Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đổi mới chương trình đào tao ngành giáo dục chính trị ở các trường đại học sư phạm
Thứ năm, 20 Tháng 8 2015 10:00
3935 Lượt xem

Đổi mới chương trình đào tao ngành giáo dục chính trị ở các trường đại học sư phạm

(LLCT) - Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã thổi một luồng gió mới trong đời sống chính trị - xã hội của nước ta hiện nay. Nghị quyết đặt ra hàng loạt nhiệm vụ bức bách cần phải giải quyết về giáo dục - đào tạo mà xã hội đang quan tâm, trong đó có các vấn đề liên quan trực tiếp đến các trường đại học sư phạm, nơi đào tạo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phục vụ sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Các vấn đề đặt ra cần phải đổi mới là: Đổi mới mô hình các trường sư phạm, chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá, công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên;... ở tất cả các ngành đào tạo. Bài viết tập trung trao đổi về xây dựng chương trình đào tạo ngành giáo dục chính trị ở các trường đại học sư phạm.

Trước hết, sản phẩm của ngành giáo dục chính trị, các trường đại học sư phạm là những cử nhân có thể giảng dạy môn giáo dục công dân trong các trường trung học phổ thông, các môn lý luận chính trị trong các trường trung học nghề, trung học chuyên nghiệp hoặc các trường cao đẳng, đại học; có thể tham gia giảng dạy, công tác ở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, các cơ quan lý luận, tổ chức chính trị - xã hội,... Vì vậy, chương trình đào tạo ngành giáo dục chính trị ở các trường đại học sư phạm cần bảo đảm mục tiêu ấy.

1. Thực trạng chương trình ngành giáo dục chính trị ở các trường đại học sư phạm hiện nay

Ưu điểm:

Nội dung chương trình đã quán triệt đường lối về đổi mới công tác tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đổi mới của sự nghiệp giáo dục - đào tạo. 

Về cơ bản, mục tiêu chương trình đã đáp ứng đúng quy định của Luật Giáo dục và đã được cụ thể hóa ở ba bình diện: kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học, đã xác định được chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ làm cơ sở cho việc biên soạn giáo trình, cũng như kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Nội dung chương trình cũng đã đề cập đến giáo dục các giá trị, chuẩn mực chính trị, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật gắn liền với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân - sinh viên, đã phần nào thể hiện được nguyên tắc tích hợp trong lĩnh vực giảng dạy. Kết cấu chương trình có phần mở, mang tính định hướng, gợi mở để người học có thể liên hệ lý luận với thực tiễn cuộc sống của bản thân và thực tiễn đổi mới đất nước hiện nay.

Chương trình đã bao quát những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, bao gồm những vấn đề về văn hóa và văn minh, giáo dục chính trị với giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật, những vấn đề về phương pháp giảng dạy và thực hành sư phạm, những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội khác, đáp ứng đầy đủ mục tiêu của từng môn học đã được đặt ra.

Giáo trình các môn học thuộc ngành giáo dục chính trị, về cơ bản, đã bám sát và cụ thể hóa mục tiêu chương trình, được biên soạn một cách công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính khoa học và tính chính trị, tính hệ thống và lôgíc chặt chẽ; nội dung chương trình, giáo trình phù hợp với trình độ của sinh viên.

Chính vì thế, chương trình góp phần quan trọng vào việc xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhân sinh quan cách mạng, xây dựng niềm tin và lý tưởng cách mạng cho sinh viên, để từ đó họ nỗ lực rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, trau dồi chuyên môn, phục vụ công tác dạy học môn giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông, các môn lý luận chính trị trong các trường trung học nghề, trung học chuyên nghiệp hoặc các trường cao đẳng, đại học, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hạn chế:

Nội dung chương trình còn mang nặng tính kinh viện, hàn lâm với những lý luận trừu tượng, chưa bám sát thực tiễn nóng bỏng của thời đại, của đất nước. Chương trình nặng về giáo dục chính trị, nhẹ về giáo dục đạo đức, pháp luật và kỹ năng sống; trọng lý thuyết, nhẹ thực hành, ít liên hệ với thực tiễn cuộc sống của bản thân và đất nước. Chẳng hạn, trong các chương trình còn dành nhiều thời lượng cho các học phần về các tác phẩm kinh điển, về lịch sử triết học, lịch sử các học thuyết kinh tế, lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa,...

Nội dung chương trình chưa chú trọng đến việc hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu và rèn luyện kỹ năng sư phạm cho sinh viên, chưa chú trọng đến việc xây dựng và bồi dưỡng năng lực khoa học và phẩm chất sư phạm của sinh viên, chưa cập nhật được những thay đổi của đất nước và thời đại.

Nhiều nội dung trong các học phần có sự trùng lặp. Thí dụ: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin với triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử các học thuyết kinh tế với lịch sử kinh tế quốc dân, lịch sử triết học với lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa, cơ sở văn hóa Việt Nam với văn hóa học,...

Khối lượng kiến thức các môn học quá lớn, thời lượng dành cho các môn này lại không nhiều, trong khi việc tự học của sinh viên lại chưa được phát huy đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của việc dạy các môn học này.

Nguồn kinh phí đầu tư riêng cho việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục chính trị còn khiêm tốn, trong khi đội ngũ giảng viên phải dạy quá nhiều giờ, vì vậy, ít có điều kiện đầu tư nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những công trình nghiên cứu về đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình chuyên ngành giáo dục chính trị.

Từ thực trạng trên đây, việc đổi mới chương trình ngành giáo dục chính trị trong các trường đại học sư phạm đang được đặt ra một cách bức thiết.

2. Định hướng đổi mới chương trình ngành giáo dục chính trị ở các trường đại học sư phạm

Chương trình, giáo trình ở các trường đại học sư phạm hiện nay không thể phủ định sạch trơn chương trình, giáo trình cũ, đồng thời cũng không thể lắp ráp, rập khuôn toàn bộ chương trình, giáo trình cũ. Việc xây dựng chương trình, giáo trình phải xuất phát từ thực tế đời sống, từ nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc đổi mới chương trình, giáo trình đại học và chương trình, sách giáo khoa phổ thông được diễn ra đồng thời; hoặc đổi mới chương trình, giáo trình đại học là cơ sở, là hình mẫu cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Ở nước ta hiện nay, do điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước, với thực tế giáo dục phổ thông có nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết, cho nên phải có bước đột phá ngay trong việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Có thể nói, các cách thực hiện trên đây cho dù có khác biệt về trình tự, nhưng đều thống nhất với nhau ở nguồn gốc, đó là nội dung chương trình, giáo trình, sách giáo khoa phải xuất phát từ thực trạng xã hội, nhu cầu xã hội, từ yêu cầu phát triển của quốc gia và thời đại.

Xuất phát từ thực trạng xã hội, nhu cầu xã hội để xác định mục tiêu giáo dục của các cấp học. Chẳng hạn, ở cấp tiểu học là phát triển thói quen về học tập cơ bản; ở cấp trung học cơ sở là bồi dưỡng năng lực cơ bản và tố chất của học sinh; ở cấp trung học phổ thông là phát triển năng lực hướng nghiệp phù hợp với tố chất của học sinh. Trên cơ sở mục tiêu đã xác định sẽ xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông bằng cách tiếp cận năng lực và phẩm chất của học sinh(tức là giáo dục cho học sinh không phải chủ yếu là nhồi nhét kiến thức mà là làm sao cho học sinh biết làm theo năng lực và phẩm chất của mình, thông qua đó phát triển năng lực và phẩm chất của mình.

Xuất phát từ mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa phổ thông để xác định mục tiêu, chương trình, giáo trình của trường đại học sư phạm. Cụ thể là, mục tiêu đào tạo của trường đại học sư phạm là phát triển các năng lực khoa học và phẩm chất sư phạm của sinh viên - những giáo viên tương lai. Do vậy, chương trình, giáo trình của trường đại học sư phạm phải gắn kết với chương trình, sách giáo khoa phổ thông, tức là phải dạy những cái gì để sau này họ có thể vận dụng trong công việc giáo dục của mình. Do vậy, chương trình, giáo trình đối với tất cả các ngành nói chung, ngành giáo dục chính trị nói riêng phải được xây dựng theocách tiếp cận phát triển năng lực khoa học (tư duy, nghiên cứu, tự chủ, sáng tạo,...) và phẩm chất sư phạm (ứng xử, giao tiếp, tổ chức thực hiện,...) của những giáo viên tương lai.

Cho nên, chương trình ngành giáo dục chính trị không chỉ phải khắc phục tính hàn lâm, kinh viện, giáo điều, mà còn cần gia tăng tính nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cho sinh viên. Mặt khác, chương trình cũng cần bảo đảm tính tích hợp và tính phân hóa trong các môn học. Như vậy, chương trình sẽ rút gọn được những môn học không thực sự quan trọng, xa rời thực tiễn cuộc sống, đồng thời bổ sung thêm những môn học thiết thực, nhất là hình thành các môn học mang tính tích hợp, tránh sự trùng lắp, chồng chéo giữa các môn học.

3. Một số nội dung cơ bản về đổi mới chương trình ngành giáo dục chính trị ở trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

Từ thực trạng chương trình ngành giáo dục chính trị hiện nay nói chung với những ưu điểm và hạn chế của nó, cùng với những định hướng chủ yếu trong việc xây dựng chương trình mới đáp ứng việc bồi dưỡng, phát triển năng lực khoa học và phẩm chất sư phạm của sinh viên, nêu một số nội dung cơ bản trong việc đổi mới chương trình ngành giáo dục chính trị ở Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh:

Giảm bớt hoặc bỏ một số học phần mang tính chất hàn lâm, như tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, triết học trong khoa học tự nhiên, lôgíc biện chứng, lịch sử kinh tế quốc dân, kinh tế phát triển, lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế,...

Tăng thời lượng cho các học phần đạo đức học, pháp luật học, văn hóa học, lý luận và phương pháp dạy học,...

Bổ sung một số học phần mới như: giáo dục kỹ năng sống, giáo dục sức khỏe vị thành niên, giáo dục gia đình, nghệ thuật giao tiếp, nghệ thuật hùng biện, các chuyên đề đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống,...

Kết hợp chương trình giáo dục chính khóa với giáo dục ngoài giờ, nghiên cứu thực tế; kết hợp truyền bá kiến thức với quá trình rèn luyện, hoạt động thực tiễn của sinh viên,...

Bổ sung thêm nội dung về rèn luyện phẩm chất đạo đức, coi kết quả rèn luyện phẩm chất đạo đức như là một trong những nội dung học tập,...

Bổ sung những vấn đề mới của thời đại, những thành tựu nghiên cứu về khoa học của nhân loại, những vấn đề thực tiễn xã hội để làm phong phú thêm nội dung chương trình.

Để đổi mới chương trình, giáo trình ngành giáo dục chính trị trong các trường đại học sư phạm, vấn đề có ý nghĩa quyết định là có sự quan tâm của toàn xã hội và các cơ quan chức năng; tinh thần hợp tác của các nhà hoạt động giáo dục; đặc biệt, mỗi giảng viên thực sự có trách nhiệm với bản thân mình, với nhà trường, với xã hội, với đất nước, với người học và đặc biệt phải có tấm lòng, có tình thương yêu sâu sắc và trách nhiệm với các thế hệ tương lai.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2014

 

TS Nguyễn Ngọc Khá

Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền