Trang chủ    Bài nổi bật    Đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng
Thứ hai, 23 Tháng 11 2020 14:39
1371 Lượt xem

Đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng

(LLCT) - Công tác bồi dưỡng cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng trong thời gian qua gồm bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới; bồi dưỡng theo chức danh; bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước; bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học và đã bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi của thực tiễn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, công tác này vẫn rất cần tiếp tục đổi mới trên cơ sở thực hiện tốt một số giải pháp như: đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp và kiến thức bồi dưỡng; nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hóa các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bồi dưỡng...

Từ khóa: bồi dưỡng cán bộ; thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; đồng bằng sông Hồng.

1. Đặc điểm cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng

Cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý là những người được các tổ chức trong hệ thống chính trị bầu, phê chuẩn, hoặc được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giữ các cương vị cấp trưởng và cấp phó các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị cấp tỉnh; cấp trưởng và cấp phó cấp ủy, chính quyền cấp huyện, các ủy viên ban thường vụ cấp ủy và cấp huyện tương đương.

Đội ngũ cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng hiện nay có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, đội ngũ cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng hiện nay hầu hết là người địa phương, một số cán bộ là người từ vùng khác nhưng họ luôn gắn bó, mật thiết với địa phương.

Thứ hai, tất cả cán bộ diện  ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng hiện nay đều được đào tạo cơ bản, có trình độ cao, năng động, từng bước được trẻ hóa, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Hầu hết cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng hiện nay đều có bằng đại học và trên đại học, trình độ lý luận chính trị đa số đều đạt cao cấp.

Thứ ba, cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng hiện nay đều được thừa hưởng các giá trị truyền thống cách mạng. Tuy nhiên, một số cán bộ còn thiếu tác phong công nghiệp, phong cách làm việc còn quan liêu, hành chính. Bước vào thời kỳ đổi mới, bên cạnh những mặt tích cực của truyền thống văn hóa làng xã, những thuần phong mỹ tục cần được giữ gìn và phát huy, mặt hạn chế của các giá trị văn hóa này vẫn còn tồn tại và chi phối không nhỏ trong cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, từ đó hình thành tác phong làm việc thiếu khoa học, manh mún, mệnh lệnh, hành chính, quan liêu trong đội ngũ cán bộ này. Đó chính là bước cản trong sự phát triển nhằm nâng cao chất lượng của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng hiện nay.

2. Các chương trình bồi dưỡng cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng

Về chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh: chương trình được thực hiện tại Học viện quốc phòng và các trường quân sự quân khu dưới sự chỉ đạo của Hội đồng quốc phòng. Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Hồng đã chủ động phối hợp với Học viện Quốc phòng, bộ tham mưu các quân khu lập kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý. Việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đối tượng cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý nói chung và cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng nói riêng những năm gần đây được thực hiện nghiêm túc và đã trở thành một hình thức bồi dưỡng bắt buộc.

Trong 5 năm (2015-2019): các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng đã tham mưu, làm thủ tục cử cán bộ diện đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh tại Học viện Quốc phòng, các trường quân sự quân khu: Hà Nội cử 232 đồng chí, Quảng Ninh 290 đồng chí, Nam Định 137 đồng chí, Bắc Ninh 123 đồng chí, Hải Dương cử 89 đồng chí; Hà Nam có 17 đồng chí, Thái Bình có 121 đồng chí; Vĩnh Phúc có 148 đồng chí thời gian bồi dưỡng là 30 ngày(1).

Về chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới: Tập trung bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề văn hóa, vấn đề Đảng và Nhà nước trong tình hình mới. Đối với chương trình này, hằng năm Trung ương tổ chức bồi dưỡng cho đối tượng cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý nhưng số lượng còn rất hạn chế. Trong 5 năm (2015-2019) các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng đã cử cán bộ diện này đi bồi dưỡng cập nhật kiến thức tại các học viện, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, kết quả là: Hà Nội có 169 đồng chí, Quảng Ninh có 80 đồng chí, Nam Định có 29 đồng chí; Thái Bình có 190 đồng chí; Vĩnh Phúc có 109 đồng chí, thời gian bồi dưỡng từ 3 ngày đến 3 tháng(2).

Trong thực tế, một số địa phương ở đồng bằng sông Hồng đã chủ động bồi dưỡng cập nhật kiến thức về kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, về xây dựng Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đối tượng thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý đồng bằng sông Hồng được tiến hành một cách nghiêm túc, mỗi đợt học tập có thu hoạch, kiểm tra xác nhận và cấp chứng chỉ. Qua bồi dưỡng cập nhật và bổ sung kiến thức mới, trình độ nhận thức chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu lãnh đạo và quản lý điều hành; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân trong tỉnh được ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố. Nội dung bồi dưỡng được xây dựng phù hợp với đối tượng, kiến thức mới, những vấn đề mang tính thời sự diễn ra trên thế giới, trong nước, các địa phương, cơ sở, do đó phần nào đã đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, giúp cán bộ nắm được kiến thức để thực thi nhiệm vụ đạt kết quả. Kết thúc mỗi khóa bồi dưỡng cán bộ được cấp chứng chỉ theo quy định.

Về Chương trình bồi dưỡng theo chức danh: Đây là loại hình bồi dưỡng cho cán bộ đang giữ một chức vụ, một vị trí quản lý trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Bồi dưỡng theo chức danh là loại hình mang tính chất bồi dưỡng nghề (nghề làm lãnh đạo, quản lý) vì thế khi cán bộ chuyển sang đảm nhiệm nhiệm vụ mới thì phải được bồi dưỡng những kiến thức về nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý ở vị trí chức danh đó để người cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Thực tế cho thấy, bồi dưỡng cán bộ các cấp nói chung, cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý nói riêng trong thời gian qua còn thiếu quy trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đảm nhận các vị trí chức danh. Trong thực tế đối tượng cán bộ diện Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng được bồi dưỡng theo vị trí chức danh còn rất hạn chế. Tùy từng đối tượng cụ thể, một năm có thể tổ chức nhiều khóa, mỗi khóa từ năm đến bảy ngày, chương trình này do các bộ, ngành phối hợp với học viện, trường, trung tâm bồi dưỡng tổ chức. Trong 5 năm (2005-2009), tỉnh Quảng Ninh bồi dưỡng được 106 đồng chí; Hà Nội có 52 đồng chí(3).

Về Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ: Chương trình này được các bộ, ban, ngành ở Trung ương chủ động bồi dưỡng cho đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác. Như chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức, công tác kiểm tra tuyên giáo, dân vận, phụ nữ, thanh niên, tôn giáo, thanh tra, văn phòng. Các bộ, ban, ngành đã biên soạn nhiều tài liệu, tổ chức các lớp bồi dưỡng hằng năm để trang bị kiến thức cho cán bộ. Ngoài những lớp bồi dưỡng do các học viện tổ chức, các bộ, ban, ngành còn mở các lớp bồi dưỡng tại các khu vực tỉnh, thành phố tạo điều kiện để cán bộ tham gia đầy đủ. Trong hai năm 2018, 2019, Ban Tổ chức Trung ương đã phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngành tổ chức xây dựng Đảng theo dự án ADB cho hầu hết cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý của các địa phương trong cả nước. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ ngành, tổ chức xây dựng đảng, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận, phụ nữ được thực hiện theo kế hoạch mở lớp hằng năm của Trung ương. Năm 2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức bồi dưỡng cho đối tượng cán bộ là trưởng, phó các ban đảng của các tỉnh, thành ủy.

Thực hiện kế hoạch bồi dưỡng cán bộ theo các lớp ở Trung ương, tỉnh, thành ủy các tỉnh đồng bằng ở sông Hồng đã cử các đồng chí là trưởng, phó, ban ngành cấp tỉnh, huyện đi bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức, công tác kiểm tra, tôn giáo tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I và Ban Tổ chức Trung ương.

Trong 5 năm (2015-2019), Thành ủy Hà Nội đã cử 44 đồng chí đi bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng, 60 đồng chí tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra của Đảng; Tỉnh ủy Quảng Ninh đã cử 35 cán bộ diện tỉnh ủy quản lý đi bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức xây dựng Đảng, 30 đồng chí tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra của Đảng; Tinh ủy Nam Định đã cử 3 đồng chí Trưởng, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham gia lớp bồi dưỡng ngành tổ chức xây dựng Đảng theo dự án ADB tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cử 20 đồng chí trưởng ban tổ chức các huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc tham gia lớp bồi dưỡng ngành Tổ chức xây dựng Đảng tổ chức tại Hải Dương do Ban Tổ chức Trung ương triệu tập, 8 đồng chí đi bồi dưỡng lớp tôn giáo tại Học viện Chính trị khu vực I; Tỉnh ủy Hải Dương đã 10 đồng chí đi học lớp bồi dưỡng ngành tổ chức xây dựng Đảng theo dự án ADB do Ban Tổ chức Trung ương triệu tập. 4 đồng chí tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra của Đảng; 3 đồng chí đi bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; tỉnh ủy Bắc Ninh đã cử 15 cán bộ đi bồi dưỡng nghiệp vụ ngành tổ chức xây dựng đảng, cử 6 đồng chí đi bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra tại Học viện Chính trị khu vực I; Hà Nam cử 5 đồng chí đi bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức xây dựng Đảng, 15 đồng chí đi bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra(4).

Hầu hết cán bộ diện Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy quản lý được dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ như tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận do các ban, ngành Trung ương tổ chức tập trung ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Học viện Chính trị khu vực. Tuy nhiên, những năm gần đây số lượng các lớp bồi dưỡng này có giảm, nên không đáp ứng được nhu cầu của địa phương, đơn vị, trong khi nhiều cán bộ luân chuyển, điều động từ các lĩnh vực khác nhau chưa được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Về Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước: Chương trình này do Bộ Nội vụ phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia biên soạn, các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Hồng đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cử các đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy quản lý đi học lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp và chương trình chuyên viên chính. Một số tỉnh, thành phố đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài tổ chức cho cán bộ đi nghiên cứu, học tập, như: Hà Nội đưa cán bộ đi bồi dưỡng tại Học viện Hành chính Vân Nam Trung Quốc. Trong 5 năm (2010 2015) Hà Nội đã bồi dưỡng được 90 đồng chí; Quảng Ninh đã cử 80 đồng chí đi dự lớp bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước chương trình chuyên viên (3 tháng); Bắc Ninh đã cử 25 đồng chí, Nam Định cử 15 đồng chí đi bồi dưỡng chương trình hành chính nhà nước (2 tháng) do Bộ Nội vụ phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia tổ chức; Thái Bình tổ chức bồi dưỡng chương trình quản lý hành chính nhà nước tại tỉnh cho 160 đồng chí(5).

Nhiều địa phương đã đề ra tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt ở các sở, ban ngành, huyện, thị, thành phố có tuổi đời dưới 45 khi được bổ nhiệm phải đảm bảo tiêu chuẩn của từng chức danh tốt nghiệp đại học chuyên môn và lý luận chính trị cao cấp, bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước...

Về Chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học: Các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Hồng đã chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho cán bộ. Việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tin học và ngoại ngữ cho cán bộ công chức nhằm đẩy nhanh tiến trình tin học hóa quản lý nhà nước đã được nhiều địa phương quan tâm đầu tư thích đáng. 100% các đơn vị đã được kết nối mạng và đa số có mạng tin học nội bộ. Nhiều đơn vị trong các địa phương đã có chính sách vừa bắt buộc, vừa động viên khuyến khích cán bộ tự giác đi học để nâng cao trình độ. Chính vì vậy bước đầu đã đảm bảo cho các địa phương có được đội ngũ cán bộ ổn định, trình độ năng lực cán bộ từng bước được nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi địa phương, đơn vị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiều địa phương mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng đã dành kinh phí không nhỏ cho việc tổ chức các lớp ngoại ngữ, tin học. Qua kết quả kiểm tra đối với học viên, cũng như theo dõi hoạt động trong thực tế, sau khi dự các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, việc ứng dụng, xử lý tình huống của cán bộ được nâng lên, hiệu quả công việc được nâng cao rõ rệt. Nhiều cán bộ sau khi tham gia các lớp ngoại ngữ, tin học đã đủ điều kiện để thi nâng ngạch công chức, sử dụng tốt kiến thức tin học trong công tác. Việc trang bị kiến thức tin học cho cán bộ công chức và cán bộ lãnh đạo phục vụ cho công tác chuyên môn và cập nhật thông tin qua mạng. Trong 5 năm (2010-2015), Hà Nội bồi dưỡng ngoại ngữ được 18 đồng chí, bồi dưỡng tin học được 15 đồng chí, Quảng Ninh đã bồi dưỡng ngoại ngữ cho 120 đồng chí, 85 đồng chí về tin học; Hà Nam bồi dưỡng ngoại ngữ cho 10 đồng chí, 10 đồng chí bồi dưỡng tin học Thái Bình cử 80 đồng chí đi bồi dưỡng tin học(6).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bồi dưỡng cán bộ diện Ban thường vụ tỉnh ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng còn một số hạn chế, đó là:

Thứ nhất, một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, thường xuyên trong việc chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương, các bộ, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa đồng bộ, thiếu khoa học, chưa gắn với sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ hai, hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa đồng bộ, vừa cồng kềnh, nặng nề, vừa phân tán; công tác quản lý đào tạo thiếu thống nhất, thiếu sự liên thông, gắn kết giữa hệ thống giáo dục, đào tạo chung với hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nặng về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nhẹ về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, ngay cả trong đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cũng thiếu cân đối giữa các lĩnh vực, ngành nghề.

Thứ ba, hình thức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm được đổi mới, thời gian học tập còn dài, nặng về trang bị những bài học lý luận, thiếu thực tiễn, chưa chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, khả năng thực hành, xử lý tình huống và yếu về đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh. Một số cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng cán bộ, nên chưa chủ động làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nên có tình trạng đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và quy hoạch sử dụng cán bộ; một bộ phận cán bộ sau khi đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn hạn chế, phát huy hiệu quả chưa cao; chưa chú trọng bồi dưỡng cán bộ có trình độ chuyên gia đầu ngành và cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện.

Thứ tư, một số địa phương, đơn vị chưa coi trọng đúng mức về công tác bồi dưỡng cán bộ nên thường bị động trong việc lựa chọn cán bộ đi bồi dưỡng khi có yêu cầu. Số lượng cán bộ cử đi bồi dưỡng so với số lượng cán bộ gửi đi đào tạo còn rất hạn chế. Cá biệt ở một số địa phương, đơn vị có trường hợp cán bộ được đào tạo nhiều bằng cấp, tốn kém tiền của, thời gian, công sức nhưng vẫn chưa đạt chuẩn (ngoại ngữ, tin học), chất lượng hiệu quả công tác không cao. Có nơi còn bộc lộ tư tưởng ỷ lại, một số có tư tưởng cầu toàn, tư tưởng cục bộ, thiếu sự tin tưởng vào cán bộ trẻ... chính vì vậy ở một số địa phương có tình trạng nguồn cán bộ kế cận bị hụt hẫng, hoặc nguồn cán bộ kế cận có chất lượng không cao, gây khó khăn trong công tác cán bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, đơn vị.

3. Giải pháp đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng

Một là, xác định rõ các yêu cầu về phẩm chất, năng lực của cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý. Để thực hiện tốt vai trò, cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và huyện cần đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất và năng lực của cán bộ nói chung, như: (1) Phẩm chất chính trị, tư tưởng bao gồm thế giới quan, quan điểm giai cấp, lập trường của Đảng, chủ nghĩa yêu nước, những phẩm chất liên quan đến tính tích cực xã hội - chính trị và năng lực tư duy; (2) Phẩm chất tâm lý, đạo đức: Phẩm chất tâm lý bao gồm sự lịch thiệp, tế nhị, kiên quyết, nhạy cảm tâm lý, tự kiềm chế. Về đạo đức, bao gồm các phẩm chất như tính dân chủ, công bằng, giản dị, trung thực, gương mẫu, khiêm tốn, chân thành. Những phẩm chấp này liên quan đến tính hướng đích, sáng kiến trong hành động, tính độc lập, kiên quyết, niềm tin vào sức mạnh... (3) Năng lực lãnh đạo, quản lý: tư duy nhận thức, kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng nhân sự. Kỹ năng tư duy liên quan đến tầm nhìn của người lãnh đạo quản lý và cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo, quản lý cần phải đạt đến tầm chiến lược, tổng thể, hệ thống để đảm bảo khả năng phát triển của tổ chức chứ không chỉ đơn thuần là việc thực hiện các nhiệm vụ được giao phó. Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, quản lý còn được thể hiện trong chính khả năng của họ về phát triển đội ngũ cán bộ kế cận. Chính dựa vào đội ngũ cán bộ kế cận mà người ta có thể hình dung ra chiều hướng, đặc điểm phát triển của tổ chức trong tương lai.

Hai là, đổi mới nội dung, chương trình và tài liệu bồi dưỡng: Đổi mới chương trình, nội dung là vấn đề cốt lõi trong đổi mới bồi dưỡng. Suy cho cùng, điều này có cơ sở từ chính yêu cầu của thực tiễn thực thi, trong đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cán bộ nói chung cũng như đội ngũ cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng nói riêng cần gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành, đảm bảo hiệu quả thiết thực. Đó là bồi dưỡng phải phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có lộ trình thích hợp với tiến trình cải cách hành chính ở nước ta hiện nay. Nội dung, chương trình, bài giảng, tài liệu bồi dưỡng phải khuyến khích mọi cán bộ độc lập suy nghĩ tìm tòi nhằm nâng cao năng lực tư duy và bản lĩnh cán bộ.

Ba là, đổi mới phương pháp bồi dưỡng: Đổi mới phương pháp bồi dưỡng bao gồm việc kết hợp phương pháp truyền thống với phương pháp hiện đại và việc áp dụng các phương pháp đối thoại, đàm thoại... chuyển dần từ phương pháp thông tin một chiều sang thông tin hai chiều bằng trao đổi, đối thoại giữa giảng viên với học viên và tổ chức các bài tập tình huống. Đa số cán bộ diện Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng là những người lớn tuổi có kiến thức và kinh nghiệm quản lý trong thực tế. Tuy nhiên, trong xây dựng tình huống cần lưu ý tình huống phải thích hợp với mục tiêu bồi dưỡng. Giảng viên, báo cáo viên cần có đầu tư trong việc chuẩn bị, lựa chọn cách giảng dạy, thảo luận tình huống hướng dẫn học viên trong phân tích tình huống và lựa chọn giải pháp cho tình huống. Nếu điều khiển không tốt sẽ có những hạn chế từ phương pháp này như sự tham gia thái quá hoặc hiện tượng không tham gia của các học viên trong lớp. Điều chắc chắn rằng phương pháp tình huống dù có lợi đến đâu cũng không thể thay thế hoàn toàn phương pháp giảng truyền thống, vì vậy sự kết hợp giữa hai phương pháp này sẽ góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức.

Bốn là, xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên đủ về số lượng và có chất lượng tốt. Chất lượng công tác bồi dưỡng tuỳ thuộc rất lớn vào đội ngũ giảng viên, báo cáo viên. Vì đây là những người vừa tham gia vào quá trình biên soạn nội dung, chương trình, tài liệu, bài giảng mà quan trọng hơn trực tiếp truyền thụ kiến thức cho người học. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên của các cơ sở bồi dưỡng phục vụ cho công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý ở đồng bằng sông Hồng hiện nay cho thấy thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và không hợp lý về cơ cấu.

Năm là, đầu tư kinh phí, nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hóa các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bồi dưỡng. Việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ bản và mua sắm thiết bị của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đã từng bước được tăng cường trong những năm gần đây. Tuy vậy vẫn chưa đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu bồi dưỡng cán bộ, công chức, đặc biệt là cho các lớp tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, thành. Do vậy vẫn phải quan tâm hơn nữa việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng ngày càng tăng của các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2020

(1), (2), (3) Bộ Nội vụ: Báo cáo khung chỉ số đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, Hà Nội, 2019.

(4)  Học viện Hành chính quốc gia và Ban Quản lý dự án ADB: Khung chỉ số đánh giá chất lượng giảng viên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Hà Nội, 2019.

(5) Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - Bộ Nội vụ, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: Nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, Hà Nội, 2013.

(6) Bộ Nội vụ: Báo cáo tổng kết thực hiện Quyết định 1374/QĐ-TTg về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015.

ThS NCS Ngô Văn Hùng

Khoa Khoa học chính trị,

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền