Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ góp phần xây dựng quân đội vững mạnh, toàn diện
Thứ bảy, 14 Tháng 5 2022 07:24
6821 Lượt xem

Nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ góp phần xây dựng quân đội vững mạnh, toàn diện

(LLCT) - Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua”(1) và “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy, kỷ luật phải nghiêm minh”(2). Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới, việc giáo dục nâng cao ý thức kỷ luật trong Quân đội là nhiệm vụ thường xuyên. Trong đó, hạ sĩ quan, binh sĩ là lực lượng đông đảo, chủ yếu trong tổ chức biên chế ở các đơn vị cơ sở của Quân đội, là những người trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng đơn vị và là nguồn nhân lực chủ yếu trong sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ là sự phản ánh thực tiễn kỷ luật quân sự ở Quân đội - Ảnh: qdnd.vn

Nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội hiện nay là hoạt động mang tính chủ động, tự giác của chủ thể và các lực lượng tác động vào các yếu tố cấu thành, nhằm làm cho ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ không ngừng được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu giáo dục, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách người quân nhân, sống và việc theo Hiến pháp, pháp luật, kỷ luật quân đội và quy định của đơn vị, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.

Ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội hiện nay là sự phản ánh thực tiễn kỷ luật quân sự ở quân đội, được biểu hiện ở nhận thức, tình cảm, niềm tin và ý chí của hạ sĩ quan, binh sĩ đối với Hiến pháp, pháp luật, điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của Quân đội, chỉ thị, mệnh lệnh của của cấp trên, của người chỉ huy, điều lệ của các tổ chức trong Quân khu và được chuyển hóa thành hành vi chấp hành kỷ luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và cuộc sống. Trước yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, tất yếu đòi hỏi phải nâng cao chất lượng tổng hợp của mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ, trong đó có ý thức chấp hành kỷ luật của họ.

Nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ không chỉ là kết quả tác động của chủ thể tác động, mà còn là một quá trình “tự thân” nâng cao ý thức kỷ luật của chính bản thân hạ sĩ quan, binh sĩ. Sự nỗ lực tích cực, tự giác, năng động, sáng tạo của hạ sĩ quan, binh sĩ trong quá trình tự giáo dục, rèn luyện, công tác và trong cuộc sống đời thường là nhân tố giữ vai trò quyết định kết quả nâng cao ý thức kỷ luật của của họ. 

Trên cơ sở định hướng, hướng dẫn của các chủ thể tác động, hạ sĩ quan, binh sĩ tổ chức các hoạt động một cách tích cực, chủ động, sáng tạo nhằm đạt kết quả cao trong nâng cao ý thức kỷ luật. Đây thực chất là quá trình chuyển hóa yêu cầu nâng cao ý thức kỷ luật mang tính khách quan thành nhu cầu chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ. 

Những tri thức, sự hiểu biết, tình cảm, niềm tin, ý chí chấp hành kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ chỉ được nâng cao, tạo cơ sở cho sự chuyển hóa về hành vi chấp hành nghiêm kỷ luật khi sự nỗ lực tích cực, tự giác, năng động, sáng tạo ở họ được phát huy cao nhất. Ngược lại, những yêu cầu, định hướng nâng cao ý thức kỷ luật mang tính khách quan từ các chủ thể tác động không thể chuyển hóa thành nhu cầu tự thân, tất yếu của hạ sĩ quan, binh sĩ nếu họ thụ động, gượng ép, thiếu sáng tạo trong rèn luyện, tu dưỡng, công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao và trong cuộc sống.

Nhận thức rõ vai trò của ý thức kỷ luật đối với việc hoàn thiện nhân cách của hạ sĩ quan, binh sĩ, các cơ quan, đơn vị của Quân đội đã thường xuyên quan tâm giáo dục, rèn luyện, nâng cao ý thức của hạ sĩ quan, binh sĩ. Tuy nhiên, trước tác động đa chiều của đời sống xã hội, cũng như yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi các chủ thể cần quan tâm giải quyết. Cụ thể là: 

Một là, giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng nhằm nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ với những hạn chế nhất định về nhận thức, trách nhiệm trong tham gia thực hiện của một số chủ thể

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng là vấn đề quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những hạn chế về nhận thức, trách nhiệm của một số tổ chức, lực lượng đã dẫn đến sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng chưa được phát huy là nguyên nhân dẫn đế những hạn chế về ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng được tạo ra và phát huy đối với quá trình nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay trước hết phải bắt đầu từ nhận thức đúng của các chủ thể. Đó là nhận thức đúng đắn, đầy đủ của các chủ thể về vị trí, vai trò của hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội; về vai trò của ý thức kỷ luật đối với nhân cách người quân nhân; về thực trạng ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ; về những thuận lợi, khó khăn và sự cần thiết phải nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay; về chức năng, chức trách, nhiệm vụ của từng chủ thể đối với quá trình nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nhận thức của một số chủ thể về các vấn đề liên quan đến nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ còn hạn chế. Một số cấp ủy, chỉ huy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, nhất là một số tổ chức, lực lượng ở đơn vị cấp phân đội trực tiếp quản lý, huấn luyện, rèn luyện chưa nhận thức đúng về mục đích, vai trò, nội dung, phương pháp nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay. 

Một số cấp ủy, chỉ huy, nhất là cấp ủy, chỉ huy ở đơn vị cấp phân đội chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm cụ thể hóa nghị quyết, kế hoạch nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ; ở một số đơn vị còn tồn tại hiện tượng “khoán trắng” việc nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính trị. Cùng với đó, một số cơ quan chức năng chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm đối với quá trình nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ. Vì vậy, có thời điểm chưa có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa cơ quan chính trị thực hiện chức năng tham mưu, xây dựng chương trình, nội dung, biện pháp giáo dục, trang bị nhận thức với cơ quan tham mưu thực hiện chức năng tham mưu xây dựng kế hoạch duy trì, rèn luyện kỷ luật và cơ quan hậu cần, kỹ thuật thực hiện chức năng tham mưu, xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đối với quá trình nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội.

Các tổ chức quần chúng, nhất là tổ chức đoàn các cấp chưa có nhiều hoạt động đoàn và phong trào thanh niên thiết thực để nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ. Nội dung kế hoạch hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên của các tổ chức đoàn chưa cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy, chỉ huy các cấp về nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ gắn với đặc điểm chức năng, nhiệm vụ của đoàn và đặc điểm nhận thức của đoàn viên, thanh niên. 

Hai là, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng các yếu tố cấu thành ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ, trong khi nội dung giáo dục, rèn luyện kỷ luật ở một số đơn vị còn thiếu toàn diện; hình thức và phương pháp chưa phong phú

Chất lượng các yếu tố cấu thành ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ như: nhận thức, tình cảm, niềm tin, ý chí chấp hành kỷ luật được hình thành và nâng cao phụ thuộc rất quan trọng vào chất lượng nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục, rèn luyện kỷ luật. Tuy nhiên, trên thực tế, nội dung giáo dục, rèn luyện kỷ luật ở một số đơn vị còn thiếu toàn diện; hình thức và phương pháp chưa phong phú. 

Giáo dục, rèn luyện kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay cần được thực hiện với nội dung, hình thức và phương pháp khoa học, gắn với đặc thù hoạt động quân sự. Đây là một trong những nhân tố cơ bản quy định hiệu quả nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ. Thực tế thời gian qua, các hình thức giáo dục, rèn luyện kỷ luật còn thiếu tính đa dạng, chủ yếu là quán triệt, huấn luyện theo chương trình tập trung. Việc tổ chức các hình thức giáo dục, rèn luyện kỷ luật gắn với các hoạt động vui chơi, giải trí, tạo sân chơi bổ ích, kích thích sự hứng thú, tích cực tiếp nhận, nâng cao nhận thức, tình cảm, niềm tin, ý chí chấp hành kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội hiện nay còn hạn chế. Đặc biệt, giáo dục, rèn luyện kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ thông qua hình thức sân khấu hóa, các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, kỷ luật chưa được quan tâm thực hiện. 

Vì vậy, việc kết hợp một cách phù hợp giữa thực hiện các hình thức giáo dục, rèn luyện kỷ luật mang tính hành chính, tập trung theo chương trình huấn luyện với các hình thức sân khấu hóa, tạo sân chơi bổ ích, kích thích tính tích cực của hạ sĩ quan, binh sĩ sẽ góp phần thiết thực nâng cao nhận thức, tình cảm, niềm tin, ý chí chấp hành kỷ luật cho họ.

Xuất phát từ bản chất kỷ luật của Quân đội ta là tự giác, nghiêm minh, nên việc giáo dục, rèn luyện kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ cần phải được chuyển tải bằng phương pháp cảm hóa, thuyết phục từ tâm thức để họ tự giác chấp hành mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Tuy vậy, ở một số đơn vị vẫn còn hiện tượng các chủ thể giáo dục, rèn luyện kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ lại quá coi trọng phương pháp mệnh lệnh hành chính, mang nặng tính hình thức, nhiều khi trở nên máy móc, áp đặt, làm giảm đi ý nghĩa xã hội tích cực của kỷ luật quân đội. Nếu chỉ sử dụng các biện pháp hành chính, mà không thực hiện các phương pháp thuyết phục, nêu gương thì kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị chỉ dừng lại ở văn bản chứ mà không thể chuyển hóa thành ý thức và cách hành xử tự giác theo kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ. Cần phải khẳng định, việc sử dụng các phương pháp mệnh hành chính là cần thiết để tạo ra tính nghiêm minh của kỷ luật. Song, từ bản chất của Quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh thì việc sử dụng các phương pháp thuyết phục, nêu gương cần phải được coi trọng để tạo ra tính tự giác cao của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Ba là, sự bất cập giữa yêu cầu phải phát huy vai trò của môi trường kỷ luật tích cực, lành mạnh trong khi những yếu tố cấu thành còn thiếu đồng bộ, hiệu quả hoạt động không cao. Quá trình nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ chịu sự quy định bởi môi trường kỷ luật. Vì vậy, phát huy vai trò của môi trường kỷ luật tích cực, lành mạnh là một vấn đề quan trọng đối với quá trình nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay. Môi trường kỷ luật ở đơn vị Quân đội được xây dựng tích cực, lành mạnh sẽ bảo đảm các điều kiện cần thiết để nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ. 

Hệ giá trị kỷ luật, các mối quan hệ tốt đẹp, các hoạt động thực tiễn kỷ luật, các thiết chế xã hội và vật chất trong môi trường kỷ luật được xây dựng tích cực, lành mạnh và phát huy vai trò, tác dụng sẽ tạo ta những điều kiện bảo đảm thuận lợi mang lại hiệu quả nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ. Tuy nhiên, thực trạng môi trường kỷ luật trong Quân đội hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế làm cản trở quá trình này. 

Hệ giá trị kỷ luật với hệ thống quy định, nguyên tắc, chuẩn mực, phẩm chất... được xây dựng tích cực, lành mạnh, đúng đắn sẽ là những nội dung tri thức, khuôn mẫu, chuẩn mực hành vi chấp hành kỷ luật để giáo dục, rèn luyện, nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ. Hệ giá trị ấy được cụ thể hóa thành những nội dung giáo dục kỷ luật cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với quá trình nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội, giúp cho các chủ thể dễ thực hiện với những hình thức và phương pháp hiệu quả. 

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa giá trị kỷ luật ở một số đơn vị chưa rõ ràng, nên quá trình truyền thụ của các chủ thể và tiếp nhận, lĩnh hội của bản thân hạ sĩ quan, binh sĩ còn gặp nhiều khó khăn. Các quy định riêng của từng đơn vị, đặc biệt là những chỉ thị, mệnh lệnh trực tiếp của người chỉ huy trong nhiều thời điểm còn mang nặng tính áp đặt, hách dịch, nóng vội, gây tâm lý “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, phản tác dụng giáo dục ý thức kỷ luật. 

Do đó, muốn nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay phải xây dựng và phát huy được môi trường kỷ luật với hệ giá trị kỷ luật toàn diện, tích cực, lành mạnh. Đó là hệ giá trị kỷ luật phản ánh được bản chất của Quân đội, truyền thống của đơn vị, phù hợp với đặc điểm nhận thức, chức trách, nhiệm vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay đòi hỏi phải bảo đảm đầy đủ và phát huy vai trò các thiết chế cơ sở vật chất. Hệ thống các thiết chế cơ sở vật chất của môi trường kỷ luật về nơi ăn, ở, sinh hoạt, thao trường, bãi tập huấn luyện, các loại trang thiết bị phục vụ cho huấn luyện, quân tư trang cá nhân và tập thể... được bảo đảm đầy đủ và có chất lượng sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho quá trình nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, việc xây dựng và phát huy hệ thống thiết chế cơ sở vật chất trong Quân đội còn tồn tại những hạn chế, cản trở hiệu quả quá trình nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Bốn là, một số hạ sĩ quan,binh sĩ còn biểu hiện sự thụ động, ngại tu dưỡng, rèn luyện ý thức kỷ luật

Nâng cao ý thức kỷ luật là quá trình thống nhất biện chứng giữa sự tác động của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan của hạ sĩ quan, binh sĩ. Vì vậy, phát huy tính tích cực, tự giác trong tự giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện của hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội trực tiếp quyết định kết quả nâng cao ý thức kỷ luật của họ. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay đang tồn tại sự bất cập giữa yêu cầu phát huy tính tích cực, tự giác trong tự giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện với thực tế một số hạ sĩ quan, binh sĩ còn bộc lộ tính thụ động, ngại tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên.

Nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay đòi hỏi bản thân hạ sĩ quan, binh sĩ phải luôn phát huy tính tích cực, tự giác, có thái độ, động cơ tích cực trong việc nâng cao nhận thức, tình cảm, niềm tin, ý chí chấp hành pháp luật, kỷ luật của Quân đội, quy định của đơn vị trong thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ và cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay, một số hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội chưa thực sự có ý chí quyết tâm cao trong rèn luyện, nâng cao nhận thức, tình cảm, niềm tin, ý chí chấp hành pháp luật, kỷ luật của Quân đội, quy định của đơn vị. Đa số hạ sĩ quan, binh sĩ có những hiểu biết cơ bản về các quy định của pháp luật, kỷ luật của Quân đội, quy định của đơn vị, nhưng ở họ lại thiếu quyết tâm, thụ động trong tiếp nhận, lĩnh hội, rèn luyện và thực hiện. Một số hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay còn có biểu hiện biết cái đúng nhưng thái độ ủng hộ chưa cao; biết cái sai trái, vi phạm nhưng thái độ, động cơ lên án, phê phán còn dè dặt, không trong sáng.

Nâng cao ý thức kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay cần phải phát huy tính tích cực, tự giác của họ trong tự giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện thói quen và hành vi chấp hành quy định của pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, quy định của đơn vị. Sự chuyển biến về chấp hành pháp luật, kỷ luật là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kết quả nâng cao ý thức kỷ luật trong thực tiễn. 

Thực tế ý thức và hành vi chấp hành kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay cho thấy, đang tồn tại khoảng cách giữa nhận thức, tình cảm, niềm tin, ý chí với thói quen, hành xử theo pháp luật, kỷ luật của một số hạ sĩ quan, binh sĩ. Một số hạ sĩ quan, binh sĩ nắm được các quy định của đơn vị, nhận thức được thế nào là chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, nhưng vì thói lười rèn luyện, thích hưởng thụ, vì non yếu của tuổi trẻ, họ vẫn hành xử theo “cái tôi” cá nhân. Hệ lụy của vấn đề này là một số hạ sĩ quan, binh sĩ đã vi phạm pháp luật, kỷ luật của Quân đội. Thậm chí, có những vi phạm rất nghiêm trọng. Mặt khác, thói quen, hành vi của một số hạ sĩ quan, binh sĩ trong chấp hành pháp luật, kỷ luật của Quân đội và quy định của đơn vị có tính nhất thời, cảm tính mà chưa thật sự trở thành nhận thức, hành vi, thói quen bền vững. 

__________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.537.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, sđd, tr.483.

ThS NGUYỄN VĂN NĂM

NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền