Trang chủ    Diễn đàn    Đổi mới phương thức quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay
Thứ ba, 21 Tháng 6 2022 14:53
2470 Lượt xem

Đổi mới phương thức quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay

(LLCT) - Phương thức quản lý nhà nước về tôn giáo có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công của quản lý nhà nước về tôn giáo. Thông qua việc định danh, phân tích các hình thức của phương thức quản lý nhà nước về tôn giáo hiện nay, bài viết khảo sát những đặc điểm của tỉnh Nghệ An có ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về tôn giáo; thực trạng phương thức quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua. Từ đó, đề xuất một số giải pháp đổi mới phương thức quản lý nhà nước về tôn giáo trong thời gian tới.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hai tôn giáo có đông tín đồ, hoạt động hợp pháp là Công giáo và Phật giáo - Ảnh: nghean.gov.vn

Phương thức quản lý nhà nước về tôn giáo là cách thức thực hiện những chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước; cách thức tác động của chủ thể quản lý nhà nước về tôn giáo lên các đối tượng quản lý nhằm điều chỉnh các hành vi liên quan đến tôn giáo, bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

Có nhiều hình thức khác nhau của phương thức quản lý nhà nước về tôn giáo như: phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm vận động quần chúng là các tín đồ, chức sắc tôn giáo thực hiện theo pháp luật; tạo dư luận xã hội, buộc chức năng tự điều chỉnh và điều khiển của các tôn giáo thích ứng với các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam; hướng các tôn giáo chủ động, tích cực tham gia, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, v.v.. Xét trên khía cạnh quản lý nhà nước về tôn giáo, có một số phương thức chủ yếu như:

Thứ nhất, quản lý nhà nước về tôn giáo bằng hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật ở đây là luật chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo mà cụ thể là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các luật khác có liên quan, điều chỉnh một hoặc một số khía cạnh có liên quan như: Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Di sản, Luật Giáo dục, v.v.. Sử dụng pháp luật chính là sử dụng tính mệnh lệnh, bắt buộc đối với các chủ thể tôn giáo trong thực hiện nội dung và hoạt động tôn giáo. Đây là tính đặc trưng của phương thức quản lý của Nhà nước với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi lãnh thổ quản lý. Hình thức của phương thức sử dụng pháp luật này bằng việc không cho phép và cho phép đối với những hoạt động cụ thể mà pháp luật điều chỉnh.

Thứ hai, quản lý bằng hệ thống chính sách. Bản chất của phương thức quản lý này là việc thực thi các chủ trương, cách thức, hành động để đạt được mục tiêu về một khía cạnh nào đó của cơ quan hành pháp cao nhất ban hành là Chính phủ. Chính sách tôn giáo của Nhà nước được cụ thể hóa ở những quan điểm, chủ trương và nguyên tắc quan hệ giữa Nhà nước với tôn giáo, tôn giáo với tôn giáo, cá nhân với tôn giáo, chẳng hạn: các tôn giáo được hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là của mọi người; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, v.v..

Thứ ba, quản lý bằng thanh tra, kiểm tra. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với cả chủ thể thực thi quyền lực nhà nước trong quản lý nhà nước về tôn giáo và cả chủ thể tôn giáo thực hiện các quyền, nghĩa vụ được pháp luật quy định. Nội dung của phương thức này là thanh tra, kiểm tra việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; quá trình giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến tôn giáo; công tác tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý nhà nước về tôn giáo; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ; công tác giải quyết các vấn đề phát sinh, tranh chấp liên quan đến tôn giáo. Trên cơ sở thanh tra, kiểm tra, nắm bắt những mặt đã làm được, phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề ra những phương hướng, giải pháp khắc phục tình trạng đó.

Tuy nhiên, để sát hợp với bản chất của mối quan hệ giữa Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với các tôn giáo, có thể chia phương thức quản lý trên hai phương thức là phương thức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và phương thức xử lý bằng pháp luật khi có vi phạm về pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo. Xuất phát từ quan điểm, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng thì việc sử dụng phương thức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục được ưu tiên. Đúng như V.I.Lênin từng nhấn mạnh: “Những lời tuyên chiến ầm ĩ với chủ nghĩa duy tâm, những mệnh lệnh ngăn cấm tín ngưỡng, tôn giáo là những hành vi dại dột, vô chính phủ, làm cho kẻ thù lợi dụng để kích động tình cảm tôn giáo của tín đồ, làm cho họ ngày càng gắn bó với tôn giáo, xa lánh thậm chí đi đến chống lại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”(1).

Nghệ An là tỉnh có địa chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng, có diện tích lớn nhất Việt Nam, có đường biên giới đất liền phía Tây với Lào dài 419 km, phía Đông có đường bờ biển dài 82 km. Với một hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối phát triển như: tuyến quốc lộ Bắc - Nam (quốc lộ 1A), đường Hồ Chí Minh, tuyến hàng không nội địa và quốc tế tại thành phố Vinh... Nghệ An luôn được coi là một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực. Song, Nghệ An có địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông, suối, miền núi chiếm tới 80% diện tích lãnh thổ, thường xuyên phải chịu thiên tai, bão lụt.

Về kinh tế, năm 2020, Nghệ An trong nhóm 19/58 địa phương tăng trưởng dương và đứng thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ. Trong bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2020, tỉnh Nghệ An xếp ở vị trí thứ 18/63 tỉnh thành, thuộc loại khá với 64,73 điểm. Tuy nhiên, các huyện miền núi phía Tây - nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện rất khó khăn, thu nhập bình quân lại rất thấp, có huyện dưới 1.000 USD/người mỗi năm. Theo tổng điều tra dân số năm 2019, Nghệ An có 3.327.791 người, đứng thứ tư trên cả nước. Tỉnh có 37 dân tộc, cùng người nước ngoài sinh sống, trong đó người Kinh chiếm trên 80% dân số. Các huyện đồng bằng ven biển mật độ dân số cao. Các huyện miền núi, phía Tây, có mật độ dân số rất thấp (khoảng 50 người/km2). Có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hai tôn giáo có đông tín đồ, hoạt động hợp pháp là Công giáo và Phật giáo. Những đặc trưng về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội đã tác động đến sự phát triển các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; hình thành nên những đặc điểm về lối sống, tín ngưỡng, tính cách của người Nghệ An. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua.

Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo tỉnh Nghệ An tăng cường phương thức giáo dục, thuyết phục, trực tiếp tiến hành gặp gỡ giám mục, linh mục, chức việc Công giáo nhằm tuyên truyền, giải thích, động viên, đối thoại và vận động để họ hiểu, chấp hành các quy định quản lý nhà nước về tôn giáo. Vào các ngày lễ, năm mới, sự kiện tôn giáo, sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh luôn có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các chức sắc của Công giáo Nghệ An nhằm thông báo, vận động, thuyết phục để họ hiểu và vận động tín đồ tích cực tham gia các sự kiện chính trị, như cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, v.v.. Do đặc thù của Công giáo, ngoài hàng ngũ chức sắc, đội ngũ ban hành giáo của các giáo xứ hoặc những “cá nhân có ảnh hưởng” của Công giáo có vai trò trong vận động tín đồ, giúp đỡ, có những tiếng nói tham mưu nhất định đến một số linh mục trong ban tư vấn hay các giám mục, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo đã tiến hành gặp gỡ, vận động, thuyết phục họ có những tiếng nói tác động đến sự tuân thủ pháp luật về tôn giáo, có thái độ rõ ràng với số linh mục, tín đồ cực đoan vi phạm pháp luật.

Đối với Phật giáo, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã gặp gỡ, vận động Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An vận động tín đồ tuân thủ pháp luật, quy định của Giáo hội, của địa phương; tạo điều kiện, thống nhất triển khai một số hoạt động Phật giáo trên địa bàn; thường xuyên thăm hỏi động viên các chức sắc Phật giáo, cá nhân có uy tín trong Phật giáo, trong các dịp lễ tết, các ngày lễ trọng như: lễ Phật đản, lễ Phật Thích ca thành đạo, lễ Vu lan báo hiếu, lễ hội Quan Âm Nam Hải, các lễ cầu siêu, v.v.. Do yếu tố lịch sử của Phật giáo tại Nghệ An, hiện nay số lượng chùa còn rất ít, tăng ni tu tập ít. Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An được thành lập( ngày 23-9-2011), đã có nhiều các hoạt động của Phật giáo trên địa bàn khác, các chùa, đạo tràng được thành lập. Trong vấn đề xây dựng chùa, nhận thức của các ban hộ tự hoặc các tăng ni còn đơn thuần trong việc xây dựng chùa, chưa xem xét đến các yếu tố về pháp luật như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng hay xây dựng các cơ sở thờ tự gần các di tích lịch sử quốc gia, cấp tỉnh, v.v.. Để ngăn ngừa các phức tạp nảy sinh, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo thông qua các cuộc tiếp xúc, thường xuyên vận động, phân tích, định hướng các hoạt động để tăng ni, phật tử hiểu được chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuân thủ các quy định pháp luật trong sinh hoạt tôn giáo.

Đối với các địa bàn trọng điểm, có phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến tôn giáo, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều hình thức vận động đồng bào có đạo hiểu và tuân thủ chính sách, pháp luật tôn giáo, thấy rõ các hoạt động sai phạm của một số chức sắc, chức việc, lên tiếng phê phán, không bị các đối tượng chống đối cực đoan lôi kéo, ủng hộ chính quyền giải quyết vấn đề tôn giáo đúng chính sách, pháp luật. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với các giáo xứ, vận động các nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động tình nghĩa, từ thiện, nhân đạo. Chính quyền các cấp quan tâm, thực hiện các chính sách, ở những địa phương có đông đồng bào tôn giáo (đặc biệt là vùng Công giáo) phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề cấp bách, nâng cao đời sống nhân dân. Từ đó, xây dựng mối quan hệ gắn kết, hợp tác hơn giữa giáo hội với chính quyền, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Mặc dù lấy vận động, thuyết phục là chính trong phương thức quản lý nhà nước về tôn giáo nhưng đối với các hoạt động quá khích, cực đoan của các đối tượng chức sắc, tín đồ cực đoan trong một số tôn giáo ở Nghệ An buộc các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo phải tiến hành các hoạt động xử lý vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo theo luật định nhằm răn đe, ngăn chặn các hoạt động cực đoan, vi phạm pháp luật để bảo đảm tính thượng tôn pháp luật.

Các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo đã tiến hành đối thoại, đấu tranh với số chức sắc cực đoan có hoạt động chống đối, không chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đối với các vụ việc vi phạm đều xử lý phù hợp với pháp luật. Với các hành vi nghiêm trọng, cơ quan chức năng đã tiến hành bắt, truy tố và xử lý các đối tượng lợi dụng tôn giáo, tham gia các tổ chức phản động để chống phá Nhà nước(2). Các cơ quan, ban ngành chức năng đã phối hợp, nắm và tham mưu, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm Luật Tôn giáo, tín ngưỡng.

Đối với Phật giáo, các hoạt động xây dựng chùa được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng. Thực tế cũng bộc lộ nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng các cơ sở thờ tự. Các sai phạm chủ yếu do sự buông lỏng của chính quyền cấp cơ sở, thiếu sự quản lý chặt chẽ, để tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép. Tại chùa Tu (xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) có hiện tượng để người đến cư trú bất hợp pháp; tổ chức các hoạt động tôn giáo trái phép như tự ý mời sư ở ngoài địa bàn tỉnh đến hướng dẫn phật pháp; tổ chức nghi lễ Phật giáo khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; sử dụng tiền công đức không minh bạch, gây mâu thuẫn trong nội bộ phật tử, dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo, làm mất ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương; xúi giục phật tử lấn chiếm hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng chùa trái pháp luật từ năm 2016 đến  năm 2018. Tỉnh đã ra các quyết định xử phạt hành chính và giải quyết dứt điểm vụ việc kéo dài tại chùa Tu, v.v..

Đối với các hiện tượng tôn giáo mới, chưa đăng ký sinh hoạt và chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An công nhận, nên tất cả các hoạt động tôn giáo liên quan đều là vi phạm. Thông qua việc nắm tình hình, cơ quan chức năng kịp thời xử lý lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính đối với hoạt động sinh hoạt tôn giáo trái phép, hay tụ tập, gây mất trật tự xã hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quản lý nhà nước về tôn giáo tại Nghệ An vẫn còn bộc lộ một số hạn chế:

Một là, đối tượng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục trực tiếp đa phần là các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong tôn giáo, người có uy tín trong khu dân cư, còn đối với quần chúng nhân dân, quần chúng tín đồ, phần nhiều là dùng loa đài, phát thanh để tuyên truyền thông qua các bản tin. Hai là, nội dung tuyên truyền, giáo dục thuyết phục còn mang tính dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm vào các nội dung quan tâm như về vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự, giáo dục, đào tạo tôn giáo, phát triển đạo, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, v.v.. Ba là, công tác thông tin tuyên truyền, nhất là tuyên truyền đối ngoại về tình hình, chính sách tôn giáo chưa được thực hiện tích cực, với dung lượng phù hợp; kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu cho tuyên truyền. Bốn là, công tác nắm tình hình, phòng ngừa từ xa những vi phạm liên quan đến tôn giáo còn hạn chế. Năm là, chưa có một quy định riêng về xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến tôn giáo của cá nhân, tổ chức nên khi xử lý, các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện theo các quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, tính thống nhất liên ngành của các cơ quan nhà nước trong xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh còn chưa cao. Điều này dẫn đến tình trạng mức xử phạt còn nhẹ, thực hiện chưa thống nhất. Vì vậy, các hình thức xử lý chưa thật sự mang tính răn đe, ngăn chặn, cá biệt có trường hợp xử lý rồi vẫn tiếp tục vi phạm.

Từ thực tế quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy, để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, cần đổi mới phương thức quản lý nhà nước về tôn giáo, trước hết là thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, quan điểm của Đảng, Nhà nước, pháp luật tôn giáo, vấn đề tôn giáo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó, trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, với tình hình cụ thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cần thực hiện nghiêm Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 20-5-2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Việc tuyên truyền cần đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung kết hợp nhiều phương tiện, như: đài phát thanh, báo chí, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, v.v..

Thứ hai, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho quần chúng tín đồ các tôn giáo và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; nhận diện được các âm mưu, thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm chống phá Việt Nam. Trong đó, cần chú ý việc phát huy vai trò của công tác vận động, tranh thủ các chức sắc, người có uy tín trong đồng bào tôn giáo.

Việc giáo dục, thuyết phục phải khơi dậy được tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức công dân trong quần chúng tín đồ. Định hướng các tín đồ vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; thực hiện các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sống tốt đời đẹp đạo. Tuyệt đối không quá nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa nhà nước với giáo hội, không áp đặt quan niệm tiêu cực về tôn giáo.

Thứ ba, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tuyên truyền, vận động quần chúng tín đồ, chức sắc. Đặc biệt, tạo điều kiện và khích lệ tín đồ các tôn giáo tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, v.v..

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận, Ban Tôn giáo, Công an tỉnh nhằm xây dựng chương trình, kế hoạch cho công tác vận động quần chúng nhân dân, quần chúng tín đồ các tôn giáo tham gia, đóng góp vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hăng hái tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tiếp tục quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội. Điển hình như, Thông báo kết luận số 160-TB/TW ngày 15-01-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Thông báo kết luận số 158-TB/TW ngày 02-01-2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các hội cần định hướng cho quần chúng tín đồ, quần chúng nhân dân vào các nội dung như giải quyết vấn đề việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt nhằm tăng năng suất, chọn những hướng đi mới trong sản xuất cho  phù hợp với từng khu vực, v.v. để tăng thu nhập, nâng cao, phát triển đời sống vật chất cho nhân dân. Khi đó, tất yếu khách quan quần chúng tín đồ sẽ tin tưởng vào chính quyền, đoàn thể địa phương, xây dựng được phong trào thi đua yêu nước, phát huy tinh thần nhân ái, giúp đỡ cộng đồng, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.

Thứ tư, nâng cao hơn nữa chất lượng vận động cá nhân, trọng tâm là các chức sắc, người có uy tín trong đồng bào tôn giáo. Trong quá trình vận động, cần thường xuyên tiếp xúc, tranh thủ, tuyên truyền, vận động để các chức sắc tôn giáo tuân thủ các quy định về quản lý nhà nước về tôn giáo. Việc tranh thủ chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo cần phải tiến hành thông qua việc thăm hỏi, động viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cá nhân chức sắc và của giáo hội; tạo điều kiện, hướng dẫn các chức sắc hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật, tuân theo hiến chương của tôn giáo; vào các dịp lễ trọng của các tôn giáo hoặc ngày lễ của dân tộc hay lúc chức sắc ốm đau, bị bệnh cần thăm hỏi, động viên; thường xuyên thông tin chính xác, kịp thời tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, quan điểm giải quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền khi có vụ việc phức tạp xảy ra để vận động họ thực hiện; tiến hành hiệp thương đề cử các chức sắc, tín đồ các tôn giáo tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng nhân dân các cấp, v.v..

Thứ năm, xây dựng kế hoạch giáo dục, tuyên truyền và đào tạo đội ngũ giảng viên, tuyên truyền viên có trình độ cao; song song với đó là đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền cho phù hợp với thực tiễn địa bàn tỉnh. Đội ngũ báo cáo viên phải là người am hiểu tường tận về đặc trưng các tôn giáo, nắm vững hệ thống pháp luật tôn giáo, có kinh nghiệm thực tiễn, khả năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống phát sinh. Trước mắt, cấp tỉnh cần chọn lựa những cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn công tác trên lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo (có thể tuyển chọn từ các ban của tỉnh như: Ban Tôn giáo, Ban Dân vận hoặc Công an tỉnh Nghệ An). Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng và có quy chế quy định trách nhiệm với đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo tham gia giảng dạy; trang bị kỹ năng, truyền thụ kinh nghiệm quản lý, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Thứ sáu, Ủy ban nhân dân tỉnh cần đổi mới, tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại tôn giáo để phát huy tác dụng của phương thức vận động, thuyết phục trong quản lý nhà nước về tôn giáo. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã xây dựng mối quan hệ kết nghĩa với nhiều thành phố trên khắp thế giới, ví dụ như Tokyo (năm 1979), Washington (năm 1984), New York (năm 1980), le-de-France (năm 1987), v.v.. Tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về quản lý nhà nước về tôn giáo. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, kỹ năng của cán bộ quản lý nhà nước về tôn giáo, tuyên truyền cho bạn bè các nước hiểu hơn về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Nghệ An, tranh thủ được ảnh hưởng, tiếng nói của bạn bè quốc tế trong quản lý nhà nước về tôn giáo.

Thứ bảy, đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát và xử lý khi có vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo. Cần thống nhất quan điểm, sử dụng phương thức xử lý là biện pháp cuối cùng trong quản lý nhà nước về tôn giáo. Tuy nhiên, đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần thì cần có những chế tài xử lý đủ sức răn đe, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật. Việc kiểm tra, giám sát và xử lý khi có vi phạm cần được xem xét ở cả phía các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo và phía các tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý phải tuân thủ theo đúng pháp luật; chế tài xử lý phải nghiêm minh, trong đó thể hiện tính nêu gương của cơ quan, công chức, viên chức nhà nước; cần đôn đốc việc chấp hành nghiêm túc của đối tượng bị xử lý nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

ThS ĐỖ QUANG HUY

Học viện An ninh nhân dân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền