Trang chủ    Bài nổi bật    Sáng tạo của Hồ Chí Minh trong vận dụng phương pháp luận Mácxít
Thứ hai, 24 Tháng 8 2020 16:41
4607 Lượt xem

Sáng tạo của Hồ Chí Minh trong vận dụng phương pháp luận Mácxít

(LLCT) - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn nắm vững nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và phát triển cũng như quan điểm toàn diện, lịch sử, cụ thể của chủ nghĩa duy vật biện chứng để xác định xu hướng phát triển của cách mạng Việt Nam, xây dựng đường lối và biện pháp giải quyết mối quan hệ dân tộc - giai cấp và xây dựng lực lượng cách mạng trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng CNXH. Với phương pháp nhận thức và hành động đúng đắn, sáng tạo đó, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng ta, nhân dân ta giành được thắng lợi cho cách mạng nước ta trong thế kỷ XX. Bài viết góp phần làm sáng tỏ sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong vận dụng phương pháp luận mácxít để xác định những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, phương pháp luận mácxít. 

1. Phương pháp luận được hiểu là hệ thống các nguyên lý, quan điểm (trước hết là những nguyên lý, quan điểm liên quan đến thế giới quan) làm cơ sở, có tác dụng chỉ đạo, xây dựng các phương pháp, xác định phạm vi, khả năng áp dụng các phương pháp và định hướng cho việc nghiên cứu, tìm tòi cũng như việc lựa chọn, vận dụng phương pháp. Phương pháp luận mác xít đáp ứng những đòi hỏi của nhận thức khoa học cũng như hoạt động cải tạo và xây dựng thế giới mới. Trong hệ thống các nguyên lý đó, nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển là hai nguyên lý khái quát nhất.

Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến là nguyên tắc lý luận xem xét sự vật, hiện tượng khách quan tồn tại trong mối liên hệ, ràng buộc lẫn nhau, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các mặt của một sự vật, của một hiện tượng trong thế giới. Nguyên lý này biểu hiện thông qua 6 cặp phạm trù cơ bản.

Với tính thống nhất, các sự vật hiện tượng không thể tồn tại biệt lập tách rời nhau mà tồn tại trong sự tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau theo những quan hệ xác định. Bởi vậy, liên hệ là phạm trù triết học dùng để chỉ sự quy định, sự tác động qua lại, sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các mặt của một sự vật, của một hiện tượng trong thế giới.

Nguyên lý về sự phát triển là nguyên tắc lý luận mà trong đó khi xem xét sự vật, hiện tượng khách quan phải luôn đặt chúng vào quá trình luôn luôn vận động và phát triển (vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của sự vật, hiện tượng). Nguyên lý này biểu hiện thông qua ba quy luật cơ bản (quy luật mâu thuẫn; quy luật lượng - chất; quy luật phủ định).

Áp dụng phương pháp luận duy vật biện chứng vào xem xét, giải thích các hiện tượng xã hội, các quá trình xã hội, trong đó nghiên cứu sự phát triển của xã hội loài người, với phương pháp luận duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh không những đã chỉ ra một cách khoa học nguyên nhân của sự phát triển xã hội loài người và sự thay thế nhau giữa các thời đại, các cuộc cách mạng mà còn xem đó là một tiến trình đấu tranh giải phóng của nhân loại hướng đích tới sự giải phóng ngày càng cao hơn, triệt để hơn. Trong bài viết “Chủ nghĩa Lênin và công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức”, Hồ Chí Minh đã khẳng định “Người kế tục một cách thiên tài sự nghiệp vĩ đại của Mác và Ănghen trong những điều kiện lịch sử mới là V.I.Lênin” và đã chỉ ra sự vận dụng với những cống hiến sáng tạo, cụ thể của V.I.Lênin so với C.Mác và Ph.Ăngghen(1). Cùng với việc khẳng định V.I.Lênin là người kế tục một cách thiên tài sự nghiệp của C.Mác, Ph.Ăngghen, Người cũng làm rõ những cống hiến của V.I.Lênin trên từng lĩnh vực cụ thể. Sự phân định rõ ràng như vậy cho thấy khả năng thấu hiểu của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như những hiểu biết sâu sắc của Người về phương pháp luận mácxít. Điều đó cho thấy thiên tài của Hồ Chí Minh khi phân tích chính xác và vận dụng các vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin trên cơ sở phương pháp luận mácxít. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn xem chủ nghĩa Mác - Lênin “không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng;... không phải là cái gì cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”(2)... Người chỉ rõ, trong khi nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, “Những ng­ười cộng sản các nư­ớc phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”(3) và luôn nhắc nhở những người cách mạng cần vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của nước mình.

2. Nắm vững phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã áp dụng một cách triệt để phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử về sự liên hệ và phát triển để xem xét quy luật tiến hóa trong sự vận động, phát triển của nhân loại và xác định chủ nghĩa cộng sản là một sự phát triển tất yếu của lịch sử loài người, để chỉ ra con đường và phương pháp hiện thực nhằm tự giải phóng khỏi áp bức dân tộc và xây dựng một chế độ xã hội mới hướng đến sự giải phóng triệt để và phát triển toàn diện con người. 

Chính vì vậy, khi xác định chiều hướng phát triển của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta, Hồ Chí Minh đã đặt cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trong quỹ đạo cách mạng vô sản và xác định: “Trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trong phạm vi toàn thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”(4). 

Mặt khác, vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và lịch sử để thấy rõ chiều hướng phát triển của nhân loại với những quy luật khách quan và đặt cách mạng Việt Nam trong sự vận động, phát triển chung đó để xác định hướng đi và con đường cách mạng nước ta nhưng Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận thấy tính độc lập tương đối của cách mạng Việt Nam trong quá trình vận động, phát triển với mối liên hệ, tác động qua lại với cách mạng thế giới. Đó là quan điểm cho rằng, cách mạng Việt Nam có thể thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc và sự thắng lợi đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của cách mạng ở chính quốc và cách mạng thế giới. Người viết: “Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”(5).

Vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh coi sự “thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin”(6), nhưng trên cơ sở thực tiễn của xã hội nước ta để xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Người cho rằng, trong thời đại ngày nay, kể từ sau Cách mạng Tháng Mười, cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta muốn thắng lợi triệt để phải đi theo con đường cách mạng vô sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Theo đó, Hồ Chí Minh đã vận dụng quan điểm phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo trong xây dựng lực lượng lãnh đạo cách mạng, lực lượng thực hiện cách mạng và trong việc xác định phương pháp cách mạng ở một nước thuộc địa.

Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong xây dựng lực lượng lãnh đạo cách mạng  phù hợp với điều kiện lịch sử của một nước thuộc địa với giai cấp công nhân mới hình thành còn ít về số lượng, đang trong quá trình trưởng thành, với cư dân đa số là nông dân. Vì vậy, sự hình thành của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân mà còn là sự kết hợp với phong trào yêu nước. Do đó, cùng với việc coi tiến trình tuyên truyền, vận động, tổ chức thành lập Đảng ở Việt Nam phải là một quá trình phát triển từ thấp đến cao và xác định việc tổ chức, xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản phải tuân theo những nguyên tắc chung của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những vấn đề cần phải chú ý trong xây dựng Đảng Cộng sản ở một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa trải qua quá trình hình thành và phát triển chế độ dân chủ trong tiến trình phát triển của nó và đặc biệt là khi Đảng từ một tổ chức lãnh đạo giải phóng dân tộc đã trở thành một đảng lãnh đạo xã hội - một đảng cầm quyền.  

Với quan điểm duy vật lịch sử coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và nhìn nhận sự phát triển của xã hội biểu hiện trên lĩnh vực chính trị là đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội để tập hợp lực lượng cho phù hợp, nhưng trong điều kiện thực tế của xã hội Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có quan điểm và hoạt động thực tiễn đúng đắn, sáng tạo trong việc xây dựng lực lượng thực hiện cách mạng ở các nước thuộc địa như Việt Nam.

Từ thực tiễn của Việt Nam với mâu thuẫn dân tộc và những mâu thuẫn giai cấp, Hồ Chí Minh thấy rõ mâu thuẫn dân tộc là bao trùm nhưng việc giải quyết mâu thuẫn này có liên quan chặt chẽ tới việc giải quyết các mâu thuẫn giai cấp. Với sự nhìn nhận như vậy, Người đã xác định đúng tính chất của cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc dân chủ để từ đó nêu lên quan điểm về xây dựng lực lượng cách mạng nước ta phải trên cơ sở giải quyết mâu thuẫn bao trùm. Do đó, Hồ Chí Minh cho rằng, phải lấy thống nhất thay cho loại trừ, lấy đoàn kết thay cho chia rẽ để xây dựng lực lượng cách mạng là khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở đoàn kết tất cả những người yêu nước không phân biệt giai tầng, vị trí xã hội, tín ngưỡng...

Giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc - giai cấp được thể hiện rõ trong xác định mục tiêu cách mạng khi Hồ Chí Minh chỉ ra mẫu số chung cho công cuộc giải phóng dân tộc theo khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”, “dân tộc trên hết” nhằm tập hợp tất cả lực lượng yêu nước trong nhân dân. Trong công cuộc xây dựng xã hội dân chủ mới để tiến lên CNXH nhằm giải phóng triệt để cho con người Việt Nam, Người cũng tìm ra mẫu số chung cho sự đoàn kết dân tộc là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” để tập hợp toàn thể đồng bào trong công cuộc bảo vệ và xây dựng chế độ xã hội mới.

Độc lập cho dân tộc, Tự do và Hạnh phúc cho toàn thể nhân dân không chỉ có ý nghĩa tập hợp mọi người dân Việt Nam yêu nước mà đồng thời còn là mẫu số chung, là tiêu chí phấn đấu chung của các dân tộc và tất cả các lực lượng tiến bộ đấu tranh cho độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Vì vậy, trên thực tế, với tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của chế độ mới, Hồ Chí Minh không chỉ kết hợp sức mạnh đoàn kết của dân tộc với đoàn kết quốc tế mà còn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, đặt con thuyền cách mạng của dân tộc thuận theo hướng phát triển của nhân loại, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam.   

Sự sáng tạo trên cơ sở phương pháp luận mácxít của Hồ Chí Minh còn được biểu hiện trong hệ thống quan điểm của Người về xây dựng xã hội mới ở nước ta. Trong khi xác định rõ, đi lên CNXH ở Việt Nam là quy luật chung và thuận theo chiều tiến hóa của nhân loại để hướng tới mục tiêu giải phóng triệt để đối với con người, nhưng Hồ Chí Minh cho rằng, để đi tới sự giải phóng cao hơn, triệt để hơn đối với con người Việt Nam, do đặc điểm lịch sử của mình, Việt Nam phải có “con đường riêng”(7), phải trải qua thời kỳ quá độ gián tiếp, phải “thực hiện dân chủ mới để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(8) với những bước đi và phương pháp khác với các nước khác. Người chỉ rõ: “Bước thứ nhất là đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến, thực hiện “người cày có ruộng”, xây dựng chính trị và kinh tế dân chủ mới... Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản”(9). Bởi vậy, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, một xã hội mới ở thời kỳ quá độ lên CNXH không chỉ là việc xác định khoảng thời gian nó phải trải qua dài hay ngắn, với những nhiệm vụ phải thực hiện, mà còn phải chỉ ra đúng bản chất của xã hội quá độ này khi Người xác định đó là chế độ dân chủ mới. Điều này được thấy rõ trong thiết kế xã hội dân chủ mới ở nước ta đã được Hồ Chí Minh biểu thị trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội với kinh tế dân chủ mới, chính trị dân chủ mới, văn hóa dân chủ mới và xã hội dân chủ mới... cũng như những quan niệm cơ bản về mô hình XHCN của Người.

Trên thực tế, từ phương pháp luận mácxít để nhìn nhận sự phát triển của xã hội loài người là quá trình thay thế các hình thái kinh tế - xã hội trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất và thông qua cách mạng xã hội, Hồ Chí Minh đã nhìn lịch sử nhân loại là lịch sử của quá trình đấu tranh tự giải phóng, giải phóng ngày càng cao hơn đối với con người. Trong điều kiện của một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, với những mâu thuẫn của nó, Người xác định công cuộc giải phóng con người ở Việt Nam phải tiến hành trước hết bằng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc để giải phóng con người Việt Nam về chính trị, sau đó tiến hành cuộc cách mạng XHCN để giải phóng con người Việt Nam về xã hội trên mọi phương diện khỏi sự thống trị, bóc lột và áp bức giai cấp, độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH.   

Vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức và xác định vai trò của ý thức đối với cải tạo xã hội, Hồ Chí Minh coi trọng việc giáo dục đạo đức và văn hóa đối với con người trong xây dựng xã hội mới; chỉ ra những chuẩn mực đạo đức, văn hóa cho con người trong cách mạng giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng xã hội mới - XHCN.

Cũng chính trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã hình thành phương pháp cách mạng trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, trong cả nhận thức và tổ chức hoạt động, nhằm giải quyết tất cả những vấn đề thuộc về đường lối, xây dựng lực lượng cách mạng cũng như trong xây dựng xã hội mới, xây dựng con người ở Việt Nam và những phương pháp cách mạng cụ thể, với những bước đi, hình thức biện pháp phù hợp, để đem lại thắng lợi trong cả cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới - xã hội XHCN.   

Thực tiễn của lịch sử nước ta và nhân loại trong thời gian qua càng cho chúng ta thấy rõ hơn giá trị nền tảng bền vững và mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam của tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi vậy, việc học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ việc nhận thức đúng và đầy đủ phương pháp luận mác xít, phát huy tinh thần sáng tạo Hồ Chí Minh trong tư duy và hành động, khắc phục tình trạng giáo điều, bảo thủ, trì trệ, chủ quan duy ý chí trong nhận thức và trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Có như vậy mới phát huy những giá trị nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh trong những điều kiện lịch sử mới đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng nước ta.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2020

(1) Hồ Chí Minh chỉ rõ vì V.I.Lênin đã:

(1) Đấu tranh một cách không điều hòa chống bọn cải lương và bọn xuyên tạc chủ nghĩa Mác đủ các loại, Lênin đã nâng chủ nghĩa xã hội khoa học lên một giai đoạn mới.

(2) Người đã làm phong phú chủ nghĩa Mác - vũ khí tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản, đã góp phần cống hiến lớn lao vào việc:

(a) đề ra lý luận về chuyên chính vô sản,

(*) đã phát triển nguyên lý mácxít(:)

về khối liên minh công nông,

về vấn đề dân tộc và thuộc địa,

về chủ nghĩa quốc tế vô sản,

về xây dựng và củng cố đảng vô sản kiểu mới là tổ chức duy nhất đủ sức lãnh đạo cuộc đấu tranh muôn hình muôn vẻ của giai cấp công nhân và của các dân tộc bị nô dịch.

(b) Lênin đã xây dựng lý luận mới, hoàn chỉnh về cách mạng xã hội chủ nghĩa,

(c) đã chứng minh khả năng chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi ở một nước riêng lẻ.

(d) Lênin đã giúp nhân dân lao động đang rên xiết dưới ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc hiểu một cách sâu sắc hơn(:)

(*) những quy luật phát triển của xã hội,

(**) những đòi hỏi và những điều kiện khách quan của cuộc đấu tranh chính trị trong từng giai đoạn cách mạng vô sản, của toàn bộ cuộc đấu tranh giải phóng.

(e)Người đã dạy cho quần chúng bị áp bức hiểu rõ những sự kiện hiện đại rắc rối phức tạp.

Người đã cho họ vũ khí tuyệt diệu trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng: lý luận và sách lược của chủ nghĩa bônsêvích” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 409).

(2), (3), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 95, 95, 95.

(4) Sđd, t .15, tr. 392.

(5) Sđd, t.1, tr.48.

(7) Sđd, t.5, tr. 515.

(8) Sđd, t.6, tr. 13.

(9) Sđd, t. 8, tr. 254.

PGS, TS Phạm Hồng Chương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Thị Thủy

Trường Chính trị tỉnh Bình Dương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền