Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ tư, 16 Tháng 3 2016 09:04
2800 Lượt xem

Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Trong quá trình đổi mới vì CNXH, Đảng ta luôn quan tâm và giải quyết đúng đắn quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách và từng bước phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Đây là một trong những nhân tố quyết định để đạt được những thành tựu rất to lớn trong sự nghiệp đổi mới.

Trong quá trình đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đề ra mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là tạo ra được cơ sở kinh tế, kiến trúc thượng tầng để nước ta trở thành nước XHCN ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Muốn vậy, toàn Đảng, toàn dân ta phải quyết tâm quán triệt và thực hiện tốt tám phương hướng mà Cương lĩnh đã nêu ra. Một trong những nội dung của phương hướng thứ ba là “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Hơn nữa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là một trong những giải pháp quan trọng để giữ vững định hướng XHCN trong quá trình phát triển đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều cách diễn đạt khác nhau về đặc trưng bản chất của CNXH, trong đó có một cách diễn đạt: “Chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý: Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”(1). Đây cũng chính là quan niệm về công bằng trong CNXH của Hồ Chí Minh. Như vậy, quan niệm của Hồ Chí Minh về công bằng trong CNXH là khoa học và hợp lý, nhân văn, đó là: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Quan niệm này hoàn toàn khoa học, đúng đắn, phù hợp thực tế, bởi lẽ, bản chất của công bằng là cống hiến và hưởng thụ phải ngang nhau. Nhưng, công bằng trong CNXH, theo Hồ Chí Minh còn là hợp lý, nhân văn: những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ, chăm nom. Cách tiếp cận này cũng hoàn toàn khoa học, đúng đắn, phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc và nhân văn, bởi lẽ, bản chất của CNXH là vì con người, chăm lo cho con người, nhất là những người già yếu, tàn tật, không may mắn trong xã hội. CNXH là xã hội nhân văn, nhân đạo, không bỏ rơi con người nói chung. Do vậy, những người già yếu, tàn tật, không may mắn trong xã hội được Nhà nước đặc biệt quan tâm giúp đỡ, chăm nom. Nói khác đi, chỉ có CNXH mới đem lại công bằng và bình đẳng xã hội cho tất cả mọi người theo tinh thần nhân văn; nhân dân lao động mới thực sự được hưởng quyền “bình đẳngvề quyền lợi và nghĩa vụ”(2), những người già yếu, tàn tật hoặc không may mắn sẽ được Nhà nước giúp đỡ.

 Trong một bài viết khác, Hồ Chí Minh diễn đạt về công bằng trong CNXH như sau: “Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ những người già cả, đau yếu và trẻ em...”(3). Rõ ràng, quan niệm này của Hồ Chí Minh đã phản ánh đầy đủ tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin về công bằng xã hội - nguyên tắc phân phối theo lao động, theo cống hiến trong CNXH, đồng thời thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc của Hồ Chí Minh, biểu đạt những giá trị tương đồng của CNXH với truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc ta - yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Điều này được Hồ Chí Minh coi là một đặc trưng bản chất của CNXH Việt Nam.

Trong quá trình đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức, vận dụng để giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi bắt đầu đổi mới, tại Đại hội VI, Đảng ta rút kinh nghiệm về bài học nóng vội, chủ quan trong thực hiện công bằng xã hội trước đổi mới và khẳng định: “Thực hiện công bằng xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta”(4). Cương lĩnh của Đảng, được thông qua tại Đại hội VII (1991), xác định “kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội”(5). Như vậy, ngay từ khi tiến hành đổi mới, Đảng ta đã chủ trương gắn kết chính sách kinh tế với chính sách xã hội nói chung, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội nói riêng tốt hơn. Cương lĩnh (1991) cũng xác định phải xây dựng được “nền văn hóa mới, tạo ra một đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ”(6). Đại hội VII của Đảng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo tinh thần Đại hội VI đã thẳng thắn nhận ra rằng, việc thực hiện chính sách xã hội, trong đó có chính sách công bằng xã hội, tuy có một số tiến bộ, nhưng chưa được quan tâm đúng với tầm quan trọng của nó và còn thiếu sót. Trên tinh thần đó, Đại hội VII đề ra chủ trương “Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội”(7). Đồng thời, Đại hội còn đề ra nhiệm vụ cụ thể như hình thành các tổ chức của người tàn tật và vì người tàn tật, các hội từ thiện, tổ chức việc giúp đỡ người già cô đơn và trẻ mồ côi, những người cơ nhỡ, bất hạnh trong cuộc sống. Nhà nước dành một phần quỹ dự phòng của ngân sách để chủ động cứu giúp những người gặp tai nạn do thiên tai. Những quan điểm và chủ trương này của Đại hội VII trên thực tế là thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tiến bộ và công bằng xã hội.

Đại hội VIII của Đảng tiếp tục quan điểm tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội và có bước phát triển mới trong nhận thức. Đại hội khẳng định “không chờ kinh tế phát triển cao rồi mới giải quyết các vấn đề xã hội, mà ngay trong từng bước và suốt quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Công bằng xã hội không chỉ được thực hiện trong phân phối kết quả sản xuất, mà còn được thực hiện ở khâu phân phối tư liệu sản xuất, ở việc tạo ra những điều kiện cho mọi người phát huy tốt năng lực của mình”(8). Bước phát triển mới trong nhận thức về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, không chờ cho kinh tế phát triển mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Có không ít ý kiến cho rằng, chúng ta còn nghèo, kinh tế chưa phát triển, do vậy, nhiệm vụ trước mắt là phát triển kinh tế, chờ kinh tế phát triển cao, chúng ta mới có điều kiện vật chất để quan tâm tới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Thoáng qua, có vẻ rất hợp lý, nhưng thực chất quan điểm này không phù hợp với mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta cũng như của CNXH. Không phải ngẫu nhiên mà vào ngày 29-12-1966, tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ, khi đề cập tới những khuyết điểm của công tác lưu thông phân phối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Có khi vật tư hàng hóa không thiếu, mà phân phối không đúng, thì gây ra căng thẳng không cần thiết. Trong công tác lưu thông phân phối, có hai điều quan trọng phải luôn luôn nhớ:

- Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng;

- Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”(9).

Thứ hai, muốn thực hiện tốt công bằng xã hội thì phải bảo đảm công bằng trong phân phối tư liệu sản xuất và công bằng về điều kiện, cơ hội. Đây là bước phát triển quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trước đây, chúng ta nhận thức đơn giản là thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội chỉ trong phân phối kết quả sản xuất. Nhưng điều quan trọng là phải tiến bộ và công bằng trong phân phối về tư liệu sản xuất, tiến bộ và công bằng về cơ hội, điều kiện phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình(10). Nghĩa là, mọi thành viên của xã hội đều có cơ hội, điều kiện công bằng ngang nhau trong phân phối tư liệu sản xuất, trong việc thể hiện, sử dụng, phát triển năng lực cá nhân của mình. Trên cơ sở đó, Đại hội VIII chủ trương thực hiện nhiều hình thức phân phối, trong đó lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất kinh doanh và phân phối thông qua phúc lợi xã hội đi đôi với chính sách điều tiết hợp lý, bảo hộ quyền lợi của người lao động. Nguyên tắc phân phối này, trong điều kiện phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng XNCH ở nước ta là hoàn toàn tiến bộ và công bằng. Trước đây đã có lúc chúng ta nhận thức đơn giản là phân phối theo lao động, nhưng nếu lao động không hiệu quả, không có kết quả mà vẫn được phân phối sẽ dẫn đến triệt tiêu động lực của những người lao động có năng suất và hiệu quả. Do đó, nguyên tắc tiến bộ và công bằng xã hội đòi hỏi phải phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu. Nhưng đây không phải là nguyên tắc phân phối duy nhất. Trong điều kiện thực tế Việt Nam cần kết hợp phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất - kinh doanh và phân phối thông qua phúc lợi xã hội. Có như vậy mới thực hiện được tiến bộ và công bằng xã hội trên thực tế. Đồng thời, Đảng ta cũng lưu ý cần phải có những chính sách điều tiết hợp lý, bảo hộ quyền lợi của người lao động. Đây là bước phát triển mới về chất trong nhận thức của Đảng ta về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đại hội IX tiếp tục quan điểm “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển”.

Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và giáo dục, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(11). Đặc biệt, Đại hội IX nhấn mạnh việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội nhằm hướng vào phát triển và lành mạnh hóa xã hội. Nghĩa là thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội nhằm phát triển xã hội, vì mục tiêu làm cho các quan hệ xã hội lành mạnh, thể hiện được bản chất XHCN trong phát triển xã hội. Xuất phát từ tình hình thực tế Việt Nam, Đại hội IX chủ trương “Thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe”(12); “Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện cho người nghèo có cơ hội học tập”(13); “Thực hiện trợ cấp xã hội đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt không thể tự lao động, không có người bảo trợ, nuôi dưỡng”(14); “giúp đỡ có hiệu quả người được hưởng chính sách xã hội, nạn nhân chiến tranh, thiên tai, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người tàn tật và những người già không nơi nương tựa”(15).

Như vậy, Đại hội IX của Đảng đã có những bước phát triển rất cụ thể về chủ trương gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong một số lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm của xã hội là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục cũng như chăm sóc những đối tượng được hưởng chính sách xã hội, những người không may mắn. Quan điểm này vừa gắn với thực tiễn nước ta, vừa thể hiện bản chất XHCN, vừa thể hiện bản chất của truyền thống nhân đạo, vị tha, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta.

Đại hội X cụ thể hóa hơn: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục..., giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”(16). Đại hội đề ra chủ trương kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, từng địa phương. Nghĩa là ngay trong từng địa phương, từng vùng, từng ngành, từng lĩnh vực, trên địa bàn cả nước, các chính sách, chủ trương, đường lối luôn phải thể hiện sự thống nhất, gắn kết giữa mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội.

Thực tế phát triển của các quốc gia, khu vực cho thấy, nếu chỉ thấy mục tiêu kinh tế, tuyệt đối hóa mục tiêu kinh tế mà bỏ rơi mục tiêu xã hội thì cuối cùng mục tiêu kinh tế cũng không thể đạt được trọn vẹn. Ngược lại, tuyệt đối hóa mục tiêu xã hội, không quan tâm đúng mức tới các mục tiêu kinh tế thì cuối cùng không có cơ sở vật chất để thực hiện mục tiêu xã hội. Chỉ có sự gắn kết hợp lý giữa mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội mới tạo ra sự phát triển bền vững. Trên cơ sở đó mới thực hiện được tiến bộ và công bằng xã hội một cách bền vững.

Đại hội X nhấn mạnh việc “gắn quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ”(17) để tạo động lực mạnh mẽ hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Bởi lẽ, nguyên tắc căn bản của công bằng xã hội là quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ; cống hiến gắn liền với hưởng thụ. Nếu giải quyết không tốt những quan hệ này thì sẽ triệt tiêu động lực phát triển.  Như vậy thì cuối cùng cũng không thể thực hiện được tiến bộ và công bằng xã hội. Đặc biệt, Đại hội X cũng chủ trương “Tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát đói nghèo vững chắc ở các vùng nghèo và các bộ phận dân cư nghèo. Khắc phục tư tưởng bao cấp ỷ lại”(18). Rõ ràng, đây là những chủ trương đúng đắn của Đảng ta nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh trên thực tế. Bởi lẽ, trên thực tế những vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, người dân thiệt thòi hơn người dân ở những đô thị lớn trong tiếp cận các nguồn lực, cơ hội phát triển. Tuy nhiên, không vì thế mà trông chờ, ỷ lại sự trợ giúp của Nhà nước, cộng đồng, xã hội.

Tiếp tục tinh thần này và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Đại hội XI rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng “phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”(19). Đại hội XI cũng nhấn mạnh việc chăm lo phát triển văn hóa như củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng; phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, cách mạng; phát triển hệ thống thông tin đại chúng; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hóa. Đặc biệt, lần đầu tiên trong quá trình đổi mới, Đại hội XI nhấn mạnh và gắn kết việc thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội với việc bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển. Đây là điểm mới trong nhận thức của Đảng ta về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Bởi lẽ, an sinh xã hội về bản chất đã thể hiện quyền cơ bản của con người, là công cụ để xây dựng một xã hội tiến bộ, hài hòa, văn minh, không có sự loại trừ. Nguyên tắc cơ bản của an sinh xã hội là bảo đảm sự chia sẻ, tương trợ đối với rủi ro của các thành viên trong cộng đồng, xã hội. Do vậy, an sinh xã hội sẽ góp phần thúc đẩy sự đồng thuận, bình đẳng, tiến bộ và công bằng xã hội.Trên tinh thần đó, Cương lĩnh(2011) chủ trương “Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển;... thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”(20). Phương châm phân phối này sẽ bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội tối ưu nhất trong điều kiện cụ thể của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam hiện nay.

Như vậy, có thể thấy, trong quá trình đổi mới vì CNXH, Đảng ta luôn quan tâm và giải quyết đúng đắn quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách và từng bước phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Đây là một trong những nhân tố quyết định để đạt được những thành tựu rất to lớn trong sự nghiệp đổi mới.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2015

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.175.

(2) Sđd, t.10, tr. 310.

(3) Sđd, t.8, tr.226.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, tr.378.

(5), (6) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.17.

(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.73.

(8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.31, 113.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.185.

(11), (12), (13), (14), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001,  tr. 88, 107, 111, 211, 213.

(16) , (17), (18)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.77, 101, 101.

(19), (20) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.181, 74.

 

PGS, TS Trần Văn Phòng  

Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Lê Thị Hạnh

Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền