Trang chủ    Diễn đàn    Cần phản bác những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp
Thứ năm, 25 Tháng 6 2020 11:19
5921 Lượt xem

Cần phản bác những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp

(LLCT) - Tại Đại hội XII, Đảng ta đã khẳng định: “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”(1). Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên nhiều diễn đàn khác nhau, các thế lực thù địch đã không ngừng xuyên tạc, phủ nhận bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, bác bỏ từng phần hay toàn bộ học thuyết này, trong đó có vấn đề đấu tranh giai cấp. Do đó, cần phải nhận diện những quan điểm sai trái này và chỉ ra sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta về đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay.

Giai cấp công nhân Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển đất nước

Từ khóa: chủ nghĩa Mác - Lênin; đấu tranh giai cấp; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; Đảng Cộng sản Việt Nam.

1. Nhận diện những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp

Trong tiến trình phát triển của lịch sử tư tưởng nhân loại, C.Mác không phải là người đầu tiên đưa ra vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đúng như C.Mác khẳng định trong “Thư gửi Vây-đơ-may-e” (ngày 5-3-1852): “Tôi không có công lao đã phát hiện ra sự tồn tại của các giai cấp trong xã hội hiện đại, cũng không phải có công lao là đã phát hiện ra cuộc đấu tranh giữa các giai cấp với nhau. Các nhà sử học tư sản trước tôi rất lâu đã trình bày sự phát triển lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp đó, còn các nhà kinh tế học tư sản thì đã trình bày sự giải phẫu kinh tế của các giai cấp. Cái mới của tôi đã làm là chứng minh rằng: 1) sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn với những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất, 2) đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản, 3) bản thân nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến tới thủ tiêu mọi giai cấp và tiến tới xã hội không có giai cấp”(2). Điều này đã khẳng định những điểm khác biệt cơ bản giữa quan điểm của C.Mác và những nhà tư tưởng tư sản trước đó về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vì thế, trong cuốn sách Tại sao Mác đúng?, Terry Eagleton đã viết: “Trong khi nhiều nhà tư tưởng xã hội đã nhìn nhận xã hội loài người như một sự thống nhất hữu cơ thì cái hình thành xã hội theo C.Mác là sự phân công. Nó được tạo nên bởi những lợi ích bất đồng nhau”(3). Xuất phát từ điều đó, C.Mác đã coi đấu tranh giai cấp chính là động lực để phát triển xã hội. Tuy nhiên, C.Mác không đưa ra vấn đề này một cách chung chung như một số người quan niệm mà chỉ là một động lực phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp mà thôi. Trong xã hội cộng sản nguyên thủy chưa có giai cấp, nên chưa có đấu tranh giai cấp, và trong tương lai khi xã hội không còn phân chia giai cấp nữa thì cũng không còn đấu tranh giai cấp. Theo C.Mác, đấu tranh giai cấp chỉ gắn với những giai đoạn lịch sử nhất định của sự phát triển xã hội. Vì vậy, “Quan điểm khoa học về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác không phải là áp đặt, bịa đặt mà phản ánh một thực tế khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, đó là sự đối kháng giữa các giai cấp: bóc lột và bị bóc lột, thống trị và bị trị, áp bức và bị áp bức. Do đó, đấu tranh giai cấp trong các xã hội này là tất yếu khách quan, góp phần thúc đẩy cho xã hội vận động, phát triển lên những hình thái cao hơn”(4). Hơn nữa, ngoài đấu tranh giai cấp, C.Mác cũng còn coi những yếu tố khác, nhất là khoa học cũng là động lực phát triển của lịch sử xã hội. Trong bài Điếu văn đọc tại lễ an táng C.Mác, Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Khoa học đối với Mác là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng”(5).

Đấu tranh giai cấp là một xu thế tất yếu, khách quan của xã hội có giai cấp song lại là một quá trình phức tạp trong sự vận động, phát triển của lịch sử xã hội loài người. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (năm 1848), C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp.

Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội và thợ bạn, nói tóm lại là những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau”(6).

Đối với C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin sau này, đấu tranh giai cấp là vấn đề chính trị thực tiễn rất hệ trọng, không thể xem nhẹ hoặc nói một cách phiến diện được. Muốn đưa ra những kết luận khái quát đúng đắn về nó, cần phải nghiên cứu những sự kiện lịch sử cụ thể, phân tích sự vận động của các sự kiện lịch sử đó một cách tỉ mỉ, chi tiết với một thái độ khách quan, biện chứng. Những phân tích của C.Mác về các sự kiện lịch sử ở Pháp những năm 1848 - 1850, 1851 và 1871 đã chứng tỏ điều đó. Là những nhà lý luận khoa học, đồng thời là lãnh tụ của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã phân tích thực tiễn cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trong lịch sử một cách rất cụ thể và sâu sắc. Điều đó đã được thể hiện trong hàng loạt tác phẩm tiêu biểu của các ông. Trong nhiều tác phẩm, các ông đã cho rằng, đấu tranh giai cấp không phải là những cuộc bạo loạn, khủng bố, lật đổ, chỉ có ý nghĩa phá hoại gây chia rẽ, bè phái, gây rối loạn, làm tổn thất cho xã hội mà là một quá trình tất yếu, khách quan của xã hội có áp bức giai cấp, là những cuộc đấu tranh rộng khắp của quần chúng nhân dân lao động chống lại giai cấp thống trị. Nguyên nhân của cuộc đấu tranh giai cấp này bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong quan hệ về lợi ích, trước hết và quan trọng nhất là lợi ích kinh tế không thể điều hòa được giữa các giai cấp. Đây là cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân bị áp bức chống lại bọn đặc quyền, đặc lợi, chống lại giai cấp thống trị bóc lột nhằm giải quyết mâu thuẫn về lợi ích. Cuộc đấu tranh này có ý nghĩa cách mạng sâu sắc, nhằm xóa bỏ những cơ sở kinh tế của giai cấp thống trị, xóa bỏ chế độ xã hội cũ lỗi thời, xây dựng chế độ xã hội mới tiến bộ hơn. Do vậy, đấu tranh giai cấp là một động lực thúc đẩy xã hội phát triển, chứ không phải là sự gây rối, phá hoại. Trong xã hội có giai cấp đối kháng về mặt lợi ích thì tất yếu có đấu tranh giai cấp. Điều đó hoàn toàn không phụ thuộc vào việc người ta có nói về nó hay không, hoặc nói như thế nào về nó. Không phải cứ cố tình không nói đến đấu tranh giai cấp thì trên thực tế, đấu tranh giai cấp sẽ mất đi hoặc mức độ xung đột sẽ dịu đi.

Vì không hiểu đúng bản chất của quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về giai cấp và đấu tranh giai cấp nên có một số học giả tư sản đã cường điệu hóa quan điểm của C.Mác về đấu tranh giai cấp và cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là “chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan”. Tuy nhiên, “Ðây là sự quy chụp, áp đặt cho chủ nghĩa Mác - Lênin một cách vô căn cứ vì chia rẽ, cực đoan không phải là bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin mà đó là tư tưởng, và hành động sai lầm của những người theo chủ nghĩa chia rẽ, bè phái, tả khuynh hoặc hữu khuynh”(7)... Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống các nguyên lý, quy luật khoa học phản ánh những quy luật khách quan của thế giới, dựa trên phương pháp biện chứng duy vật với các quan điểm khách quan, toàn diện, phát triển, lịch sử - cụ thể và thực tiễn chứ không phải dựa trên chia rẽ và cực đoan, phiến diện như nhiều học giả tư sản vẫn cáo buộc.

Trên thực tế, C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong phong trào cách mạng. Trong Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra khẩu hiệu: “vô sản toàn thế giới hãy đoàn kết lại!”. Sau này, V.I.Lênin bổ sung thêm: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức hãy đoàn kết lại”. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng các chính đảng cách mạng, C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đều yêu cầu phải đoàn kết, thống nhất để tạo thành sức mạnh của tổ chức cách mạng. Do đó, quan điểm của chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp đã thực sự trở thành vũ khí lý luận sắc bén cho giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp mình và giải phóng toàn xã hội. Vì vậy, ngay từ khi mới ra đời, chủ nghĩa Mác nói chung và quan điểm về đấu tranh giai cấp đã vấp phải sự xuyên tạc, chống phá của các học giả tư sản - những người luôn lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho giai cấp tư sản. Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Tổng thống Nga V.Putin trong Thông điệp Liên bang năm 2005 gọi đó là “một chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX”. Sự đổ vỡ này xảy ra ngay tại Liên Xô - quê hương của Cách mạng Tháng Mười, nơi khai sinh ra nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, nơi được coi thành trì của CNXH hiện thực khiến cho các học giả tư sản được dịp lên tiếng phê phán, bác bỏ chủ nghĩa Mác nói chung và quan điểm về giai cấp, đấu tranh giai cấp nói riêng. Kể từ sau sự kiện gây chấn động lịch sử toàn thế giới đến nay đã gần 30 năm, các thế lực thù địch vẫn luôn ra sức tìm mọi cách lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ cho rằng sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ “sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác - Lênin”; và bởi “chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”(8). Họ cũng cho rằng, CNXH khoa học mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã xây dựng chỉ là một học thuyết “viển vông”, “ảo tưởng” nên áp dụng vào thực tiễn chỉ có thể sinh ra những “quái thai của lịch sử”(9)... Những luận điệu đó được tung ra khắp nơi trên thế giới với các hình thức, diễn đàn khác nhau nhằm phủ nhận bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin về hình thái kinh tế - xã hội nói chung và về đấu tranh giai cấp nói riêng. Xuất phát từ lập luận đó, họ cho rằng hiện nay “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa”(10); rằng, “con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang đi là trái với quá trình lịch sử - tự nhiên”(11). Đó chính là “một khúc cong của lịch sử, là đoạn vòng vèo đầy đau khổ đi lên chủ nghĩa tư bản”(12). Do đó, theo họ, Việt Nam cần “tránh chỗ tối, tìm chỗ sáng”, “tránh con đường đau khổ” mà một số nước đã đi qua để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Cũng từ đây, ở một số nước phương Tây đã hình thành những trào lưu chống Mác. Ngay từ những thập niên 90 của thế kỷ XX đã bùng nổ các bài viết, các công trình phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin, bác bỏ từng phần hay toàn bộ học thuyết này, trong đó có nội dung về đấu tranh giai cấp.

Tuy nhiên, chính một số học giả tư sản lại cho rằng mặc dù ở phương Tây luôn có những cuộc “mai táng” định kỳ Mác và chủ nghĩa Mác nhưng thật ra tất cả những điểm khu biệt mà chúng ta (những học giả tư sản Âu Mỹ) dùng để chống Mác, xét cho cùng, chúng ta có được là nhờ có “Ông ta”. Trong các vấn đề về những bước chuyển hóa xã hội, chúng ta cần hướng tới Mác. Các khoa học xã hội nói chung đã phát triển như là một cuộc đối thoại không ngừng với Mác và chúng ta vẫn là những kẻ đi sau Mác(13).

Terry Eagleton đã nhận định: Có một cuộc sống sau chủ nghĩa Mác là toàn bộ giá trị của chủ nghĩa Mác... Chủ nghĩa Mác là sự phê phán chủ nghĩa tư bản, sự phê phán phong phú nhất về mặt lý luận, không khoan nhượng nhất về mặt chính trị đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa... không những thế đó còn là sự phê phán duy nhất làm thay đổi bộ phận lớn của thế giới. Chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại thì chủ nghĩa Mác cũng sẽ tồn tại...

Như vậy, có thể nhận thấy có khá nhiều quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác nói chung và quan điểm về đấu tranh giai cấp nói riêng. Điều đó xuất phát từ bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác, khiến chủ nghĩa Mác luôn đối lập với ý thức hệ của các học giả tư sản phương Tây về sự phân chia giai cấp trong xã hội song nó cũng xuất phát từ sự thay đổi không ngừng của thực tiễn khiến những người mácxít phải nhận thức và vận dụng linh hoạt những nguyên lý của chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp trong mỗi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp

Là người vô sản đầu tiên của Việt Nam đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã quán triệt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm về giai cấp và đấu tranh giai cấp trong việc lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khi phân tích, so sánh về đấu tranh giai cấp ở phương Đông và phương Tây, ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ sự khác biệt do điều kiện kinh tế - xã hội quy định: “Ấn Độ hay Trung Quốc về mặt cấu trúc kinh tế không giống với các xã hội phương Tây thời trung cổ hay thời cận đại và đấu tranh ở đó không quyết liệt như ở đây”(14). Đối với điều kiện thực tiễn Việt Nam là một xã hội phương Đông cổ truyền, nông nghiệp lạc hậu, hơn 90% là nông dân, phân hóa giai cấp chưa thực sự sâu sắc. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, mâu thuẫn dân tộc nổi lên hàng đầu. Các tầng lớp, giai cấp đã gác bỏ lại mâu thuẫn của mình để đấu tranh chống lại thực dân Pháp. Do vậy, Hồ Chí Minh đã phê phán quan điểm phiến diện, giáo điều về đấu tranh giai cấp ở Việt Nam: “Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”(15). Chỉ dẫn đó của Người là kim chỉ nam để chúng ta nhận thức đúng về đấu tranh giai cấp ở Việt Nam, “đòi hỏi mỗi chúng ta không được lẫn lộn quan điểm về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin với quan điểm hữu khuynh khi phủ nhận đấu tranh giai cấp hay quan điểm tả khuynh khi cường điệu hóa đấu tranh giai cấp, thiên về trấn áp bạo lực hay mượn đấu tranh giai cấp để đấu tố, trấn áp những người không theo phe cánh của mình, đi ngược lại với lợi ích của mình, gây bè phái”(16).

Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng linh hoạt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp. Ðại hội IX của Ðảng nhận định, cùng với những biến đổi to lớn về kinh tế, xã hội thì cơ cấu, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội Việt Nam cũng đã có rất nhiều thay đổi so với trước kia. Do đó, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài. Nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN, khắc phục tình trạng nước nghèo, kém phát triển, thực hiện công bằng xã hội, chống áp bức, bất công; đấu tranh ngăn chặn và khắc phục những tư tưởng và hành động tiêu cực; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng nước ta thành một nước XHCN phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Như vậy, Ðảng ta không phủ nhận đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ, song quan niệm đấu tranh giai cấp cũng như động lực phát triển đất nước phù hợp hơn với sự thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, với nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ đổi mới. Đảng ta đã xác định cần phải sử dụng nhiều hình thức đấu tranh khác nhau, vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết, bao gồm cả giáo dục, tuyên truyền, vận động, cả hành chính, thậm chí cả những biện pháp bạo lực, trấn áp. Đồng thời, phải tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân lao động và các lực lượng xã hội ủng hộ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong mặt trận dân tộc thống nhất, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh chống lại các thế lực, các tổ chức, các phần tử muốn ngăn cản sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta, phá hoại Đảng, Nhà nước, pháp luật, trật tự xã hội, an ninh quốc gia. Như vậy, đoàn kết không loại trừ đấu tranh mà bao hàm cả sự đấu tranh; đấu tranh không làm mất sự ổn định xã hội mà chính là thông qua đấu tranh để ngăn chặn, loại trừ những phần tử bảo thủ, thoái hóa, biến chất và chống đối nhằm củng cố, tăng cường và phát huy vai trò của sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong nhân dân.

Thực chất, quan điểm của Đảng ta về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, về tăng cường hợp tác quốc tế cũng không phải là xem nhẹ đấu tranh giai cấp. Trái lại, Đảng ta luôn xác định, hiện nay và trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH, ở nước ta vẫn còn giai cấp và đấu tranh giai cấp. Cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ diễn ra với những nội dung và hình thức mới rất phức tạp, có mặt ngày càng gay gắt hơn. Một mặt, Đảng ta khẳng định trong điều kiện mới hiện nay, không được cường điệu đấu tranh giai cấp. Mặt khác, không được coi nhẹ, xem thường đấu tranh giai cấp, dẫn đến mơ hồ, mất cảnh giác. Ở đây, không nên hiểu việc Đảng ta nói không được “cường điệu cuộc đấu tranh giai cấp” thành ra là “không coi trọng đấu tranh giai cấp”, hay coi đấu tranh chỉ là sách lược tạm thời và sự thống nhất giữa các giai cấp mới là căn bản như một số người vẫn quan niệm. Điều kiện mới của cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta hiện nay thể hiện ở chỗ, những biến đổi to lớn về kinh tế, xã hội do công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng mang lại trong thời gian qua làm cho cơ cấu giai cấp, vị trí, mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội đã có nhiều thay đổi, không giống như thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, cũng không như lúc mới bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Ngày nay, lợi ích cơ bản, lâu dài của các giai cấp trong cộng đồng Việt Nam thống nhất với lợi ích dân tộc; cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường vẫn còn nhưng gắn liền với sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, chống nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, khi các lực lượng thù địch ở trong và ngoài nước luôn tìm cách ngăn cản, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, không phải ai cũng nhận thức đúng và tự giác phấn đấu vì mục tiêu trên, cho nên, nếu không đấu tranh quyết liệt với các thế lực thù địch thì sẽ rất khó có thể thực hiện được mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quan điểm của Đảng về đấu tranh giai cấp ở Việt Nam hiện nay chính là sự vận dụng đúng đắn và sáng tạo học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn nước ta. “Nhận thức này, một mặt, chống lại thái độ mơ hồ, mất cảnh giác, chống lại quan điểm cho rằng ở nước ta không còn giai cấp tư sản, nên không còn mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp nữa, chống lại quan điểm sai lầm coi học thuyết giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, muốn lẩn tránh vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp; mặt khác, chống lại thái độ cứng nhắc, quá cường điệu mâu thuẫn giai cấp, cho rằng do phát triển kinh tế thị trường, do hội nhập kinh tế thế giới, sự phân hóa giàu nghèo diễn ra nhanh chóng, cho nên sẽ dẫn đến mâu thuẫn giai cấp gay gắt hơn”(17). Như vậy, nhiệm vụ của những người mácxít một mặt phải luôn kiên định với những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin - cấu phần quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta; mặt khác chúng ta cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận chủ nghĩa Mác trong giai đoạn hiện nay.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2020

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.7-8.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.28, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.661-662.

(3) Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng?, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2014, tr.62.

(4), (16) Lê Hữu Nghĩa: “Về một số quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6-2015, tr.3, 5.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.500.

(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.596-597.

(7) Nguyễn Trọng Chuẩn: “Khẳng định những giá trị đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin trong bối cảnh hiện nay”, Tạp chí Triết học, số 3 -2016, tr.6-7.

(8), (9), (10) Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.48, 47-48, 48.

(11) Một số vấn đề về chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.12.

(12) Việt Nam tiến bước cùng thời đại, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009, tr.29.

(13) Xem: Nguyễn Bá Dương (2019), “Nhận diện những quan điểm chống chủ nghĩa Mác” trong sách: Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Cục Tuyên huấn - Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.35-36.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.509.

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.312.

(17) Nguyễn Trọng Chuẩn: “Khẳng định những giá trị đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin trong bối cảnh hiện nay”, Tạp chí Triết học, số 3-2016, tr.8.

TS Lê Thị Chiên

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền