Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Chuẩn nghề nghiệp đối với giảng viên trường chính trị tỉnh
Thứ năm, 21 Tháng 8 2014 15:18
7965 Lượt xem

Chuẩn nghề nghiệp đối với giảng viên trường chính trị tỉnh

(LLCT) - Đội ngũ giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có những bước phát triển tích cực về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ này còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, việc nâng cao chất lượng về mọi mặt, đặc biệt là về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này là một đòi hỏi cấp thiết.

 

Trong những năm qua, đội ngũ giảng viên (ĐNGV) trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là trường chính trị tỉnh) đã có những bước phát triển tích cực về số lượng và chất lượng. Hiện nay, trong hệ thống các trường chính trị trên toàn quốc, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có 3.452 người, trong đó có 2.205 giảng viên (70,26%); 100% giảng viên có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có 49 tiến sỹ (2,17%), và 786 thạc sỹ (35,65%). Tỷ lệ giảng viên được đào tạo trình độ thạc sỹ tăng lên đáng kể như: Trường Chính trị Nghệ An, giảng viên có trình độ thạc sỹ là 26, đang theo học thạc sỹ là 3, trên tổng số 45 giảng viên, chiếm 66,4%; Trường Chính trị Kiên Giang có 20 thạc sỹ trên tổng số 45 giảng viên, chiếm 44,4%...

Tuy nhiên, qua điều tra về chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo ở hệ thống này nói chung, ĐNGV nói riêng còn nhiều hạn chế, bất cập. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục lý luận chính trị, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học và để giải quyết tốt hơn những vấn đề thực tiễn của địa phương, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa của mỗi địa phương nói riêng và sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung thì chất lượng ĐNGV trường chính trị tỉnh ngày càng phải được nâng cao hơn về mọi mặt, đặc biệt là về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

1. Những yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên trường chính trị tỉnh

Người giảng viên phải có những phẩm chất chính trị của người chiến sỹ cộng sản, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của Đảng; nhạy cảm và có khả năng phân tích khoa học đối với những hiện tượng, tình huống chính trị - xã hội mới nảy sinh để định hướng hành động đúng đắn, phù hợp, giải quyết tình huống phức tạp, tế nhị của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận hiện nay một cách có hiệu quả. Phẩm chất và bản lĩnh chính trị là cái gốc cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Đạo đức là nền tảng cho tài năng phát huy. Người giảng viên phải có đạo đức cách mạng trong sáng. Đó là lòng yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với những nhiệm vụ mà nghề nghiệp đặt ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Chiến lược “Trồng người” yêu cầu giáo dục - đào tạo phải quan tâm rèn luyện con người hài hoà cả hai mặt đạo đức và tài năng. Hai mặt ấy thống nhất với nhau, không tách rời, thúc đẩy, tạo điều kiện cho nhau, giúp con người hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Trong hai mặt ấy, “đức” giữ vị trí nền tảng, do đó, việc đào tạo con người đòi hỏi trước hết phải xây dựng đạo đức cách mạng bền vững, mà viên gạch đầu tiên sẽ được tạo móng từ việc gieo trồng tấm gương đạo đức của người thầy - một khâu trọng yếu trong “sự nghiệp trồng người”.

Người giảng viên trường chính trị cần trang bị cho mình nhiều hơn những kiến thức sư phạm thông thường. Ngoài nền tảng tri thức rộng về các ngành khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức chuyên môn vững, để có thể tổ chức, điều khiển, lãnh đạo, quản lý và định hướng hoạt động nhận thức của học viên, người giảng viên trường chính trị nhất thiết phải tự trau dồi một hành trang kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Kiến thức lý luận chính trị luôn mang tính tổng hợp, khái quát và trừu tượng, không thể dễ dàng công thức hóa như các ngành khoa học tự nhiên. Bởi vậy, nếu người giảng viên, trong quá trình dạy học, chọn giải pháp “an toàn”, truyền đạt “giống hệt sách”, “bác học hoá” những chân lý vốn rất giản dị thì người học sẽ cảm thấy căng thẳng, không hứng thú, hiệu quả tuyên truyền sẽ bị hạn chế. Chính vì thế, năng lực sư phạm của giảng viên trở thành yêu cầu đặc biệt quan trọng.

Không gắn lý luận với thực tiễn, lý luận không áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống thì lý luận dù có hay mấy cũng không có sức sống, cũng chỉ là lý luận suông. Suy tới cùng, gốc của lý luận chính là đời sống. Học thuyết Mác - Lênin vĩnh cửu là nhờ nó bắt rễ, hút nhụy từ hiện thực đời sống khách quan của nhân loại. Bởi vậy, người giảng viên chính trị phải là người dồi dào kiến thức và năng lực thực tiễn hơn ai hết. Đòi hỏi này cao hơn mọi môi trường đào tạo khác. Như trên đã nêu, đối tượng học viên của hệ thống đào tạo lý luận chính trị là những cán bộ, đảng viên đã trải qua công tác thực tiễn, giàu vốn sống và kinh nghiệm, thậm chí ở những lĩnh vực cụ thể còn có sự hiểu biết chuyên sâu hơn cả thầy dạy. Do đó, trong mỗi môn học, trong từng bài giảng phải thể hiện tính thực tiễn xã hội sinh động. Có như vậy người giáo viên lý luận chính trị mới hoàn thành nhiệm vụ của mình, như Bác Hồ từng căn dặn - cả người dạy và người học chủ nghĩa Mác - Lênin: Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế ở nước ta. Học để mà làm, lý luận đi đôi với thực tiễn.

Song song với việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực thực tiễn, thì việc rèn luyện khả năng nghiên cứu khoa học của ĐNGV cũng là nhiệm vụ cấp bách, cần tiến hành thường xuyên. Bởi vì, giảng dạy và nghiên cứu khoa học là những nhiệm vụ bổ trợ trực tiếp cho nhau.

2. Đề xuất bước đầu về chuẩn nghề nghiệp giảng viên trường chính trị tỉnh

Xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên trường chính trị tỉnh có ý nghĩa quyết định đến nhiều khâu tiếp theo của công tác phát triển ĐNGV như quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, đánh giá giảng viên…

Chuẩn nghề nghiệp giảng viên là cơ sở để xây dựng, đổi mới mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên trường chính trị ở các cơ sở đào tạo; làm căn cứ để giảng viên tự đánh giá, từ đó có kế hoạch học tập, rèn luyện phấn đấu để đạt chuẩn và vượt chuẩn; là cơ sở để các nhà trường đánh giá giảng viên hằng năm phục vụ công tác quy hoạch, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, đề xuất chế độ chính sách đối với giáo viên thông qua kết quả đánh giá.

Chuẩn nghề nghiệp giảng viên trường chính trị tỉnh là văn bản pháp quy cần phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và áp dụng trong cả nước. Đây là một vấn đề lớn và rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ở tầm quốc gia cần phải được nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng và huy động đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý tham gia.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ mong nêu lên vấn đề và muốn khẳng định vấn đề chuẩn nghề nghiệp giảng viên trường chính trị là một nội dung và công cụ rất quan trọng trong công tác phát triển ĐNGV, công tác giáo dục lý luận chính trị của các trường chính trị tỉnh và bước đầu đặt ra một số nội dung có tính chất tham khảo về chuẩn nghề nghiệp giảng viên trường chính trị tỉnh.

a. Căn cứ của việc xây dựng chuẩn

Để có thể xây dựng được bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp giảng viên trường chính trị, cần nghiên cứu kỹ lưỡng những căn cứ chủ yếu sau:

-Xác định các căn cứ pháp lý để xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên trường chính trị tỉnh, đảm bảo thực hiện đúng các nội dung quy định về giảng viên, tiêu chuẩn, trình độ giảng viên không trái với các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm một số văn bản cơ bản như:

Luật Viên chức, năm 2010; Luật Cán bộ, công chức, năm 2008; Luật Giáo dục, năm 2005; Luật Giáo dục đại học, năm 2012; Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5 -3 -2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức; Quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc của giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 268/QĐ-HVCTHCQG ngày 3-2-2010 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT ngày 6-6-2011 giữa Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Quán triệt các quyết định, nghị quyết của Đảng về công tác giáo dục lý luận chính trị, về trường chính trị, về đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị đảm bảo xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên trường chính trị trở thành bước cụ thể hóa các nội dung nghị quyết, quyết định, bao gồm:

Quy định 54-QĐ/BCT ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị khóa VIII về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.

Quyết định 184-QĐ/TW ngày 3-9-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa X về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

­­Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

- Tham khảo kinh nghiệm xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên cho hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam để đảm bảo có được khung tiêu chuẩn đầy đủ về giảng viên, trên cơ sở đó xây dựng các tiêu chuẩn đặc thù đối với giảng viên trường chính trị tỉnh.

- Từ thực tiễn ĐNGV và công tác phát triển giảng viên các trường chính trị để xây dựng các tiêu chí cụ thể sát thực, đáp ứng các yêu cầu về công tác phát triển giảng viên.

b. Bộ tiêu chuẩn được đề xuất:

Từ các căn cứ trên đây, đề xuất chuẩn nghề nghiệp giảng viên trường chính trị tỉnh gồm 5 tiêu chuẩn với 38 tiêu chí. Cụ thể như sau:

Mỗi tiêu chí cần được xây dựng các mức độ đạt được khác nhau có thể là 3 hoặc 4 mức, thậm chí 5 mức để khi đánh giá, có thể phân loại được các nhóm giảng viên theo các mức độ khác nhau, trên cơ sở đó có những giải pháp quản lý đúng và trúng. Ở mỗi trường chính trị, với đặc thù của mình, chuẩn nghề nghiệp giảng viên phải hướng đến xây dựng theo từng nhiệm vụ của giảng viên, theo chuyên ngành giảng dạy, đặc biệt là chuẩn giảng viên theo thâm niên công tác 5, 10, 15, 20...năm. Có nghĩa là người giảng viên phải đạt các mức chuẩn nhất định về chuyên môn, về ngoại ngữ, về công trình nghiên cứu, về công tác quản lý... theo thâm niên công tác, thâm niên càng cao thì mức chuẩn càng cao.

Ban hành và hướng dẫn sử dụng bộ tiêu chuẩn

Việc ban hành và hướng dẫn sử dụng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp giảng viên trường chính trị tỉnh thuộc về cơ quan có thẩm quyền. Với điều kiện thực tế về hệ thống tổ chức và phạm vi quản lý hiện nay, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp ĐNGV trường chính trị là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ. Các cơ quan này cần phối hợp tổ chức xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp giảng viên trường chính trị trên toàn quốc. Để từ đó mỗi trường chính trị tỉnh có cơ sở xây dựng, đề xuất những tiêu chuẩn đặc thù phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ở một tỷ lệ nhất định.

Như vậy, trước đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng ĐNGV trường chính trị tỉnh nhằm đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, của công cuộc đổi mới đất nước, việc xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên là rất cần thiết để từ đó giảng viên cũng như các cấp quản lý giảng viên có “đích” để hành động, có căn cứ để đánh giá, có cở sở để thực hiện các biện pháp phát triển ĐNGV.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2014

ThS Nguyễn Mạnh Hải

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền