bản chất của xã hội, dạng hoạt động của đời sống xã hội, biểu hiện kết quả hệ thống giá trị sáng tạo; văn hoá vừa như là một tiểu hệ thống của toàn bộ hệ thống xã hội - tiểu hệ thống văn hoá tinh thần.

Tiếp cận từ góc nhìn này sẽ tránh được sự chồng chéo và sự mở rộng quá mức nội hàm khái niệm, đồng thời làm rõ được tính đặc thù của MTVH. Tiếp cận MTVH là một yếu tố cấu thành của văn hóa, sẽ có cơ sở để phân biệt cấu trúc và nội dung của xây dựng môi trường văn hóa, tác động của MTVH đến các hoạt động sáng tạo văn hóa. Còn nếu quá mở rộng phạm vi khái niệm "môi trường văn hoá" thì sẽ dẫn đến sự chồng chéo giữa các khái niệm và nội hàm của nó. Quá co hẹp trong quan niệm thì sẽ dẫn đến những giới hạn sẽ làm hạn chế phạm vi ảnh hưởng và tác động của của "môi trường văn hoá" trong các hoạt động quản lý cũng như thực hành phát huy vai trò MTVH trong phát triển đời sống xã hội.

Từ quan điểm trên đây, đưa ra khái niệm MTVH như sau: Môi trường văn hoá là tổng thể sống động các yếu tố văn hoá vật thể và phi vật thể bao quanh con người trong một không gian, thời gian xác định, các yếu tố đó tác động lẫn nhau và có quan hệ tương tác đối với con người, nhằm phát triển, phát huy vai trò con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể văn hoá.

Với định nghĩa này, nội hàm của MTVH được quan niệm rộng hơn nội hàm của đời sống văn hoá, MTVH là giới hạn có thể xác định trong mối quan hệ biện chứng của con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trong môi trường sống của con người, môi trường tự nhiên là sự tập hợp các yếu tố bên ngoài hệ thống xã hội -  con người, là điều kiện cần cho sự tồn tại phát triển. Còn môi trường văn hoá là tập hợp các yếu tố bên trong hệ thống xã hội - con người làm thành điều kiện đủ định hướng cho mỗi tiểu hệ thống trong hệ thống tồn tại, phát triển(5).

Định nghĩa này cũng cho phép chúng ta nhận diện đặc trưng, đặc điểm của MTVH trong mối quan hệ với đời sống văn hoá và đời sống xã hội. Đặc điểm đó chính là tính phi vật thể. Tính phi vật thể được hiểu rõ hơn khi chúng ta xem xét phương thức tác dụng của MTVH so với môi trường xã hội. Sức mạnh của MTVH có tính vô hình vì tác động theo hình thức thấm dần, làm thay đổi cảm nhận, hành vi của con người. So với sức mạnh có tính hữu hình, trực tiếp và tính biến đổi sôi động của môi trường xã hội, thì MTVH có tính lắng đọng hơn. Trong mối quan hệ với đời sống văn hoá, MTVH là khái niệm không đồng nhất, mà bao trùm lên toàn bộ đời sống văn hoá của con người. MTVH phải được xem xét như một chỉnh thể, như một hệ thống.

3. Về nội dung nhiệm vụ xây dựng MTVH

Quan niệm về MTVH trên đây là cơ sở để để xác định nội dung nhiệm vụ xây dựng MTVH. Vấn đề đặt ra từ thực tiễn phương diện quản lý, nhiệm vụ, nội dung xây dựng MTVH có phải là xây dựng các thành tố của nó không?

Nội dung xây dựng MTVH chính là xây dựng cái bao quanh, cái có thể tác động đến con người để trong đó con người vừa là sản phẩm vừa tự hoàn thiện mình với tư cách là chủ thể. Hay nói cách khác, xây dựng MTVH là tạo các điều kiện bên ngoài - cái có thể góp phần vào sự hình thành, hoàn thiện nhân cách, để không phải là cái có thể tha hoá nhân cách. Xây dựng MTVH là tạo các điều kiện để phát huy vai trò của động của con người trong các mối quan hệ ứng xử. MTVH bao gồm tổng thể các loại sản phẩm văn hoá; những cảnh quan văn hoá; các thiết chế văn hoá; hệ thống những ứng xử văn hoá; diện mạo những vi MTVH (văn hoá gia đình, cơ quan, đơn vị, bản, làng...).

Phát triển quan điểm của Đảng, nội dung nhiệm vụ xây dựng MTVH ở nước ta hiện nay, bao gồm:

1. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hoá, gắn với hệ giá trị, chuẩn mực cụ thể, tạo tiền đề cơ sở, định hướng sự hình thành, phát triển hoàn thiện nhân cách văn hoá. Trước hết thực hiện chiến lược phát triển gia đình, xây dựng gia đình văn hoá - môi trường đầu tiên của con người. Xây dựng môi trường văn hoá ở trường học, địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp..., cộng đồng dân cư văn hoá..., là các không gian gắn kết quan hệ giữa con người.

2. Xây dựng đời sống văn hoá(bao hàm các hoạt động tinh thần, tạo giá trị tinh thần), gắn với các hoạt động văn hoá của cá nhân và cộng đồng. Cụ thể là xây dựng lối sống, nếp sống văn minh (việc cưới, việc tang, lễ hội...), quy chế dân chủ; giá trị văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo gắn bó dân tộc, hướng thiện, nhân văn; các hoạt động hướng thiện, "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn"; văn hoá môi trường sinh thái..

3. Xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, cảnh quan văn hoá gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá. Trước hết là xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá - xã hội: trường học nhà mẫu giáo, sân vận động, trung tâm văn hoá, câu lạc bộ, thư viện, phòng truyền thống, rạp chiếu phim, công viên văn hoá... Tạo mới, hoặc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; xây mới hoặc bảo vệ, trùng tu các công trình tượng đài, công trình văn hoá kiến trúc, quảng trường, đường xã,...

4. Tạo điều kiện để người dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Xây dựng các quy chế, quy định hợp lý để người dân tham gia xây dựng, quản lý tốt hệ thống thiết chế văn hoá (thư viện, câu lạc bộ, khu vui chơi giải trí...) ở các khu dân cư thôn, xã.

MTVH bao giờ cũng gắn với không gian thời gian cụ thể, nên xây dựng MTVH phải gắn với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

__________________

(1)ảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb Chính trị quốc gia, hà Nội, 1998, tr. 59 - 60

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, 2014 (Dẫn theo Thông tin Văn hoá phát triển, số 40, 2014)

(3)(4)  Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hoá và môi trường văn hoá, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2015, tr. 60., 40.

(5) Hồ Sỹ Quý: Về môi trường văn hoá và môi trường văn hoá ở Việt Nam, (Nguồn: http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:n37BWr2SdiMJ:www.hids.hochiminh..)

 

                                                                   PGS, TS Nguyễn Thị Hương

                                                                       Viện Văn hoá và Phát triển

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh   

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền