Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng Hồ Chí Minh về liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức Việt Nam
Thứ tư, 02 Tháng 3 2016 10:09
35982 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức Việt Nam

(LLCT) - Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức là sự cố kết của các giai cấp, tầng lớptrong một chỉnh thể thống nhất, nhằm giúp đỡ lẫn nhau phát triển. Mỗi thành tố có vị trí, vai trò đặc thù do bản chất, vai trò của mỗi giai cấp và tầng lớptrong cách mạng vàxã hội quy định. Sức mạnh và chất lượng của khối liên minh phụ thuộc vào chất lượng của từng thành tố trong đó. Vì thế, củng cố, tăng cường khối liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức gắn liền chặt chẽ với quá trình xây dựng, phát triển của mỗi giai cấp, tầng lớp do Đảng lãnh đạo, tạo thànhnhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

1. Vai trò của liên minh công - nông - trí trong cách mạng Việt Nam

Ngay sau khi tìm thấy con đường cứu nước ở chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng lực lượng cách mạng. Người xác định, muốn cứu nước, giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân (GCCN) mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản. Hồ Chí Minh xác định GCCN là giai cấp tiến bộ nhất, cách mạng nhất, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức. Người khẳng định rõ: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới”(1).

Vì sao công nhân là giai cấp cách mạng?Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích một cách toàn diện:“kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật, (...)là giai cấp tiên tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”(2). Người cũng nêu rõ GCCNđược trang bịchủ nghĩa Mác - Lênin. Trên nền tảng đấu tranh, họ xây dựng nên Đảng cách mạng. “Đảng đề ra chủ trương, đường lối, khẩu hiệu cách mạng, lôi cuốn giai cấp nông dân và tiểu tư sản vào đấu tranh, bồi dưỡng họ thành những phần tử tiên tiến. Lại có những phần tử trí thức tham gia cách mạng và vô sản hoá. Thành thử đội ngũ chính trị của giai cấp công nhân ngày càng phát triển. Mai saucông nghệ của ta ngày càng phát triển, thì số công nhân ngày càng tăng thêm”(3).

Giai cấp công nhân cóvị trítrung tâm trong xã hội bởi là giai cấpđại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ nhất,là giai cấp có sứ mệnh lịch sử thông qua Đảng của mình lãnh đạo cách mạng và toàn xã hội. Song để hoàn thành được sứ mệnh đó, giai cấp công nhân cần lôi cuốn, tập hợp cácgiai cấp, tầng lớp nhân dân lao động và cả dân tộc đứng lên làm cách mạng.

Giai cấp nông dân Việt Namlà lực lượngđông đảo nhất trong xã hội, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là “đồng minh chắc chắn nhất của giai cấp công nhân” và là “quân chủ lực của cách mạng”. Người chỉ rõ:Giai cấp nông dân, trong đóbần nông vàtrung nônglà đội quân chủ lực của kháng chiến và của cách mạng dân chủ mới.Ở nông thôn, bần nônglà lớp người đông nhất và nghèo khổ nhất. Họ bị địa chủ phong kiến bóc lột tàn tệ. Bần nông hăng hái kháng chiến, hăng hái cách mạng và rất mong muốn thực hiện chính sách dân cày có ruộng. Vì vậy,họ là đồng minh chắc chắn nhất của giai cấp công nhân.Trung nônglà lớp người mình cày ruộng của mình, cũng không phải làm thuê cho ai. Họ cũng bị địa chủ, bọn cho vay nặng lãi và bọn đế quốc áp bức bóc lột. Thực hiện chính sách “dân cày có ruộng” thì họ cũng có lợi. Cho nên họ cũng hăng hái kháng chiến, hăng hái cách mạng. Vì vậy, họ là đồng minh chắc chắn của giai cấp công nhân.

Trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giai cấp nông dân là quân chủ lực của cách mạng, vì họ là lớp người đông nhất trong nhân dân. Hồ Chí Minh xác định:“Trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu như nước ta thì vấn đề dân tộc thực chất là vấn đề nông dân, cách mạng dân tộc thực chất là cách mạng của nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo(4).Nông dân Việt Nam có tinh thần cách mạng. Tuy vậy, họ không thể là lực lượng lãnh đạo cách mạng vì họ không gắn liền với một phương thức sản xuất mới và không có hệ tư tưởng độc lập. Họ cũng không có khả năng tự xây dựng một chế độ xã hội mới. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì hoàn cảnh kinh tế lạc hậu, mà nông dân thường có tính thủ cựu, rời rạc, tư hữu. Cho nên giai cấp công nhân phải đoàn kết họ, giúp tổ chức họ, và lãnh đạo họ, thì họ là một lực lượng rất to lớn vững chắc. Thế là công nông liên minh”(5).

Kế thừa tư tưởng truyền thống của dân tộc, Hồ Chí Minh sớm đánh giá cao vai trò của trí thức. Từ buổi đầu hoạt động cách mạng, Người  xác định trí thức là tầng lớp hàng đầu trong xã hội Việt Nam và ủng hộ những hoạt động yêu nước của họ: Tố cáo những âm mưu, tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, học sinh; Quan tâm thức tỉnh tinh thần dân tộc, lòng yêu nước ở trí thức; Vạch trần âm mưu chia rẽ của bọn đế quốc, phong kiến đối với tầng lớp trí thức nước ta.

Phân tích sâu sắc đặc điểm, tính chất tầng lớp trí thức nước ta, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Trí thức nước ta cũng như trí thức tại các nước thuộc địa, bán thuộc địa hay các dân tộc bị áp bức, khác với trí thức các nước tư bản đế quốc. Ở các nước tư bản,trí thức đa số là ở trong giai cấp tư sản mà ra rồi lại trở lại phục vụ cho tư sản. Ở nước ta thì khác, dù là trí thức một số khá đông thuộc thành phần phú nông, địa chủ, phong kiến, tư sản nhưng cũng đều bị đế quốc áp bức. Vì vậy,trí thức Việt Nam có tinh thầndân tộc và cách mạng, có học thức nên xem được sách, biết được dân chủ, biết được lịch sử cách mạng, nhất là lịch sử cách mạng Pháp, nên dễ hấp thụ được tinh thần cách mạng.Lúc đã hiểu biết, trí thức ta dễ theo cách mạng.

Hồ Chí Minh xác định trí thức là một bộ phận trong lực lượng cách mạng và là đồng minh ngày càng quan trọng của giai cấp công nhân trong tiến trình đi lên CNXH.

2.  Đảng Cộng sản xây dựng và lãnh đạo khối liên minh công - nông - trí

Sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc thành lập Đảng là đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Người chỉ rõ,Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Thành phần chủ chốt trong Đảng là các phần tử ưu tú trong giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức trong các phong trào yêu nước và cách mạng. Đảng talà Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân(6). Đảng là bộ đội tiền tiến của nhân dân lao động (công nhân, nông dân và lao động trí óc)(7).

Theo Hồ Chí Minh, Đảng ta không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân như nhiều đảng mác xít ở các nước tư bản phát triển, mà còn là đội tiên phong của nhân dân lao động trong đó nòng cốt là công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức. Ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã vạch ra sách lược cơ bản của Đảng là phải lôi cuốn được giai cấp vô sản, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức đi theo cách mạng, hình thành nên khối liên minh công- nông- trí, nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân. Sách lược vắn tắt của Đảngchỉ rõ: (1) Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng; (2) Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến; (3) Đảng phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia; (4) Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp(8).

Như vậy, ngay từ khi thành lập Đảng,Hồ Chí Minh đã vạch ra nhiệm vụ vận động công nhân, nông dân, trí thức đoàn kết lại đứng lên làm cách mạng. Với các chính sách:Công nông trí thức hoá; Trí thức công nông hoá(anh em trí thức cũng biết trọng lao động, cũng biết làm lao động, hợp thành một khối với công nông, nâng cao trình độ công nông về văn hóa, lý luận),Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò là tổ chức xây dựng và lãnh đạo khối liên minh công - nông - trí.

3. Liên minh công - nông - trí là nền tảng của chính quyền dân chủ nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc

Tại Đại hội IIcủa Đảng (1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam. Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam nêu rõ: Chính quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là chính quyền dân chủ của nhân dân,nghĩa là của công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc và các thân sĩ (địa chủ) yêu nước và tiến bộ. Những tầng lớp nhân dân ấy chuyên chính đối với đế quốc xâm lược và bọn phản quốc. Nội dung chính quyền đó là nhân dân dân chủ chuyên chính. “Chính quyền đó dựa vào Mặt trận Dân tộc thống nhất, lấy liên minh công nhân, nông dân và lao động trí óc làm nền tảng và do giai cấp công nhân lãnh đạo(9). Đó chính là tổng kết lý luận rút ra từ thực tế. Sau khi giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quan tâm xây dựng bộ máy nhà nước hợp hiến của dân, do dân,vì dân, trên nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc mà nòng cốt là liên minh công -nông -trí.

Ở cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi, tin tưởng, quý trọng trí thức.Người khẳng định rõ:“Dưới chế độ dân chủ mới, những người lao động trí óc, cũng như lao động chân tay, đều có dịp phát huy và phát triển tài năng của mình nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy được đồng bào kính trọng, được Chính phủ và Đoàn thể nêu cao”(10). “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn nhiều”(11).Trên cơ sở đó, Người thực hiện nhiều biện pháp biến tư tưởng đó thành chính sách cụ thể, thành hiện thực trong cách mạng. Trong thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng việc tìm kiếm, phát hiện người có tài, có đức, mạnh dạn sử dụng những trí thức do chế độ cũ đào tạo nhưng có tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Có nhiều trí thức tự nguyện đi theo cách mạng trở thành những nhà cách mạng chuyên nghiệp, giữ trọng trách trong bộ máy Đảng, Chính phủ, như các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, Tố Hữu, v.v.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thành lập Chính phủ lâm thời (1945), Chính phủ Liên hiệp Lâm thời (1-1-1946), Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến (2-3-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời những trí thức tiến bộ trong chế độ cũ, tham gia xây dựng chế độ mới. Người mạnh dạn giao cho họ những chức vụ quan trọng, quyền hành lớn trong bộ máy nhà nước.

Trong Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh trình Quốc hội danh sách Chính phủ mới thay cho Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Trong Chính phủ mới thành lập ngày 3-11-1946 có nhiều nhà trí thức tiêu biểu của đất nước lúc đó: Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Học giả Nguyễn Văn Tố, GS,TS Nguyễn Văn Huyên, Kỹ sư công chánh Trần Đăng Khoa, Luật gia Vũ Đình Hòe, Bác sĩ Hoàng Tích Trí, Trần Công Tường, Hoàng Minh Giám…

Năm 1947, Chính phủ được cải tổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số nhân sĩ, trí thức giữ một số ghế trong Chính phủ: Luật sư Phan Anh, Giáo sư Tạ Quang Bửu. Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Phan Kế Toại (cựu Tổng đốc Triều Nguyễn, Khâm sai đại thần trong chính phủ Trần Trọng Kim) giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng (1948); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1955- 1961)).

Như vậy, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực sự được xây dựng trên nền tảng liên minh công - nông - trí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức đóng vai trò nòng cốt của khối đại đoàn đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình đấu tranh giành và giữ chính quyền của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

4. Liên minh - công - nông - trí trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ,khi nước ta bước vào xây dựng chế độ XHCNđã có những chuyển biến quan trọng về vị thế của các giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức.Công nhân là người chủ tập thể của các xí nghiệp, là giai cấp lãnh đạo nước nhà.Nông dân không còn là nô lệ của địa chủ, không còn phải mơ ước có một “miếng đất cắm dùi” như thời xưa. Nông dân là người chủ tập thể của hợp tác xãvàlà người bạn trung thành nhất của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng CNXH.Trí thức ta là những người lao động trí óc, luôn luôn hòa mình với công - nông và cùng công-nông ra sức xây dựng xã hội mới.

Người khẳng định,CNXHlà một xã hội có nền kinh tế công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, có nền văn hoá,khoa học-kỹ thuật tiên tiến. Chính sự gắn bó khách quan giữa công nghiệp và nông nghiệp trong một nền kinh tế thống nhất với sự phát triển của văn hoá, khoa học-kỹ thuật là tiền đề khách quan tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa các giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức trong quá trình phát triển.

Nền kinh tế XHCNchính là cơ sở vững chắc của liên minh giai cấp công nhân vànông dân.Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế.Nông nghiệpphải phát triển mạnh để cung cấp đủ lương thực cho nhân dân; cung cấp đủ nguyên liệu (như bông, mía, chè...) cho nhà máy, cung cấp đủ nông sản (như lạc, đỗ, đay...) để xuất khẩu đổi lấy máy móc.Công nghiệpphải phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân, trước hết là cho nông dân; cung cấp máy bơm nước, phân hoá học, thuốc trừ sâu... để đẩy mạnh nông nghiệp; và cung cấp dần dần máy cấy, máy bừa cho các hợp tác xã nông nghiệp. Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển. Cho nên, “Công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khoẻ và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích. Thế là thực hiện liên minh công-nông để xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân”(12). Người nhấn mạnh,liên minh là phải giúp đỡ nhau thực sự, chứ không phải chỉ liên minh cửa miệng.

Trong xây dựng CNXH, giai cấp công nhân không chỉ cần liên minh với nông dân, mà còn phải liên minh với đội ngũ trí thức, vì sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá và khoa học - kỹ thuật. “Cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức(chúng ta quen gọi là lao động trí óc). Thí dụ: cần có thầy thuốc để săn sóc sức khoẻ cho nhân dân; cần có thầy giáo để dạy văn hoá và đào tạo cán bộ; cần có kỹ sư để xây dựng kinh tế, v.v.. Vì lẽ đó, trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng XHCN, lao động trí óc có vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”(13).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cơ sở khách quan của mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa trí thức với toàn thể nhân dân lao động. Dưới chế độ XHCN,khoa học là tài sản chung của toàn dân. Bởi vậy, đội ngũ trí thức phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của đội ngũ trí thức.Đội ngũ trí thức “phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài,góp sức để cải biến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang(14).

Quan hệ giữa công nhân, nông dân và trí thức là yếu tố nội tại trong kết cấu xã hội - giai cấp của CNXH. Xu hướng hợp tác giữa các giai cấp và tầng lớp đó dựa trên những cơ sở khách quan, không chỉ xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của riêng giai cấp công nhân mà của cả nông dân, trí thứcvà do đòi hỏi của sự nghiệp phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại và sự phát triển văn hóa, khoa học, công nghệ tiên tiến.

Trong khối liên minh,Hồ Chí Minh xác định:giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, thông qua chính đảng của mình đề ra đường lối cách mạng, chủ trương nhằm hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tiến lên CNXH. Bằng hành động và các chính sách thực tiễn, Đảng của giai cấp công nhân giác ngộ, thu hút giai cấp mình và mọi tầng lớp lao động, trước hết là nông dân và trí thức về phía mình trong toàn bộ tiến trình cách mạng, đặc biệt là trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCNcủa dân, do dân, vì dân.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức là sự cố kết của các giai cấp, tầng lớptrong một chỉnh thể thống nhất, nhằm giúp đỡ lẫn nhau phát triển. Mỗi thành tố có vị trí, vai trò đặc thù do bản chất, vai trò của mỗi giai cấp và tầng lớptrong cách mạng vàxã hội quy định. Sức mạnh và chất lượng của khối liên minh phụ thuộc vào chất lượng của từng thành tố trong đó. Vì thế, củng cố, tăng cường khối liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức gắn liền chặt chẽ với quá trình xây dựng, phát triển của mỗi giai cấp, tầng lớp do Đảng lãnh đạo, tạo thànhnhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về liên minh công - nông - trí được Đảng ta quán triệt sâu sắc trong các chặng đường cách mạng. Trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định rõ: “Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(15).

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2015

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.441.

(2), (3), (5), (7) Sđd, t.8, tr.256, 257, 258, 274.

(4) Sđd, t.12, tr.416.

(6) Sđd, t.7, tr.50.

(8) Sđd, t.3, tr.3.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.12, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.437.

(10) Sđd, t.6, tr.542.

(11) Sđd, t.5, tr.235.

(12) Sđd, t.13, tr.376.

(13) Sđd, t.10, tr.376.

(14) Sđd, t.14, tr.97-98.

(15) ĐCSVN: Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003 tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX  về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

PGS,TS  Nguyễn Thế Thắng

Học viện Chính trị Khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền