Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Viện Triết học - 65 năm xây dựng và phát triển
Thứ hai, 19 Tháng 9 2022 15:44
3555 Lượt xem

Viện Triết học - 65 năm xây dựng và phát triển

(LLCT) - Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khởi đầu là Tổ Triết học được thành lập tháng 9 năm 1957, với chức năng, nhiệm vụ làm trợ lý cho các chuyên gia và phụ đạo học viên tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Năm 1960, Khoa Triết học được thành lập với chức năng trực tiếp giảng dạy triết học Mác - Lênin cho các lớp hệ lý luận trung, cao cấp của trường. Năm 1964, Khoa đã bắt đầu mở các lớp nghiên cứu sinh. Năm 1990, bắt đầu mở các lớp đào tạo thạc sĩ triết học. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Viện Triết học đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học.

 

Hiện nay, Viện Triết học có chức năng giảng dạy triết học Mác - Lênin và các chuyên ngành triết học trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; nghiên cứu các vấn đề triết học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần vào việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhiệm vụ chủ yếu của Viện Triết học là tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý trung, cao cấp cho hệ thống chính trị; cán bộ khoa học, nghiên cứu các vấn đề về triết học Mác - Lênin và triết học nói chung nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên ngành triết học, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định, xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tích cực vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Tiến hành nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện và phát triển lý luận liên quan đến triết học; nghiên cứu xây dựng chương trình, nội dung, tổ chức biên soạn, chỉnh lý các giáo trình, tài liệu học tập và tài liệu tham khảo về triết học; tham mưu cho Giám đốc Học viện về chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học về triết học; hướng dẫn về nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu triết học cho đội ngũ giảng viên của Học viện, các trường chính trị, trường bồi dưỡng cán bộ các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; hợp tác với các tổ chức trong nước, nước ngoài trên lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu về triết học theo quy định của pháp luật và của Học viện.

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Viện Triết học đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Những thành tích đó được thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:

1. Công tác, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội

Viện Triết học đã tham gia giảng dạy ở tất cả các hệ lớp và được đánh giá là một trong những viện có chất lượng giảng dạy hàng đầu của Học viện. 

65 năm qua, Viện đã tham gia giảng dạy hàng trăm lớp cao cấp, cao học, các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Học viện và các cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức. Qua đó đã đào tạo hàng vạn lượt học viên.

Chỉ tính trong 5 năm gần đây (2015-2020), Viện đã tham gia giảng dạy 20 lớp đào tạo đại học chuyên ngành, 200 lớp cao cấp lý luận chính trị không tập trung; trên 60 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung. Viện tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức ngắn hạn trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm của Học viện. Nổi bật là các lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; lớp đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức triết học Mác - Lênin cho cán bộ giảng dạy trong hệ thống Học viện; các lớp tập huấn chương trình, giáo trình các hệ lớp (trung cấp, đại học, cao cấp) cho cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Học viện, các trường chính trị, trường bộ ngành. Cán bộ của Viện tham gia biên soạn và trực tiếp giảng dạy cho các lớp nguồn Trung ương khóa XII, XIII và lớp cán bộ nguồn các địa phương trên cả nước, các lớp nguồn của Đảng và Nhà nước Lào.

Viện đã đào tạo, hướng dẫn bảo vệ thành công gần 30 tiến sĩ, trên 40 học viên cao học chuyên ngành. Viện tham gia hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận triết học Mác - Lênin, đào tạo cao học, nghiên cứu sinh ở nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước. Viện hoàn thành xuất sắc công tác đào tạo học viên quốc tế cho nước bạn Lào, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Lào và Việt Nam. 

Qua thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Viện Triết học đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó hình thành nhân sinh quan cách mạng, củng cố niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân đã lựa chọn, xây dựng tình cảm cách mạng trong sáng, hành động một cách tự giác, sáng tạo trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ CNXH ở Việt Nam.   Thông qua việc giảng dạy, cán bộ của Viện đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước. Nội dung mà Viện đảm nhiệm giảng dạy đã phản ánh đúng bản chất khoa học và cách mạng, tính chất nhân văn, nhân đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin; phân tích sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng ta trong việc xây dựng đường lối, chính sách, hình thành nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó, đã góp phần bồi dưỡng lập trường, tư tưởng, ý thức hệ, thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng cho

đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học; hình thành tư duy lý luận chính trị cho những người xây dựng và hoạch định chính sách, cũng như những nhà nghiên cứu khoa học lý luận nói chung; góp phần định hướng nhận thức chính trị đúng đắn, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng.

Qua thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Viện Triết học đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó hình thành nhân sinh quan cách mạng, củng cố niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân đã lựa chọn, xây dựng tình cảm cách mạng trong sáng, hành động một cách tự giác, sáng tạo trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ CNXH ở Việt Nam.

Thông qua công tác nghiên cứu, giảng dạy, cán bộ, giảng viên Viện Triết học đã góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm lệch lạc, tiêu cực, sai trái trong nhận thức về các vấn đề chính trị; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng của học viên, góp phần tạo nên sự vững vàng về lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, là tiền đề tạo ra bước chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, sự ổn định chính trị trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là thời kỳ đổi mới đất nước. 

Viện Triết học thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới nội dung, chương trình học của Học viện. Viện đã hoàn thành tốt việc biên soạn, cập nhật, bổ sung giáo trình triết học các hệ trung cấp lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị theo tinh thần Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng. Trong toàn bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị, giáo trình cao cấp lý luận chính trị là chương trình trọng điểm. Chương trình nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của hệ thống chính trị có kiến thức nền tảng về lý luận chính trị và quan điểm, đường lối của Đảng, làm cơ sở cho việc củng cố nền tảng tư tưởng, nâng cao tầm nhìn và năng lực tư duy chiến lược, năng lực chuyên môn, hoàn thiện phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tu dưỡng, rèn luyện nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Trong đó, những vấn đề lý luận từ Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và thực tiễn cuộc sống được phân tích dưới góc độ của tư duy triết học để luận giải về xu thế tất yếu của lịch sử nhân loại và tính tất yếu của sự lựa chọn con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Các giáo trình triết học do Viện biên soạn được nhiều cơ sở đào tạo sử dụng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

2. Công tác nghiên cứu khoa học

65 năm qua, Viện đã chủ nhiệm, tham gia hàng trăm đề tài, nhiệm vụ khoa học các cấp, qua đó góp phần nghiên cứu sâu sắc, khẳng định giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, đề xuất kiến nghị với Trung ương, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Chỉ tính giai đoạn 5 năm (2015-2020), Viện đã hoàn thành 01 đề tài cấp Nhà nước, 02 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 07 đề tài khoa học cấp Bộ, 02 đề tài hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước và 30 đề tài khoa học cấp cơ sở và tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm khoa học... Các đề tài luôn được thực hiện đúng tiến độ và được đánh giá cao. Một số đề tài có giá trị kiến nghị khoa học - thực tiễn đối với các cấp như: Nghiên cứu tổng kết học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin và đề xuất, bổ sung, phát triển vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới; Giải pháp đột phá phát huy nhân tố con người Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước hiện nay; Tổng kết sự phát triển lý luận của Đảng qua các kỳ Đại hội thời kỳ đổi mới; Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh mới…

Năm 2020, Viện Triết học xây dựng 02 báo cáo góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Năm 2022, Viện xây dựng 01 báo cáo kiến nghị gửi Trung ương về Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh mới.

Trong 5 năm gần đây, Viện Triết học thực hiện các nhiệm vụ khoa học phân cấp với chất lượng tốt. Đã có 20 đề tài cấp cơ sở, 10 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học. Các hội thảo khoa học đã thu hút sự tham gia của đông đảo đội ngũ cán bộ trong và ngoài Học viện, giúp củng cố và mở rộng hợp tác với các cơ quan ngoài Học viện trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng. Hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu và giảng dạy.

Các đề tài, hội thảo đều có giá trị góp phần vào việc nhận thức sâu sắc hơn cũng như bổ sung, phát triển những nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, làm sâu sắc thêm nhiều vấn đề lý luận, cung cấp những luận cứ quan trọng đối với việc xây dựng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều nội dung quan trọng, từng bước làm phong phú hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua nghiên cứu, rút ra nhiều vấn đề lý luận quan trọng trong điều kiện mới, như: lý luận về vai trò của đảng cầm quyền; vấn đề sở hữu của nhà nước XHCN; về chuyên chính vô sản; lý luận về thời kỳ quá độ; lý luận về nhà nước pháp quyền XHCN; lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp ở những nước chưa trải qua chế độ TBCN…

Những nghiên cứu lý luận của Viện Triết học đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở xây dựng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước. 

Trong 5 năm qua, Viện đã xuất bản được gần 20 cuốn sách (của tập thể và cá nhân, nhóm tác giả, gồm sách giáo trình và sách chuyên khảo). Năm 2020, 2021, Viện biên soạn 2 cuốn sách Thường thức về triết học phục vụ nhu cầu tìm hiểu, học tập của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong cả nước. Cán bộ của Viện đã có trên 200 bài đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước, và đã có bài đăng tạp chí ở nước ngoài.  

Đặc biệt, từ năm 2018, Viện Triết học tập trung quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Thông qua việc giảng dạy, nghiên cứu triết học Mác - Lênin, Viện Triết học đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài cấp bộ, cấp cơ sở, viết hàng trăm bài đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Viện đã trực tiếp góp phần khẳng định tính khoa học và cách mạng, tính chất nhân văn, nhân đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu, phổ biến, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, trực tiếp đấu tranh không khoan nhượng với các khuynh hướng, trào lưu tư tưởng có âm mưu phá hoại, phủ nhận, xuyên tạc nền tảng tư tưởng và quan điểm, đường lối của Đảng, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch với chủ nghĩa Mác - Lênin, với CNXH ở Việt Nam, phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội, nhất là các luận điệu khoét sâu vào sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhiều nghiên cứu, bài viết của Viện đã nêu ra phương pháp nhận diện chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại để bảo vệ được tổ chức đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình cách mạng mới. 

Một số công trình, bài viết của cán bộ, giảng viên đấu tranh trực diện chống tình trạng tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, đấu tranh chống thủ đoạn của những người mượn danh đảng viên “trung thành” viết và phát tán trên mạng internet những quan điểm sai trái, phê phán, thậm chí xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; cho rằng Việt Nam vẫn giữ nguyên “thể chế độc đảng toàn trị” kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc; “kiến nghị” thay đổi Cương lĩnh của Đảng, từ bỏ đường lối xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, chuyển đổi “thể chế chính trị” từ toàn trị sang dân chủ, đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng… 

Trong năm qua, cán bộ, giảng viên Viện Triết học đã tích cực tham gia công tác nghiên cứu, tuyên truyền về bài viết và cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó lan tỏa những quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, góp phần quan trọng trong đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền sai trái của các thế lực thù địch. Đồng chí Viện trưởng đã giới thiệu nội dung bài viết cho toàn bộ cấp ủy cơ sở của 63 Đảng bộ thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, cho Hội Nhà văn Việt Nam, cho 700 học viện hệ cao cấp lý luận tập trung tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và địa phương trên cả nước.

Cán bộ, giảng viên tích cực tham gia cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, theo tinh thần Nghị quyết 35. Năm 2021, có 01 bài đạt Giải Khuyến khích của cuộc thi do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Năm 2022, có 01 đồng chí đạt Giải Ba cuộc thi do Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân tổ chức.

Việc tham gia các cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức về các vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao tính đảng, nhận thức chính trị của mỗi cán bộ, giảng viên và khẳng định sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin và tính đúng đắn trong các quan điểm, đường lối của Đảng.

Nhiều cán bộ, giảng viên của Viện đã tham gia trả lời phỏng vấn trong nhiều chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Nhân dân về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chẳng hạn, talkshow trên truyền hình nhân dân “Sáng rõ niềm tin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, ngày 27-6-2021; Chương trình Đối diện trên truyền hình Việt Nam: “Phản bác thông tin xuyên tạc về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, ngày 29-6-2021.

Với những thành tích xuất sắc trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, tập thể Chi bộ và Viện Triết học đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng của Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2020, tập thể Viện được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vì thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Năm 2021, tập thể Viện được nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện vì thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2020, có 03 cá nhân được nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện về thành tích xuất sắc trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Năm 2021, 01 cá nhân được Giám đốc Học viện tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; 01 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các cá nhân trong Viện còn đạt nhiều danh hiệu thi đua trong nghiên cứu, giảng dạy…

3. Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học

Trong 65 năm qua, Viện đã đào tạo được đội ngũ giảng viên có chất lượng cao, cung cấp cán bộ lãnh đạo chủ chốt và giảng viên cho Học viện và các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Cán bộ Viện Triết học trong mọi giai đoạn lịch sử đều là những cán bộ được lựa chọn, được đào tạo rèn luyện có hệ thống. Nhiều đồng chí đã trưởng thành, giữ nhiều trọng trách: 01 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; 01 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; 03 đồng chí là Phó Giám đốc Học viện và tương đương; 17 đồng chí là cấp vụ trưởng; 02 đồng chí là ủy viên thường vụ thành ủy, tỉnh ủy; 01 đồng chí là tỉnh ủy viên; 16 giáo sư.

Trong số các cán bộ đã từng công tác tại Viện Triết, có 01 đồng chí được tặng Huân chương Hồ Chí Minh; 01 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 02 đồng chí được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân; 04 đồng chí được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 01 đồng chí được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; 03 đồng chí được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 03 đồng chí được tặng Bằng khen của Chính phủ; nhiều đồng chí được tặng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục.

Tất cả điều đó phản ánh sinh động sự đóng góp và truyền thống tốt đẹp của Viện Triết học từ trước tới nay. Đồng thời, cũng chứng tỏ các cán bộ của Viện Triết học ở bất cứ cơ quan, cương vị công tác nào cũng là những cán bộ có tâm huyết, có lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, được tín nhiệm.  

4. Phong trào thi đua

65 năm qua, Viện Triết học đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý vì những thành tích xuất sắc đã đạt được. Đặc biệt, năm 2009, Viện được đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Học viện với những đóng góp của Viện.

Trong 5 năm 2017-2022, Viện Triết học luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền được công nhận là Đơn vị Lao động xuất sắc, chi bộ, tổ công đoàn, nữ công vững mạnh. Viện tham gia đầy đủ các phong trào thi đua do Học viện và cấp trên phát động, như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Thi đua dạy tốt, nghiên cứu khoa học tốt”; phong trào Phụ nữ “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, thi đua lập thành tích chào mừng ngày những ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của Đảng, của đất nước. Các phong trào thi đua yêu nước của Viện Triết học luôn được đổi mới theo hướng thiết thực, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, viên chức trong toàn đơn vị hăng hái thi đua phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiện vụ được Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện giao. Với những thành tích đạt được, từ phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, Viện Triết học đã có 10 Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 01 Chiến sĩ thi đua cấp Bộ.

Phát huy truyền thống tốt đẹp, trong những năm tới, Viện Triết học tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác, tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học; mở rộng nghiên cứu và giảng dạy triết học ứng dụng để nâng cao vai trò của triết học với đời sống xã hội. Viện xây dựng đề án nâng cấp Bản tin Triết học và đời sống thành Tạp chí Triết học và đời sống, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy triết học. Đồng thời, Viện chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng chuyên môn tốt với tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

PGS, TS ĐẶNG QUANG ĐỊNH

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền