Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ hai, 24 Tháng 11 2014 15:39
27639 Lượt xem

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh

LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm dến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức sao cho thực sự là "công bộc" của dân. Người đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ trong sự nghiệp cách mạng.

Chú trọng lựa chọn cán bộ, công chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp (Ảnh: Tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1), “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.”(2). Vì đội ngũ cán bộ, công chức là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với quần chúng. Nếu đội ngũ này yếu thì dù có đường lối, chính sách đúng cũng không thể hiện thực hoá. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái sợi dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”(3). Do đó, Người luôn chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ này, thông qua các việc làm cụ thể:

Tuyển chọn: Đây là bước quan trọng tạo tiền đề nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Hồ Chí Minh nhấn mạnh hai yếu tố là “đức” và “tài”, trong đó “đức” là cái gốc, cái nền tảng của người cán bộ. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.”(4). Tuy vậy, Người cũng chỉ rõ: “Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người.”(5). Hồ Chí Minh chỉ đạo trong tuyển chọn phải đảm bảo sự công bằng, dân chủ. Người ký Sắc lệnh số 76-SL ngày 20-5-1950, ban hành Quy chế công chức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, quy định rõ công chức cần phải thi tuyển để được bổ nhiệm vào ngạch bậc hành chính với 6 môn: Chính trị; Kinh tế; Pháp luật; Địa lý; Lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Ngoại ngữ. Việc tuyển chọn cán bộ, công chức còn được Hồ Chí Minh thực hiện thông qua kêu gọi nhân tài ra giúp nước nhà. Người chỉ đạo cho đăng báo “tìm người tài đức” từ ba nguồn chính là: quan lại của chế độ cũ; từ đội ngũ trí thức; tổ chức đoàn thể cách mạng.

Đào tạo, bồi dưỡng: Thực hiện tốt khâu tuyển chọn là chưa đủ để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, mà muốn phát huy được vai trò đội ngũ cán bộ, công chức phải làm tốt khâu đào tạo, bồi dưỡng, đây là “công việc gốc của Đảng”. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, cách mạng nước ta đối diện với muôn vàn thách thức trong đó có vấn đề thiếu cán bộ, công chức. Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như: mở Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam; ký Sắc lệnh số 197 thành lập Khoa Pháp lý học tại Trường Đại học Việt Nam. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về phẩm chất chính trị, trình độ văn hoá, pháp luật, nghiệp vụ hành chính.

Sử dụng và bãi nhiệm, kỷ luật: Sử dụng cán bộ, công chức là một vấn đề đòi hỏi cả khoa học và nghệ thuật. Theo Người, cần quán triệt quan điểm: “Phải biết rõ cán bộ”, “Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng”, “Phải khéo dùng cán bộ”, “Phải phân phối cán bộ cho đúng”, “Phải giúp cán bộ cho đúng” và “Phải giữ gìn cán bộ”. Người chỉ rõ: “Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tuỳ chỗ mà dùng được”(6), “Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”(7). Hồ Chí Minh luôn đề cao việc sử dụng đúng người tài đức nhằm giúp dân, giúp nước. Do vậy, Người thường xuyên nhắc nhở phải tẩy sạch óc bè phái, “Ai thân với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe”(8).

Theo Hồ Chí Minh, dù ở vị trí nào mà cán bộ, công chức không làm tròn nhiệm vụ với dân, với nước, không có uy tín trong quần chúng thì cũng phải xem xét bãi nhiệm. Người đặt ra yêu cầu mọi cán bộ, công chức phải thường xuyên tự phê bình, tự giáo dục để khắc phục khuyết điểm trong mỗi người và trong bộ máy. Theo Hồ Chí Minh: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại.”(9). Không phải cán bộ, công chức nào vi phạm cũng xử lý kỷ luật mà cái chính phải làm cho người ta thấy khuyết điểm, sai lầm để có hướng sửa chữa, khắc phục để thực thi nhiệm vụ tốt hơn. Nhưng với những trường hợp cố tình vi phạm gây hậu quảnghiêm trọng với xã hội thì phải dùng pháp luật mà trị. Hồ Chí Minh đòi hỏi pháp luật của ta: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề gì”(10).

Chính sách đối với cán bộ, công chức: Theo Hồ Chí Minh, thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, công chức cũng như các lực lượng khác có tác dụng và ý nghĩa to lớn nhằm tạo ra động lực vật chất, tinh thần để nâng cao chất lượng đội ngũ. Người khẳng định: “Đảng và Chính phủ rất mong muốn đời sống của công nhân, công chức và bộ đội càng khá hơn”(11). Thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức cần chú ý đến các nội dung: Hiểu biết cán bộ, công chức; khéo sử dụng cán bộ, công chức; cất nhắc cán bộ, công chức cho đúng; thương yêu cán bộ, công chức; bảo đảm tiền lương cho cán bộ, công chức; phê bình cán bộ, công chức. Từ ngày 2-9-1945 đến ngày 16-12-1952, Người đã ký 12 Sắc lệnh quy định chi tiết những chính sách đối với cán bộ, công chức. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Người đặc biệt lưu ý chế độ lương bổng: “... phải tăng lương bổng cho công nhân và công chức, tiếp tục giảm giá hàng, luôn luôn nêu cao mực sinh hoạt của mọi người.”(12).

Nâng cao chất lượng cán bộ công chức trong giai đoạn hiện nay

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ trong sạch vững mạnh. Cán bộ, công chức nhà nước đa số đã được rèn luyện, thử thách và trưởng thành qua công tác; số lượng, chất lượng, cơ cấu có sự chuyển biến theo hướng tích cực; có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn có ý thức rèn luyện, giữ vững phẩm chất chính trị, xây dựng khối đoàn kết nội bộ; thường xuyên trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống giản dị, lành mạnh, gần gũi với quần chúng nhân dân; thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trên các mặt, nêu cao trách nhiệm, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được phân công...

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức còn bộc lộ một số hạn chế: Một bộ phận cán bộ, công chức giảm sút ý chí chiến đấu; có biểu hiện sa sút về phẩm chất chính trị, dao động về mục tiêu, lí tưởng cách mạng; tác phong làm việc quan liêu; có biểu hiện lơ là, mất cảnh giác trước “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; một số khác thoái hoá, biến chất về đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỉ luật còn kém; không nghiêm túc tự phê bình và phê bình; thiếu dân chủ trong sinh hoạt; một số cán bộ, công chức lười học tập, rèn luyện, bộc lộ những yếu kém so với yêu cầu nhiệm vụ được giao; giải quyết công việc còn lúng túng, thiếu chủ động; cơ cấu cán bộ không đồng bộ, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu công việc. Cơ chế quản lí, sử dụng và chế độ chính sách còn nhiều bất hợp lí, chưa tạo được động lực khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu học tập, rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức.

Trước thực trạng trên, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần thực hiện có hiệu quả, đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là,tập trung quán triệt nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và cụ thể hoá các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cán bộ, công chức.

Quán triệt quan điểm Đại hội XI của Đảng về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức: “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân”(13). Đặc biệt là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo chuyển biến tích cực trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức trong bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở.Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định trong Luật cán bộ, công chức năm 2008.

Hai là, tuyển dụng cán bộ, công chức phải đúng quy trình, dân chủ, công khai.

Tập trung đổi mới chế độ thi tuyển cán bộ, công chức theo hướng “công khai, dân chủ, minh bạch” đáp ứng các tiêu chí của cán bộ, công chức trong tình hình mới, đảm bảo tuyển chọn đúng nhân tài phục vụ đất nước. Cần khắc phục tình trạng thi tuyển hình thức. Chú trọng lựa chọn cán bộ, công chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp đại học có phẩm chất đạo đức tốt, thực sự tâm huyết với sự nghiệp đổi mới đất nước và phải tạo điều kiện cho họ rèn luyện.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cán bộ, công chức theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, ưu tiên cho đào tạo chính quy, nhất là cấp cơ sở. Tập trung bồi dưỡng lý luận chính trị, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trình độ văn hoá, chuyên môn, kiến thức về khoa học lãnh đạo, quản lí; năng lực dự báo và định hướng sự phát triển, tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; khả năng tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; ý thức tham gia đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải luôn gắn sát với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra hiện nay và đảm bảo đúng quy trình, cơ cấu, số lượng.

Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ tương xứng với cán bộ, công chức.

Đây là giải pháp vừa khuyến khích, động viên cán bộ, công chức cống hiến tài năng cho Tổ quốc, vừa giúp họ có điều kiện chăm lo cho xây dựng và phát triển cuộc sống gia đình bền vững và thu hút được nhân tài vào đội ngũ cán bộ, công chức. Do vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất chính sách tiền lương theo hướng nâng cao mức sống của cán bộ, công chức; các chính sách khác bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, công chức vừa phát huy hiệu quả trong công tác, vừa nâng cao mức sống gia đình.

Năm là, nâng cao hiệu quả của việc thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, nhất là giám sát của nhân dân, của các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Để thực hiện tốt vấn đề này đòi hỏi cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức và hiện thực hoá trong thực tiễn. Cần bổ sung thêm trong quy chế cán bộ, công chức ở từng cấp: định kỳ hoặc đột xuất phải đối thoại trực tiếp với nhân dân; lấy phiếu tín nhiệm trực tiếp của nhân dân đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức ở cấp cơ sở. Chú ý với những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao, không được quần chúng tín nhiệm, vi phạm pháp luật, kỷ luật thì phải có quy định bãi miễn, xử lý nghiêm và công khai trước công luận.

 

 


(1), (2), (3), (4), (6), (7), (8), (9), (10), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, tr. 269, 273, 54, 252-253, 72, 72, 77, 284, 641, 252

(5) Sđd, tập 9, tr. 172

(11) Sđd, t. 8, tr. 141

(12) Sđd, t.7, tr. 245

                                                                           Trịnh Quốc Việt

                                                                        Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền