Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên các cơ quan báo chí
Thứ ba, 14 Tháng 3 2023 14:32
1476 Lượt xem

Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên các cơ quan báo chí

(LLCT) - Báo chí là một lĩnh vực quan trọng, có sức ảnh hưởng to lớn đến tư tưởng, tinh thần và đạo đức của công chúng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí phải đi đầu, nêu gương trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của bản thân. Trên cơ sở làm rõ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuẩn mực đạo đức, bài viết đề xuất hệ thống chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên các cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay.

Phóng viên Báo Cà Mau không quản khó khăn trong tác nghiệp tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau - Ảnh: baocamau.com.vn

Đảng ta luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được ban hành, như: Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Hội nghị Trung ương 8 khóa XII ngày 25-10-2018 đã ban hành Quy định 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06-7-2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Từ năm 2016, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo đó, việc đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu luôn được chú trọng.

Báo chí là một lĩnh vực quan trọng, vì vậy, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí phải đi đầu, nêu gương trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của bản thân. Đảng và Nhà nước khẳng định: Người làm báo là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, họ phải tạo nên những thông tin có khả năng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, phải đối thoại với công chúng về những vấn đề kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa và đạo đức... Để thực hiện được những công việc đó, đòi hỏi người làm báo không chỉ có kiến thức sâu rộng, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ mà đòi hỏi phải có đạo đức tốt. Một nhà báo vì thiếu trách nhiệm đưa một thông tin không có thật hoặc bóp méo sự thật sẽ có tác hại đến hàng triệu người. Hiện nay, đạo đức nhà báo cũng đang trở thành vấn đề đáng báo động trước sự chuyển động hàng ngày của mặt trái cơ chế thị trường, của toàn cầu hóa, của sự bùng nổ các phương tiện truyền thông, nhất là truyền thông trên mạng xã hội.

Tính tới ngày 30-11-2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, trong đó có 114 báo in và điện tử, 116 tạp chí in và điện tử, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử; có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 05 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 278 kênh(1). Internet và báo mạng điện tử ở Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ, trở thành công cụ có nhiều ưu thế trong việc tiếp nhận, truyền tải nhanh, sinh động một dung lượng thông tin lớn, hấp dẫn, sống động phục vụ tuyên truyền đối nội, đối ngoại có hiệu quả. Cả nước có 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 189 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình(2).

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí cũng phát triển nhanh chóng về số lượng. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí đều hoạt động đúng định hướng chính trị, đúng pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Song, trước xu thế toàn cầu hóa, tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường cũng đã tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí nói riêng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí “đức không trong, tâm không sáng”, quên mất vị trí tiền phong, trách nhiệm khách quan, tôn trọng sự thật của mình, tự cho phép mình “bẻ cong ngòi bút”... Họ trở thành người cầm bút thiếu lương tâm, trách nhiệm, vào hùa với thế lực xấu, biến phải thành trái, gây hoang mang dư luận. Những bài viết không trung thực đã làm tấm bình phong che chắn cho hàng loạt những hành vi sai trái, tội lỗi.

Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Một số cơ quan báo chí hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; vẫn còn tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát ngôn, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây rối dư luận(3).

Nguyên nhân chủ quan, sâu xa của tình trạng trên là: “do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương thức giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và những hậu quả gây ra”(4).

Trước thực trạng đó, ngày 16-12-2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01-01-2017)(5), gồm: Một là, trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; hai là, nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác; ba là, hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc; bốn là, nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; năm là, chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác; sáu là, bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật; bảy là, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; tám là, tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại; chín là, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; mười là, những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

Đây là những tiêu chí phổ quát nhất, cơ bản nhất, tương ứng với nền tảng đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Cùng với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã nhấn mạnh vấn đề giữ vững tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí, kiên quyết không để chệch hướng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ khi tuyên truyền các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thông tin mọi mặt đời sống xã hội.

Trong 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến Điều 5: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Bởi lẽ, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển của truyền thông xã hội và phổ biến là mạng xã hội Facebook, hàng triệu người được tự do cập nhật, phát tán thông tin đa chiều, toàn diện. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động báo chí ở nhiều góc độ. Đối với góc độ nghề nghiệp, nhiều cán bộ, đảng viên các cơ quan báo chí bị chi phối bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian nên đã bỏ qua khâu quan trọng nhất là kiểm chứng độ xác thực của thông tin, gây hệ lụy tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Trước thực trạng đó, ngày 24-12-2018, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký Quyết định số 1131/QĐ-HNBVN ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2019 với phạm vi áp dụng là các cấp Hội Nhà báo Việt Nam. Đối tượng áp dụng là người làm báo Việt Nam, gồm: Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; người đã được cấp Thẻ Nhà báo; người chưa được cấp Thẻ Nhà báo đang làm việc tại các cơ quan báo chí; người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung(6).

Quy tắc này gồm 3 chương và 7 điều quy định một số nguyên tắc, chuẩn mực cụ thể, những điều/việc cần làm và không được làm; đồng thời, cũng xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí trong việc tổ chức quán triệt và thực hiện Quy tắc; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện; đưa vào tiêu chí để xếp loại thi đua hàng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Dựa trên những quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên của Đảng, học theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những quy định đạo đức nghề nghiệp; những chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội của Hội Nhà báo Việt Nam, có thể đề xuất xây dựng những chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, đảng viên của cơ quan báo chí như sau:

Một là, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân

 Người hoạt động báo chí là hoạt động chính trị - xã hội, nên nhiệm vụ của báo chí là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; nhà báo phải là chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận. Do đó, mỗi người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn người làm báo: ‘’phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản”(7), “tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,v.v) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”(8). “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”(9). Người làm báo phải có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói và viết theo định hướng của Đảng; gương mẫu đi đầu và kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, phản động, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Mỗi cán bộ, đảng viên là người làm báo cách mạng cần có ý thức về một lập trường chính trị cách mạng, là thái độ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, chủ động ngăn chặn mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa,..; kiên quyết chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Hai là, có tác phong dân chủ, quần chúng, thân thiện, sâu sát thực tiễn, cơ sở

Cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí phải biết cách lắng nghe: nghe xa, nghe gần, nghe nhiều người, nghe nhiều phía; phải biết cách hỏi: hỏi người bên cạnh, hỏi người xung quanh, hỏi nhân dân, hỏi cán bộ, hỏi nhiều chiều...; phải đến tận nơi để tận mắt trông thấy và phải đọc báo, xem sách trong và ngoài nước thường xuyên; phải tích cực ghi chép tất cả những gì mình nghe và thấy. Trong mọi hoạt động, công tác của mình, người cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí phải có tác phong dân chủ, gần gũi, thân thiện với mọi người, thường xuyên cập nhật những vấn đề mới từ thực tiễn, sâu sát cơ sở, lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân.

Ba là, mẫn cán, tận tâm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

Cán bộ đảng viên cơ quan báo chí phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; chủ động, sáng tạo, ra sức phấn đấu vì sự nghiệp phát triển của nền báo chí nước nhà; không lợi dụng nghề nghiệp để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; chống mọi biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các hình thức gây phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng, lãng phí, phô trương hình thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn nhà báo, trước khi viết cần trả lời câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?. Người luôn nhắc nhở: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?... Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết... Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận... Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần”(10). Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại, “Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu những chữ thừa, vô ích bỏ đi”(11). Do đó, người làm báo cách mạng cần tận tâm, mẫn cán với công việc, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ tích cực học hỏi đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bốn là, có trách nhiệm xã hội trong việc truyền phát thông tin

Trong mọi trường hợp, nhà báo chỉ đưa những thông tin phù hợp, không khẳng định hoặc đưa ra những thông tin không cụ thể, thiếu cơ sở và thiếu kiểm chứng, không đăng hoặc công bố bất kỳ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân, đất nước, xúc phạm đạo đức xã hội trên báo chí, mạng xã hội, hay các phương tiện truyền thông khác. Nhà báo chân chính phải chuyên nghiệp trong cách hành nghề, phải trung thực, khách quan và tôn trọng sự thật. “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết... Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”(12). “Không nên chỉ viết cái tốt và giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại... Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”(13).

Nhà báo trong mọi trường hợp phản ánh thông tin đều phải có động cơ trong sáng, khách quan; không vì mục đích vụ lợi cá nhân, ích kỷ. Người làm báo phải phản ánh đúng ý kiến của nhân dân; nói lên tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân đối với công cuộc xây dựng đất nước; người làm báo phải chống nạn tham ô, tham nhũng, buôn lậu, chống lại tội ác và các tệ nạn xã hội; chống lại những biểu hiện tha hóa, sa sút về phẩm chất, đạo đức và lối sống.

Hơn nữa, người làm báo phải đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật, ở sự nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống cách mạng của nhân dân ta. Người làm báo cách mạng không những phải làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của một chiến sĩ cách mạng mà phải gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.

Năm là, bảo vệ giá trị và tính liêm chính của nghề báo

Trong quá trình thực hiện công việc, trước tiên cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí phải đặt lên trên hết lợi ích của nhân dân, đất nước và danh dự của nghề báo. Chỉ chấp nhận những công việc phù hợp với đạo đức nghề nghiệp của mình và đấu tranh bảo vệ những giá trị cao cả của nghề báo. Cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí phải nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phải luôn tuân thủ pháp luật, có quyền từ chối các yêu cầu, nhiệm vụ, lợi ích trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức nghề nghiệp và mâu thuẫn với niềm tin của chính mình. Không thực hiện những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng đến sự tự tôn, độc lập, công bằng, tính liêm chính của nghề nghiệp và danh dự của nghề báo.

Nhà báo cách mạng cần có phẩm chất trung thực và cương trực, khiêm tốn và tận tụy, trách nhiệm với công việc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng. Không để lòng tham, những cám dỗ vật chất chi phối mà đánh mất phẩm giá, nhân cách, danh dự và lòng tự trọng của nhà báo chân chính. Không vượt qua được những điều đó, chẳng những không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao mà trái lại sẽ bạc nhược, nhụt chí, đồng lõa với cái xấu, cái ác, làm hoen ố danh dự nhà báo và báo chí cách mạng, không còn là tiếng nói trung thực, dũng cảm bảo vệ sự thật, công lý và nhân dân mà tự mình tha hóa, chống lại nhân dân với những động cơ và hành vi tội lỗi.

Sáu là, cầu thị, sáng tạo, học tập suốt đời

Hoạt động báo chí đòi hỏi phải có tầm cao trí tuệ, có hiểu biết sâu, rộng, kinh nghiệm cuộc sống phong phú và nhiều kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, để xứng đáng là “người tiên phong trên mặt trận báo chí”, cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí phải luôn cố gắng học hỏi để tiến bộ. Ngày 21-7-1956, nói chuyện tại lớp Nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam (tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay), Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(14). Nhà báo là người tuyên truyền, giáo dục tập thể, nên cũng cần thường xuyên được giáo dục, trong đó giáo dục đạo đức là gốc rễ, nền tảng. C.Mác cho rằng “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”(15). Do đó, ngoài việc trau dồi đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ thì mỗi nhà báo cách mạng cần không ngừng học tập nâng cao kiến thức bản thân.

Bảy là, tôn trọng bản quyền, không đạo văn

Đạo văn dù là cố ý hay vô tình đều được xem là hành vi thiếu trung thực về mặt học thuật và vi phạm về mặt đạo đức, pháp luật. Đạo văn (bao gồm cả việc sử dụng từ ngữ hay ý tưởng của người khác mà không thừa nhận và không được sự đồng ý của tác giả) là một hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề báo. Cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí cần tôn trọng và kiên trì bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, không ăn cắp, chiếm đoạt thông tin, ý tưởng, tác phẩm của người khác. Khi sử dụng nội dung hoặc đoạn trích, nhà báo phải trích nguồn rõ ràng.

Tám là, đoàn kết, tôn trọng, lắng nghe đồng nghiệp

Đoàn kết, tôn trọng và lắng nghe giữa cán bộ, đảng viên, đồng nghiệp các cơ quan báo chí sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện chuẩn mực nghề nghiệp và hình ảnh chung của nhà báo. Cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí có nghĩa vụ tôn trọng cá tính của đồng nghiệp, hợp tác với đồng nghiệp, tránh mọi hành động xung đột, tố cáo không trong sáng hoặc đưa ra những cáo buộc vô căn cứ với đồng nghiệp. Mối quan hệ giữa các đồng nghiệp là bình đẳng, không chấp nhận những hành vi lợi dụng đồng nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, chiếm đoạt tác phẩm hoặc ý tưởng của người khác; không được tranh giành vị trí của đồng nghiệp hoặc làm hại đồng nghiệp bằng các thủ đoạn cạnh tranh không trong sáng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”(16). Người chỉ rõ: “Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của nhà báo”. Một nền báo chí phát triển lành mạnh, trung thực, có uy tín, nhận được sự tin cậy của công chúng, nhân dân luôn là mục tiêu hướng tới của những người làm báo, của các cơ quan báo chí.

Bên cạnh việc lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí đề cao trách nhiệm trong tổ chức, quản lý để bảo đảm cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và chịu trách nhiệm trước mọi hoạt động của mình, thì mỗi người làm báo cũng cần tự giác xác định rõ việc thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Bởi lẽ, không một quy định pháp luật hay chuẩn mực đạo đức nào có thể điều chỉnh hết tất cả mọi hành vi trong xã hội. Hiệu quả của công việc và uy tín, danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí luôn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa trình độ, năng lực, đạo đức và sự đam mê nghề nghiệp của người làm báo. Việc luôn tự rèn luyện, tu dưỡng là đặc biệt quan trọng, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên cơ quan báo chí có đủ bản lĩnh, tự tin vượt qua mọi thử thách, cám dỗ của đời sống xã hội, giữ vững đạo đức nghề nghiệp và bảo vệ uy tín, danh dự của nghề báo, hoàn thành xuất sắc trọng trách của người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 539 (tháng 01-2023)

Ngày nhận bài: 27-12-2022; Ngày bình duyệt: 14-01-2023; Ngày duyệt đăng: 27-01-2023.

 

(1) [Infographics] Số liệu về các cơ quan báo chí Việt Nam năm 2021.

(2) Trong đó có 143 trang TTĐT của cơ quan báo chí in, 146 trang TTĐT của Đài PTTH; cấp phép mới 11 trang thông tin điện tử so với năm 2017.

(3) Báo chí thể hiện vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, tạo đồng thuận, Quỳnh Hoa-Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+).

(4) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.24-25.

(5) http://nguoilambao.vn/chinh-thuc-thong-qua-10-dieu-quy-dinh-dao-duc-nghe-nghiep-nguoi-lam-bao-n4292.html

(6) Báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị Báo chí Toàn quốc năm 2018.

(7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.167, 166.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.463.

(10), (11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.346, 342, 342.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.206.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.377.

(15) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, 1995, Bản điện tử: http://www.cpv.org.vn.

(16) Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, Tạ Ngọc Tấn biên soạn, Cục xuất bản, Hà Nội, 1995, tr.23.

PGS, TS MAI ĐỨC NGỌC

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền