Trang chủ    Diễn đàn    Tư tưởng của Ph.Ăngghen về “quyền lực công cộng” - Cơ sở lý luận để chống lại âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch
Thứ sáu, 25 Tháng 9 2020 09:55
18356 Lượt xem

Tư tưởng của Ph.Ăngghen về “quyền lực công cộng” - Cơ sở lý luận để chống lại âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch

(LLCT) - Bài viết nêu ra quan niệm của Ph.Ăngghen về những đặc trưng cơ bản của nhà nước, phân tích một số nội dung cơ bản trong tư tưởng của ông về “quyền lực công cộng” gồm: tính tất yếu của việc thiết lập quyền lực công cộng; tính giai cấp của quyền lực công cộng; sức mạnh của quyền lực công cộng; đồng thời khẳng định đây là một trong những cơ sở lý luận khoa học để chống lại âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch trong thời gian qua.

Từ khóa: Ph.Ăngghen; “quyền lực công cộng”; “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang.

1. Tư tưởng của Ph.Ăngghen về “quyền lực công cộng”

Nghiên cứu các kiểu nhà nước đã và đang tồn tại trong lịch sử, Ph.Ăngghen cho rằng nhà nước có ba đặc trưng cơ bản.

Thứ nhất, nhà nước “phân chia thần dân của nó theo địa vực”. Do nhu cầu phát triển của sản xuất và trao đổi mà những liên minh thị tộc cũ được hình thành trên cơ sở huyết thống đã không còn thích hợp và cần phải thay bằng một liên minh mới. Trong liên minh mới này, các thành viên thuộc tất cả các thị tộc hay bộ lạc đều được tự do đi lại, được thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ xã hội.

Thứ hai, “là sự thiết lập một quyền lực công cộng, không còn trực tiếp là dân cư tự tổ chức thành lực lượng vũ trang nữa” mà do nhà nước tổ chức ra. Theo Ph.Ăngghen, nội hàm của khái niệm quyền lực công cộng “không phải chỉ gồm những người được vũ trang mà còn gồm những công cụ vật chất phụ thêm nữa, như nhà tù và đủ các loại cơ quan cưỡng bức mà tổ chức xã hội thị tộc không hề biết đến”(1). 

Thứ ba, “Để duy trì quyền lực công cộng đó, cần phải có sự đóng góp của công dân, đó là thuế má” và cùng với chính sách thuế má là việc “phát hành trước những hối phiếu, thực hiện các khoản vay nợ, tức là phát hành công trái”(2).

Về tính tất yếu của việc thiết lập quyền lực công cộng.

Trong cộng đồng thị tộc, tù trưởng (người cầm đầu trong thời bình) và thủ lĩnh quân sự là do tất cả đàn ông và đàn bà trong cộng đồng thị tộc đó bầu ra và “khi ở trong bộ lạc, mọi thành viên nam giới đến tuổi thành niên đều là chiến binh thì vẫn chưa có một quyền lực công cộng tách khỏi nhân dân và có thể đứng đối lập với nhân dân”(3).

Người thủ lĩnh quân sự được thị tộc bầu ra “Ngoài những chức năng quân sự của mình... còn có những chức năng tế lễ và tư pháp nữa; những chức năng tế lễ và tư pháp này không được quy định một cách thật chính xác, còn những chức năng quân sự thì người thủ lĩnh quân sự thực hành với tư cách là đại biểu tối cao của bộ lạc, hay của liên minh bộ lạc”(4).

Cũng như việc bầu ra tù trưởng hay chỉ huy quân sự, việc bãi miễn các chức vụ này cũng do toàn thể nam, nữ thành viên trong thị tộc quyết định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc bãi miễn này có thể do “Hội đồng bộ lạc” quyết định, kể cả khi thị tộc không đồng ý. Đáng chú ý là, các chức sắc, sau khi bị bãi miễn, đều trở thành chiến binh bình thường như mọi người khác, thành thường dân.

Ph.Ăngghen cho rằng, dẫu sao thì tổ chức thị tộc vẫn là một hình thức cộng đồng người “tốt đẹp”: Không có quân đội, hiến binh và cảnh sát, không có quý tộc, vua chúa, tổng đốc, trưởng quan và quan tòa, không có nhà tù, không có những vụ xử án,- thế mà mọi việc vẫn trôi chảy.

Việc tách chăn nuôi khỏi trồng trọt đã hình thành nên các bộ lạc du mục. Những bộ lạc du mục này từng bước tách rời khỏi bộ phận còn lại của những người dã man. Đây là sự phân công xã hội lớn đầu tiên. “Từ sự phân công xã hội lớn lần đầu tiên, đã nảy sinh ra sự phân chia lớn đầu tiên trong xã hội thành hai giai cấp: chủ nô và nô lệ, kẻ bóc lột và người bị bóc lột”(5).

Do lợi ích cơ bản đối lập nhau, trước hết là lợi ích kinh tế, nên các giai cấp này luôn luôn đấu tranh với nhau. Để cho những mặt đối lập đó không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội trong một cuộc đấu tranh vô ích thì cần phải có một lực lượng nảy sinh từ xã hội, nhưng lại đứng trên xã hội và ngày càng tách rời khỏi xã hội, có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng “trật tự”. Lực lượng đó chính là nhà nước.

Từ khi nhà nước xuất hiện, hệ tư tưởng chính trị ra đời thì quyền lực công cộng không còn trực tiếp là dân cư tự tổ chức thành lực lượng vũ trang nữa. Nhà nước tổ chức ra quân đội, cảnh sát; xây dựng nhà tù và các loại cơ quan cưỡng bức khác mà người ta không hề biết đến trong tổ chức xã hội thị tộc trước đó. Khi những mâu thuẫn giai cấp trong nước ngày càng trở nên gay gắt, khi những nước giáp giới nhau ngày càng rộng lớn và đông đúc hơn, thì quyền lực đó cũng ngày càng được tăng cường, một sự tăng cường đến mức nó có thể nuốt toàn thể xã hội và nuốt luôn cả nhà nước (Ph.Ăngghen).

Như vậy, với sự xuất hiện giai cấp và sự ra đời của nhà nước, các chức năng quân sự của thủ lĩnh quân sự không còn phù hợp nữa, mà phải được thay thế băng một quyền lực khác mạnh hơn, với phạm vi hoạt động rộng hơn, không chỉ gồm những người được vũ trang mà còn gồm những công cụ vật chất phụ thêm nữa, nhà tù và đủ các loại cơ quan cưỡng bức khác. Đó chính là quyền lực công cộng của xã hội có sự phân chia giai cấp. Ph.Ăngghen khẳng định: “ Quyền lực công cộng đặc biệt đó là cần thiết, vì từ khi có sự phân chia xã hội thành giai cấp thì không thể có tổ chức vũ trang tự hoạt động của dân cư được nữa”(6). Để chống lại nô lệ và bắt nô lệ cùng với những công dân phải phục tùng thì “một đội cảnh binh trở nên cần thiết” và Ph.Ăngghen khẳng định: “Quyền lực công cộng đó đều tồn tại trong mỗi nhà nước”(7).

Về tính giai cấp của quyền lực công cộng.

Nảy sinh từ nhu cầu phải kiềm chế những sự đối lập giai cấp, cho nên nhà nước là nhà nước của giai cấp có thế lực nhất - giai cấp thống trị về mặt kinh tế, và nhờ thống trị về mặt kinh tế mà thống trị luôn về mặt chính trị và do đó có thêm được những phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp bị áp bức.

Để chứng minh cho các nhận định trên, Ph.Ăngghen lấy ví dụ về một số kiểu nhà nước đã tồn tại trong lịch sử. Ví như: nhà nước thời cổ trước hết là nhà nước của bọn chủ nô dùng để đàn áp nô lệ, cũng như nhà nước phong kiến là cơ quan của bọn quý tộc dùng để đàn áp nông nô và những nông dân bị phụ thuộc, còn nhà nước đại nghị hiện đại là công cụ của tư bản dùng để bóc lột lao động làm thuê. Với ba hình thức nô dịch lớn đặc trưng cho ba thời kỳ lớn của thời đại văn minh: chế độ nô lệ; chế độ nông nô và chế độ làm thuê trong thời kỳ hiện đại, nhà nước “vẫn chỉ là nhà nước của giai cấp thống trị, và trong mọi trường hợp, về thực chất, vẫn là bộ máy dùng để đàn áp giai cấp bị áp bức, bị bóc lột”(8).

“Quyền lực công cộng” do nhà nước tổ chức ra và là công cụ bảo vệ nhà nước, do đó mang bản chất của nhà nước lập ra nó. Chẳng hạn: “Quân đội nhân dân của chế độ dân chủ A-ten là một quyền lực công cộng của bọn quý tộc, chống lại những nô lệ mà họ bắt phải phục tùng”(9). Nói cách khác, quân đội nhân dân của chế độ dân chủ A-ten mang bản chất giai cấp của giai cấp chủ nô dân chủ, bảo vệ chế độ dân chủ A-ten.

Vậy là, từ khi xuất hiện nhà nước, quyền lực công cộng - trong đó quân đội với tư cách là một bộ phận hợp thành của quyền lực công cộng -“đã trở thành mục đích chủ yếu của nhà nước”(10), mang bản chất giai cấp của giai cấp thống trị trong xã hội. Nhân dân lúc này chỉ cung cấp binh lính và nuôi binh lính chứ không còn là người thành lập ra quân đội, cảnh sát như trong tổ chức thị tộc trước đây nữa.

Về sức mạnh của quyền lực công cộng. Ph.Ăngghen cho rằng con người với tổ chức và phương thức chiến đấu, chất lượng và số lượng, sự ủng hộ của dân cư cùng với đó là vũ khí, kỹ thuật v.v. sẽ góp phần quyết định sức mạnh của quyền lực công cộng: “toàn bộ tổ chức và phương thức chiến đấu của quân đội, và do đó, thắng lợi và thất bại, đều tỏ ra là phụ thuộc vào những điều kiện vật chất, nghĩa là điều kiện kinh tế, vào chất liệu của con người và của vũ khí, nghĩa là vào chất lượng và số lượng của dân cư và của kỹ thuật”(11).

Ph.Ăngghen coi trọng tính kỷ luật, coi đây là sức mạnh của lực lượng vũ trang. Ông dẫn lời mô tả của Na-pô-lê-ông về cuộc chiến đấu giữa đội kỵ binh Pháp với kỵ binh Ma-me-lúc để chứng minh cho nhận định đó: “Hai người lính Ma-me-lúc thì trội hơn hẳn 3 người lính Pháp; 100 người lính Ma-me-lúc và 100 người lính Pháp thì ngang nhau; 300 người lính Pháp thì thường thường trội hơn 300 người lính Ma-me-lúc; và 1000 người lính Pháp thì bao giờ cũng đánh bại được 1500 người lính Ma-me-lúc”(12). Ở đây, sự biến đổi về lượng đã làm thay đổi về chất. Sự thay đổi đó do tính kỷ luật quyết định.

Kỵ binh Pháp tuy kém về tài nghệ nhưng có kỷ luật, kỵ binh Ma-me-lúc chắc chắn là giỏi nhất thời bấy giờ về chiến đấu đơn độc nhưng lại thiếu kỷ luật, do đó cùng tỷ lệ 2:3 nhưng với số lượng ít thì hai người lính Ma-me-lúc trội hơn hẳn 3 người lính Pháp; nhưng cũng với tỷ lệ 2:3 mà số lượng tăng lên thì 1000 người lính Pháp bao giờ cũng đánh bại được 1500 người lính Ma-me-lúc.

Ngoài, sức mạnh của quyền lực công cộng còn phụ thuộc một phần rất lớn vào cơ sở vật chất, vào “những công cụ” - tức là dựa vào vũ khí. Ông nói: súng lục thắng thanh kiếm; kẻ sản xuất ra công cụ bạo lực hoàn hảo hơn phải thắng kẻ sản xuất ra công cụ bạo lực không hoàn hảo bằng. Tóm lại, thắng lợi của bạo lực dựa vào việc sản xuất vũ khí, và việc sản xuất vũ khí lại dựa vào sản xuất nói chung, do đó, lại dựa vào “lực lượng kinh tế”, vào “tình hình kinh tế”, và những phương tiện vật chất mà bạo lực chi phối được(13).

Tuy nhiên, sự hoàn hảo hay không của công cụ bạo lực và vũ khí là do con người quyết định; súng lục hay thanh kiếm đều do con người làm ra, nó chỉ là cái làm gia tăng thêm sức mạnh của bạo lực mà thôi. Cuối cùng, ông đi đến kết luận: “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, những điều kiện kinh tế và tài nguyên kinh tế đều là những cái đã giúp cho “bạo lực” chiến thắng, nếu không có những điều kiện và tài nguyên đó thì bạo lực không còn là bạo lực nữa”(14).

2. Chống âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch hiện nay

Một trong những hướng tấn công của chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch sử dụng hiện nay là “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Thủ đoạn này tuy không mới nhưng lại rất nguy hiểm, nó làm suy yếu lực lượng vũ trang cách mạng, gây tâm lý hoang mang, dao động trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào sức mạnh của “quyền lực công cộng” mà lực lượng vũ trang là đại diện.

Những phần tử thoái hóa, biến chất, những kẻ cơ hội, hay núp bóng tôn giáo, dân chủ, nhân quyền v.v. đã và đang tìm mọi cách thành lập nhiều tổ chức với nhiều hình thức hoạt động khác nhau, lợi dụng phương tiện truyền thông, internet, mạng xã hội, blog cá nhân, các đài phát thanh - truyền hình có chương trình tiếng Việt để bôi nhọ, xuyên tạc nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của Đảng ta cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; tuyên truyền, cổ súy cho tư tưởng phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, đòi tách Quân đội, Công an ra khỏi thể chế chính trị, ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chúng tìm cách phá hoại nguyên tắc tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và Nhà nước Việt Nam; chia rẽ lực lượng vũ trang với nhân dân, chia rẽ Quân đội với Công an, gây hoang mang, dao động v.v..

Bản chất của âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch là tấn công vào nền tảng tư tưởng, bản chất chính trị, triệt tiêu bản chất giai cấp công nhân của lực lượng vũ trang, tách lực lượng vũ trang ra khỏi sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước từ đó làm cho lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thoái hóa, biến chất không còn là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân. 

Âm mưu này của các thế lực thù địch đi ngược lại những vấn đề cơ bản trong lý luận của Ph.Ăngghen, của học thuyết Mác-Lênin về bản chất giai cấp của “quyền lực công cộng”, về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới.

Kế thừa tinh thần của Ph.Ăngghen về tính giai cấp của “quyền lực công cộng”, V.Lênin khẳng định rằng: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản”(15) và khẳng định: “Quân đội chúng ta là quân đội giai cấp, chống lại giai cấp tư sản”(16).

Trung thành với học thuyết Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân... Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”(17), phải mang bản chất giai cấp công nhân.

Trên cơ sở quan niệm của Ph.Ăngghen về tính tất yếu của việc thiết lập quyền lực công cộng cũng như bản chất giai cấp của nó; xuất phát từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam; từ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ của việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) quy định Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng vũ trang do Nhà nước Việt Nam xây dựng: “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”. Đồng thời, Hiến pháp cũng quy định: “Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”. “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”(18). Nói cách khác, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân của chúng ta là lực lượng vũ trang mang bản chất giai cấp công nhân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.

Thực tế chứng minh rằng, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang là điều không tưởng. Quân đội, cảnh sát bao giờ cũng là công cụ chuyên chính của giai cấp cầm quyền, mang bản chất giai cấp của giai cấp cầm quyền. Ph.Ăngghen khẳng định: trong mỗi nhà nước, quyền lực công cộng tồn tại là một tất yếu và quyền lực công cộng đó nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền. Ông cho rằng: “quân đội nhân dân của chế độ dân chủ A-ten là một quyền lực công cộng của bọn quý tộc, chống lại những nô lệ mà họ bắt phải phục tùng” mà thôi. Bài học về việc bỏ chức trách chính ủy trong quân đội của Liên Xô trước đây cho thấy “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, trung lập hóa quân đội là một sai lầm hết sức nghiêm trọng.

Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, trước âm mưu “diễn biến hòa bình” đầy nham hiểm đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của kẻ thù, một trong những nhiệm vụ trước mắt là phải quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW (ngày 22-10-2018) của Bộ Chính trị khoá XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; “tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân”(19); Củng cố bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch; Chủ động phát hiện, phòng ngừa,  ngăn chặn, phê phán nhận thức lệch lạc, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Khi chúng ta vững mạnh thì các thế lực thù địch sẽ không thể phá hoại được chúng ta. V.I.Lênin từng khẳng định rằng: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ “nếu” này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”(20).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2020

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.254, 254, 159, 162, 240, 253, 253-254, 261, 253.

(10), (11), (12), (13), (14) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.240, 241, 183-184, 234-235, 242.

(15) V.I.Lênin: Toàn tập, t.12, Nxb Tiến Bộ, M. 1979, tr.136.

(16) V.I.Lênin: Toàn tập, t.43, Nxb Tiến Bộ, M. 1978, tr.277.

(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.217.

(18) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.31.

(19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.150.

 

(20) V.I.Lênin: Toàn tập, t.42, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1979, tr.311.

 

PGS, TS Trần Sỹ Phán

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Phùng Thị Khánh Lệ

Trường Chính trị Tuyên Quang 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền