Trang chủ    Cùng bạn đọc    Đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, để nghiên cứu khoa học thật sự là nền tảng, nhân tố quyết định việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện
Thứ ba, 01 Tháng 9 2020 09:08
2352 Lượt xem

Đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, để nghiên cứu khoa học thật sự là nền tảng, nhân tố quyết định việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện

Nghiên cứu khoa học là một trong hai chức năng cơ bản của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Công tác nghiên cứu khoa học có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Học viện, trực tiếp tạo lập vị thế, uy tín, ảnh hưởng của Học viện với tư cách một trung tâm quốc gia về nghiên cứu lý luận chính trị, đồng thời là nền tảng để Học viện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp và cán bộ lý luận của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, đặc biệt là trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng, hệ thống lý luận của Đảng, góp phần cung cấp nhiều luận cứ khoa học có giá trị cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định đối với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện.

Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương, sự tham mưu tích cực của các cơ quan chức năng, sự chủ động, tích cực của lãnh đạo các đơn vị khoa học và đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ khoa học, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng, loại hình nhiệm vụ và chất lượng sản phẩm nghiên cứu.

Từ năm 2016 đến nay, Học viện đã triển khai thực hiện 2.507 nhiệm vụ khoa học, trong đó: năm 2016 triển khai 437 nhiệm vụ; năm 2017 triển khai 524 nhiệm vụ; năm 2018 triển khai 544 nhiệm vụ; năm 2019 triển khai 488 nhiệm vụ và năm 2020 triển khai 514 nhiệm vụ(1). Loại hình nhiệm vụ khoa học rất đa dạng, phong phú, như: đề tài, nhiệm vụ cấp quốc gia; đề tài, nhiệm vụ do Ban Bí thư hoặc Thủ tướng Chính phủ giao; đề tài, đề án, chương trình cấp bộ trọng điểm; đề tài cấp bộ; dự án khảo sát, điều tra cơ bản; đề án, đề tài hợp tác nghiên cứu với nước ngoài; đề tài cấp cơ sở; đề tài Giám đốc giao nhiệm vụ, v.v.. Đặc biệt, trong 5 năm qua, có tới 218 đề tài, nhiệm vụ cấp quốc gia và lần đầu tiên Học viện đã luận chứng và chủ trì triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia với chủ đề: “Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin - Cấu phần quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới” (KX02). Bên cạnh triển khai một số lượng lớn các đề tài, nhiệm vụ khoa học, Học viện và các đơn vị trực thuộc còn tổ chức hàng trăm hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học, trong đó có 26 hội thảo quốc tế, 24 hội thảo cấp quốc gia, 77 hội thảo cấp bộ và liên bộ, thu hút đông đảo các nhà hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học tham gia và tạo sự lan tỏa lớn trong xã hội.

Cùng với việc gia tăng số lượng, quy mô và đa dạng hóa loại hình nhiệm vụ nghiên cứu, dưới sự lãnh đạo kịp thời của Đảng ủy, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Giám đốc Học viện, nhiều khâu trong công tác quản lý khoa học của Học viện đã được cải tiến, như: tổ chức công tác xây kế hoạch hàng năm được thực hiện qua hai vòng, tạo điều kiện cho các đơn vị bổ sung, hoàn thiện xây dựng kế hoạch; các đề xuất nhiệm vụ bắt buộc phải có sự tư vấn của Hội đồng khoa học đơn vị; thay việc thẩm định trước nghiệm thu bằng nghiệm thu cơ sở đối với đề tài cấp bộ; ứng dụng phần mềm phát hiện trùng lắp trong nghiên cứu vào kiểm soát chất lượng đề tài; đánh giá, nghiệm thu đề tài bằng chấm điểm; đưa phần báo cáo kiến nghị thành yêu cầu bắt buộc trong nghiên cứu đề tài và đây là một nội dung để đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài... Bên cạnh đó, Học viện còn tích cực triển khai một số nhiệm vụ khoa học theo hình thức đặt hàng các nhóm nghiên cứu xây dựng báo cáo kiến nghị gửi Trung ương; thực hiện phân loại hội thảo, tăng cường hình thức trao đổi, thảo luận đối với loại hình hội thảo chuyên môn.

Những đổi mới trong công tác quản lý khoa học đã góp phần kiến tạo môi trường dân chủ, phát huy tính tích cực, chủ động của các đơn vị, tạo điều kiện để các nhà khoa học phát huy tiềm năng chất xám, sức sáng tạo, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy, các hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng đi vào nền nếp, tình trạng chậm tiến độ đề tài, nhiệm vụ khoa học được khắc phục cơ bản, chất lượng và hiệu quả các sản phẩm khoa học ngày càng được nâng cao. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện đã góp phần làm sáng tỏ các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoàn thiện hệ thống quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hoạt động nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đạt được những kết quả rất rõ nét, nổi bật là: trong 2 năm 2017-2018, Học viện đã có 24 báo cáo kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ; năm 2019 và đầu năm 2020, Học viện đã gửi 41 bản báo cáo kiến nghị gửi các Tiểu ban xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; từ năm 2015 đến nay đã có hàng trăm bản góp ý, tư vấn cho các ban, bộ, ngành, địa phương.

Cùng với việc phục vụ nhiệm vụ phát triển lý luận, tư vấn chính sách, công tác nghiên cứu khoa học đã chú trọng phục vụ việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đây luôn được xác định là mục tiêu hàng đầu của công tác nghiên cứu khoa học, như Chiến lược hoạt động khoa học của Học viện giai đoạn 2016-2020 khẳng định: “Kết quả hoạt động khoa học của Học viện phải là nhân tố hàng đầu, trực tiếp phục vụ tốt cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị”(2).

Để công tác nghiên cứu khoa học đạt được mục tiêu trên, Học viện đã cân đối, bố trí nguồn lực, huy động nhiều nguồn kinh phí và có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, tính ứng dụng của các sản phẩm khoa học đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng. Theo chỉ đạo của Giám đốc Học viện, các đề tài, nhiệm vụ khoa học được “phân luồng” rất rõ theo định hướng mục tiêu: Chương trình, đề tài cấp quốc gia và cấp bộ trọng điểm hướng vào mục tiêu bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng, hệ thống lý luận của Đảng và tư vấn chính sách; đề tài, nhiệm vụ cấp bộ hướng vào mục tiêu giải quyết các vấn đề cơ bản của lý luận và các vấn đề thực tiễn nảy sinh, vừa tư vấn chính sách (chủ yếu ở cấp bộ, ngành, địa phương), vừa định hướng hình thành các học phần, môn học mới trong các chương trình đạo tạo; đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở chủ yếu phục vụ trực tiếp cho việc hoàn thiện chương trình, các chuyên đề, bài giảng. Mỗi năm, Học viện giao các đơn vị khoa học triển khai khoảng từ 55 đến 60 đề tài cấp bộ và từ 180-200 đề tài cấp cơ sở phân cấp từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ.

 Ngoài số đề tài cấp cơ sở được phân cấp, một số Học viện trực thuộc, như Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn chủ động sử dụng kinh phí từ nguồn phát triển sự nghiệp của đơn vị để triển khai hàng chục đề tài cấp cơ sở mỗi năm phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, hàng năm, Học viện và các đơn vị trực thuộc còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên sâu về xây dựng, hoàn thiện chương trình, nội dung môn học; tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, tổng kết thực tiễn phục vụ việc bổ sung, cập nhật nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, nhiều chương trình, đề án hợp tác quốc tế đều hướng vào phục vụ trực tiếp cho cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trên cơ sở “phân luồng” các nhiệm vụ khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Học viện đã chú trọng việc xác định chủ đề, lựa chọn đề tài nghiên cứu để bảo đảm sát hợp với các nội dung cụ thể trong từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Theo quy định, trước khi đề xuất, các đề tài nghiên cứu phải thông qua hội đồng khoa học đơn vị, khi đã được phê duyệt phải có tư vấn của hội đồng. Việc nghiệm thu bắt buộc phải có cán bộ khoa học ngoài đơn vị tham gia hội đồng và tiêu chí quan trọng để đánh giá đề tài là tính ứng dụng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhờ vậy, các nhiệm vụ phân cấp ngày càng gắn với chương trình, nội dung đào tạo, chất lượng và tính ứng dụng ngày càng được nâng cao.

Quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học đã góp phần hết sức quan trọng vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện, thể hiện trên các phương diện:

 (1) Nghiên cứu khoa học ngày càng đóng vai trò nền tảng, nhân tố hàng đầu quyết định việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học đã góp phần chuẩn hóa và cập nhật những vấn đề lý luận mới và thực tiễn nảy sinh vào nội dung giáo án, bài giảng của giảng viên. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, nhiệm vụ khoa học đã hình thành được một số giáo trình, tập bài giảng các môn học, học phần, chuyên đề trong các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Đặc biệt, chính nhờ nền tảng tri thức lý luận được hệ thống hóa và được sáng tạo, tích lũy thông qua nghiên cứu khoa học, nên trong một thời gian ngắn, đội ngũ cán bộ Học viện đã hoàn thành việc biên soạn, xuất bản bộ giáo trình mới dành cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị và hệ đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, vừa bảo đảm tính khoa học, cơ bản, hệ thống vừa quán triệt những quan điểm mới trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng và cập nhật với tình hình thực tiễn.

(2) Từ kết quả nghiên cứu khoa học, đã hình thành được một hệ thống các tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ công tác giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên.Với số lượng hàng trăm nhiệm vụ khoa học được triển khai mỗi năm, đã hình thành một hệ thống các tài liệu tham khảo, bao gồm các bản kỷ yếu, báo cáo nghiên cứu, báo cáo kiến nghị chính sách, sách chuyên khảo và tham khảo, bài báo khoa học đăng tải trong và ngoài nước,..., rất có giá trị đối với công tác giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên, sinh viên.

(3) Kết quả nghiên cứu khoa học góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy và tổ chức, quản lý đào tạo của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.Trong giai đoạn 2011-2015, Học viện đã tiến hành một số đề tài khoa học nghiên cứu chuyên sâu về phương pháp dạy học và đã hình thành được tập bài giảng về phương pháp dạy học hiện đại. Trong giai đoạn 2016-2020, một số học viện trực thuộc và viện chuyên ngành, như: Viện Kinh tế, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Báo chí và Tuyên truyền... đã tiếp tục triển khai nghiên cứu về phương pháp nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành. Trên cơ sở đó, đã áp dụng vào quá trình giảng dạy các hệ lớp tại Học viện, góp phần nâng cao tính hấp dẫn và chất lượng các bài giảng. Bên cạnh đó, các đề tài khoa học do các cơ quan chức năng của Học viện và các học viện trực thuộc thực hiện đã hướng vào việc nghiên cứu đổi mới cách thức xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức lớp học, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường quản lý học viên..., qua đó cung cấp luận cứ khoa học và nhiều giải pháp hữu ích cho việc nâng cao chất lượng và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý đào tạo.

(4) Nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Thông qua việc chủ trì, tham gia các đề tài, nhiệm vụ khoa học, đội ngũ giảng viên đã được nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, phương pháp và kỹ năng nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu còn giúp nhiều cán bộ rèn luyện tư duy độc lập, phát huy tinh thần say mê nghiên cứu, giảng dạy và khả năng làm việc nhóm. Đồng thời, giúp đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên trẻ bổ sung kiến thức thực tiễn để họ có đủ hành trang và sự tự tin trong quá trình giảng dạy tại Học viện.

Có thể khẳng định, nghiên cứu khoa học đã có những đóng góp quan trọng, tạo nền tảng vững chắc và trên nhiều phương diện có vai trò quyết định tạo nên những thành tựu của quá trình đổi mới toàn diện và đồng bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện trong thời gian qua. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện cũng còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục. Nhìn tổng thể, kế hoạch nghiên cứu khoa học chưa bám sát nhu cầu phát triển của công tác đào tạo, bồi dưỡng. Việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn giáo trình còn mang tính tình thế; ngoài bộ giáo trình Cao cấp lý luận chính trị và Trung cấp lý luận chính trị - hành chính được biên soạn một cách bài bản, đạt chất lượng khá tốt, giáo trình các hệ đào tạo, bồi dưỡng khác đều chậm được biên soạn, một số giáo trình sau khi biên soạn chưa đảm bảo chất lượng để xuất bản.

Đối với các đề tài khoa học, mặc dù đã có sự “phân luồng”, nhưng vẫn còn tình trạng nhiều đề tài không rõ định hướng mục tiêu dẫn tới nghiên cứu những vấn đề chung chung hoặc không phù hợp lĩnh vực nghiên cứu của Học viện. Ngay một số đề tài, nhiệm vụ khoa học thuộc loại hình nghiên cứu phục vụ trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhưng vẫn chưa bám sát nội dung, chương trình các môn học, học phần trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Việc giao đề tài, nhiệm vụ khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng ở một số đơn vị chưa căn cứ vào năng lực cán bộ mà còn mang tính cào bằng, theo kiểu “luân phiên thực hiện”. Thêm vào đó, công tác quản lý đối với loại hình đề tài, nhiệm vụ này còn lỏng lẻo, chủ yếu “khoán trắng” cho chủ nhiệm, khi đánh giá nghiệm thu lại thường xuê xoa, nể nang. Bởi vậy, mặc dù đa số các đề tài, nhiệm vụ khoa học đều đạt loại khá, xuất sắc nhưng chất lượng không cao, khó ứng dụng vào đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Chính vì vậy, hàng năm Học viện đầu tư một nguồn kinh phí lớn để triển khai hàng trăm đề tài, nhiệm vụ phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhưng tỷ lệ sản phẩm nghiên cứu có thể sử dụng để biên tập thành giáo trình, tập bài giảng không cao. Mặt khác, do nguồn lực lại hạn chế, trong khi phải triển khai số lượng lớn đề tài để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu rất lớn của các đơn vị, nên kinh phí để triển khai đề tài rất thấp, gây khó khăn cho việc nâng cao chất lượng nghiên cứu.

Trong giai đoạn phát triển mới, để công tác nghiên cứu khoa học phục vụ tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học thật sự là nền tảng, nhân tố quyết định việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện, phải kiên quyết khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là,trong kế hoạch hoạt động khoa học 5 năm và hàng năm cần phân định rõ và chú trọng các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trên cơ sở Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Chiến lược hoạt động khoa học của Học viện giai đoạn 2016-2030, dựa trên cơ sở phân luồng các nhiệm vụ khoa học theo định hướng mục tiêu, cần xác định rõ các loại hình, nhiệm vụ khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Về lý thuyết, mọi hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện đều có vai trò tích cực đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu không “phân luồng” các nhiệm vụ khoa học, rất dễ dẫn tới tình trạng có nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu không rõ mục tiêu, hoặc không phù hợp giữa quy mô, nguồn lực và mục tiêu, dẫn tới hiệu quả ứng dụng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng rất thấp. Bởi vậy, trong kế hoạch hoạt động khoa học cần xác định rõ những nhiệm vụ khoa học có mục tiêu phát triển lý luận, những nhiệm vụ khoa học có mục tiêu tư vấn chính sách, những nhiệm vụ khoa học có mục tiêu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và có thể có những nhiệm vụ khoa học có “mục tiêu kép”. Khi đã xác định rõ các loại hình nhiệm vụ khoa học theo mục tiêu như vậy, hằng năm căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và nguồn lực kinh phí để bố trí các nhiệm vụ cho phù hợp, trong đó cần lưu ý ưu tiên cho các nhiệm vụ phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Hai là, tiếp tục đổi mới việc xác định nhiệm vụ và giao chủ trì thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Việc xác định nhiệm vụ khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng hệ thống chương trình, giáo trình, tập bài giảng hiện có để nắm rõ những hạn chế, bất cập và yêu cầu về chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới. Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu phát triển của công tác đào tạo, bồi dưỡng và những vấn đề cấp thiết đang đặt ra cần nghiên cứu để từ đó có kế hoạch triển khai các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cho phù hợp. Việc xác định, lựa chọn nhiệm vụ nghiên cứu phải thông qua hội đồng khoa học, hội đồng tư vấn và phải bảo đảm sự công khai, minh bạch.

Việc giao nhiệm vụ chủ trì phải căn cứ vào năng lực của cán bộ, đồng thời căn cứ vào mục tiêu của từng loại đề tài, nhiệm vụ khoa học. Với đề tài hướng tới hình thành giáo trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, giáo trình bồi dưỡng chức danh cán bộ cao cấp cần giao những cán bộ có trình độ cao và có kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, giảng dạy chủ trì; còn với đề tài hướng tới hình thành, hoàn thiện các bài giảng trong chương trình cử nhân, các lớp bồi dưỡng cán bộ trung cấp, nên giao cán bộ trẻ chủ trì thực hiện. Trong giao chủ trì nhiệm vụ khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần tránh giao theo lối “chia phần”.

Ba là, tiếp tục đổi mới công tác quản lý đề tài, nhiệm vụ khoa học, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá.

Công tác quản lý đề tài, nhiệm vụ khoa học có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng kết quả nghiên cứu. Việc xác định, triển khai đề tài, nhiệm vụ là theo định hướng mục tiêu, vì vậy cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể cho việc quản lý đối với loại hình nghiên cứu phục vụ đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cụ thể, cần có quy định riêng về kết cấu, dung lượng sản phẩm, về trách nhiệm của chủ nhiệm đề tài, nhiệm vụ khoa học trong việc báo cáo trước hội đồng khoa học và về vai trò của hội đồng khoa học trong việc tham gia góp ý, thẩm định sản phẩm nghiên cứu. Đối với đơn vị chủ trì, điều quan trọng nhất là không được “khoán trắng” cho chủ nhiệm và phải thường xuyên giám sát quá trình thực hiện. Đối với loại hình đề tài này, kết quả đầu ra phải là sản phẩm tương đối hoàn chỉnh của một chương trình, giáo trình, tập bài giảng, chuyên đề, phương pháp giảng dạy hay giải pháp hữu ích cho công tác quản lý đào tạo. Bởi vậy, cần có quy định cụ thể và thiết kế bảng điểm riêng cho việc đánh giá, nghiệm thu để bảo đảm chính xác. Đồng thời, cần lựa chọn và mời những cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, có tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, công tâm, khách quan tham gia thẩm định, đánh giá đề tài.

Bốn là, tăng cường, đổi mới quản lý việc biên soạn chương trình, giáo trình.

Hiện nay, Học viện đang tập trung chỉnh sửa bộ giáo trình Cao cấp lý luận chính trị và Trung cấp lý luận chính trị - hành chính để cập nhật các quan điểm mới của Đảng và tình hình thực tiễn, đồng thời đang tích cực chuẩn bị triển khai Đề án “Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế”.

Để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đó, cần bám sát các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về biên soạn giáo trình, nhất là đối với các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, kiểm định các loại chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, áp dụng một số khâu trong quy trình quản lý đối với các nhiệm vụ khoa học, như: phải có hội đồng tư vấn, thẩm định đề cương trước khi tiến hành hành sửa chữa, phải có sự thẩm định của các chuyên gia trước khi nghiệm thu; sử dụng phần mềm phát hiện trùng lặp; tổ chức đánh giá, nghiệm thu một cách chặt chẽ, khách quan và sau nghiệm thu phải có thẩm định trước khi xuất bản. Có như vậy, mới bảo đảm được chất lượng giáo trình và hạn chế tối đa những sai sót không đáng có.

Năm là, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý để khuyến khích, tạo động lực cho đội ngũ giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Trên cơ sở quy định về định mức giờ chuẩn giảng dạy và quy định về nghiên cứu khoa học của giảng viên, lượng hóa các sản phẩm khoa học thành giờ chuẩn nghiên cứu, chẳng hạn: hoàn thành một đề tài cấp cơ sở được tính 60 giờ, nếu đạt loại xuất sắc được tính thêm 15 giờ chuẩn; một bài báo khoa học được tính 15 giờ, bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín được tính thêm 10 giờ,... Số giờ nghiên cứu khoa học không những được sử dụng để bù vào sự thiếu hụt giờ giảng như quy định hiện hành(3), mà còn có thể được quy đổi thành giờ giảng để phục vụ đánh giá, xếp loại giảng viên, tính thu nhập tăng thêm, bình xét thi đua khen thưởng,... Thay thế việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ giảng viên đi thực tế dài hạn bằng việc giao đề tài tổng kết thực tiễn, kèm theo kinh phí thực hiện. Việc đánh giá kết quả nghiên cứu đối với loại hình đề tài này có sự tham gia của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nơi cán bộ đến thực tế. Tổ chức xét và định kỳ trao giải thưởng lý luận chính trị cho các công trình khoa học xuất sắc để động viên, khuyến khích cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Tóm lại, để tiếp tục khẳng định là trung tâm quốc gia hàng đầu, có uy tín cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị; khẳng định vị thế là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cao cấp và trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hiện đại, hội nhập, có uy tín hàng đầu ở khu vực châu Á và trên thế giới, Học viện cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ các mặt công tác, trong đó đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học vừa là nhiệm vụ trọng yếu nhằm hiện thực hóa một trong hai chức năng cơ bản của Học viện, vừa là nhân tố hàng đầu quyết định việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.

__________________

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025

PGS, TS Lê Văn Lợi
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện,
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền