Trang chủ    Cùng bạn đọc    Giải pháp tạo nguồn và nâng cao chất lượng giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ năm, 03 Tháng 9 2020 15:45
1265 Lượt xem

Giải pháp tạo nguồn và nâng cao chất lượng giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Quyết định số 145-QĐ/TWngày 08-8-2018của Bộ Chính trịvề chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Do vậy, mỗi người cán bộ, giảng viên của Học viện đều phải ý thức rất rõ vị trí, nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung của Học viện. Ở mỗi vị trí và công việc khác nhau, người cán bộ Học viện có những vai trò khác nhau, song phải khẳng định cán bộ lãnh đạo và đội ngũ giảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên có phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Chiến lược phát triển Học viện trong điều kiện mới được xác định là nhiệm vụ chiến lược của Học viện trong điều kiện hiện nay.

Có thể nói, trong bất kỳ môi trường giáo dục nào, giáo dục cũng được coilà hiện tượng xã hội đặc biệt của lịch sử nhân loại. Bản chất của nó là sự truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử - xã hội của các thế hệ loài người nhằm góp phần hình thành hoàn thiện nhân cách của mỗi con người và sự tiến bộ, văn minh của lịch sử nhân loại.

Trong thời đại ngày nay, nền giáo dục thế giới và của mỗi quốc gia đang không ngừng đổi mới nhằm thích ứng tốt hơn với những xu thế phát triển mới mẻ, năng động của toàn nhân loại và có khả năng tạo ra được những nguồn lực mới để phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, để có một nền giáo dục tốt thì cần rất nhiều yếu tố như yếu tố cơ sở vật chất (trường lớp, phương tiện dạy, học...), yếu tố chính sách, pháp luật (sự quan tâm của các quốc gia, các chính thể...); nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục; điều kiện chính trị, lối sống, truyền thống văn hóa, tư chất con người; điều kiện kinh tế - xã hội... Một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định đến chất lượng của giáo dục chính là bản thân thầy, cô giáo - những người trực tiếp truyền đạt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm... một trong những người có ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành và phát triển nhân cách, tư tưởng của mỗi cá nhân trong xã hội.

Có thể khẳng định, các thầy cô giáo có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động giáo dục. Họ được coi là“ngọn đuốc của nền văn minh”, “sợi dây chuyền giữa các thế hệ”, “dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề nhà giáo”, “sự nghiệp dạy học là sự nghiệp vĩ đại nhất của lịch sử loài người”...

Bàn về người thầy giáo xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin nhiều lần nhấn mạnh, tất cả nhiệm vụ nặng nề của nhà trường chỉ có thể thực hiện tốt nếu có sự tham gia của đội ngũ giáo viên. Người đánh giá cao vị trí xã hội, vai trò của người thầy giáo trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ cũng như trong cuộc cách mạng văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Giáo viên có nhiệm vụ truyền bá giáo dục to lớn, trước hết phải trở thành đội quân chủ yếu của sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa, phải giải phóng cuộc sống, tri thức khỏi phụ thuộc giai cấp tư sản, khỏi sự đô hộ của giai cấp bóc lột... Từ đó, V.I.Lênin khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa phải thay đổi vị trí xã hội của người giáo viên, phải có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người thầy giáo thực hiện nhiệm vụ của họ.

Đối với mỗi giảng viên làm nhiệm vụ giáo dục ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thì nhiệm vụ đó lại càng đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nơi đây đào tạo ra những nhà lãnh đạo, quản lý cho đất nước, những chính khách của quốc gia, những con người xã hội chủ nghĩa.

Thấy được tầm quan trọng của người cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ ở mái trường thực hiện nhiệm vụ ấy. Sự quan tâm của Người đối với Học viện nói riêng và công tác đào tạo cán bộ nói chung thể hiện ở 5 lần Người về thăm Học viện, lần nào Người cũng nêu ra những tư tưởng quan trọng về công tác học tập lý luận, đào tạo cán bộ và vị trí, vai trò của Trường Đảng.

Tại Lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường Đảng, Người đã đến thăm và ghi vào sổ vàng truyền thống những nội dung cơ bản về công tác đào tạo và huấn luyện cán bộ. Người viết:

“Học để làm việc,

             làm người,

            làm cán bộ.

Học để phụng sự Đoàn thể,

       “       “         giai cấp và nhân dân,

       “       “        Tổ quốc và nhân loại.

Muốn đạt mục đích, thì phải

       cần, kiệm, liêm, chính,

       chí công, vô tư”(1).

Tại Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập (6-5-1950), Hồ Chí Minh đặt ra câu hỏi: “Học để làm gì?”, sau đó Người đã giải đáp:

“a. Học để sửa chữa tư tưởng...

 b. Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng...

 c. Học để tin tưởng...

 d. Học để hành...”(2)

Người cho rằng, mỗi cán bộ phải “cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”(3). Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi đảng viên và cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản thật vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao; đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải rửa sạch ảnh hưởng của những tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể. Nó đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải khắc phục các bệnh quan liêu và cô độc hẹp hòi để liên hệ chặt chẽ với quần chúng, do đó mà phát huy được đầy đủ tính sáng tạo của hàng triệu quần chúng nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng, muốn huấn luyện được người khác thì trước hết người huấn luyện “phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”(4).

Đối với một nhiệm vụ quan trọng như vậy nên để hoàn thành chức trách của mình đòi hỏi người giảng viên Trường Đảng phải có những yêu cầu và phẩm chất đặc biệt.

 Trước hết, họ phải là những nhà giáo mẫu mực, phải đáp ứng mọi yêu cầu, chuẩn mực tốt đẹp nhất mà xã hội đang cần đến.

Thứ nhất, về mặt tri thức.

Người giáo viên Trường Đảng phải có tri thức uyên bác, phải có sự hiểu biết sâu rộng, có phương pháp làm việc khoa học, có khả năng gợi mở về phương pháp tư duy, kích thích tính sáng tạo của người học...

Thứ hai, về mặt nhân cách.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người huấn luyện phải thực hiện cả huấn và luyện. Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc, như tư tưởng địa vị, tự kiêu, tự mãn của họ. Đồng thời, phải dạy người học cả kỹ năng tiếp cận và phương pháp thực hành để vận dụng được lý luận đó vào cuộc sống và thực tế công tác của họ. Theo đó, người giáo viên Trường Đảng phải là mẫu mực về nhân cách, lối sống, đạo đức, tác phong, thẩm mỹ; là mẫu mực về cái đẹp từ quan điểm, tư tưởng, lối sống, ngôn từ,... để góp phần định hướng thẩm mỹ cho người học.

Điều đặc biệt đối người giảng viên Trường Đảng là ở chỗ người thầy không chỉ dạy kiến thức khoa học nói chung mà dạy tri thức lý luận và quan trọng hơn nữa là dạy cán bộ “làm việc, làm người, làm cán bộ”, “học để sửa chữa tư tưởng, tu dưỡng đạo đức, học để tin tưởng, học để hành”. Thậm chí họ còn là “Thầy của những người thầy giáo”.

Với những yêu cầu về phẩm chất, năng lực đó, việc xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần Chiến lược phát triển Học viện trong điều kiện mới càng trở nên cấp thiết.

Với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, đất nước, bằng trí tuệ và niềm say mê sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, giữ vững bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng, các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, công chức, viên chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã góp phần đào tạo hàng triệu lượt cán bộ cho Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Các thế hệ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện dưới mái Trường Đảng có trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, những nhà lãnh đạo, nhà lý luận kiệt xuất của Đảng được đào tạo từ Học viện đã đưa ra những quyết sách quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến cứu nước. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, nhiều cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện đã trưởng thành, đảm nhận những cương vị cao trong cơ quan lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng, Nhà nước, cán bộ quản lý chủ chốt ở Trung ương và địa phương, đang có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Không chỉ đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, Học viện còn là trường học quốc tế xã hội chủ nghĩa của những người cách mạng để xây dựng những con người xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1973 trở đi, Học viện có điều kiện mở rộng quan hệ quốc tế với Trường Đảng các nước anh em. Nhiều đảng anh em, nhiều tổ chức cách mạng ở các nước thuộc châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đã cử cán bộ đến Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng của nước ta. Học viện và một số cơ quan đã đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của các đoàn bạn. Hơn 70 năm qua, Học viện đã đào tạo hàng nghìn lượt cán bộ, sinh viên cho các nước như đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhân dân cách mạng Lào, Campuchia, Mozambique,... đóng góp cho sự nghiệp cách mạng thế giới. Học viện đã thiết lập quan hệ quốc tế với nhiều đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Thụy Sĩ, Pháp, Tây Ban Nha,... góp phần vào việc mở rộng quan hệ của Việt Nam đối với thế giới trong xu thế hội nhập, phát triển.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện cùng với những cán bộ được Học viện đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin để xây dựng đường lối, chính sách, hình thành nền tảng tư tưởng của Đảng, qua đó góp phần vào việc bổ sung, phát triển những nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, làm sâu sắc thêm nhiều vấn đề lý luận quan trọng. Bên cạnh đó, Học viện còn góp phần vào cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh với những tư tưởng, đạo đức, lối sống lạc hậu để góp phần định hướng nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Học viện đang có khoảng trống về đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy. “Đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có uy tín còn mỏng, chưa khắc phục được sự hẫng hụt về đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu đàn”(4).

Thống kê cho thấy, hiện nay tại Học viện trung tâm, trong tổng số 819 cán bộ, công chức, viên chức chỉ có 7 giáo sư, 103 phó giáo sư, 196 tiến sĩ. Học viện Chính trị khu vực I, II, III, IV không có giáo sư, chỉ có 29 phó giáo sư. Học viện Báo chí và Tuyên truyền chỉ có 1 giáo sư và 36 phó giáo sư(5). Do vậy, trong những năm qua, Học viện “chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học lớn, ngang tầm để đóng góp vào công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng”(6).

Với thực tế đó, Học viện sẽ gặp nhiều khó khăn để thực hiện nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu của một trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Để có thể xây dựng được đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, vững về chuyên môn, chuẩn mực về nhân cách, đạo đức lối sống, theo tôi, trong thời gian tới, Học viện phải tiếp tục có chiến lược về xây dựng đội ngũ giảng viên Học viện đến năm 2030 tầm nhìn đến 2035, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, chuẩn bị về số lượng.

Từ trước đến nay, nguồn giảng viên của Học viện rất đa dạng,
bao gồm: những giảng viên từ chiến trường về học tập tại Học viện được giữ lại; những nghiên cứu sinh về học tập được giữ lại, cán bộ giảng dạy ở các trung tâm nghiên cứu, các học viện, trường học được tuyển về, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học... Với những nguồn này, bên cạnh những ưu điểm là cho đội ngũ cán bộ giảng dạy đa dạng, một bộ phận có kinh nghiệm thực tiễn, có vốn sống, có sự kế thừa các thế hệ ở mức độ nhất định; song có thể nhận thấy nhiều bất cập, như các nguồn đào tạo không giống nhau nên trình độ, tri thức, kỹ năng có sự khác nhau rất lớn. Mặc dù đội ngũ này về Học viện có tham gia các lớp đào tạo nhưng không dài và chủ yếu theo hình thức không tập trung, hoàn chỉnh kiến thức cho đủ văn bằng, chứng chỉ. Mặt khác, trong một thời gian dài,
các khoa trước đây (các viện ngày nay) ít tuyển bổ sung cán bộ mới
nên những năm gần đây tình trạng hẫng hụt cán bộ thể hiện rõ, sự tiếp nối các thế hệ có sự “đứt gãy”. Có viện khi đội ngũ cán bộ lãnh đạo nghỉ quản lý thì không tìm được người thay thế và cũng không có chuyên gia để tiếp nối.

Từ năm 2000, Học viện đã tuyển dụng 2 lớp “cán bộ trẻ” để tạo nguồn cho các viện. Hiện nay, một số cán bộ học các lớp này đã trở thành những cán bộ chủ chốt và chủ lực trong giảng dạy. Tuy nhiên, số lượng còn ít và cũng chưa thể trở thành chuyên gia để tiếp nối thế hệ trước. Một số cán bộ trẻ học lớp này cũng chưa có bước tiến lớn, tư tưởng chưa thống nhất nên đi học nước ngoài không trở về Học viện công tác, vì thế sự hẫng hụt cán bộ vẫn còn lớn.

Do vậy, trong thời gian tới, Học viện cần nhanh chóng triển khai thực hiện Đề án 587 để tạo nguồn cho Học viện. Mở rộng tuyển dụng đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, tập trung vào các ngành khoa học lý luận cơ bản, nhất là ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngoài ra, Học viện cần xin chủ trương thống nhất để đào tạo đội ngũ giảng viên cho toàn bộ hệ thống các trường chính trị, đảm bảo sự thống nhất, tính định hướng, qua đó cũng góp phần phát hiện những giảng viên giảng dạy tốt để tạo nguồn cho Học viện.

Thứ hai, chuẩn bị về chất lượng.

Hiện nay, hệ thống giáo trình của Học viện còn thiếu và chất lượng chưa cao. Riêng hệ cao học và đại học chính trị các chuyên ngành đều không có giáo trình hoặc có nhưng không đầy đủ. Điều này làm cho học viên không có tài liệu học, giáo viên giảng thì nội dung không thống nhất, ai có gì giảng cái đó nên rất khó kiểm soát về chất lượng “đầu vào, đầu ra”. Do vậy, trong thời gian tới, Học viện cần cho xuất bản bộ giáo trình các ngành cao học làm tài liệu chuẩn cho việc giảng dạy. Một cơ sở đào tạo nhất thiết phải có bộ giáo trình làm căn cứ xây dựng, đánh giá chất lượng giảng dạy.

Đối với một số chuyên ngành đào tạo cao học, việc cho mở rộng chuyên ngành gần, chuyên ngành xa quá rộng cũng ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy ở một số bộ môn và dẫn đến mất cân đối về nguồn đầu vào cho các ngành cao học còn lại. Do đó, Học viện nên rà soát lại các chuyên ngành gần, xa ở các ngành học cho phù hợp. Điều này không chỉ giải quyết được bất cập về mất cân đối các ngành đào tạo mà còn nâng cao được chất lượng đội ngũ giảng viên, từ đó mới hình thành được chuyên gia đầu ngành cho từng lĩnh vực cụ thể. Hiện nay, vẫn có tình trạng một giảng viên giảng dạy quá nhiều môn trong một chương trình học dẫn đến chất lượng giảng dạy không cao, khó trở thành chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy. Ngoài ra, muốn tạo ra chuyên gia, các nhà khoa học đầu đàn thì việc yêu cầu giảng viên chính phải giảng 2/3 giáo trình cao học như quy chế giảng viên thì cũng không thực hiện được.

Bên cạnh đó, học viên của Học viện là những cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực tiễn với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, do vậy, Học viện nên đưa ra các hình thức trao đổi, thảo luận, phối hợp thực hiện đề tài lớn với các lớp học viên. Đây chính là một kênh tổng kết thực tiễn rất hiệu quả để góp phần tăng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên. Việc thực hiện trao đổi, thảo luận trên lớp của giảng viên như hiện nay tuy có hiệu quả nhưng phạm vi trao đổi hẹp, thời gian ngắn, số lượng học viên lại nhiều nên hiệu quả thấp.

Ngoài ra, Học viện cần coi trọng việc cho giảng viên đi thực tế, coi đó là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên trước khi lên lớp. Nên hạn chế các hình thức đi thực tế thời gian ngắn 3 tháng, 6 tháng và địa điểm gần. Học viện nên gắn nhiệm vụ thực tế của giảng viên với những nhiệm vụ khoa học lớn mà Học viện đang thực hiện để giảng viên phải nghiên cứu và tổng kết thực tiễn phục vụ cho các nhiệm vụ khoa học của Học viện. Như vậy, việc đi thực tế mới có hiệu quả, mới góp phần đào tạo được giảng viên.

Trong thời gian tới, để xây dựng đội ngũ chuyên gia cho Học viện cần phải có chính sách đối với chuyên gia, các nhà khoa học đầu đàn của Học viện. Hiện nay, chưa có sự khác biệt nhiều về chế độ chính sách giữa chuyên gia đầu ngành với giảng viên khác, cũng chưa có quy định về trách nhiệm của các chuyên gia đối với việc đào tạo thế hệ cán bộ kế cận nên đội ngũ cán bộ trẻ không tranh thủ nhiều được tri thức, kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành. Việc này làm cho ngày càng có sự hẫng hụt về đội ngũ chuyên gia. Sắp tới, với yêu cầu cao về trình độ, có thể Học viện sẽ ngày càng ít hơn số lượng giáo sư so với thời điểm hiện tại.

Có thể nói, muốn xây dựng được đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lớn lao của Học viện nhất thiết phải có một chiến lược tổng thể, tầm nhìn lâu dài. Do vậy, việc xây dựng một chiến lược khoa học, cụ thể về xây dựng đội ngũ giảng viên là điều rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, để Học viện thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

__________________

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025

PGS, TS Đặng Quang Định
Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Triết học

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền