Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Nghiên cứu đề xuất nội dung chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ hai, 13 Tháng 2 2023 11:01
2173 Lượt xem

Nghiên cứu đề xuất nội dung chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý là căn cứ để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng, thẩm định, ban hành, thực hiện, đánh giá và cải tiến các chương trình bồi dưỡng. Hiện nay, vấn đề chuẩn hóa các chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01-2-2013 của Bộ Chính trị và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01-9-2017 vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bài viết đề xuất một số nội dung của chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng các yêu cầu về mục tiêu, chương trình, nội dung, thời gian, phương pháp giảng dạy và đánh giá...

Đào tạo, bồi dưỡng là khâu quan trọng trong công tác cán bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đảng và Nhà nước luôn có những chỉ đạo phù hợp đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát triển năng lực sáng tạo, tư duy chiến lược và khả năng xử lý các tình huống lãnh đạo quản lý, thích ứng với những thay đổi trong môi trường hội nhập quốc tế(1).

Trong quá trình phát triển, Học viện đã xây dựng và phát triển nhiều chương trình bồi dưỡng cán bộ, trong đó chủ đạo là các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị bậc trung và cao cấp, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo chức danh; ngoài ra, còn có các chương trình đào tạo đại học và sau đại học một số ngành Học viện có thế mạnh.

1. Khái niệm và nguyên tắc xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý

Về khái niệm chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý

Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22-6-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo(2) xác định, chuẩn chương trình đào tạo của một trình độ giáo dục đại học là những yêu cầu chung, tối thiểu đối với tất cả chương trình đào tạo của các ngành (các nhóm ngành, lĩnh vực) ở trình độ đó; bao gồm yêu cầu về mục tiêu, chuẩn đầu ra (hay yêu cầu đầu ra), chuẩn đầu vào (hay yêu cầu đầu vào), khối lượng học tập tối thiểu, cấu trúc và nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập, các điều kiện thực hiện chương trình nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo. Chuẩn chương trình đào tạo là căn cứ giúp cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định, ban hành, thực hiện, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Học viện xây dựng, thực hiện và cải tiến chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đều phải xuất phát từ các yêu cầu chung, tối thiểu, từng bước xây dựng và chuẩn hóa các chương trình.

Theo đó, chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện chính là những yêu cầu chung, tối thiểu về các nội dung: (1) mục tiêu, (2) chuẩn đầu vào; (3) chuẩn đầu ra; (4) khối lượng kiến thức tối thiểu; (5) cấu trúc và nội dung; (6) phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập; (7) các điều kiện thực hiện chương trình.

Trên cơ sở những yêu cầu chung, tối thiểu về các nội dung chuẩn chương trình bồi dưỡng, Học viện có thể thiết kế tổng thể hệ thống chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, gồm: (i) chuẩn chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho các đối tượng theo quy định số 164-QĐ/TW; (ii) chuẩn chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho các đối tượng theo Nghị định 89/NĐ-CP; (iii) chuẩn chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị theo đặc thù ngành nghề; (iv) chuẩn chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ công tác đảng; (v) chuẩn chương trình bồi dưỡng dành cho cán bộ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Bài viết bước đầu đề xuất nội dung chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2026 theo Quy định số 164-QĐ/TW và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.

Nguyên tắc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021-2026

Trước hết, xây dựng chuẩn chương trình phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của Học viện, được quy định tại Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 08-8-2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thứ hai, xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết, quy định, của Đảng và Nhà nước về bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện hành.

Thứ ba, xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm giữ vững và tăng cường bản chất trường Đảng. Đồng thời, phải bảo đảm nguyên tắc khách quan và tính đảng, nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong suốt quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thứ tư, các chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được xây dựng một cách chi tiết và cụ thể, nhất là việc quy định các tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng, thái độ, phẩm chất đạo đức mà người học cần đạt được trong mục tiêu của mỗi chương trình bồi dưỡng. Đồng thời, các chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý được xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2026 cần thể hiện được tính mới, trên cơ sở cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cũng như những thành tựu mới trong công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, đặc biệt là các nội dung cốt lõi trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Thứ năm, cần xác định rõ chuẩn đầu ra cụ thể cho từng chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng, có sự kế thừa, liên thông để bổ trợ nhau nhằm đạt được mục tiêu chung của chương trình bồi dưỡng. Bên cạnh đó, cần rà soát nội dung từng chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý để tránh sự trùng lặp.

Thứ sáu, thực hiện đúng quy trình xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, trên cơ sở tham khảo quy trình của Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22-6-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong mỗi bước của quy trình, cần xem xét, bổ sung các nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn và bảo đảm đúng các nguyên tắc.

2. Đề xuất nội dung chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo Quy định số 164-QĐ/TW

- Về đối tượng tham gia (chuẩn đầu vào). Theo Quy định số 164-QĐ/TW, đối tượng áp dụng chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, được phân thành bốn nhóm(3). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có nhiệm vụ xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc đối tượng 2, 3, 4; trực tiếp tổ chức thực hiện các khóa bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc đối tượng 2 và 3. Đồng thời, Học viện bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng có đủ năng lực và trình độ chuyên môn tham gia công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đối tượng cán bộ theo phân cấp.

- Về mục tiêu chương trình bồi dưỡng. Quy định số 164-QĐ/TW xác định rõ mục tiêu của chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chức danh đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức mới và kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Nội dung chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gồm: (i) những thành tựu mới trong nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các vấn đề lý luận chính trị; (ii) những vấn đề mới trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; (iii) những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; (iv) tình hình thế giới đương đại và những tác động tới Việt Nam; (v) những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với công tác lãnh đạo, quản lý; (vi) những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mới về khoa học lãnh đạo, quản lý…

Theo đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng theo chức danh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, ngoài việc cập nhật kiến thức mới và kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu của từng đối tượng, cần chú ý giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra gắn với từng lĩnh vực, địa phương, vùng miền và phù hợp với từng thời điểm. Đặc biệt, cần cập nhật tình hình thế giới và những tác động tới Việt Nam, cũng như những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với công tác lãnh đạo, quản lý và những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mới về khoa học lãnh đạo, quản lý.

- Về hình thức tổ chức thực hiện, theo quy định, thời gian tổ chức thực hiện bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chức danh đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là từ 05 đến 07 ngày/năm. Việc tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ. Đồng thời, phải bảo đảm sự phân công, phân cấp và phối hợp trong tổ chức, quản lý công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

3. Đề xuất nội dung chuẩn chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo Nghị định số 89/2021/NĐ-CP

- Về mục tiêu chuơng trình: Nghị định số 89/2021/NĐ-CP xác định mục tiêu là trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước.

- Về nội dung bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức: quy định tại Điều 16 của Nghị định 101/2017/NĐ-CP, được sửa đổi tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP. Trong đó, nội dung về “lý luận chính trị” đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý bao gồm chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức.

Yêu cầu về nội dung chương trình quy định tại Điều 20 của Nghị định 101/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 89/2021/NĐ-CP. Theo đó, “nội dung chương trình, tài liệu phải bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành; tích hợp, lồng ghép các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng; không được trùng lặp. Chương trình, tài liệu phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật, nâng cao phù hợp với tình hình thực tế”.

- Về thời gian bồi dưỡng: quy định tại Điều 17 của Nghị định 101/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 89/2021/NĐ-CP về Chương trình, tài liệu bồi dưỡng. Theo đó, quy định thời gian thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; thời gian bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo vị trí việc làm. Đây là căn cứ để Học viện đối chiếu, xác định thời gian các chương trình bồi dưỡng.

- Về phương pháp bồi dưỡng: quy định tại Điều 28, Nghị định 101/2017-NĐ/CP, được giữ nguyên tại Nghị định 89/2021-NĐ/CP, trong đó nêu rõ, phương pháp bồi dưỡng là “bồi dưỡng bằng phương pháp tích cực, phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của người học, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên, giữa các học viên.

- Về hình thức bồi dưỡng: được quy định tại Điều 29, Nghị định 101/2017-NĐ/CP (và được giữ nguyên tại Nghị định 89/2021-NĐ/CP) quy định ba loại hình tổ chức bồi dưỡng là tập trung, bán tập trung và từ xa.

- Về tiêu chuẩn giảng viên: được nêu tại Điều 34, Nghị định 101/2017-NĐ/CP, trong đó quy định: (i) trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; (ii) có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức lối sống lành mạnh; (iii) đạt chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn theo quy định; (iv) có trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; (v) đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; (vi) lý lịch bản thân rõ ràng, đáp ứng yêu cầu về chính trị.

- Về thẩm định phê duyệt chương trình, tài liệu bồi dưỡng: Điều 21 của Nghị định 101/2017-NĐ/CP được sửa đổi tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP quy định rõ “Các loại chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý phải được thẩm định trước khi ban hành”, và “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; các cơ quan, đơn vị tổ chức thẩm định hoặc phê duyệt tài liệu bồi dưỡng được giao biên soạn”.

- Về chứng chỉ chương trình bồi dưỡng: quy định tại Điều 26, Nghị định 101/2017-NĐ/CP, sửa đổi tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP. Trong đó nêu rõ, “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu cấp chứng chỉ các chương hình bồi dưỡng được giao thực hiện”.

Như vậy, các quy định về mục tiêu, nội dung, hình thức, tiêu chuẩn giảng viên, phương pháp bồi dưỡng, xây dựng thẩm định chương trình, sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng... được quy định trong văn bản này sẽ là những căn cứ pháp lý để Học viện dựa vào khi xây dựng chuẩn chương trình bồi dưỡng theo chức danh đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Việc xây dựng chuẩn các chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý là cơ sở khoa học cho Học viện triển khai thống nhất các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, bảo đảm chất lượng bồi dưỡng. Những quy định về nội dung chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Quy định 164-QĐ/TW và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sẽ là những căn cứ quan trọng khi xây dựng, thực hiện và đánh giá chương trình bồi dưỡng theo chức danh đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 538 (tháng 12-2022)

Ngày nhận bài: 12-11-2022; Ngày bình duyệt: 10-12-2022; Ngày duyệt đăng: 19-12-2022.

 

(1) Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01-02-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18-10-2021 của Thủ tướng chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01-9-2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức…

(2) Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22-6-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

(3) Đối tượng 1: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đối tượng 2: Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (ngoài đối tượng 1); Đối tượng 3: Cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và tương đương quản lý; Đối tượng 4: Cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Khánh Đức: Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2014.

2. Bùi Minh Hiền: Quản lý và lãnh đạo nhà trường, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2015.

3. Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26-5- 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

4. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01-9-2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

5. Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18-10- 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01-9-1017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

6. Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01-02-2013 của Bộ Chính trị quy định về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

7. Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29-12-2017 của Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

8. Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22-6-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

9. Bùi Đức Thiệp: Chương trình và phương pháp luận phát triển chương trình, Tạp chí Khoa học giáo dục, số 4, tháng 1-2006.

10. Nguyễn Đức Chính (Chủ biên): Phát triển chương trình giáo dục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2017.

TS ĐẬU TUẤN NAM

ThS NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền