Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đổi mới giáo dục đại học theo hướng hội nhập quốc tế
Thứ ba, 18 Tháng 8 2015 16:13
7638 Lượt xem

Đổi mới giáo dục đại học theo hướng hội nhập quốc tế

(LLCT) - Giáo dục đại học được hiểu là giai đoạn giáo dục thường diễn ra ở các trường đại học, viện đại học, trường cao đẳng, học viện và viện công nghệ. Tại Việt Nam, giáo dục đại học là hình thức tổ chức giáo dục cho các bậc học sau giai đoạn bậc phổ thông với các trình độ đào tạo: cao đẳng, đại học, thạc sỹ và tiến sỹ (1).

Xét về mặt lịch sử, ở nước ta giáo dục đại học đã có từ hàng nghìn năm(2) và đã trải qua các nền giáo dục khác nhau: phong kiến, thuộc địa và chủ nghĩa thực dân mới (ở miền Nam Việt Nam trước 1975), CNXH. Sự nghiệp giáo dục đại học ở Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tạo ra các thế hệ nguồn lực con người Việt Nam - nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, nền giáo dục đại học nước ta đã bộc lộ những bất cập và hạn chế, thể hiện ở mục tiêu, nội dung và phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.

Về mục tiêu, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà có lúc chưa chú trọng đúng mức đến việc xác định mục tiêu cho nền giáo dục của quốc gia, trong đó có giáo dục đại học. Thời gian gần đây, mục tiêu giáo dục đại học đã có sự thay đổi, được xác định là đào tạo nhân tài(3). Tuy nhiên, còn chưa thống nhất trong nhận thức. Nếu hiểu nhân tài là người có sáng kiến, có khả năng đóng góp thêm một bước quan trọng vào sự phát triển của nghiên cứu lý luận hay hoạt động thực tiễn, nghĩa là nhân tài phải là những người tài giỏi trong xã hội thì mục tiêu này khó đặt ra đối với chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Trên thực tế, các trường đại học mới chỉ có khả năng trang bị cho người học (sinh viên, học viên hay nghiên cứu sinh…) kiến thức cơ bản, tinh thần phân tích độc lập, tư duy khoa học để phát huy khả năng của người học. Như vậy, ngay cả khi đổi mới mục tiêu giáo dục đại học thì mục tiêu này cũng không phù hợp với chất lượng thực tế của nền giáo dục đại học trong nước. Trong khi đó, ngay cả các quốc gia có nền giáo dục đại học tiên tiến, khi đặt ra mục tiêu giáo dục, họ luôn nêu lên những ước nguyện rất thực tế. Một trường đại học danh tiếng ở Mỹ đã xác định mục tiêu đại học của mình như sau: “Mục đích của môi trường giáo dục và sinh hoạt sinh viên là đào tạo những cá nhân thành đạt và công dân có trách nhiệm. Người tốt nghiệp cảm thấy tự tin trong việc tìm hiểu rộng rãi nhiều vấn đề và kinh nghiệm ở môi trường đại học hay ngoài đời, dù là học bất cứ ngành chuyên môn nào”. Chữ “thành đạt” có thể hiểu là có hiểu biết về tri thức cơ bản, do đó cá nhân thành đạt được sửa soạn kỹ càng để tự tin vào đời và vào thị trường lao động (kiếm sống cũng như phát triển tri thức). Nhưng mục đích đào tạo thành những “công dân có trách nhiệm” (responsiblecitizens) thì đã quá rõ(4). Trong khi đó, hầu hết các trường đại học ở Việt Nam hiện nay ít đặt ra hoặc coi nhẹ những mục tiêu này. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng sản phẩm sau đào tạo.

Về nội dung:

Nội dung kiến thức đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa tạo được sự thống nhất gắn mục tiêu giáo dục với mục tiêu tìm kiếm việc làm đối với người học.

Chưa tạo được sự liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục đại học trong nước và quốc tế. Mặc dù đặt dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng trên thực tế, khả năng liên thông kiến thức giữa các cơ sở giáo dục đại học còn rất hạn chế, ít thừa nhận và tiếp nhận các kết quả đào tạo của nhau nên người học rất khó khăn khi chuyển trường, chuyển ngành học. Việc liên thông kiến thức giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế lại càng bất cập, do có sự khác biệt về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo giữa các cơ sở đào tạo (trừ các chương trình liên kết đào tạo theo thỏa thuận).

Chương trình học còn nặng, với thời lượng lớn. Một thống kê và so sánh cho thấy, thời gian học 4 năm ở một lớp đại học tại Việt Nam là 2.138 giờ, ở Mỹ là 1.380 giờ(5). Như vậy, chương trình ở Việt Nam dài hơn 60% so với Mỹ, do thời gian học trên lớp nhiều, người học rơi vào trạng thái luôn bị áp lực về việc hoàn thành các chương trình môn học, ít có thời gian để tự học, tự nghiên cứu hoặc tham gia các hoạt động xã hội khác.

Nhìn chung, chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay đã bộc lộ sự lạc hậu, kém hiệu quả.

Về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, nhìn chung giáo dục đại học ở nước ta chưa tiếp cận được các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đại học phổ biến của thế giới. Với mục tiêu “nhấn mạnh đến kỹ năng xử lý vấn đề đặt ra trong cuộc sống hơn là tập trung vào việc làm đầy kiến thức đã có sẵn”, việc áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học của các trường đại học hiện nay trên thế giới rất linh hoạt dựa trên tinh thần đề cao vai trò của người học, tạo điều kiện tối đa cho người học có thể tự học, tự nghiên cứu. Tuy nhiên, tại Việt Nam do quan niệm “nền giáo dục cần trang bị cho người học một lượng kiến thức càng nhiều càng tốt để họ có thể có một nền tảng vững chãi khi ra trường”(6) nên vai trò, vị trí của người học chưa thực sự được quan tâm. Các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học còn khá lạc hậu. Kết quả khảo sát thực địa của Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ (2006) có nhận xét về phương pháp dạy và học đại học của Việt Nam như sau: “Phương pháp giảng dạy không hiệu quả, quá phụ thuộc vào các bài thuyết trình và ít sử dụng các kỹ năng học tích cực, kết quả là có ít sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên trong và ngoài lớp học; quá nhấn mạnh vào ghi nhớ kiến thức theo kiểu thuộc lòng mà không nhấn mạnh vào việc học khái niệm hoặc học ở cấp độ cao (như phân tích và tổng hợp), dẫn đến hậu quả là sinh viên học hời hợt thay vì học chuyên sâu; học một cách thụ động”(7). Mặc dù những năm gần đây, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã bắt đầu áp dụng phương pháp giảng dạy cho sinh viên theo phương thức tín chỉ, nhưng “đào tạo tín chỉ ở Việt Nam hiện chưa thực sự đúng với tinh thần của tín chỉ. Cách dạy, học vẫn còn chưa thoát khỏi tinh thần niên chế. Tính chủ động của sinh viên còn yếu kém”(8). Sự đổi mới về phương pháp giảng dạy trong các trường đại học nhiều khi chỉ mang tính hình thức, việc cải tiến về phương pháp và chương trình học vẫn chưa được chú trọng.

Các bất cập, yếu kém trên đây đã tạo ra sự tụt hậu trong giáo dục đại học ở Việt Nam và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội:

Một là, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Khảo sát 60 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ - công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh về “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng của sinh viên được đào tạo trong 5 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp” (dựa trên các tiêu chí: kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc và năng lực nghề nghiệp) cho thấy, chỉ có 5% được đánh giá ở mức độ tốt, 15% khá, 30% trung bình và 40% không đạt(9). Kết quả này không chỉ phản ánh sự yếu kém trong giáo dục đại học mà gián tiếp chỉ báo một nguy cơ: trong điều kiện các doanh nghiệp đã và đang sử dụng công nghệ tự động trong quản lý nhân lực, nếu lao động Việt Nam không tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện tác phong công nghiệp, tính kỷ luật, chuyên nghiệp, sẽ tụt hậu so với các nước khác trong khu vực.

Hai là, hạn chế về khả năng nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu. Hầu hết các nền giáo dục tiên tiến của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều đào tạo được một đội ngũ các nhà khoa học đông đảo, có khả năng nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế. Cùng với xu thế hội nhập, số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học quốc tế trở thành thước đo quan trọng, chỉ số khách quan không chỉ phản ánh sự phát triển khoa học công nghệ cũng như hiệu suất khoa học mà còn phản ánh trình độ và chất lượng thực tế nền giáo dục của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam những năm gần đây, mặt dù đã có sự quan tâm của nhiều cơ sở giáo dục trong việc tạo cơ chế khuyến khích các nhà khoa học tập trung nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế, nhưng hoạt động này vẫn còn nhiều yếu kém. Nếu so sánh với các kết quả nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì khả năng của chúng ta còn nhiều hạn chế, thậm chí có xu hướng ngày càng tụt hậu xa hơn.

Theo thống kê của Viện thông tin khoa học(ISI), trong 15 năm (1996 - 2011), Việt Nam có 13.172 kết quả nghiên cứu công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt, bằng khoảng 1/5 của Thái Lan, 1/6 của Malaysia và 1/10 của Xinhgapo. Trong khi đó, dân số Việt Nam gấp 17 lần Xinhgapo, 3 lần Malaysia và gần gấp rưỡi Thái Lan. Việt Nam hiện nay có khoảng 9 nghìn giáo sư và phó giáo sư, 24 nghìn tiến sỹ và hơn 100 nghìn thạc sỹ mà số sản phẩm khoa học của cả nước trong 15 năm qua chưa bằng 1/5 của trường Đại học Tokyo (69.806 công trình) và một nửa của trường Đại học quốc gia Xinhgapo (28.070 công trình)(10).

Ba là,làm suy giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế. Thực tế cho thấy, sự bất cập, hạn chế trong giáo dục đại học không chỉ tác động trực tiếp đến việc làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực mà có thể làm suy giảm đến khả năng cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế đất nước. Theo Báo cáo về Tính cạnh tranh năng lực toàn cầu (2013-2014) được thực hiện với 148 nước của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tính hiệu quả của hệ thống giáo dục Việt Nam được xếp ở vị trí 67/144. Ở hạng mục Giáo dục đại học và đào tạo, Việt Nam đứng thứ 95 trong bảng xếp hạng, thứ 7 trong các nước ASEAN(11).

Trên tinh thần “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế”(12), ngày 4-11-2013, Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong đó nêu chín giải pháp cho việc đổi mới giáo dục toàn diện và nhấn mạnh các điểm sau:

Thứ nhất, cần xây dựng triết lý giáo dục chung cho nền giáo dục nước nhà, đồng thời mỗi cơ sở giáo dục đại học cũng cần có triết lý giáo dục riêng phù hợp với tôn chỉ, mục đích và hướng tới hội nhập vào dòng chảy chung của giáo dục quốc tế.

Thứ hai, việc đổi mới tư duy giáo dục hiện nay cần “gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng XHCN và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”(13). Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy trong tổ chức giáo dục đại học: thay đổi cách tuyển sinh, lựa chọn “đầu vào”, cho phép hình thành nhiều mô hình đào tạo đại học khác nhau, kiểm soát chặt chẽ “đầu ra” của mỗi cơ sở đào tạo để bảo đảm chất lượng chung v.v..

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng hội nhập quốc tế. Về nội dung chương trình và giáo trình, cần được tổ chức xây dựng và triển khai theo hướng mở (cho phép cập nhật thường xuyên về kiến thức trong và ngoài nước, sử dụng giáo trình, học liệu trong nước hoặc ngoài nước một cách linh hoạt), nội dung giảng dạy phải gắn chặt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành nghề mà người học đang theo đuổi. Về phương pháp, cho phép sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học theo nguyên tắc “lấy người học là trung tâm”, giảm thiểu giờ giảng trên lớp để người học có thời gian tự học và tự nghiên cứu. Các cơ sở đào tạo cần thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, đánh giá khách quan, chặt chẽ để bảo đảm tính hiệu quả của việc dạy và học.

Thứ tư, đổi mới vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức giáo dục đại học trong điều kiện hội nhập quốc tế. Theo đó, về mặt pháp lý, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định về pháp luật đối với các hoạt động giáo dục đại học. Thay vì trực tiếp quản lý toàn diện đối với các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên đóng vai trò là các cơ quan “tài phán”, định hướng các hoạt động theo luật pháp, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học được độc lập, tự chủ hơn và cần tránh lối tư duy quản lý áp đặt, hoặc “bao cấp”.

Thứ năm, tăng cường các hoạt động nghiên cứu và công bố quốc tế kết quả nghiên cứu, tiến tới quốc tế hóa các tiêu chuẩn đánh giá khoa học và các hoạt động về chuyên môn tại các cơ sở giáo dục đại học. Trước mắt, Nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học cần có các cơ chế chính sách động viên, khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu và tích cực công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu. Về lâu dài cần đặt ra lộ trình tiến tới quốc tế hóa các tiêu chuẩn đánh giá hoạt động khoa học và hoạt động về chuyên môn trong tất cả các cơ sở giáo dục đại học, cần coi đây là giải pháp quan trọng để đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập sâu hơn vào môi trường quốc tế.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2014

(1), (3) Luật giáo dục đại học Việt Nam, 2012.

(2) Năm 1070 dưới triều vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng nhà Quốc Tử Giám dùng làm nơi mở khoa thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước, đây được coi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.

(4), (5) Vũ Quang Việt: So sánh chương trình giáo dục đại học Mỹ - Kỷ yếu hội thảo khoa học về tổ chức, quản lý giáo dục đại học, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2006.

(6) Lê Minh Khôi: Giáo dục Việt Nam - nguy cơ tụt hậu khi ra trường,http://huc.edu.vn

(7) Ngô Tứ Thành: Cần đổi mới cách giảng dạy ở đại học,dantri.com.vn, ngày 12-3-2010.

(8) Mỹ Quyên: Đào tạo tín chỉ ở Việt Nam còn nhiều bất cập, Báo Thanh niên,ngày 14-2-2012.

(9) Doanh nghiệp “chấm điểm” sinh viên,Báo Tuổi trẻonline, ngày 25-5-2014.

(10) Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học South Wales, Australia.

(11) Giáo dục Việt Nam thua cả Campuchia,Báo Người lao động online, ngày 6-9-2013.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.130-131.

(13) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI.

 

PGS, TS Phạm Công Nhất

 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

 Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền